Bàn luận bài thơ Lầu Hoàng Hạc dưới góc nhìn liên văn bản

Bài thơ Hoàng Hạc lâu dưới góc nhìn liên văn bản

Bàn luận bài thơ Lầu Hoàng Hạc dưới góc nhìn liên văn bản là tài liệu văn mẫu lớp 10 được VnDoc tổng hợp các bài tham khảo hay giúp các bạn học sinh hoàn thành tốt bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các bạn tham khảo.

VnDoc.com đã thành lập group chia sẻ tài liệu học tập THCS miễn phí trên Facebook: Tài liệu học tập lớp 10. Mời các bạn học sinh tham gia nhóm, để có thể nhận được những tài liệu mới nhất.

Để tìm hiểu về nội dung này thì các em có thể ghi nhớ:

- Theo lí thuyết văn học liên văn bản, bất cứ văn bản nào cũng là một liên văn bản, không phụ thuộc vào việc tác giả của văn bản có ý thức được điều đó hay không.

- Tiếp cận dưới góc nhìn liên văn bản là sử dụng cách thức đối chiếu văn bản, đặt văn bản trong một chuỗi văn bản kế tiếp nhau trong lịch sử. Mục đích của nhà nghiên cứu là tìm ra nét riêng, độc đáo của tác phẩm trong mối quan hệ liên văn bản; đồng thời thấy được dấu ấn của các bậc tiền bối trong tác phẩm đó hoặc dấu ấn của chính tác phẩm đó đó trong sáng tác của thi nhân thời sau.

Bài văn mẫu Bài thơ Hoàng Hạc Lâu dưới góc nhìn liên văn bản

Đặt bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu trong cấu trúc bài thơ Đường luật, các nhà nghiên cứu đã thấy được sự phá cách của bài thơ được xem là một kiệt tác thơ Đường. Vì vậy, nếu kể tên mười nhà thơ Đường lớn nhất chưa chắc đã có Thôi Hiệu nhưng nếu lựa chọn mười bài thơ Đường hay nhất không thể không nhắc đến “Hoàng Hạc lâu”. Từ góc nhìn liên văn bản, chúng ta sẽ có được những khám phá thú vị về bài thơ này.

Bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu có mối quan hệ liên văn bản với những thi phẩm ra đời trước nó. Trong bài viết Chất liệu nghệ thuật trong bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hạo, khi nhận xét về hai câu: “Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ /Xuân thảo thê thê Anh Vũ châu” (ở đây chúng tôi ghi theo đúng phiên âm của tác giả bài viết), Phạm Ánh Sao cho rằng: “từ góc nhìn “liên văn bản”, chúng tôi nhận ra những ký tự vẫn lờ mờ ẩn hiện trên “tấm da dê” còn chưa cạo sạch. Liên thơ này chính là hậu duệ của bốn dòng thơ trong bài Ẩm tửu của Đào Uyên Minh, trong quá trình tiến hóa đã “đứt đuôi nòng nọc” (biến mất 2 dòng cuối) và trưởng thành (từ ngũ ngôn thành thất ngôn); là anh em với Vọng Lư Sơn bộc bố của Lý Bạch, Tuyệt cú của Đỗ Phủ; là bạn bè với liên thứ hai bài Phong Kiều dạ bạc và Trừ Châu Tây Giản. Nó thuộc phạm trù Thịnh Đường, cả về tư duy thơ lẫn nghệ thuật thơ”.

Trong quyển Tác phẩm văn học trong nhà trường phổ thông một góc nhìn, một cách đọc, Phan Huy Dũng cũng khẳng định: Bài thơ “là sự kết tinh trong suốt vẻ cao diệu của loại thơ trong đó có những bài như Đằng Vương các của Vương Bột, Đăng Tổng Tì các của Sầm Tham, Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài của Lý Bạch, vì vậy, nó xứng đáng được người xưa đánh giá là một trong những bài luật thi hay nhất của đời Đường”.

Nhiều nhà phê bình đặt vấn đề so sánh Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu với Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài của Lý Bạch:

Phụng hoàng đài thượng phụng hoàng du

Phụng khứ đài không giang tự lưu

Ngô cung hoa thảo mai u kính

Tấn đại y quan thành cổ khâu

Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại

Nhị thủy trung phân Bạch lộ châu

Tổng vị phù vân năng tế nhật

Trường An bất kiến sử nhân sầu

(Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài)

Có thể thấy câu 3, “Phụng khứ đài không giang tự lưu”, bao hàm ý của hai câu 3 và 4 trong bài Hoàng-hạc Lâu của Thôi Hiệu, “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản/Bạch vân thiên tải không du du”. Tuy hai bài thơ dù có chung ba chữ cuối cùng “sử nhân sầu”, nhưng ý nghĩa không giống nhau. Tạ Quốc Tuấn phân tích trong bài viết “Lý Bạch và Hoàng Hạc lâu”: “Trong khi “sử nhân sầu” của Thôi Hiệu biểu đạt ý buồn sầu vì tưởng nhớ đến “hương quan” (quê nhà), nghĩa là mang ý niệm cá nhân, thì “sử nhân sầu” của Lý Bạch vượt xa hơn, nó mang ý niệm ái quân ưu quốc, như diễn tả trong từ “Trường an”, một từ vừa theo nghĩa đen chỉ nơi nhà Đường đóng đô, vừa theo nghĩa bóng tiêu biểu cho quốc gia dân tộc”.

Có nhiều ý kiến so sánh hơn kém giữa hai bài thơ này như: bài thơ của Lý Bạch hay hơn bài thơ của Thôi Hiệu vì đã đề cập đến một vấn đề có ý nghĩa xã hội thiết thực hơn hoặc đánh giá nội dung thơ Thôi Hiệu có tầm khái quát cao sâu hơn, nghệ thuật cũng siêu việt hơn, tình điệu thơ bay bổng, phóng túng hơn”. Tuy nhiên, đó không phải là điều trọng tâm, cái chính là chúng ta thấy được nét độc đáo của từng bài thơ, đóng góp riêng của mỗi nhà thơ. Trong bài viết “Nhân Thánh Thán bình thơ Đường”, Lê Đạt đã đi theo hướng này khi nhận xét: “Để nói cái lai láng, cái trầm buồn, Thôi Hiệu có một cách. Để nói cái tiêu sái, cái thích thảng Lý Bạch có một cách”.

Bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu không chỉ có mối liên hệ với các tác phẩm cùng thời mà nó còn để lại dấu ấn trong thơ ca thời sau. Ở Việt Nam, có rất nhiều bài thơ viết về Hoàng Hạc lâu: Du Hoàng Hạc Lâu hữu thi kí Ngô binh bộ… (Phan Huy Ích), Chu trung vọng Hoàng Hạc Lâu và Đăng Hoàng Hạc Lâu phú (Ngô Thì Nhậm), Hoàng Hạc Lâu (Nguyễn Du), Hoàng Hạc Lâu (Ngô Thì Vị),... Tất cả đều ca ngợi vẻ đẹp tuyệt vời của lầu Hoàng Hạc và phong cảnh xung quanh và mỗi người có một tâm trạng riêng gửi vào bài thơ của mình. Trong đó, bài thơ Hoàng Hạc lâu của Nguyễn Du được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến trong quan hệ liên văn bản với thi phẩm cùng tên của Thôi Hiệu:

Hà xứ thần tiên kinh kì thì

Do lưu tiên tích thử giang mi?

Kim lai cỏ vàng Lư sinh mộng

Hạc khứ lầu không Thôi Hạo thi.

Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu,

Nhân trung thảo trụ thượng y y.

Trung tình vô hạn bằng thuỳ tố,

Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.

(Bắc hành thi tập – bài 64)

Bài thơ Hoàng Hạc lâu của Nguyễn Du có những ý tứ lấy từ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu: “Hà xứ thần tiên kinh kì thì, Do lưu tiên tích thử giang mi?” (Dịch nghĩa là: Thần tiên ở đâu và trải qua bao nhiêu đời rồi, mà còn để lại dấu vết trên bến sông này?). Cả hai nhà thơ đều sử dụng rất linh hoạt các quan hệ từ đối lập ở từng hình ảnh thơ, từng dòng thơ để tạo tứ thơ riêng cho mình.

Trong công trình Thơ Đường ở Việt Nam, Ngô Văn Phú cho rằng: “Bài thơ của Nguyễn Du tỉnh hơn, nhưng đã bổ sung cùng Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu một nỗi buồn khác. Một nỗi buồn không da diết bằng, tỉnh táo hơn, lạnh lùng hơn nhưng sự chán nản với cuộc đời xem ra lại đậm đặc hơn”. Nhận xét này xem ra có phần đúng, bởi nỗi buồn đau của nhà thơ Việt Nam còn ôm trùm cả nỗi buồn nhà thơ Thôi Hiệu ngàn năm trước và không có gì chia sẻ được.

Dấu ấn Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu) còn có thể tìm thấy ngay cả trong thơ hiện đại. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa hai câu thơ cuối bài thơ: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị?/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu” với hai câu sau trong bài Tràng giang (Huy Cận):

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Mặc dù có sự gần gũi về tứ thơ nhưng hai câu thơ của Thôi Hiệu và Huy Cận lại là sản phẩm của hai tư duy thơ khác nhau, vì vậy mà mỗi bài thơ mang một nét độc đáo riêng. Phạm Ánh Sao đã phân tích rõ điều này: “Điều quan trọng ở dòng thơ này là Thôi Hạo muốn lồng khối sầu “vạn cổ” vào không gian “thủy thiên nhất sắc” thấm đẫm quan niệm thiên nhân hợp nhất đó, nhằm mục đích vũ trụ hóa nỗi sầu mang tầm vóc thời đại và có ý nghĩa muôn thuở của chủ thể trữ tình.

Đây chính là đặc điểm và phương thức trữ tình của thơ ca cổ đại, là cơ sở tri thức khiến chúng ta cảm thấy vô cùng hứng thú khi đọc câu thơ của Huy Cận: “Lòng quê rợn rợn vời con nước, không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” (Tràng giang). Tuy sử dụng Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu làm thi liệu, song về cơ bản, Tràng giang của Huy Cận đã bước qua thời cổ trung đại, chuyển sang một thời đại mới. Con người thi nhân và thi ca của ông đã thuộc về một phạm trù khác - phạm trù hiện đại. Mô thức xúc cảnh sinh tình đã không còn là đòi hỏi bắt buộc đối với ông nữa. Ông không cần phải mô tả “yên ba giang thượng” mà vẫn bộc lộ được nỗi nhớ nhà”.

Như vậy, đọc một văn bản – “Hoàng Hạc lâu” (Thôi Hiệu), người ta không chỉ biết về mỗi văn bản đó mà còn được biết/ phải biết đến nhiều văn bản khác có liên quan. Hiểu được bản chất của văn bản cũng như biết vận dụng lý thuyết liên văn bản, hẳn người dạy sẽ nhận thấy có một cơ hội lớn để làm giàu kiến thức văn học, văn hóa học, kiến thức về đời sống cho học sinh trong dạy học đọc hiểu văn bản.

Chương trình học vốn là một hệ thống chặt chẽ. Một văn bản không bao giờ xuất hiện trong chương trình một cách ngẫu nhiên. Nó là một mắt xích trong chuỗi xích, là một điểm nút trên xa lộ, kết nối với nhiều ngả đường khác nhau. Vì vậy, khám phá bài thơ “Hoàng Hạc lâu” dưới góc nhìn liên văn bản không chỉ giúp chúng ta khẳng định nét đẹp riêng biệt, độc đáo của bài thơ mà còn giúp làm giàu kiến thức văn học, văn hoá đọc cho học sinh, từ đó, làm tiền đề vững chắc cho việc đọc hiểu các văn bản khác có liên quan.

Theo Phạm Phương Hoài - Tiếng nói giáo viên

---------------------

Ngoài Bàn luận bài thơ Lầu Hoàng Hạc dưới góc nhìn liên văn bản, mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 1 lớp 10, đề thi học kì 2 lớp 10 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với tài liệu lớp 10 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt!

Đánh giá bài viết
1 60
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 10

    Xem thêm