Giải bài tập Ngữ văn lớp 10: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt

Giải bài tập Ngữ văn lớp 10

Mời các bạn học sinh tham khảo tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 10: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, VnDoc.com đã cập nhật những thông tin hữu ích nhất để phục vụ công việc học tập của các bạn học sinh được tốt hơn. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.

Lời giải hay bài tập Ngữ văn lớp 10: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt

I. KIẾN THỨC CẦN NHỚ

1. Đọc đúng giọng điệu đoạn ghi chép một cuộc hội thoại trong sinh hoạt hằng ngày (SGK, tr.132) và trao đổi với nhau về khái niệm ngôn ngữ sinh hoạt:

- Ngôn ngữ của những con người cụ thể nào? Giọng điệu từng người ra sao?

- Ngôn ngữ ấy nhằm những mục đích gì, đáp ứng những nhu cầu gì trong cuộc sống?

2. Khái niệm về ngôn ngữ sinh hoạt Ngôn ngữ sinh hoạt (còn gọi là khẩu ngữ, ngôn ngữ nói, ngôn ngữ hội thoại) là khái niệm chỉ toàn bộ lời ăn tiếng nói hằng ngày mà con người dùng để thông tin, suy nghĩ, trao đổi ý nghĩ, tình cảm với nhau, đáp ứng những nhu cầu tự nhiên trong cuộc sống.

3. Các dạng biểu hiện của ngôn ngữ sinh hoạt

- Ngôn ngữ sinh hoạt thể hiện chủ yếu ở dạng nói: (độc thoại, đối thoại), nhưng một số trường hợp có cả ở dạng viết (nhật kí, hồi ức cá nhân, thư từ).

- Ngoài ra còn có dạng lời nói bên trong, tức là suy nghĩ nhưng không nói ra, gồm các kiểu:

+ Độc thoại nội tâm: tự mình nói với mình nhưng không phát ra thành tiếng.

+ Đối thoại nội tâm: tưởng tượng ra một nhân vật nói chuyện với mình, đối đáp như một cuộc thoại.

+ Dòng tâm tư: suy nghĩ bên trong thành một chuỗi mạch lạc, trong đó có cả đối thoại và độc thoại nội tâm.

- Trong các tác phẩm nghệ thuật có dạng lời nói tái hiện, tức là dạng mô phỏng, bắt chước lời thoại tự nhiên, nhưng có sáng tạo theo các văn bản khác nhau: kịch, tuồng, chèo, truyện kể, tiểu thuyết,... (lời nói tự nhiên được biến cải theo thể loại văn bản và ý định chủ quan của người viết).

II. LUYỆN TẬP

a). Phát biểu ý kiến về hai câu tục ngữ:

- Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Câu tục ngữ nói lên vai trò quan trọng của lời nói (tức ngôn ngữ sinh hoạt) trong cuộc sống. Con người phải biết dùng lời nói một cách khéo léo, thích hợp để giao tiếp, ứng xử với nhau, tạo ra hiệu quả cao nhất trong cuộc sống cộng đồng (muốn "vừa lòng nhau" thì phải biết "lựa lời mà nói")

- Vàng thì thử lửa thử than,

Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.

Giá trị một con người thể hiện ở lời nói của con người đó: "người ngoan thử lời.". Lời nói trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá con người. Câu tục ngữ khuyên ta biết giữ gìn lời nói, nói năng đúng mực.

b) Gợi ý:

- Trong đoạn văn của Sơn Nam, ngôn ngữ sinh hoạt được biểu hiện ở dạng lời nói tái hiện, tức là dạng mô phỏng lời thoại tự nhiên, nhưng được người viết sáng tạo theo thể loại truyện thành lời nói của nhân vật Năm Hên trong tác phẩm Bắt sấu rừng U Minh Hạ.

- Việc dùng từ ngữ ở đoạn văn này khá nhuần nhị, tự nhiên, in đậm sắc thái ngôn ngữ của vùng sông rạch đồng bằng sông Cửu Long ở cực Nam của Tổ quốc, và đây là ngôn ngữ của người đứng tuổi, từng trải trong nghề bắt cá sấu, có nét dân dã, bình dị: Có vậy thôi, là xong chuyện, bà con cứ tin tôi, rượt, ngặt, phú quới, miệt, cực lòng, không nói cá sấu mà nói sấu, với Sấu lợn, Đầu Sấu, Lưng Sấu, ... Nhờ vậy, lời nói nhân vật sinh động, mang đậm phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

III. KIẾN THỨC CẦN NHỚ

Nắm được các đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. Ngôn ngữ sinh hoạt có một số đặc trưng cơ bản, rất tiêu biểu cho hành vi nói năng của con người trong cuộc sống. Các em xem lại đoạn hội thoại ở tiết học trước, nhận xét, trao đổi để rút ra những đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt có ba đặc trưng cơ bản sau đây:

a) Tính cụ thể

Dấu hiệu đặc trưng nhất của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là tính cụ thể: cụ thể về hoàn cảnh, về con người và về những cách nói năng, từ ngữ diễn đạt.

- Hoàn cảnh cụ thể: buổi trưa, khu tập thể.

- Con người cụ thể: Lan, Hùng, Hương, mẹ Hương, ông hàng xóm.

- Những cách nói năng, diễn đạt cụ thể: mỗi người nói và diễn đạt đều cụ thể bằng những từ ngữ cụ thể không giống nhau.

b) Tính cảm xúc

Dấu hiệu đặc trưng thứ hai của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là tính cảm xúc. Không có một lời nói nào nói ra lại không mang tính cảm xúc, kể cả những lúc bình thường nhất. Tính cảm xúc của ngôn ngữ sinh hoạt được biểu hiện qua giọng nói của con người trong giao tiếp với nhau:

- Giọng gọi Hương đi học của Lan, Hùng (thân mật, thúc giục).

- Giọng khuyên bảo của mẹ Hương (thân mật, yêu thương).

- Giọng trách mắng của ông hàng xóm (nói to: Gì mà âm lên thế chúng mày!...)

- Giọng thân mật trong sự trách móc (Gớm), trong so sánh (chậm như rùa,...)

c) Tính cá thể

Dấu hiệu đặc trưng thứ ba của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là tính cá thể. Lời nói là vẻ mặt thứ hai, diện mạo thứ hai của con người để phân biệt người này với người khác, người quen hay kẻ lạ, thậm chí người tốt với người xấu. Qua âm thanh và giọng nói, ta biết được giới tính, tuổi tác, địa phương, cá tính, tâm trạng,... của người nói mà không cần nhìn thấy mặt. Có nghĩa là ta biết được nét riêng, tính cá thể của từng người qua ngôn ngữ sinh hoạt của họ. C đoạn hội thoại đã nêu, chỉ nghe lời nói ta có thể nhận ra nét riêng của từng người một cách dễ dàng.

Ba đặc trưng cơ bản trên đây là những dấu hiệu để ta phân biệt phong cách ngôn ngữ sinh hoạt với các phong cách ngôn ngữ khác, như phong cách ngôn ngữ khoa học, hành chính, nghệ thuật,...

Luyện tập

Gợi ý :

a) Tính cụ thể của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt:

- Hành vi: viết nhật kí (nhật kí thể hiện rất rõ nét phong cách ngôn ngữ sinh hoạt).

- Từ ngữ: 8-3-69 ; ghi lại cụ thể sự việc đi thăm bệnh nhân về giữa đêm khuya (cảnh vật, âm thanh, và ý nghĩ của người viết).

-----------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 10: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. Để học tốt môn Ngữ văn lớp 10. Cùng chủ đề này, VnDoc.com mời bạn đọc tham khảo bài soạn văn mẫu bài Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt mà VnDoc.com đã sưu tầm, tổng hợp.

Đánh giá bài viết
1 4.478
Sắp xếp theo

    Học tốt Ngữ Văn lớp 10

    Xem thêm