Giải bài tập Ngữ văn lớp 10: Nhàn

Giải bài tập Ngữ văn lớp 10

Để học tốt Ngữ văn lớp 10, VnDoc mời các bạn học sinh tham khảo tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 10: Nhàn, chắc chắn tài liệu sẽ là nguồn thông tin hữu ích phục vụ các bạn học sinh có kết quả cao hơn trong học tập. Mời thầy cô và các bạn học sinh tham khảo.

Lời giải hay bài tập Ngữ văn lớp 10: Nhàn

I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

Trước hết, cần đọc bài thơ vài lần để có cảm nhận chung về tác phẩm. Đọc với giọng nhẹ nhàng, thong thả, thoải mái. Chú ý ngắt nhịp đúng (nhịp 4/3), riêng câu đầu ngắt nhịp 2/2/3 (Một mai/một cuốc/một cần câu), câu 3,4 ngắt nhịp 2/5.

Ta dại / ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn / người đến chốn lao xao.

Sau đó đọc kĩ Tiểu dẫn và Chú thích để nắm được tác giả, xuất xứ tác phẩm và hiểu đúng, hiểu sâu hơn bài thơ (đặc biệt chú thích (3) về điển Thuần Vu Phần ở hai câu thơ cuối).

Dưới đây là gợi ý trả lời các câu hỏi trong phần Hướng dẫn học bài:

1. Hai câu đầu

Một mai/một cuốc / một cần câu,

Thơ thẩn dầu ai/vui thú nào.

Câu 1 ngắt nhịp 2/2/3 cùng với cách dùng dùng số từ + danh từ liên tiếp (một ..., một ..., một ...) như kể ra rành rọt những dụng cụ cho một cuộc sống đã sẵn sàng: mai để đào đất, cuốc để xới đất, cần câu để bắt cá. Câu thơ đưa ta về với cuộc sống nguyên sơ, thuần hậu, tự cung tự cấp của cái thời "tạc tỉnh canh điền” (nước đào giếng, cơm cày ruộng). Cụ Trạng Trình, một bậc đại khoa mà lại về với cuộc sống như vậy thì cũng là một sự ngông ngạo trước thói đời. Ngông ngạo mà không ngang, mà cứ ung dung, thanh thản như không - nhịp điệu nhẹ nhàng, thong thả của câu 2 đã nói rõ điều đó:

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Hoàn cảnh cuộc sống là như vậy nhưng nhà thơ đã sẵn sàng chấp nhận và như còn vui, thích thú với cuộc sống đó (Dù ai có cách vui thú nào cũng mặc, ta cứ thơ thẩn giữa cuộc đời này).

2. Hai câu 3, 4

Ta dại/ ta tìm nơi Uắng Uẻ,

Người khôn/ người đến chốn lao xao.

Hai câu thơ vừa mang vẻ đẹp nhân cách, lại mang vẻ đẹp trí tuệ của một bậc hiền sĩ, thức giả. Nơi vắng vẻ đối lập với chốn lao xao, ta không người cầu cạnh ta và ta cũng không cầu cạnh người. Nơi vắng vẻ là nơi tĩnh tại của thiên nhiên và nơi thảnh thơi của tâm hồn. “Người đến chốn lao xao” là đến chốn cửa quyền, đến vòng danh lợi. Ta thấy rõ nhân cách Nguyễn Bỉnh Khiêm đối lập với danh lợi như nước với lửa. Ông còn là một bậc thức giả với trí tuệ tỉnh táo, sáng suốt - trong sự lựa chọn nơi vắng vẻ để sống, và cả trong cách nói đùa vui, ngược nghĩa, thâm trầm mà sâu sắc: nói ta dại nhưng thực chất là khôn, nói người khôn mà chính là dại. Câu thơ mang ý vị triết lý sâu xa về cách sống của con người.

3. Hai câu 5,6

Thu ăn măng trúc / đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen / hạ tắm ao.

Hai câu thơ có âm điệu nhịp nhàng, hình ảnh đẹp, lại đối nhau rất chỉnh và cân xứng, tạo nên bộ tranh tứ bình về cuộc sống đạm bạc mà thanh cao qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông của nhà hiền sĩ. Ö đây, cuộc sống đạm bạc chứ không khắc khổ. Đạm đi với thanh. Thức ăn dân dã nhưng mùa nào thức ấy (Thu ăn măng trúc, đông ăn giá), cuộc sống giữa thiên nhiên mà thanh thản, thơ mộng (Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao). Một cuộc sống thanh đạm nhường ấy dễ mấy ai đã có được như nhà thơ!

4. Hai câu thơ cuối

Rượu đến cội cây, ta sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

Hai câu thơ cuối càng khẳng định mạnh mẽ nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông xem phú quý chỉ là giấc chiêm bao như giấc mộng của Thuần Vu Phần xưa. Ở đây, với cái nhìn thông tuệ của bậc thức giả, ông tìm đến say chỉ là để tỉnh. Cuộc sống nhàn dật này là kết quả của một nhân cách, một trí tuệ. Trí tuệ nhận ra danh lợi chỉ là giấc chiêm bao, nâng cao nhân cách để nhà thơ từ bỏ chốn lao xao tìm về nơi vắng vẻ, đạm bạc mà thanh cao.

5. Lựa chọn cách hiểu đúng về quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm SGK đưa ra bốn quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hai quan niệm trên không đúng với nhà thơ. Với ông, quan niệm sống nhàn là:

- Xa lánh nơi quyền quý để giữ cốt cách thanh cao của nhà hiền sĩ.

- Hòa hợp với tự nhiên, về với tự nhiên để di dưỡng tinh thần. Đó là quan niệm sống nhàn tích cực của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đặt trong hoàn cảnh xã hội phong kiến có những biểu hiện suy vi về đạo đức lúc bấy giờ, một quan niệm sống nhàn như vậy thật đáng trân trọng. Đó là chưa kể ông nhàn thân mà không nhàn tâm, nhàn mà vẫn canh cánh một niềm ưu ái với nước, với dân như trong phần Tiểu dẫn đã nói rõ.

6. Nêu cảm nhận chung về cuộc sống, nhân cách Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn Các em có thể tổng hợp các phần phân tích trên đây để nêu cảm nhận của mình về nhà thơ. Gợi ý:

- Cuộc sống đạm bạc mà thanh cao.

- Nhân cách cao cả, vượt lên trên danh lợi.

- Trí tuệ tỉnh táo, sáng suốt, sâu sắc. Đó là cuộc sống, nhân cách, trí tuệ cao đẹp của một bậc hiền sĩ, thức giả, của một nhà thơ lớn mang cốt cách một nhà hiền triết phương Đông.

II. LUYỆN TẬP

Dựa vào các phần phân tích 6 câu hỏi trên đây, các em tổng hợp lại để rút ra hai điểm:

- Vẻ đẹp cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ.

- Vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ (qua quan niệm sống nhàn).

---------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 10: Nhàn. Để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10. Cùng chủ đề này, VnDoc.com mời bạn đọc tham khảo bài soạn văn mẫu bài Nhànđọc lại bài Nhàn mà VnDoc.com đã sưu tầm, tổng hợp.

Đánh giá bài viết
1 358
Sắp xếp theo

    Học tốt Ngữ Văn lớp 10

    Xem thêm