Kỹ năng soạn giáo án và viết mục tiêu cho bài học
Hướng dẫn viết mục tiêu khi soạn giáo án
Kỹ năng soạn bài gồm nhiều kỹ năng bộ phận, có mối quan hệ mật thiết với nhau. Kỹ năng soạn giáo án tốt sẽ giúp giáo viên hình thành tư duy thiết kế bài giảng và có những tiết dạy thành công.
Hiện nay, 4 trụ cột của giáo dục Việt Nam và thế giới trong thế kỷ 21 là mục tiêu phát triển đó là:“Học để biết; học để làm; học để tự khẳng định và học để cùng chung sống”. Theo quan điểm hoạt động: Dạy học là một quá trình điều khiển hoạt động học tập của học sinh nhằm thực hiện các mục tiêu dạy học. Xuất phát từ nội dung bài học ta cần phát hiện những hoạt động liên hệ với nội dung đó, rồi căn cứ vào mục tiêu bài học mà chọn ra một số hoạt động cho học sinh thực hiện nhằm phát hiện những kiến thức mới. Các hoạt động nghiên cứu này đều cần cho một bài soạn 1 tiết lên lớp.
Bài soạn là kế hoạch của giáo viên để dạy từng tiết học, nó thể hiện một cách sinh động mối liên hệ hữu cơ giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp và điều kiện học tập. Vì vậy đề nâng cao chất lượng đào tạo dạy học cho giáo viên, cần hình thành kỹ năng soạn bài cho họ. Kỹ năng soạn bài gồm nhiều kỹ năng bộ phận, có mối quan hệ mật thiết với nhau bao gồm:
- Kỹ năng xác định mục tiêu bài dạy.
- Kỹ năng xác định loại bài dạy, nội dung và cấu trúc bài.
- Kỹ năng xác định nguồn gốc thông tin phục vụ cho hoạt động dạy học(tài liệu tham khảo).
- Kỹ năng xác định chiến lược hoạt động dạy học cho phù hợp(phương pháp dạy học).
Xác định loại bài dạy, nội dung và cấu trúc bài dạy
1.1.Các lĩnh vực học tập.
Có 3 lĩnh vực học tập chính là: Kiến thức, kĩ năng, thái độ.
Kiến thức:“Là thông tin được chứa trong não”. Các thông tin này có thể bao gồm: Sự kiện thực tế; khái niệm; nguyên lý; quy trình; quá trình; cấu trúc,...
Kĩ năng: Là:"Hoạt động quan sát được và những phản ứng mà một người thực hiện nhằm đạt được mục đích".
Thái độ: Là cảm nhận của con người và ứng xử của họ đối với một công việc, những thái độ biểu hiện có thể có tính chất cá nhân(thói quen) hoặc hành vi liên cá nhân. Có 2 loại thái độ: Thái độ không quan sát được và thái độ quan sát được
1.2. Nhận dạng các bài dạy.
Nhận dạng đúng các loại bài dạy cho phép người giáo viên có khả năng lựa chọn đúng các phương pháp và kỹ thuật dạy học chuyên biệt và thích hợp trong từng tình huống dạy học cụ thể.
Dựa theo các lĩnh vực học tập, có các loại bài dạy sau:
- Bài dạy lý thuyết hoặc kiến thức: Bao gồm các bài: Sự kiện thực tế, khái niệm, nguyên lý, quy trình, quá trình;
- Bài dạy thực hành hoặc dạy kỹ năng;
- Bài dạy thái độ;
- Dạy các thái độ không quan sát được: Cảm nhận, giá trị, lòng tin, động cơ.
- Dạy các thái độ quan sát được: Hành vi cá nhân, ngoại hình, thói quen, phong cách, cách cư xử.
1.3. Biên soạn giáo án, bài giảng lý thuyết:
1.3.1. Cấu trúc một bài dạy lý thuyết.
Một bài dạy lý thuyết và cả bài dạy thực hành, bài dạy tích hợp đều thường có cấu trúc ba phần như sau:
Phần mở bài:
Ta có thể sử dụng các chữ viết tắt G-L-O-S-S theo tiếng Anh để dễ nhớ những yêu cầu chính đối với phần mở bài.
G(Get attention) làm cho HS, SV quan tâm, chú ý và tham gia:
Nêu lên một sự kiện bất thường liên quan đến chủ đề bài dạy.
- Đưa ra một vài con số thống kê;
- Chiếu một hình đầy kịch tính trên phim trong OHP;
- Hỏi một câu hỏi,....
L(Link with experiences) gắn với những gì mà HS, SV đã kinh qua, các HS, SV có thể:
- Trước đây đã học những nội dung, chủ đề này rồi;
- Có kiến thức và các kỹ năng thích hợp mà họ đã thu được qua kinh nghiệm của bản thân.
O (Outcomes) Các kết quả của bài dạy:
Phần mở bài phải làm cho HS, SV biết rõ ràng:
- Họ sẽ làm gì trong tiến trình bài dạy;
- Họ sẽ làm được hay biết được điều gì mới sau khi kết thúc bài dạy.
S (Structure) cấu trúc của bài dạy:
HS, SV muốn biết về các hoạt động hay công việc và trình tự họ phải thực hiện chúng trong suốt bài dạy để họ có thể tự chuẩn bị về mặt tinh thần.
S (Stimulation) kích thích động cơ học tập:
Mô tả xem nội dung này có thể giúp giải quyết một vấn đề thực tiễn như thế nào;
- Liên hệ chủ đề này với các lĩnh vực, chủ đề khác;
- Phá vỡ tảng băng;
- Khái quát xem nội dung này quan trọng thế nào đối với việc thực thi công việc;
- Sử dụng các bài đố vui, đố chữ để thúc đẩy các kỹ năng nghe, nhớ, hiểu,...
Phần thân bài:
Đây là phần chính với phần lớn các hoạt động của bài dạy được GV và HS, SV thực hiện. Thường có hai loại bài dạy khác nhau cơ bản là:
- Các bài dạy thực hành hay còn được gọi là các bài học kỹ năng.
- Các bài dạy lý thuyết hay còn được gọi là các bài học thông tin.
Mỗi loại bài dạy trên có cấu trúc khác nhau chủ yếu là ở phần thân bài.
Phần kết luận:
- Tóm tắt lại nội dung;
- Nêu bật các điểm chính;
- Cô đọng nội dung dưới dạng dễ ghi nhớ được;
- Mời HS, SV nêu quan điểm;
- Cho phép và tạo điều kiện để có ý kiến phản hồi hai chiều;
- Cho biết những điểm thành công của HS, SV;
- Gợi ý gắn với các bài dạy sau.
1.3.2. Biên soạn giáo án, bài giảng thực hành:
* Cung cấp thông tin và các kiến thức cần thiết về kĩ năng: Giáo viên cung cấp những thông tin có liên quan để người học hiểu rõ về vị trí, vai trò và sự cần thiết phải học kĩ năng.
* Các hoạt động thực hành cho một kĩ năng:
- Trình diễn kĩ năng cho đến khi HS nắm rõ kĩ năng đó;
- Cho HS thực hành từng bước cho đến khi họ thực hiện đúng quy trình ;
- Cho HS thực hành có hướng dẫn cho đến khi họ thực hiện an toàn ;
- Cho HS thực hành độc lập cho tới khi họ thành thạo.
* Định kỳ sau khi dạy xong một kĩ năng, cần:
- Bố trí thực hành định kỳ với từng kĩ năng cho đến khi học sinh thực hiện kĩ năng đó như một thói quen;
- Bố trí các bài tập tổng hợp dự án hoặc giải quyết vấn đề trong đó có sử dụng nhiều kĩ năng cho đến khi học sinh tự tin.
Viết mục tiêu thực hiện cho bài dạy
Để đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hoá người học, đòi hỏi đầu tiên đối với người giáo viên là thay đổi nhận thức và thay đổi cách viết mục tiêu bài dạy.
Khái niệm về mục tiêu bài dạy (Mục đích khác mục tiêu ở chỗ nào?).
Mục tiêu bài dạy là tuyên bố về những gì học sinh phải hiểu rõ, phải nắm vững, phải làm được sau bài dạy. Mục tiêu dạy học cần được viết dưới góc độ người đọc để nhấn mạnh kết quả cuối cùng của bài dạy là ở phía các học sinh chứ không phải ở phía giáo viên. “Mục tiêu thực hiện là một lời phát biểu mô tả kết quả thực hiện đã dự định của học sinh vào cuối buổi dạy”.(Robert F. Mager, 1994)
“Mục đích” và “Yêu cầu” của bài dạy thông thường chúng ta hiểu:"Mục đích" là điều mà người giáo viên mong muốn về kết quả khái quát của bài dạy đối với học sinh. Còn“Yêu cầu” là điều mong muốn học sinh phải đạt được trong quá trình dạy cho tới khi kết thúc bài học một cách cụ thể, quan sát và đo lường đánh giá được. Viết đúng được“Mục đích” và “Yêu cầu” bài dạy thật không dễ dàng chút nào. Hiện nay phần lớn các giáo án chuyển sang viết mục tiêu: Kiến thức, kỹ năng, thái độ đó là cái mà học viên phải đạt được sau khi kết thúc bài học.
Cách viết mục tiêu bài dạy lý thuyết.
Để viết được mục tiêu bài dạy lý thuyết chúng ta cần nắm vững những mức độ khác nhau của việc nắm vững kiến thức. Một phân loại mục tiêu giáo dục phổ biến được nhiều người sử dụng là 6 mức độ về kiến thức do B. J. Bloom(Cognitive – Knowledge) đề xuất như sau:
Trình độ | Định nghĩa | Sự thực hiện để đánh giá |
1. Biết | - Nhận lại được sự kiện. - Nhận biết được sự vật. | Ví dụ: Có thể nhắc lại được định luật Ôm. Sự thực hiện: Nhắc lại, định nghĩa ghi chép lại, liệt kê, nhớ lại, gọi tên,... |
2. Thông hiểu | Trình bày được nội dung các sự kiện, tính chất đặc trưng của sự vật. | Ví dụ: Cho U và I có thể làm được R. Sự thực hiện: Mô tả, giải thích, diễn đạt, báo cáo, sắp xếp, tính toán... |
3. Vận dụng | - Vận dụng một kiến thức để hiểu một kiến thức khác phức tạp hơn. - Vận dụng trường hợp chung vào trường hợp riêng. | Ví dụ: Vận dụng định luật Jun-Lenz để hiểu nguyên lý làm việc của động cơ điện. Sự thực hiện : Thể hiện, ứng dụng, trình diễn, minh hoạ, bố trí... |
4. Phân tích | Vận dụng các nguyên lý để tìm hiểu, nhận thức các sự kiện, sự việc, trường hợp riêng. | Ví dụ: Phân tích mạch điện của một máy thu thanh. Sự thực hiện: Phân tích, phân hoá, phân loại, đánh giá, so sánh, tính toán... |
5. Tổng hợp | Vận dụng các nguyên lý vào các trường hợp riêng lẻ để trình bày 1 kết luận chung hoặc 1 giải pháp mới. | Ví dụ: Tổng hợp các số liệu để viết một báo cáo hoặc thiết kế một sơ đồ... Sự thực hiện: Soạn thảo, tổng kết, lập kế hoạch, thiết kế, bố trí, thiết lập... |
6. Đánh giá | Vận dụng các nguyên lý để phân tích, tìm hiểu và so sánh một giải pháp( kết cấu, quy trình...) với các giải pháp khác đã biết. | Ví dụ: Đánh giá một phương án thiết kế, một kế hoạch, một kết cấu máy... Sự thực hiện: Đánh giá, xếp hạng, so sánh, chọn lựa, định giá, cho điểm. |
Mục tiêu bài dạy lý thuyết phải viết dưới góc độ người học và bắt đầu bằng một động từ hành động tương ứng với các cấp độ nắm vững kiến thức và có bổ ngữ làm rõ nghĩa cho động từ đó.
Ví dụ: Khi dạy bài lý thuyết“Điện trở” nằm trong môđun“Linh kiện điện tử” của nghề “Sửa chữa điện tử dân dụng”. Mục tiêu bài dạy ở cấp độ thấp theo B.J. Bloom có thể được viết như sau:
- Kiến thức: Trình bày được tên và loại của tất cả các điện trở khác nhau có trong một sơ đồ mạch điện bất kỳ, sai số cho phép không quá 1%.
- Kỹ năng: Đọc được đúng trị số của bất kỳ linh kiện điện trở nào có chỉ thị trị bằng độ bằng vạch mầu trong thời gian không quá 30 giây.
- Thái độ: Tôn trọng các thông số kỹ thuật theo qui định.
Cách viết mục tiêu cho bài dạy thực hành:
Để viết được mục tiêu bài dạy thực hành chúng ta cần nắm vững những mức độ khác nhau của việc hình thành kĩ năng. Theo Harrow có 5 mức độ hình thành kĩ năng (Psychomotor):
Trình độ | Định nghĩa | Sự thực hiện để đánh giá |
1. Bắt chước | Quan sát và làm rập khuôn được. | Làm theo được. Ví dụ: Tháo lắp được quạt máy theo sự hướng dẫn của thầy giáo hoặc sách. |
2. Làm được | Biết cách làm và tự làm được. | Hoàn thành được công việc nhưng với sai sót nhỏ, chuẩn thấp. Ví dụ: Lái được xe những chưa thành thạo, còn cần thầy ngồi kèm. |
3. Chính xác | Thực hiện một cách chính xác | Hoàn thành được công việc không có sai sót, đạt chuẩn quy định. Ví dụ: Lái được xe đi một mình. |
4. Phối hợp | Thực hiện một cách chính xác công việc và có phần sáng tạo. | Hoàn thành được công việc đạt chuẩn Ví dụ: Máy một cái áo đạt chuẩn chất lượng qui định và vượt năng suất do hợp lý hoá thao tác. |
5. Thuần thục | Thực hiện công việc chính xác với tốc độ cao, thuần thục. | Hoàn thành công việc một cách thuần thục đạt vượt chuẩn. Ví dụ: Phanh ô tô kịp thời khi gặp chướng ngại đột xuất. |
Một mục tiêu bài daỵ thực hành cũng gồm: Kiến thức, kỹ năng, thái độ. Mục tiêu kỹ năng thường bao gồm đầy đủ 3 cấu phần là: “Điều kiện”, “Sự thực hiện”, “Tiêu chuẩn đánh giá”.
Các mức độ về thái độ (Attitudes):
Mức độ | Định nghĩa | Sự thực hiện để đánh giá |
1. Tiếp nhận | Lắng nghe. | Ví dụ: Lắng nghe về an toàn điện. |
2. Đáp ứng | Lắng nghe và có phản ứng để hiểu rõ; chấp hành. | Ví dụ: Chấp hành về quy định an toàn điện. |
3. Đánh giá thừa nhận | Lắng nghe và có phản ứng với quan điểm của mình. | Ví dụ: Lắng nghe giảng về an toàn điện và thừa nhận bảo vệ an toàn lao động là cần thiết. |
4. Tổ chức thực hiện | Đưa ra các quan điểm về chính mình. | Ví dụ: Công nhận các tình huống về an toàn điện và cam kết thực hiện. |
5. Đặc trưng hoá | Thực hiện tốt các đặc trưng thực tế với hoàn cảnh của chính mình một cách tự giác. | Ví dụ: Thường xuyên có ý thức thực hiện trong điều kiện thực tế một cách đúng đắn. |