Lưu ý tư thế ngồi học đúng cách khi học online
Rèn tư thế ngồi học đúng cách cho con khi học online tại nhà
VnDoc mời các bạn cùng tìm hiểu bài viết Lưu ý tư thế ngồi học đúng cách khi học online tại nhà.
Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và bùng phát tại nhiều tỉnh thành khác nhau trên khắp cả nước, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh cũng như tuân thủ công tác phòng tránh dịch thì học sinh phải học trực tuyến tại nhà. Trong quá trình học online tại nhà thì hầu hết các em đều hạn chế tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, sử dụng nhiều thiết bị điện tử để học tập, do quá trình học kéo dài ngồi học không đúng tư thế nên có nguy cơ cận thị và gù lưng. Vậy làm sao để giúp trẻ chống cận thị và gù lưng trong mùa dịch? Trong bài viết này VnDoc sẽ chỉ rõ những nguy cơ gia tăng bệnh cận thị, gù lưng ở trẻ để các bậc phụ huynh hiểu hơn về tác hại đồng thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ hữu ích.
Nguy cơ gia tăng bệnh cận thị và gù lưng ở trẻ
Do học trực tuyến, trẻ tập trung chú ý, nhìn lâu vào màn hình điện thoại, máy tính, tivi khiến đôi mắt rất dễ rơi vào tình trạng nhức mỏi, đỏ, khô ngứa… Bên cạnh đó, còn do tác hại của việc chiếu sáng kém hoặc quá nhiều, kèm với các tia phản xạ từ màn hình của các thiết bị điện tử.
Đặt thiết bị học trực tuyến không đúng vị trí, sai khoảng cách làm cho trẻ căng thẳng, mệt mỏi, gây đau nhức ở cổ và vai, mỏi mắt, kích ứng mắt, mờ mắt, khô mắt và nhức đầu.
Trẻ ở nhà tiếp xúc nhiều với máy tính, tivi, điện thoại… ít được vận động, khoảng cách nhìn hạn chế, ngồi học sai tư thế.
Mặt khác, trẻ ở trong nhà với không gian hẹp quá lâu, tầm nhìn ngắn cũng khiến thị lực không còn như trước. Trong khi đó, ánh sáng tự nhiên và hoạt động thể chất bên ngoài đóng vai trò quan trọng đối với tình trạng sức khỏe của mắt, đặc biệt ở trẻ 7-9 tuổi và 12-14 tuổi.
4 việc nên làm để phòng tránh cận thị, gù lưng ở trẻ
Thứ nhất, bảo đảm ánh sáng và kích thước bàn ghế ngồi học cho trẻ. Bàn ngồi học phải có đủ ánh sáng, tốt nhất là có đủ ánh sáng tự nhiên. Kích thước bàn ghế phải phù hợp với độ cao của trẻ. Tỉ lệ chiều cao của bàn và ghế phải tương xứng để khi ngồi, khuỷu tay của trẻ ngang với mặt bàn, hai mặt bàn chân bám mặt đất, ngồi thoải mái trên ghế.
Thứ hai, đặt tivi, máy tính, điện thoại với chiều cao và khoảng cách phù hợp. Đặt các thiết bị điện tử học trực tuyến với chiều cao màn hình phù hợp, không cao quá hay thấp quá. Khoảng cách từ mắt đến màn hình điện thoại thông minh, máy tính bảng trong khoảng 35-40cm; tivi, máy tính với khoảng cách bằng hai lần độ dài đường chéo màn hình. Có thể kiểm tra khoảng cách từ mắt đến màn hình máy tính bằng chiều dài của một cánh tay là phù hợp.
Thứ ba, rèn luyện cho trẻ ngồi học đúng tư thế. Ngồi học đúng tư thế không chỉ giúp viết chữ đẹp mà còn có lợi cho sự phát triển bình thường của cột sống và bảo vệ thị lực cho trẻ. Khi ngồi viết, trẻ phải ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, không tì ngực vào cạnh bàn, đầu hơi cúi, hai mắt cách mặt vở từ 25-30cm.
Cánh tay trái đặt trên mặt bàn bên trái vở, bàn tay trái tì vào mép vở giữ vở không xê dịch khi viết; cánh tay phải cùng ở trên mặt bàn. Với cách để tay như vậy, khi viết, bàn tay và cánh tay phải có thể dịch chuyển thuận lợi từ trái sang phải dễ dàng. Phụ huynh cần thường xuyên để ý đến tư thế ngồi học của trẻ, nếu sai phải kịp thời nhắc nhở để trẻ có ý thức rèn luyện.
Thứ tư, hướng dẫn trẻ tập thể dục cho mắt. Tập thể dục cho mắt bằng cách nhìn ra từ cửa sổ, ban công, đặc biệt nhìn ra xa các khoảng xanh sẽ làm giảm nguy cơ cận thị tăng độ.
Dành ít nhất một giờ mỗi ngày cho trẻ hoạt động thể chất ngay tại nhà, rời xa máy tính, tivi hoặc điện thoại. Việc dành thời gian giúp trẻ hoạt động thể chất ngay tại nhà đòi hỏi sự kiên trì của các phụ huynh.
Cha mẹ cũng nên hướng dẫn con áp dụng quy tắc nghỉ ngơi 20 giây sau 20 phút sử dụng màn hình điện tử và hướng ánh mắt nhìn đi nơi khác ở khoảng cách hơn 20m.
Bên cạnh đó, thường xuyên nhắc trẻ chớp mắt khi nhìn vào màn hình quá lâu và cần cho trẻ ăn các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A.