Phân tích đoạn trích Sau phút chia ly của Đoàn Thị Điểm

Bài văn mẫu dưới đây với đề tài: Phân tích đoạn trích Sau phút chia ly của Đoàn Thị Điểm là tài liệu văn mẫu THPT được VnDoc sưu tầm và đăng tải. Hi vọng, tài liệu này sẽ giúp ích cho quá trình dạy và học của quý thầy cô giáo và các em học sinh, giúp những tiết học Văn sinh động và hiệu quả hơn. Mời các bạn tham khảo.

Bài văn mẫu 1: Phân tích đoạn trích Sau phút chia ly

"Sau phút chia ly" trích Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn là khúc ngâm cứa sâu vào lòng người đọc nhiều nỗi niềm xót xa. Có người cho rằng đoạn trích này là của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, nhưng có người lại nói của Phan Huy Ích. Tuy nhiên của nhà thơ nào thì nó vẫn là những áng thơ phản ánh chân thực, sâu sắc nhất tình cảnh lẻ loi, đơn độc của người phụ nữ khi có chồng ra trận. Đoạn trích này thực sự đã lột tả được tình cảnh thê lương của những cặp vợ chồng trẻ trong năm tháng chiến tranh ác liệt.

Thời kì phong kiến, có nhiều cuộc chiến tranh phi nghĩa diễn ra đã lôi kéo rất nhiều người vào vòng xoáy này. Cuộc sống cơ cực, nỗi chia ly, tan tác cứ triền miên không có lối thoát. Khúc ngâm này chính là tiếng khóc ai oán của người chinh phụ khi có chồng ra trận mà không hẹn ngày về. Với những đặc trưng của thể ngâm cũng như của thơ Nôm, tác giả đã lột tả được diễn biến tâm lí một cách sâu sắc nhất.

Ngay từ những câu thơ đầu đã nói lên tình cảnh chia ly đầy đau đớn và xót xa của đôi vợ chồng trẻ. Tác giả đã diễn tả một cách chân thực, sâu sắc tâm trạng u sầu này:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh

Chỉ với 4 câu thơ nhưng đã khắc họa rõ nét tâm trạng của người vợ trẻ sau khi tiễn chân chồng ra trận. Một tình cảnh đối lập, khắc nghiệt đến tái tê được gợi lên trong không gian dài và rộng, sâu và xa. Chàng và thiếp, mỗi người một ngả, mỗi người một nơi. Biện pháp tương phản được tác giả sử dụng một cách khéo léo. Là vợ chồng trẻ, gắn bó mặn nồng với nhau nhưng lại chia ly đau lòng nhưng chỉ biết câm nín.

Phân tích đoạn Sau khi chia liCụm từ "cõi xa mưa gió" giàu sức gợi tả, không chỉ là mưa gió của thiên nhiên khắc nghiệt mà có lẽ còn để diễn tả sự khốc liệt của chiến trang ngoài kia. Đối lập với "cõi xa mưa gió" là "buồng cũ chiếu chăn" người vợ trở về. Một bên khốc liệt, một bên cô đơn, lẻ bóng đến tái tê lòng. Tình cảnh đối lập, không gian đối lập đó cứa vào lòng người nỗi thương xót tột cùng.

Người vợ trẻ còn "đoái trông theo" nhưng không gian mênh mông, chỉ thấy cách biệt, không thấy tương phùng. Chữ "đoái" như nặng nề và da diết khi phải chứng kiến cảnh biệt li như vậy. Ở câu thơ cuối, tác giả dùng từ "tuôn" như tạo điểm nhấn cho đoạn trích. Nó vừa diễn tả chiều dài, vừa diễn tả chiều rộng. Màu xanh của đất trời bao phủ lấy không gian chia ly tan tác này. Màu xanh khiến cho lòng người thêm nặng nề và u sâu hơn.

Nỗi nhớ thương đau đáu được diễn tả ở cấp bậc cao hơn ở những câu thơ tiếp theo:

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng

Nghệ thuật đối lập tiếp tục được tác giả sử dụng triệt để: Chốn hàm dương><bến tiêu tương, chàng còn ngoảnh lại><thiếp hãy trông sang. Cùng với biện pháp đảo trật tự cú pháp thì biện pháp tương phản càng gợi nên sự chia li, cách trở đến não nề. Hơn nữa, việc mượn các địa danh phần nào nhắc đến cuộc chiến tranh phi nghĩa đã gây ra bao li tán, loạn lạc. Sự xa xôi cách trở về mặt địa lý đã khiến cho nỗi nhớ cứ chồng chất muôn trùng... hạnh phúc trở nên mong manh và xa xôi quá. Ở khổ thơ này, tác giả đã gián tiếp lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa đã gây ra bao ai oán, bao tiếng khóc, bao đau xót đáng nhẽ không xảy ra.

Đặc biệt ở khổ thơ cuối thì nỗi đau càng trở nên quặn thắt và não nề hơn:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Nhịp thơ biến đổi linh hoạt như lòng rối như tơ vò của người chinh phụ vò võ một mình nơi buồng chiếu cô đơn, gối chiếc. Người chồng đã đi xa cách biệt, ngoảnh lại trông theo sao chẳng thấy. Màu xanh của ngàn dâu đã che mờ đi hình dáng của người chinh phu ấy. Nghe sao thê lương, nghe sao nhói lòng đến thế. Người ở cứ dùng dằng, cứ nhớ mong đằng đẵng triền miên đến như vậy.

Tứ thơ ở 4 câu này được viết theo kết cấu vòng tròn như tăng tiến thêm nỗi nhớ, nỗi mong đau đáu của người ở lại. Màu xanh vốn là màu của hi vọng nhưng trong câu thơ này nó lại là màu của li biệt, của đau thương, của những chuyện chẳng lành.

Câu hỏi tu từ ở cuối đoạn trích như dao cứa "Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?" Hỏi người nhưng cũng là tự hỏi bản thân mình. Hỏi người có sầu hơn không nhưng câu thơ lại không có ý so sánh ai sầu hơn ai. Dường như nó chỉ muốn nhấn mạnh rằng nỗi sầu thương đã rơi vào bế tắc đến cùng cực mà thôi.

Đoạn trích "Sau phút chia ly" đã khắc họa được diễn biến tâm lí của người ở lại khi phải chứng kiến cảnh chồng ra trận không hẹn ngày về. Qua đó tác giả tố cáo chiến tranh phi nghĩa đẩy con người vào tình cảnh đó.

Bài văn mẫu 2: Phân tích đoạn trích Sau phút chia ly

Trong cuộc đời con người, khi phải chia tay tiễn biệt - người thân, hoặc bạn bè - ai mà chẳng buồn rầu. Trong các cuộc chia tay, đưa tiễn, có lẽ cuộc tiễn đưa người thân ra trận để lại trong lòng người nhiều nỗi buồn lo nhất. Tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc đã ghi lại cuộc chia tay như thế và hơn thế là: người chồng ấy ra đi không phải vì dân vì nước mà vì quyền lợi của giai cấp thống trị, ra đi để đàn áp những cuộc khởi nghĩa của nông dân ở nửa đầu thế kỉ XVIII trong xã hội phong kiến Việt Nam. Do đó, khi tiễn chồng ra đi, người vợ đã vô cùng buồn lo, sầu muộn.

Đoạn trích Chinh phụ ngâm khúc mà chúng ta được dọc trong sách Ngữ văn 7, tập một chính là một cuộc chia li ngập tràn nỗi buồn lo sầu muộn đó:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

...

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Điều đầu tiên ta cần lưu ý là: Tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc do ông Đặng Trần Côn sáng tác (khoảng năm 1741 - 1742) bằng chữ Hán, theo thể thơ tự do cổ điển. Sau đó, tác phẩm được một nữ sĩ cùng thời là bà Đoàn Thị Điểm dịch sang tiếng Việt (viết bằng chữ Nôm), theo thể thơ song thất lục bát. Song thất lục bát là thể thơ do chính người Việt Nam chúng ta sáng tạo ra. So với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú và lục bát, thơ song thất lục bát có nhạc tính phong phú hơn. GS. Phan Ngọc từng nhận xét: "Cần phải có hình thức ấy, tình cảm mới có thể mang hình thức một đợt sóng đi lên với hai câu thất, dừng lại ở câu lục ngắn gọn để toả ra trong câu bát dài nhất rồi lại vươn lên trong một khổ mới, cứ thế, đợt sóng tình cảm lên xuống ăn khớp với hình thức của ngôn ngữ".

Tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc là một bài thơ song thất lục bát, dài tới 408 câu đã thể hiện muôn vàn đợt sóng tình cảm của người chinh phụ - người vợ có chồng ra trận. Đoạn thơ trích nói trên tập trung thể hiện tình cảm hai vợ chồng trong những ngày đầu chia li. Đoạn thơ gồm ba khổ song thất lục bát, mười hai câu thơ, mỗi khổ ghi lại một cung bậc tình cảm. Khổ thơ thứ nhất:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.

Ghi cảm xúc phút đầu chia li. Tác giả dùng nghệ thuật đối lập: Chàng thì đi... thiếp thì về, miêu tả thật chính xác cảnh hai vợ chồng, hai phương trời đối nghịch mỗi lúc một cách xa nhau. Chồng đi vào cõi xa mưa gió biết bao gian khổ. Còn vợ thì buồng cũ chiếu chăn, sống cảnh đơn độc, vò võ, mòn mỏi với những đồ vật cũ kĩ, tàn tạ. Sự ngăn cách đã là sự thật khắc nghiệt. Nỗi sầu chia li nặng nề tưởng như phủ lên màu biếc của trời mây, trải vào màu xanh của núi ngàn. Các động từ "tuôn", "trải" kết hợp hình ảnh mây biếc, núi xanh gợi lên cái mênh mang, nét vần vũ, quằn quại của thiên nhiên vũ trụ khiến nỗi buồn chia li thêm da diết, rộng lớn tưởng đến không cùng. Nỗi buồn chia li tăng dần, trở thành nỗi sầu muộn dâng lên tràn ngập cả cõi lòng kẻ ở người đi.

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Những địa danh Hàm Dương, Tiêu Tương không phải dùng để tả thực mà chỉ mang ý nghĩa tượng trưng cho hai vị trí xa cách của đôi vợ chồng. Ở khổ thơ thứ hai này, cũng vẫn bằng cách nói tương phản "Chàng còn ngoảnh lại... Thiếp hãy trông sang" phối hợp cách điệp từ và đảo vị trí của hai địa danh "Chốn Hàm Dương - Bến Tiêu Tương, Bên Tiêu Tương - Cây Hàm Dương", tác giả muốn chia đều cảm xúc của hai người, nhấn mạnh nỗi sầu xa cách. Tình cảm buồn thương, nhung nhớ cứ tăng dần, tăng dần.

Điều đó cho thấy sự chia li ở đây là chia li về cuộc sống và thể xác, còn trong tình cảm, tâm hồn hai vợ chồng ấy vẫn gắn bó thiết tha. Họ vẫn hướng về nhau, dõi theo, để tìm nhau, nhìn thấy nhau. Nhưng càng hướng về nhau thì không gian, thời gian càng đẩy họ xa nhau. Ở đoạn trên chỉ là "cách ngăn" đến đây sự cách ngăn thành "cách mấy trùng". Do đó, lời thơ không chỉ biểu hiện nỗi sầu chia li mà còn nhấn mạnh sự oái oăm, nghịch chướng: gắn bó mà phải chia xa, càng dõi nhìn nhau, càng không thấy nhau... Đến khổ thơ thứ ba thì nỗi sầu chia li, cảnh nghịch chướng càng tăng thêm nữa:

Càng trông lại mà càng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Ở đoạn này, nghệ thuật đối nghịch được bổ sung bằng những điệp từ, điệp ngữ rất ấn tượng : cùng, thấy, xanh xanh, xanh ngắt, ngàn dâu,... Ở trên, ít ra còn có tên hai địa danh Hàm Dương và Tiêu Tương gợi một ý niệm về địa điểm cụ thể, về vị trí hai người để có thể hướng tới nhau. Đến đây, mọi địa điểm, vị trí bị xoá mờ, hai hình hài chàng và thiếp cũng bị xoá mờ. Chỉ còn lại ngàn dâu, rất nhiều ngàn dâu nối nhau "xanh xanh" rồi "xanh ngắt" mênh mông khắp trời. Choán tất cả vũ trụ là màu xanh, xanh đến rợn ngợp, xanh não né, nhức buốt tận đáy lòng. Từ ghép "xanh ngắt" với thanh "sắc" ở tiếng "ngắt" như mũi kim chích vào da thịt vậy.

Phân tích đoạn Sau khi chia li

Tất cả, mười một câu thơ ở trên tập trung tả cảnh, tả cử chỉ của đôi vợ chồng, từ đó biểu hiện tâm tư, tình cảm. Đó là kiểu văn biểu cảm, mượn cảnh để biểu lộ tâm hồn. Qua cảnh vật và sự việc, người đọc thấm thía cảm xúc của nhân vật và của tác giả. Nhân vật trong đoạn thơ này là hai vợ chồng người lính trận, chủ yếu là nhân vật chinh phụ, người chồng ra trận. Họ chia li về hình hài thể xác, nhưng tình thương và nỗi nhớ, sự gắn bó thì không chia li, rời cắt. Họ cố dõi theo nhau, tìm nhau để mãi mãi thấy nhau. Vậy mà càng cố gắng, họ càng tuyệt vọng. Do đó, đến câu thơ cuối cùng, một tiếng kêu đã cất lên:

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? Không dùng cách tả cảnh ngụ tình nữa, nhà thơ trực tiếp nói lên tiếng lòng của nhân vật và tiếng cảm thương của chính mình. Từ "sầu" trong câu thơ cuối này như đúc kết lại tất cả những cung bậc tình cảm ở mười một câu thơ trên. Nỗi buồn li biệt đã nhân lên, dâng trào, trở thành một khối sầu thương, trĩu nặng trong tâm hồn người chinh phụ.

Đoạn ngâm khúc về cuộc chia tay của đôi vợ chồng trong tác phẩm Chinh phụ ngâm cho ta thấy: nỗi sầu chia li của người chinh phụ lúc tiễn chồng ra trận đã như nhuốm cả vào mây, trời, núi non, cảnh vật, cây cối. Nỗi sầu này vừa có ý nghĩa tố cáo chiến tranh phi nghĩa, vừa thể hiện niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ. Đoạn thơ có giá trị nhân đạo, nhân văn thấm thía, về nghệ thuật, đoạn thơ cho ta biết một thể thơ dân tộc với nhiều từ ngữ gần gũi, nhiều biện pháp tu từ (đối lập, diệp từ,...) kết hợp hài hoà với tính nhạc của những dòng thơ song thất lục bát rất linh hoạt, vừa biểu cảm vừa truyền cảm.

Bài văn mẫu 3: Phân tích đoạn trích Sau phút chia li

Trong văn học Việt Nam, nỗi sầu chia li đã được nhiều tác giả quan tâm và phản ánh. Nguyễn Dữ có những dòng về sự ngóng trông của người vợ có chồng đi chinh chiến: Ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm, mỗi khi thấy bướm lượn ngoài vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không sao ngăn được. (Người con gái Nam Xương). Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã viết rất cảm động về sự chia tay đau buồn của đôi vợ chồng trẻ:

Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Người về chiếc bóng năm canh

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

(Truyện Kiều)

Nhưng có lẽ, chưa có nỗi sầu nào bi thương bằng nỗi sầu chia li của người chinh phụ được diễn tả trong Chinh phụ ngâm khúc. Chinh phụ ngâm khúc là một sáng tác văn chương xuất hiện vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVIII. Cả khúc ngâm là nỗi sầu nhớ thương vời vợi của người vợ có chồng ra trận. Nỗi sầu ấy đậm đặc ngay từ sau phút chia li:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bên Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Người chồng chia tay vợ lên đường chinh chiến (một cuộc chinh chiến vô nghĩa đối với họ), người vợ trở về một mình trong cô đơn, buồn tủi:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.

Chao ôi, có sự chia tay nào xót thương hơn thế, có sự ngăn cách nào khắc nghiệt hơn thế. Cả một nỗi sầu chia li nặng nề đă phủ lên khí trời, sắc núi:

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.

Sự đoái trông của người vợ trẻ thật tội nghiệp. Nàng muốn níu giữ lại mà hình bóng người chồng cứ xa dần, để rồi chỉ còn lại là không gian xa thẳm. Giữa khung cảnh tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh, người vợ càng trở nên lẻ loi, cô quạnh. Sự chia li từ chỗ mới chỉ là cách ngăn, chẳng mấy chốc đã tăng lên nhanh chóng cả về không gian và tâm trạng:

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Từ câu Chàng thì đi cõi xa - Thiếp thì về buồng cũ đến Chốn Hàm Dương - Bến Tiêu Tương rồi lại Khói Tiêu Tương - Cây Hàm Dương, thì sự ngăn cách đã lên đến mấy trùng, như mấy trùng nỗi nhớ thương sầu muộn trong lòng người chinh phụ.

Đối với bất kì ai, khi người thân của mình phải đi vào chốn cõi xa mưa gió (chốn binh đao khói lửa, nơi chiến trận thảm khốc), cũng đều có tâm trạng buồn đau thương nhớ.

Ở người chinh phụ, nỗi buồn đau sầu muộn ấy còn thêm bội phần bởi cái tình chồng vợ đương độ đằm thắm gắn bó thiết tha (còn ngoảnh lại - hãy trông sang). Gắn bó mà không được gắn bó, gắn bó mà phải chia li. Thực là oái oăm và nghịch chướng. Thực là thương tâm và đau xót bởi cái cảnh người thì tận chốn Hàm Dương, kẻ thì mãi Bến Tiêu Tương.

Cái tên Hàm Dương - Tiêu Tương (dù là được dùng theo bút pháp ước lệ của văn chương cổ điển) vẫn còn là những địa danh để người vợ có ý niệm về độ xa cách, nhưng đến bốn câu thơ tiếp theo thì cả ý niệm ấy cũng không còn, sự xa cách đã đến cực độ:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Trong cảnh trời cao đất rộng, thăm thẳm mênh mông đến khôn cùng, nỗi sầu chia li của người vợ đã trở thành khối sầu, núi sầu chất chồng, đè nặng cả trái tim và tâm hồn nàng, để rồi sau đó sẽ theo nàng về chốn buồng cũ, đè nặng lên cuộc sống mòn mỏi ngóng trông đến hóa đá của nàng.

Tình cảm vợ chồng và nỗi khát khao hạnh phúc lứa đôi của người vợ trẻ thật mãnh liệt, nó làm lay động tâm thức bao thế hệ bạn đọc. Chỉ có tấm lòng đầy ắp tình yêu thương của nhà thơ mới có thể chia sẻ và diễn tả một cách xúc động đến thế.

Bài văn mẫu 4: Phân tích đoạn trích Sau phút chia li

Trong văn chương từ khúc Việt Nam, Chinh phụ ngâm khúc nổi lên như một viên kim cương óng ánh sắc màu. Cả bản nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn và bản diễn nôm của Đoàn Thị Điểm đều là những kiệt tác nghệ thuật bất hủ.

Chinh phụ ngâm khúc ra đời vào đầu thế kỉ XVIII, cái thời mà chiến tranh loạn lạc kéo dài dẫn đến bao cảnh chia li bi thương sâu thiết:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Khói Tiên Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Cùng trông lại mà cũng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

(Sau phút chia li - Trích Chinh phụ ngâm khúc)

Mười hai câu song thất lục bát với giọng điệu lâm li, vừa bùi ngùi xót xa cho chính mình, vừa vời vợi nỗi sầu nhớ thương, đọc xong rồi cứ ám ảnh mãi. Người chinh phu và người chinh phụ còn trẻ tuổi, đang trong tình vợ chồng gắn bó yêu thương bỗng vì đâu mà ra nông nỗi:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.

Chàng thì đi - Thiếp thì về, hai hình ảnh tương phản nhau như hình sự ngăn cách nghiệt ngã. Dường như người vợ cũng cảm nhận thấm thía điều đó. Và nỗi sầu đã nhuốm cả không gian: Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh. Ngàn núi xanh đã chia cách họ mà tâm lòng nhớ thương vẫn cứ đau đáu dõi về nhau:

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Từ Chốn Hàm Dương- Bến Tiêu Tương đến khói Tiêu Tương- Cây Hàm Dương thì sự xa cách đã lên đến mấy trùng, cũng như nỗi sầu đã dâng lên trùng trùng lớp lớp trong lòng người chinh phụ:

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng

Càng dõi trông theo chồng, ước mong gặp mặt càng trở nên vô vọng. Còn đâu bóng dáng của người chồng thân yêu? Chỉ còn những ngàn dâu xanh xanh trải dài tít tắp đến tận chân trời như nỗi bi thương vô vọng không biết đến tận bao giờ:

Cùng trông mà lại cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? Câu nghi vấn như một nốt nhấn làm hằn sâu nỗi sầu chất chứa trong lòng người chinh phụ một khối sầu càng lắc càng đầy. Cả một khối sầu nặng trĩu trong lòng người vợ trẻ tội nghiệp và đè nặng tâm can người đọc. Trong câu thơ dường như có cả tiếng nấc nghẹn ngào uất ức của người vợ. Vì đâu mà dẫn đến nỗi sầu nghịch chướng, oái oăm này? Vì đâu mà người chinh phụ phải đi vào cõi xa mưa gió, còn người chinh phụ trở về buồng cũ chiếu chăn vò võ một mình? Chiến tranh thật là tàn nhẫn.

Phân tích đoạn Sau khi chia li

Nhà thơ không chỉ nhận thấy, mà còn nghe thấy cả tiếng lòng sâu thẳm của người vợ trẻ và thể hiện nó một cách chân thực qua những sáng tạo nghệ thuật tài hoa và điêu luyện. Chưa bao giờ có trong văn học Việt Nam, nỗi sầu chia li và tiếng lòng của người phụ nữ lại được thể hiện một cách sâu đậm đến thế.

Mười hai câu song thất lục bát trở thành tiếng nói chung cho cảnh biệt li của tất cả những cặp vợ chồng (Hoàng Xuân Hãn) và in dấu ấn trong tiềm thức của tất cả những ai yêu văn chương cổ điển Việt Nam.

Bài văn mẫu 5: Phân tích đoạn trích Sau phút chia li

Thơ ca là tiếng nói bên trong tâm hồn con người. Trước hiện thực đời sống tù túng, tăm tối, trước những số phận con người bi thảm khiến con người thấy khó chịu, ngột ngạt và đau xót, lúc ấy, thơ ca xuất hiện. Nó cất lên những nỗi đau của người nông dân bị áp bức, bất công, cho người cung nữ đơn độc, chờ đợi đến héo mòn, và cả cho những người phụ nữ có chồng ra chiến trận. “Chinh phụ ngâm” là tiếng nói như thế.

Đoạn trích “Sau phút chia li” là một trích đoạn tiêu biểu:“Chinh phụ ngâm” ra đời vào thế kỉ XVIII, khi xã hội Việt Nam giờ như một tổ ong với đầy rẫy những lỗ lớn nhỏ mà vua chúa như những con ong đang đấu đá, tranh giành để có thể trở làm chủ. Chúng mở ra các cuộc chiến tranh, chúng bắt những người nông dân để đi làm lính. Những người đàn ông phải rời xa tổ ấm để đi sống chết cho mạng sống của người khác, những người phụ nữ ở nhà trong nỗi nhớ thương vô hạn và lời cầu nguyện cho chồng có thể trở về. Những cảnh tượng ấy đã không còn xa lạ nhưng cũng chưa bao giờ là hết xót đau và căm phẫn. Chính trong hoàn cảnh ấy, Đặng Trần Côn đã viết lên khúc ngâm này.

“Chinh phụ ngâm” là khúc ngâm của người phụ nữ có chồng ra chiến trận, trong nỗi cô đơn, nhớ thương, khổ đau và cả căm phẫn. So với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú và lục bát, thơ song thất lục bát có nhạc tính phong phú, phù hợp để diễn tả tâm trạng phức tạp của nhân vật. GS. Phan Ngọc từng nhận xét : "Cần phải có hình thức ấy, tình cảm mới có thể mang hình thức một đợt sóng đi lên với hai câu thất, dừng lại ở câu lục ngắn gọn để toả ra trong câu bát dài nhất rồi lại vươn lên trong một khổ mới, cứ thế, đợt sóng tình cảm lên xuống ăn khớp với hình thức của ngôn ngữ". 408 câu thơ như 408 đợt sóng lòng trào lên không dứt trên trang giấy và trong cả lòng người. Bốn câu thơ đầu là cảm xúc chia li lúc ban đầu:

“Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.”

Hai câu thơ đầu đã gợi ra thế đối lập của kẻ ở- người đi: “chàng thì đi… thiếp thì về…” Người chinh phu lên đường vào “cõi xa mưa gió” gian nan, vất vả, quyết định tới cả mạng sống chẳng phải vì công danh, lợi lộc, chức tước, chỉ vì một lí do không được do mình quyết định. Người chinh phụ ở lại, liệu có sung sướng hơn là bao khi phải đối diện với mưa sa nơi cõi lòng, khi hằng ngày chỉ có mình trong “buồng cũ chiếu ngăn”. Để rồi, tự bao giờ, nỗi buồn thương đã trải vào khắp không gian” “mây biếc, núi xanh”. Động từ “tuôn, trải” khiến không gian ngập tràn tâm tư của người chinh phụ. Nỗi sầu buồn, nhớ thương cứ giăng mắc ám ảnh con người. Để rồi, nỗi sầu nhớ ấy lại tăng lên, cao hơn theo thời gian:

“Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.”

Sự xuất hiện của hai địa danh mang tính ước lệ càng nhấn mạnh sự xa cách vời vợi. Thủ pháp đối lập, tương ứng: “chốn Hàm Dương- bến Tiêu Tương”, “Khói Tiêu Tương- cây Hàm Dương”, “chàng ngoảnh lại- thiếp trông sang”, … ban đầu tưởng như đối nghịch. Nhưng dẫu cho khoảng cách địa lí có xa xôi đến mấy, Hàm Dương và Tiêu Tương vẫn đi cùng với nhau, nơi có chàng cũng sẽ có thiếp. “Mấy trùng” cách biệt mà lòng chàng, ý thiếp vẫn không xa rời nhau. Nhưng càng thương nhớ lại càng khổ đau nhiều, để rồi, nỗi buồn dâng lên đến cao trào:

“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”

Lòng có hướng về nhau, có “cùng” nhưng khoảng cách nơi xa xôi vẫn “cùng chẳng thấy”, trước mắt chỉ là ngàn dâu với một màu xanh. Chữ “xanh” như bao phủ lấy những câu thơ, cả không gian bao phủ bởi chỉ một màu xanh. Xanh ấy ban đầu chỉ là “xanh xanh” rồi thành “xanh ngắt” cũng như nỗi sầu buồn của “thiếp” ngày càng dâng cao, đến mức cực điểm rồi. Các câu thơ cứ trùng trùng điệp điệp như những con sóng với phép điệp ngữ vòng như những đợt sóng lòng nơi người chinh phụ cứ miên man không dứt, cứ để nỗi buồn tràn ra ngoại cảnh, trong ngàn dâu chẳng biết đâu là bến bờ. Câu thơ cuối cất lên đầy ám ảnh: “Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?” Khi con người không còn đủ tỉnh táo, họ chỉ có thể đặt ra những câu hỏi mình không trả lời, cũng chẳng để ai trả lời. Ai đâu có biết nỗi buồn của “thiếp” sâu đến nhường nào cũng như “thiếp” đâu có biết lòng chàng đến đâu, chàng sống chết ra sao rồi?

Chỉ 12 câu thơ mà cả biển trời nhung nhớ với những đợt sóng lòng trào lên không dứt, ngày một dữ dội hơn. Nỗi cô đơn và đợi chờ trong khắc khoải, vô vọng có gì giống chăng với người cung nữ cất tiếng ai oán cho cuộc đời mình khi dành cả thanh xuân tươi đẹp trong cung để chờ đợi và hi vọng vua sẽ tới. Vì sao họ lại khổ đau như thế? Câu thơ là tiếng nói tố cáo mạnh mẽ chiến tranh phi nghĩa đã tước đi quyền được sống, được hạnh phúc của con người. Từ đó, có thể thấy từng giọt lệ của tác giả đang nhỏ trên trang viết, lòng cảm thương sâu sắc, đồng cảm với khát vọng hạnh phúc sau mỗi con chữ. Đó mới chính là điều tạo nên giá trị và sức sống cho những câu thơ qua hàng thế kỉ.

Có những con người đã nằm xuống, những trang sử đã sang trang theo thời gian nhưng những dòng thơ, những con chữ thì còn mãi. “Chinh phụ ngâm” là một tác phẩm như thế.

---------------------------------------------

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Sau phút chia ly của Đoàn Thị Điểm cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 7 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 7 và biết cách soạn bài lớp 7 các bài Tác giả - tác phẩm ngữ văn 7 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Đánh giá bài viết
1 2.948
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm