Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích nỗi đau xót tiếc thương Bác trong bài Bác ơi

Để giúp các bạn học sinh 12 có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới bạn đọc tài liệu Phân tích nỗi đau xót tiếc thương Bác trong bài Bác ơi, tài liệu sẽ là nguồn thông tin hữu ích để giúp các bạn học sinh nắm chắc nội dung bài học một cách đơn giản hơn.

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Phân tích nỗi đau xót tiếc thương Bác trong bài Bác ơi để bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết gồm có dàn ý và bài phân tích mẫu. Bài viết cho thấy rõ được nỗi đau xót của cả dân tộc dành cho Bác, nỗi đau xót được tác giả miêu tả bằng các biện pháp nghệ thuật nói giảm nói tránh, thông tin hình ảnh hay biện pháp liên tưởng. Bài phân tích còn cho thấy được hình ảnh Bác một con người giản dị, hết sức gần gũi... Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết bài viết tại đây.

Học tốt Ngữ văn lớp 12: Phân tích nỗi đau xót tiếc thương Bác trong bài Bác ơi

1. Dàn ý Phân tích nỗi đau xót tiếc thương Bác trong bài Bác ơi

4 khổ thơ đầu: nghệ thuật diễn tả nỗi đau xót lớn lao trước sự kiện Bác Hồ qua đời

1. Bác Hồ là một đề tài, nguồn cảm hứng lớn trong nhiều chặng đường sáng tác của Tố Hữu. Bác ơi là một tác phẩm xuất sắc viết về Bác Hồ trong tập thơ Ra trận.

Bài thơ được viết khi lãnh tụ của Đảng và dân tộc ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua đời. Bài thơ là lời khóc Bác bằng thơ, bộc lộ nỗi đau xót, tiếc thương tràn đầy.

2. Nỗi đau xót: mở đầu bài thơ Tố Hữu tái hiện lại khung cảnh những ngày Bác mất:

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...

Khung cảnh thực nhưng có ý nghĩa tượng trưng. Cả dân tộc đau xót khóc Bác, trời đất tạo vật cũng sụt sùi tiếc thương một con người - tinh hoa của dân tộc, tinh hoa của đất trời.

- Nỗi đau xót được diễn tả bằng hình ảnh biểu thị động tác có sức gợi tả tâm trạng: Chạy về thăm Bác, lần theo lối sỏi quen, đến bên thang gác, đứng nhìn lên...

- Nỗi đau xót được diễn tả bằn cách nói giảm: về thăm Bác, Bác đã đi rồi sao.

- Nỗi đau xót được diễn tả bằng hình ảnh thực tại trong cảm nhận của nhà thơ:

Ướt lạnh vườn rau mấy gốc dừa

Chuông ôi, chuông như còn reo nữa?

Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!

- Nỗi đau xót thể hiện bằng liên tưởng:

Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời

Miền Nam đang thắng mơ ngày hội

Rước Bác vào thăm thấy Bác cười.

Trái bưởi kia vàng ngọt với ai...

3. Tâm trạng đau đớn tới thảng thốt, không tin ở cái tin sét đánh phũ phàng kia. Dường như không còn Bác, cũng không nên tồn tại những gì là thơm ngọt, đẹp đẽ. Bác ra đi đồng nghĩa với lạnh, lặng, tắt... tâm trạng đau đớn đến tột cùng. Bác ra đi, trong khi đó ở ngoài kia đang là trời đầu thu, đang là chiến thắng và hi vọng. Khung cảnh và lòng người trở nên tương phản, đối lập, gợi bao nỗi day dứt về tính chất phi lí, không thể chấp nhận được của sự mất mát. Cuộc đời càng đẹp đẽ, hấp dẫn thì sự ra đi của Bác càng gợi bao đau xót, nhức nhối tâm can.

6 khổ thơ tiếp theo: tái hiện hình tượng Bác Hồ

1. Viết về Bác Hồ, với Tố Hữu là xây dựng hình tượng con người Việt Nam đẹp nhất, tiêu biểu nhất, kết tinh phẩm chất dân tộc qua nhiều thời đại.

2. Hình tượng Bác Hồ:

- Con người có lí tưởng và lẽ sống cao cả: lí tưởng giải phóng dân tộc, lí tưởng độc lập tự do vì thế, lẽ sống của Bác là sống bằng tình thương, luôn lo cho dân nước:

Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau

Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu,

Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ

Cho hôm nay và cho mai sau...

Cách điệp ngữ dưới nhiều hình thức để chúng khắc sâu vào tâm khảm người đọc, người nghe. Lời điệp trong thơ Tố Hữu luôn xoáy vào các nốt nhạc chủ âm của tư tưởng và tâm hồn.

Hai câu trên nói về nỗi đau, nỗi đau được chia cho “nỗi đau dân nước”, nỗi “năm châu”. Hai câu sau nói về nỗi lo, nỗi lo cũng được chia ra, lo “hôm nay” và lo “mai sau”. Nỗi đau, nỗi lo vừa là biểu hiện của lẽ sống, vừa là biểu hiện của tình thương.

- Tình thương của Bác được diễn tả bằng hình ảnh thơ có chứa sức gợi lớn lao:

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người

Tình thương ấy gắn liền với tình yêu, ân nghĩa như song sinh. Bác Hồ yêu nhân dân bằng thứ tình cảm trong trẻo như không khí, trời xanh, ân nghĩa như cơm ăn, áo mặc, ấm cúng như máu mủ ruột rà.

Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già.

Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha

Hình ảnh ví von trong thơ Tố Hữu rất tiêu biểu cho tư duy thơ của ông. Ví von không làm cho sự vật, con người cụ thể hơn mà là khái quát hơn, cao hơn, trừu tượng hơn và bóng bảy hơn.

- Niềm vui của Bác gắn với niềm vui của dân tộc với những chiến công để đi gần tới hoà bình, độc lập, tự do, gắn với niềm vui của thiên nhiên cây trái, cuộc sống tạo vật, con người.

- Bác Hồ sống khiêm tốn, giản dị và hi sinh quên mình.

Nâng niu tất cả chỉ quên mình

Bác để tình thương cho chúng con

Một đời thanh bạch, chẳng vàng son

Mong manh áo vải, hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Cách lập ý biểu cảm trong những hình ảnh thơ này là phép tương phản. Sự tương phản đều xoáy vào sự đối lập của các ý thức xã hội. Tương phản trong đoạn thơ không chỉ xây dựng trên sự liên tưởng của các hình ảnh đối lập mà còn mang hình thức tư duy, lập luận, rõ ràng. Yếu tố lôgic nổi lên, nằm cùng dãy với yếu tố hình tượng làm câu thơ mang tính chất hùng biện mạnh mẽ.

+ Tương phản thứ nhất: Nâng niu tất cả / chỉ quên mình là tương phản giữa số lượng tất cả / chỉ để thể hiện sự thống nhất trong tính cách, phẩm chất đạo đức của Bác: tình thương là cơ sở của lẽ sống, là thước đo phẩm giá, đạo đức con người.

+ Tương phản thứ hai: áo vải / hồn muôn trượng. Đó là tương phản về vật chất và tinh thần, biểu hiện của thanh và tục, cái cao cả và cái thấp hèn. Hình ảnh thơ trên đã biểu thị cái ưu thế tuyệt đối của tinh thần so với vật chất. Vật chất rất đơn sơ giản dị, tương phản với tâm hồn cao cả bất diệt, thể hiện một chất thơ vượt lên tồn tại vật chất, thể hiện sự khiêm tốn, giản dị trong vật chất, giá trị sống của con người Bác Hồ.

3. Tái hiện lại hình tượng Bác Hồ, Tố Hữu đã dựng lại chân dung tinh thần của Bác Hồ với quan niệm con người thiên nhiên, chân dung Bác chẳng những được tái hiện gắn bó làm một với cây cỏ, trời mây, sông núi Việt Nam, hơn thế Bác còn là hiện thân cho lẽ sống tự nhiên của trời đất Việt Nam: “Bác sống như trời đất của ta”. Tâm hồn Bác “mênh mông”, “ôm cả non sông mọi kiếp người”. Tình cảm của Bác là thứ tình cảm tự nhiên của cha mẹ với con cái, tình cảm gia đình. Bác “lo muôn mối như lòng mẹ”, “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà. Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”, “Bác vui như ánh buổi bình minh”...

Hình tượng Bác Hồ thật vĩ đại mà gần gũi với mỗi người dân Việt qua tiếng thơ Tố Hữu.

2. Văn mẫu lớp 12: Phân tích nỗi đau xót tiếc thương Bác trong bài Bác ơi mẫu 1

Nỗi đau xót, tiếc thương vô hạn của tác giả và mọi người khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời đã được diễn tả hết sức chân thực, cảm động trong bốn khổ thơ đầu tiên:

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa

Chiều nay con chạy về thăm Bác

Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa!

Những câu thơ đầu tiên là lời xót thương, tiếc nuối được bộc lộ trực tiếp, giống như tiếng nức nở tuôn trào trước sự ra đi của Bác. Tác giả đặt hai vế: "đời tuôn nước mắt" và "trời tuôn mưa" trong cùng một câu thơ đã làm nổi bật nỗi đau đớn của lòng người. Lấy mưa của đất trời, lấy nước của thiên nhiên để sánh đôi với nước mắt, nỗi đau của con người, câu thơ đã khái quát được những cảm xúc tiếc thương của con người và cuộc đời trước sự mất mát lớn lao này. Cách xưng hô "con – Bác" tạo nên một sự thân thương, gần gũi, càng làm câu thơ thêm lắng sâu, nghẹn ngào.

Con lại lần theo lối sỏi quen

Đến bèn thang gác, đứng nhìn lên

Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa

Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!

Con người như không tin vào nỗi mất mát, sự xót đau này, lần theo những kí ức, kỉ vật, không gian quen thuộc để như hồi tưởng, để như kiếm tìm bóng dáng thân quen ấy. Cảnh sắc, đồ vật, không gian vẫn còn đây, nhưng đã không còn sự hiện hữu của Người. Bởi thế mà "lối sỏi quen, thang gác, chuông nhỏ, phòng, rèm, đèn" đều như trống rỗng, lặng câm, vô hồn. Những câu thơ không chỉ dừng nên những cảnh sắc, không gian, đồ vật quen thuộc của Người mà còn diễn tả được sự im lặng, nỗi trống trải của không gian, cảnh sắc ấy khi Bác ra đi.

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!

Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời

Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội

Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười

Con người khó có thể tin và chấp nhận sự thật này, nỗi mất mát này, nên lần theo sỏi quen, đến bên thang gác,… mà vẫn thảng thốt cất lên tiếng hỏi. Câu hỏi đưa ra mà không có câu trả lời, giống như một lời nghẹn đắng, một nỗi nức nở trào dâng trong xúc cảm của người nghệ sĩ: "Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!" Những câu thơ tiếp theo mở ra một không gian tươi sáng của mùa thu, sự náo nức chiến thắng của miền Nam và ước vọng được "rước Bác vào thăm, thấy Bác cười" càng nhấn mạnh, khẳng định sự mất mát, nhói đau khi không còn Bác.

Trái bưởi kia vàng ngọt với cà

Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài

Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm

Quanh mặt hồ in mây trắng bay…

Tố Hữu gợi nhắc đến trái bưởi, đến hoa nhài, là những thứ cỏ cây, hoa trái gần gũi bên Bác trong những câu hỏi tu từ đầy xót xa. Sự vàng ngọt của trái bưởi, hương thơm, của hoa nhài, dường như đã trở thành vô nghĩa khi Bác ra đi. "Còn đâu" là một sự kiếm tìm đầy tiếc nuối hình ảnh đẹp đẽ, thân quen: "bóng Bác đi hôm sớm. Quanh mặt hồ in mây trắng bay". Hình ảnh càng rõ nét, các sự vật càng thân thuộc thì nỗi xót xa, mất mát càng được đẩy cao. Những câu thơ là tiếng lòng nức nở, dâng trào, nỗi đau xót, ngẩn ngơ, tiếc nuối của Tố Hữu trước sự ra đi của Bác.

3. Văn mẫu lớp 12: Phân tích nỗi đau xót tiếc thương Bác trong bài Bác ơi mẫu 2

Nhắc đến Tố Hữu là nhắc đến một tác gia lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại, là nhà thơ gắn bó với lý tưởng cộng sản, có "một cuộc đời trọn vẹn với Cách mạng - Nghệ thuật - Tình yêu", cũng là người đã đưa nền thơ ca mang đậm khuynh hướng trữ tình chính trị đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật và nội dung. Thơ của Tố Hữu mang đậm tính thời sự, phản ánh những vấn đề có tính lịch sử và hướng tới toàn dân. Đặc biệt các nhân vật trữ tình thường xuất hiện là những con người mang tầm vóc lịch sử và thời đại, có ảnh hưởng sâu rộng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Một trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất mang đặc điểm này là bài thơ Bác ơi, ra đời trong sự kiện Hồ Chủ tịch ra đi về cõi vĩnh hằng, cả nước ngập tràn trong đau thương, mất mát. Với những cảm xúc nghẹn ngào, xót xa, xúc động sâu sắc của tác giả, bài thơ đã được Xuân Diệu xem là một "bài điếu văn bi hùng bằng thơ", mà cho đến ngày hôm nay đọc lại, độc giả vẫn như cảm nhận được một cách chân thực nhất những xúc động, đau thương của Tố Hữu, cũng như của hàng triệu người dân Việt trước tin Bác ra đi.

Sau cuộc tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, cuộc kháng chiến tại miền Nam bước vào giai đoạn khó khăn chưa từng có trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, nhân dân cả nước đang cùng hướng về miền Nam thân yêu. Thì sự ra đi đột ngột của Bác đã trở thành một cú sốc lớn của đất nước, Người đã ra đi mà không kịp chờ ngày Bắc Nam thống nhất, nhân dân hai miền về chung một nhà. Sự ra đi đầy nuối tiếc của Hồ Chủ tịch đã để lại cho hàng triệu người con đất Việt sự nuối tiếc và xót thương vô hạn, trong đó có nhà thơ Tố Hữu, người đã gắn bó với sự nghiệp cách mạng, gắn bó với Đảng với nhân dân và một lòng kính yêu Bác xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chính vì thế, nên khi nghe tin Bác mất, dù đang nằm viện, nhưng nhà thơ vẫn cố về lại nhà sàn nơi Bác ở để nhìn mặt Bác lần cuối, trước khi Bác đi vào cõi vĩnh hằng. Trước không khí tang thương, cảnh vật con người nhuốm màu tang tóc, đìu hiu Tố Hữu đã viết bài thơ Bác ơi để tiễn đưa Bác, cũng như bộc lộ nỗi đau đớn trong lòng mình. Mà trong bốn khổ thơ đầu tiên nỗi thương xót, tình cảm tiếc thương Hồ Chủ tịch được bộc lộ vô cùng sâu sắc và mạnh mẽ.

"Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa

Chiều nay con chạy về thăm Bác

Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa!"

Hai câu thơ đầu tiên đã bộc lộ những nỗi đau đớn, khung cảnh tang thương những ngày đưa tiễn Bác về với cõi vĩnh hằng, sự đau thương, nỗi nghẹn ngào đau xót trong lòng con người kéo dài liên tục trong suốt mấy ngày trời không dứt, không một lúc nào ngơi nghỉ, sự mất mát này quá to lớn đối với đất nước và những con người ở lại. Thực cảnh đau buồn ấy được diễn tả rất sâu sắc trong câu "Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa", câu thơ được ghép từ hai vế có sự đối xứng lẫn nhau, làm nổi bật lên cảm xúc đau thương trước thực tại. Sự ra đi của Bác không chỉ để lại sự đau đớn trong lòng những người dân Việt Nam, mà dường như cả vũ trụ trời đất cũng nhuốm màu tang thương, buồn bã, trời đổ mưa như để khóc thương trước sự ra đi của vị lãnh tụ vĩ đại, mang tầm vóc vũ trụ. Hai câu thơ tả thực "Chiều nay con chạy về thăm Bác/Ướt lạnh vườn cau mấy gốc dừa", lối xưng hô "con-Bác" mang đến cảm giác gần gũi thân thương, sự gắn bó và tình cảm sâu nặng của Tố Hữu đối với Bác. Mấy chữ "chạy về thăm Bác" bộc lộ sự vội vã, bàng hoàng của tác giả trước hung tin, nhà thơ không thể tin nổi những gì mình đã nghe được, vội vã về thăm Bác tại khu nhà sàn, thì mới nhận ra không khí tang thương, ra là Bác đã đi thật rồi. Cảnh vật đìu hiu ảm đạm, mấy gốc cau, vườn trầu một tay Bác chăm bón, nay thiếu hơi người cũng trở nên lạnh lẽo, tang tóc bao nhiêu.

"Con lại lần theo lối sỏi quen

Đến bên thang gác, đứng nhìn lên

Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa

Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!"

Bác đã ra đi, khung cảnh giản dị thân thuộc bỗng trở nên quạnh quẽ, Tố Hữu lần từng bước quanh khu nhà sàn mong tìm lại được chút bóng dáng, chút hơi thở quen thuộc của Người. Ấy là "lối sỏi quen" Bác vẫn thường tản bộ, là "thang gác" dẫn lên căn phòng Bác ở, lại nhìn đến chiếc chuông treo trước phòng thường ngày vẫn reo trong gió. Thế nhưng trả lại nhà thơ là cảnh "Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!", thiếu đi Bác nơi này dường như chẳng còn chút sinh khí, chỉ còn lại cảnh vật lặng lẽ, đìu hiu, khiến người ta không khỏi chạnh lòng đau xót. Chốn thân quen giờ trở nên xa lạ, vắng vẻ chỉ vì đã không còn người quen thuộc săn sóc, chăm nom. Cảnh còn người mất càng làm cho người ở lại thêm nghẹn ngào, đau xót khôn tả.

"Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!

Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời

Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội

Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười"

Nỗi đau xót, tiếc thương Bác còn được bộc lộ một cách rõ nét và sâu sắc hơn trong khổ thơ thứ ba. Sau khi lần tìm hình bóng thân thuộc của Bác trong chốn thân quen nhưng chỉ thấy những cảnh lạnh lẽo, hiu hắt thì Tố Hữu đã không kìm lòng được mà thốt lên đầy nghẹn ngào, xót xa rằng "Bác đã đi rồi sao Bác ơi!". Dường như nhà thơ đã không thể tin nổi vào sự thật đang diễn ra trước Bác, không tin được rằng người cha già của dân tộc lại buông tay dễ dàng đến thế. Trong khi "Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời", miền Nam thân yêu mà Bác ngày ngày ngóng đợi tin mừng, nghe từng tiếng súng, dõi theo từng bước quân hành, nay đang tiến dần đến chiến thắng, ngày giải phóng đã không còn xa, chỉ đợi "Rước Bác và thăm, thấy Bác cười". Ấy thế mà Bác lại ra đi trước, không kịp đợi ngày vui của dân tộc, Người đã cống hiến hết cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng đất nước, đến khi chỉ còn vài bước chân nữa, thì Người lại đành phải bỏ lỡ. Sự đẹp đẽ và đầy hy vọng của chiến trường miền Nam lúc này lại càng tô đậm thêm những cảm xúc đau đớn, tiếc nuối trước sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, bởi lẽ ngày sau chiến thắng, cũng chẳng thể thấy nụ cười hạnh phúc của Bác nữa, hỏi rằng có nỗi đau nào thấm thía hơn nỗi đau này?

"Trái bưởi kia vàng ngọt với ai

Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài

Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm

Quanh mặt hồ in mây trắng bay..."

Nay khi Bác đã ra đi rồi, thì những thức trái thân thương tươi đẹp mà đôi tay Bác vẫn thường chăm bón bỗng trở nên thừa thãi, vô nghĩa, trái bưởi vàng ngọt, nhưng không có Bác hái vào thưởng thức, chia sẻ, hoa nhài dẫu thơm nhưng đâu còn ai ngắm, ai ngửi. Và xót xa nhất là lời thơ "Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm.Quanh mặt hồ in trắng mây bay", sự tìm kiếm vô vọng và đầy tiếc nuối của nhà thơ trong hai chữ "còn đâu" đã dấy vào lòng người những sự xúc động nghẹn ngào sâu sắc. Bác đã vĩnh viễn ra đi thật rồi, từ nay sẽ chẳng bao giờ còn được trông thấy bóng dáng vị cha già thân thuộc dạo bước trong vườn, vui vầy với thiên nhiên nữa, chỉ còn lại những cảnh quen, nhìn vật nhớ người, khiến cho người ta ngẩn ngơ, đau đớn, xót xa thêm mà thôi.

Bác ơi đã thể hiện đầy chân thực cảm xúc ngỡ ngàng, xót xa khôn xiết của nhà thơ Tố Hữu trước sự ra đi của Bác, lời thơ cũng là tình yêu chan chứa của nhà thơ cũng là của hàng triệu con người Việt Nam đối với vị cha già dân tộc.

---------------------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Phân tích nỗi đau xót tiếc thương Bác trong bài Bác ơi. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Thi thpt Quốc gia môn Toán, Thi thpt Quốc gia môn Văn, đề thi học kì 2 lớp 12, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử, đề thi học kì 1 lớp 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
4
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm