Thầy/cô hãy phân tích mối quan hệ giữa xây dựng trường học an toàn và phòng chống bạo lực học đường
Sản phẩm cuối khóa Module 7
Thầy/cô hãy phân tích mối quan hệ giữa xây dựng trường học an toàn và phòng chống bạo lực học đường là sản phẩm cuối khóa Module 7 mà thầy cô cần hoàn thành.
>> Kế hoạch xây dựng lớp học an toàn và phòng chống bạo lực học đường
Câu hỏi: Thầy/cô hãy phân tích mối quan hệ giữa xây dựng trường học an toàn và phòng chống bạo lực học đường
Trả lời:
1. Bạo lực học đường là gì? Nguyên nhân của Bạo lực học đường
Bạo lực học đường là khi ai đó trở nên bạo lực và ngỗ ngược trong trường học. Điều này có thể gây ra vấn đề cho người khác, chẳng hạn như gây ra các vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần. Nó thường trái với các quy tắc và có thể rất thiếu tôn trọng.
Một số hành vi có thể dẫn đến bạo lực học đường bao gồm tấn công ai đó bằng lời nói, tấn công thân thể ai đó hoặc lan truyền thông tin sai lệch.
Những hành động này gây ảnh hưởng lớn đến nạn nhân, cả về tâm lý và thể chất. Hành vi này tuy nhỏ nhưng lại gây ra những hậu quả mà chúng ta không ngờ tới. Và hơn hết, người thực hiện hành vi này là những người có tư tưởng, nhân cách xấu cần phải chấn chỉnh.
Nguyên nhân của bạo lực học đường là do yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Những yếu tố này có sự kết hợp với nhau khiến bạo lực học đường xảy ra. Trong đó yếu tố chủ quan là yếu tố quyết định, khi mọi thứ xung quanh tiêu cực nhưng chủ quan tích cực thì vẫn sẽ không bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân chủ quan là:
- Do tâm sinh lý của lứa tuổi: Ở độ tuổi học sinh thì tâm sinh lý đang phát triển nên những cảm xúc, suy nghĩ còn thiếu sót nên dễ kích động hơn.
- Do tính hiếu thắng: đây là một tính cách của con người, khi học sinh có tính cách này thì sẽ luôn suy nghĩ phải làm mọi cách để thắng được người khác ngay cả dùng bạo lực.
- Do mâu thuẫn: đây là nguyên nhân cốt yếu của bạo lực học đường, vì những cãi vã trong quá trình học tập, giao tiếp.
Nguyên nhân khách quan là:
- Hình thức kỷ luật không phù hợp;
- Bị bạn bè lôi kéo: Bạn bè là mối quan hệ thân thiết của trẻ ở trường học nên việc bị dụ dỗ lôi kéo là việc tất yếu. Những người bạn có sự tiêu cực và bạo lực thì sẽ lôi kéo những người bạn chơi cùng vào những dòng suy nghĩ đó.
- Do ảnh hưởng từ gia đình: gia đình là cái nôi phát triển nên suy nghĩ và tính cách của trẻ, trong gia đình có sự bạo lực thì chắc chắn trẻ sẽ học theo trong vô thức. Vì thế gia đình có tính bạo lực thì chắc chắn trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng và sử dụng chúng trong mối quan hệ xã hội.
2. Phân tích mối quan hệ giữa xây dựng trường học an toàn và phòng chống bạo lực học đường
Từ những định nghĩa trên thì có thể thấy được mối quan hệ chặt chẽ trong xây dựng trường học an toàn với bạo lực học đường. Bởi bạo lực học đường chính là một ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến các học sinh cần được ngăn chặn và phòng ngừa. Những tác động này có thể khiến học sinh bị tâm lý sợ hãi, dè chừng, bị thương tích, thương tật, bị giảm sút học tập và nguy hiểm nhất là khiến học sinh sợ hãi và tự tử.
Mối quan hệ này thể hiện tính chất qua lại chỉ khi bạo lực học đường được hạn chế hoặc đẩy lùi thì quá trình xây dựng trường học an toàn mới được củng cố. Còn khi bạo lực học đường vẫn tồn tại và gia tăng thì môi trường học đó là môi trường không an toàn và việc xây dựng trường học an toàn không hiệu quả.
Bởi vì để một môi trường học được đánh giá là an toàn thì có những đánh giá toàn diện về mọi phương diện như cơ sở vật chất đảm bảo, các thầy cô gương mẫu chuẩn mực, chất lượng giảng dạy tốt, không có bạo lực học đường, không có vấn nạn xã hội,.... Khi các vấn đề này được đáp ứng theo tiêu chuẩn thì mức an toàn của trường học càng nâng cao, còn không thì ngược lại. Và hơn nữa là vì bạo lực học đường là vấn đề tồn tại qua nhiều thế hệ và thời gian dài, việc ngăn chặn, xử lý không phải dễ dàng, cần sự quan tâm của cả giáo viên và gia đình nên chúng luôn tồn tại song hành trong xây dựng một trường học an toàn.
3. Biện pháp để xây dựng trường học an toàn và phòng chống bạo lực học đường
Để xây dựng được một trường học an toàn thì cần xây dựng những biện pháp được tìm hiểu dưới đây:
- Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có kiểm tra và đánh giá các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường…
- Thứ hai, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường
- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, nhất là các quy định của pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân; các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích hoặc hành vi làm nhục người khác… Đối với trường học, việc lựa chọn những nội dung tuyên truyền pháp luật ngắn gọn, dễ hiểu và thông qua hình thức hấp dẫn như phiên tòa giả định, cuộc thi sân khấu hóa tìm hiểu pháp luật, tờ rơi, tờ gấp, tranh ảnh minh họa, trò chơi tìm hiểu pháp luật hoặc lồng ghép tuyên truyền pháp luật trong sinh hoạt ngoại khóa...sẽ mang lại những kết quả tích cực góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong nhà trường, từ đó hạn chế bạo lực học đường, xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh.
- Ngoài việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống vào nội dung, chương trình môn học nhà trường cần phải trang bị cho học sinh nhiều kỹ năng sống hơn, đặc biệt là các kỹ năng về quản lý cảm xúc, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn, giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội và cách ứng xử trên mạng xã hội. Đồng thời tạo cho các em nhiều sân chơi, hoạt động lành mạnh, ý nghĩa và phù hợp với đặc thù lứa tuổi… giúp học sinh nhận thức được các bài học của lòng nhân ái, bao dung, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với những người xung quanh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, gia đình học sinh và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường và phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường.
- Thứ ba , tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh; nhà trường hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục con. Bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về tư vấn tâm lý và kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm.
- Thứ tư, tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về xây dựng và đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nhà giáo./.
Mối quan hệ giữa xây dựng trường học an toàn và phòng chống bạo lực học đường là mối quan hệ tác động qua lại với nhau. Vì vậy những biện pháp trên đây giúp cho những giáo viên cũng như trường học đưa ra được những cách thức giải quyết vấn đề cụ thể trong trường.
Xem thêm: