Công thức tính, cách tính phụ cấp cho tổ trưởng tổ chuyên môn

Công thức tính, cách tính phụ cấp cho tổ trưởng tổ chuyên môn như thế nào? VnDoc mời các bạn cùng theo dõi bài viết tổng hợp dưới đây để hiểu được về cách tính phụ cấp, mức phụ cấp,... cho tổ trưởng tổ chuyên môn.

Giáo viên tổ trưởng tổ chuyên môn là người có nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động chung của tổ, phân phối chương trình và các hoạt động giáo dục khác của nhà trường...

1. Cách tính phụ cấp cho tổ trưởng tổ chuyên môn

Theo quy định tại Mục IV Thông tư 33/2005/TT-BGDĐT Thông tư hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập thì hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục được quy định như sau: tại phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với tổ trưởng chuyên môn và tương đương tại trường trung học phổ thông là 0,25; tại trường trung học cơ sở là 0,2; tại trường tiểu học và trường mầm non là 0,2.

Cách tính trả phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũng được quy định tại Mục IV Thông tư 33/2005/TT-BGDĐT theo đó phụ cấp chức vụ lãnh đạo được trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Ví dụ

Tôi là 1 giáo viên và tham gia đóng bảo hiểm từ ngày 15/11/2010, quá trình lao động và đóng bảo hiểm của tôi liên tục, tới tháng 4/2016 tôi nghỉ theo chế độ thai sản. Tôi được hưởng phụ cấp công việc (tổ trưởng) 0,20 bắt đầu từ tháng 8/2015 đến tháng 3/2016 và có đóng bảo hiểm cho phụ cấp công việc.

Vào tháng 4/2016 đến tháng 9/2016 trong bảng lương của tôi vẫn có 0,20 đó. Nhưng mỗi khi nhận lương tôi phải đưa cho người làm thay công việc đó 0,20 x hệ số lương cơ bản. Luật sư cho tôi hỏi 6 tháng đó tôi trích 0,20 đó cho người làm thay công việc đó là 0,20 x hệ số lương cơ bản điều đó là đúng với luật hay là sai?

Trong thời gian nghỉ thai sản theo chế độ 6 tháng mỗi khi nhận lương tôi thấy đơn vị vẫn trừ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp theo phẩn trăm lương của tôi. Xin luật sư cho biết điều và khoản quy định khi người lao động nghỉ thai sản không phải đóng các khoản bảo hiểm.

Tôi được nâng lương trước thời hạn hệ số 3,06 vào ngày 1/8/2015 nhưng tới tháng 9/2016 tôi mới nhận được quyết định, mà tháng 4/2016 tôi nghỉ thai sản hưởng mức lương với hệ số 2,86. Tôi có được nhận tiền trợ cấp thai sản bằng cách truy lĩnh theo chế độ thai sản hay không?

Trả lời:

Thứ nhất, trong thời gian nghỉ thai sản 6 tháng đó bạn trích phụ cấp 0,20 cho người làm thay công việc đó là 0,20 x hệ số lương cơ bản điều đó là đúng hay sai?

Theo quy định tại Thông tư 33/2005/TT-BGDĐT thì tổ trưởng tổ chuyên môn và tương đương không phân biệt hạng trường của trường trung học phổ thương được hưởng phụ cấp 0,25; trường trung học cơ sở và tiểu học là 0,2.

Phụ cấp này được trả cùng kỳ lương hàng tháng và được tính để đóng bảo hiểm xã hội.

Theo như bạn trình bày, bạn là giáo viên, được hưởng phụ cấp chức vụ là 0,2. Tuy nhiên, trong thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản bạn không làm việc tại cơ quan do đó bạn sẽ không được cơ quan chi trả lương hàng tháng mà thay vào đó bạn sẽ được hưởng chế độ thai sản. Về nguyên tắc trên thang lương, bảng lương bạn vẫn là đối tượng được hưởng phụ cấp chức vụ, tuy nhiên sẽ không chi trả cho bạn bởi bạn không làm việc trong khoảng thời gian hưởng chế độ thai sản, khoản phụ cấp này sẽ chuyển sang cho người đang giữ chức vụ của bạn.

Thứ hai: Trong thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản, có phải đóng bảo hiểm xã hội hay không?

Căn cứ tiết 1.8 Khoản 1 Điều 38 Quyết định 959/2015/QĐ-BHXH quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN như sau:

“1.8 Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, thời gian này vẫn được tính là thời gian tham gia BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN; phải đóng BHYT do cơ quan BHXH đóng.”

Như vậy, trong khoảng thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản, cơ quan và bạn không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; thời gian này vẫn được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội; không được tính vào thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên vẫn phải đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm a) Khoản 1 Điều 13 Luật bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi bổ sung 2014:

“Điều 13. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế

1. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế được quy định như sau:

a) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;”

Thứ ba, về việc truy lĩnh tiền bảo hiểm thai sản:

Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:

“1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).”

Mặc khác, theo quy định tai Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng chế độ thai sản trong trường hợp sinh con được tính bằng 100% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn được nâng lương trước thời hạn vào ngày 1/8/2015, tới tháng 9/2016 bạn mới nhận được quyết định, tháng 4/2016 bạn nghỉ thai sản. Để xác định xem bạn có được truy lĩnh tiền bảo hiểm thai sản hay không thì cần phải xem xét trong quyết định nâng lương ghi thời điểm được nâng lương vào thời gian nào? Nếu trong quyết định ghi thời điểm nâng lương vào tháng 8/2015 thì bạn được truy lĩnh tiền thai sản theo hệ số lương 3,06, nếu trong quyết định ghi thời điểm nâng lương vào tháng 9/2016 thì bạn không được truy lĩnh tiền thai sản.

Tham khảo thêm:

2. Mức phụ cấp của tổ trưởng tổ chuyên môn

Tại các cơ sở giáo dục công lập, ngoài hiệu trưởng, hiệu phó, thì tổ trưởng, tổ phó chuyên môn cũng được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Với tổ trưởng chuyên môn, mức phụ cấp lãnh đạo được quy định tại Mục IV Thông tư 33/2005/TT-BGD&ĐT cụ thể như sau:

- Mức phụ cấp của tổ trưởng chuyên môn ở trường trung học phổ thông (cấp 3) là 0,25.

- Mức phụ cấp của tổ trưởng chuyên môn ở trường trung học cơ sở (cấp 2) là 0,2.

- Mức phụ cấp của tổ trưởng chuyên môn ở trường tiểu học là 0,2.

Phụ cấp chức vụ lãnh đạo sẽ được trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Phụ cấp chức vụ lãnh đạo sẽ được tính bằng: Mức lương cơ sở x Mức phụ cấp

Hiện nay, mức lương cơ sở đang được áp dụng là 1.490.000 đồng.

3. Tổ trưởng tổ chuyên môn được giảm tiết dạy

Khoản 5 Điều 8 Quy định ban hành kèm Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định:

Tổ trưởng bộ môn được giảm 03 tiết/tuần.

Như vậy, giáo viên là tổ trưởng tổ chuyên môn sẽ được giảm 03 tiết/tuần so với số tiết dạy quy định đối với giáo viên cùng cấp.

Hiện nay, giáo viên đang áp dụng quy định về số tiết dạy tại Điều 6 Quy định ban hành kèm Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 15 năm 2017:

Định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau:

1. Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết.

2. Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 17 tiết ở cấp trung học cơ sở, 15 tiết ở cấp trung học phổ thông.

Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp trung học cơ sở.

Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở.

Theo quy định trên, với các trường công lập bình thường, số tiết dạy của giáo viên tổ trưởng tổ chuyên môn ở trường tiểu học được giảm còn 20 tiết/tuần, ở trường cấp 2 còn 16 tiết/tuần, trường cấp 3 còn 14 tiết/tuần.

Ngoài ra, nếu vừa là tổ trưởng tổ chuyên môn, vừa kiêm nhiệm thêm các công việc chuyên môn khác, giáo viên sẽ tiếp tục được giảm số tiết dạy.

Trong đó, chế độ giảm định mức tiết dạy quy định tại Điều 8 Quy định ban hành kèm Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT, cụ thể:

- Giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 03 tiết/tuần, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 04 tiết/tuần.

- Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 04 tiết/tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường chuyên, trường bán trú được giảm 04 tiết/tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật được giảm 03 tiết/tuần.

- Giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn được giảm 03 tiết/môn/tuần.

- Giáo viên kiêm nhiệm phụ trách công tác văn nghệ, thể dục toàn trường, phụ trách vườn trường, xưởng trường, phòng thiết bị, thư viện (nếu các công tác này chưa có cán bộ chuyên trách) được tính giảm từ 02 - 03 tiết/tuần tùy khối lượng công việc và do hiệu trưởng quyết định.

----------------------------------------

Trên đây VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Công thức tính, cách tính phụ cấp cho tổ trưởng tổ chuyên môn. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu bổ ích nhé.

Tất cả các tài liệu về Văn bản Giáo dục đào tạo, Chế độ quyền lợi của giáo viên, công chức, viên chức được VnDoc cập nhật và đăng tải thường xuyên. Chi tiết nội dung của các Văn bản, Thông tư mời các bạn cùng theo dõi và tải về sử dụng.

Đánh giá bài viết
6 26.643
Sắp xếp theo

    Dành cho Giáo Viên

    Xem thêm