Tổng quan về Hi Lạp
VnDoc xin giới thiệu bài Tổng quan về Hi Lạp được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Tổng quan về Hi Lạp
1. Địa lí, cư dân và sơ lược lịch sử Hi Lạp cổ đại
1.1 Địa lí và cư dân
Ngày xưa, các bộ lạc Hi Lạp gọi bộ lạc của mình bằng những tên riêng. Đến khoảng thế kỉ thứ VIII-VII TCN, người Hi Lạp mới gọi mình là Helen (Hellenes) và gọi đất nước mình là Hêla (Hellas) tức Hi Lạp.
Lãnh thổ của Hi Lạp cổ đại rộng hơn nước Hi Lạp ngày nay rất nhiều, bao gồm miền Nam bán đảo Bancăng, các đảo trên biển Êgiê và miền ven biển phía Tây Tiểu Á, trong đó quan trọng nhất là miền Nam bán đảo Bancăng tức là vùng lục địa Hi Lạp.
Miền lục địa Hi Lạp về mặt địa hình chia làm 3 khu vực: Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ. Từ Bắc bộ xuống Trung bộ phải qua một cái đèo hẹp nằm gần sát bờ biển phía Đông gọi là đèo Técmôpin. Trung bộ tuy là vùng có nhiều dãy núi ngang dọc nhưng cũng có những đồng bằng trù phú như đồng bằng Áttích và đồng bằng Bêôxi. Đồng thời ở đây còn có nhiều thành phố quan trọng mà nổi tiếng nhất là Aten. Ranh giới giữa Trung bộ và Nam bộ là eo đất Coranh. Nam bộ là một bán đảo hình bàn tay 4 ngón gọi là bán đảo Pêlôpônedơ. Ở đây có nhiều đồng bằng rộng và phì nhiêu, rất thuận lợi cho việc trồng trọt.
Vùng bờ biển phía Đông của bán đảo Bancăng khúc khuỷu tạo nên nhiều vịnh và nhiều hải cảng, rất thuận lợi cho việc phát triển hàng hải. Các đảo trên bờ biển Êgiê trở thành những trạm nghỉ cho các thuyền đi lại từ Hi Lạp đến Tiểu Á và Bắc Phi, trong đó lớn nhất là đảo Crét ở phía Nam bán đảo. Trong khi đó, biển Êgiê lại như một cái hồ lớn êm ả, sóng im gió nhẹ nên càng tạo điều kiện thuận lợi cho nghề đi biển trong điều kiện kĩ thuật chế tạo tàu thuyền còn thô sơ.
Còn Tiểu Á là một vùng giàu có và là chiếc cầu nối liền Hi Lạp với các nước phương Đông cổ đại có nền văn minh phát triển sớm.
Điều kiện địa lí đó đã giúp cho Hi Lạp cổ đại trở thành nước có nền công thương nghiệp phát triển, đồng thời có thể tiếp thu ảnh hưởng của văn minh cổ đại của phương Đông.
Cư dân Hi Lạp cổ đại bao gồm nhiều tộc người: người Kôliêng chủ yếu cư trú ở bắc bán đảo Bancăng và một phần Trung bộ (đồng bằng Bêôxi); người Iôniêng ở đồng bằng Áttích, vùng ven biển phía Tây Tiểu Á; người Akêăng ở vùng Bắc bán đảo Pêlôpônedơ và người Đôniêng ở Bắc bán đảo Pêlôpônedơ, đảo Crét và các đảo khác ở phía Nam biển Êgiê.
1.2 Sơ lược lịch sử Hi Lạp cổ đại
Lịch sử Hi Lạp cổ đại có thể chia thành các thời kì sau đây:
- Thời kì văn hóa Crét-Myxen.
- Thời kì Hôme.
- Thời kì thành bang.
- Thời kì Makêđônia.
Văn hóa Crét - Myxen và thời Hôme.
Từ sớm, vùng biển Êgiê mà trung tâm là đảo Crét và vùng Myxen ở bán đảo Pêlônênedơ đã từng tồn tại những nền văn minh rực rỡ. Nhưng mãi đến thập kỉ 70 của thế kỉ XIX về sau, nhờ các cuộc khai quật khảo cổ học, người ta mới biết được tương đối cụ thể các nền văn minh đó.
Tại Crét và Myxen người ta đã tìm thấy những cung điện, thành quách và nhiều hiện vật khác, trong đó có cả chữ viết. Nền văn minh Crét tồn tại trong khoảng 18 thế kỉ, từ đầu thiên kỉ III đến thế kỉ XII TCN. Chủ nhân của nền văn hóa Myxen là người Akêăng. Thời kì huy hoàng nhất của văn hóa Myxen là từ thế kỉ XVI-XII TCN. Trên cơ sở công cụ đồng thau, ở Crét và Myxen đã xây dựng những nhà nước tương đối hùng mạnh. Từ năm 1194-1184 TCN, Myxen đã tấn công thành Tơroa ở Tiểu Á và tiêu diệt quốc gia này. Sau cuộc chiến tranh này 80 năm tức là đến cuối thế kỉ XII TCN, người Đôriêng với vũ khí bằng sắt từ phía Bắc tràn xuống đã tiêu diệt các quốc gia ở Myxen và Crét. Thời kì Crét- Myxen kết thúc.
Tiếp theo thời Myxen là thời Hôme (thế kỉ XI-IX TCN). Sở dĩ gọi như vậy là vì lịch sử Hi Lạp trong giai đoạn này được phản ánh trong hai tập sử thi Iliát và Ôđixê của Hôme.
Nội dung của Iliát và Ôđixê nói về cuộc chiến tranh giữa Hi Lạp và thành Tơroa xảy ra cuối thời Myxen, nhưng chất liệu của cuộc sống hiện thực mà tác giả sử dụng để xây dựng tác phẩm như tình hình sinh hoạt, phong tục tập quán, quan hệ xã hội v.v... thì thuộc thời kì từ thế kỉ XI-IX TCN.
Xã hội Hi Lạp thời Hôme không phải là sự phát triển tiếp tục xã hội có nhà nước thời Crét-Myxen mà là giai đoạn cuối của xã hội nguyên thủy. Lúc bấy giờ, sự phân hóa giàu nghèo tuy đã diễn ra rõ rệt, nhưng nhà nước chưa ra đời.
Thời kì thành bang (thế kỉ VIII-TV TCN)
Đây là thời kì quan trọng nhất trong lịch sử Hi Lạp cổ đại. Do sự phát triển của các ngành kinh tế và sự phân hóa giai cấp, đến thế kỉ VIII TCN, ở Hi Lạp một lần nữa lại xuất hiện nhiều nhà nước nhỏ. Những nhà nước này đều có một thành phố làm trung tâm nên gọi là những thành bang.
Trong số các thành bang ở Hi Lạp, quan trọng nhất là thành bang Xpác và thành bang Aten, vì đây là hai lực lượng hùng mạnh nhất làm nòng cốt cho lịch sử Hi Lạp cổ đại.
Thành bang Xpác ở phía Nam bán đảo Pêlôpônedơ, là một thành bang bảo thủ về chính trị, lạc hậu về kinh tế và văn hóa nhưng lại hùng mạnh về quân sự. Với ưu thế ấy, Xpác bắt các thành bang lân cận trở thành chư hầu của mình và đến năm 530 TCN thì lập thành một đồng minh do Xpác cầm đầu gọi là Đồng minh Pêlôpônedơ nhằm mục đích giành quyền bá chủ ở Hi Lạp.
Thành bang Aten ở miền Trung Hi Lạp. Đây chủ yếu là một vùng đồi núi, không thuận tiện đối với việc sản xuất nông nghiệp, nhưng lại có nhiều khoáng sản và hải cảng tốt nên công thương nghiệp có điều kiện phát triển.
Thành bang Aten thành lập vào thế kỉ VIII TCN. Khi mới ra đời, tính chất dân chủ của nhà nước Aten còn hạn chế, nhưng do sự đấu tranh không ngừng của quần chúng, trải qua nhiều lần cải cách, Aten trở thành thành bang có chế độ chính trị dân chủ nhất ở Hi Lạp cổ đại. Tuy vậy, đó chỉ là chế độ dân chủ chủ nô, vì khoảng 4/5 dân cư Aten là nô lệ và ngoại kiều không được hưởng quyền dân chủ.
Trên cơ sở nền kinh tế công thương nghiệp và chế độ dân chủ, văn hóa Aten phát triển rất rực rỡ. Các thành tựu về mọi mặt của văn hóa Aten là bộ phận quan trọng nhất trong nền văn hóa Hi Lạp cổ đại.
Trong khi Aten đang bước vào thời kì phát triển thuận lợi thì đến thế kỉ V TCN, Hi Lạp phải tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của Ba Tư. Năm 490 TCN, quân Ba Tư đổ bộ lên cánh đồng Maratông, một địa điểm cách Aten hơn 42 km về phía Đông. Tuy lực lượng so sánh rất chênh lệch, nhưng quân Hi Lạp mà chủ yếu là quân Aten đã giành được thắng lợi rất oanh liệt. Đến năm 479 TCN quân Ba Tư hoàn toàn thất bại phải rút về nước.
Sau khi đánh thắng Ba Tư, Aten bước vào thời kì cường thịnh nhất trong lịch sử của mình. Năm 478 TCN, Aten lôi kéo được gần 200 thành bang, thành lập một đồng minh gọi là Đồng minh Đêlốt.
Do đường lối chính trị và kinh tế khác nhau, năm 431 TCN, giữa hai đồng minh Pêlôpônedơ và đồng minh Đêlốt đã xảy ra chiến tranh gọi là chiến tranh Pêlôpônedơ. Sau 27 năm, đến năm 404 TCN, Aten hoàn toàn thất bại phải kí hiệp ước đầu hàng.
Thời kỳ thiết lập quyền bá chủ ở Hi Lạp và cuộc chinh phục phương Đông của Makêđônia
Sau chiến tranh Pêlôpônedơ, ở Hi Lạp lại diễn ra một cuộc đấu tranh mới để giành quyền bá chủ nhưng không có thành bang nào đủ mạnh để thống nhất Hi Lạp dưới quyền của mình.
Trong khi đó, ở phía Bắc Hi Lạp, nước Makêđônia đang phát triển nhanh chóng. Năm 337 TCN, nhờ giành được một chiến thắng có tính chất quyết định, vua Makêđônia là Philip II triệu tập một hội nghị toàn Hi Lạp. Trong hội nghị này, Makêđônia được giao quyền chỉ huy quân đội toàn Hi Lạp để tấn công Ba Tư. Như vậy về hình thức, các thành bang Hi Lạp vẫn được độc lập nhưng thực chất đã biến thành chư hầu của Makêđônia.
Trong khi Makêđônia đang gấp rút chuẩn bị tấn công Ba Tư thì năm 336 TCN, Philip II bị giết chết. Con trai ông là Alếchxăngđrơ mới 20 tuổi lên ngôi. Năm 334 TCN, Alếchxăngđrơ bắt đầu đem quân sang tấn công Ba Tư, đến năm 328 TCN thì hoàn toàn tiêu diệt đế quốc rộng lớn này. Năm 327 TCN, quân Makêđônia đánh chiếm vùng Punjáp của Ấn Độ nhưng tiếp đó gặp nhiều khó khăn nên phải rút lui. Năm 325 TCN, quân Makêđônia về đến Babilon, thành phố này được chọn làm kinh đô của đế quốc do Alêchxăngđrơ thành lập.
Năm 323 TCN, Alếchxăngđrơ bị chết đột ngột. Sau đó các tướng lĩnh không ngừng đánh nhau đế tranh giành quyền bính. Do vậy sang thế kỉ III TCN, đế quốc Makêđônia chia thành 3 nước lớn:
- Makêđônia và Hi Lạp do dòng dõi của tướng Antigôn thống trị.
- Xini do tướng Xêlơcút thống trị.
- Ai Cập do dòng dõi của tướng Ptôlêmê thống trị.
- Ngoài ra còn có một số nước nhỏ khác như Pécgam, Rôđốt, Pacti, Bắctơria.
Trong thời kì ấy, ở phía Tây, La Mã đang trở thành một đế quốc hùng mạnh và có mưu đồ chinh phục khu vực phía Đông Địa Trung Hải. Năm 168 TCN, Makêđônia bị La Mã tiêu diệt. Năm 146 TCN, Hi Lạp bị nhập vào đế quốc La Mã. Sau đó, các vương quốc khác do người Makêđônia lập nên ở phương Đông lần lượt bị La Mã thôn tính. Những quốc gia này đến thời cận đại được gọi là những nước Hi Lạp hóa và thời kì tồn tại của những quốc gia đó được gọi là "thời kì Hi Lạp hóa".
2. Địa lí cư dân và sơ lược lịch sử La Mã cổ đại
2.1 Địa lí và cư dân
La Mã (Rôma) là tên của một quốc gia cổ đại mà nơi phát nguyên là ở bán đảo Ý (Italia).
Đây là một bán đảo dài và hẹp ở Nam Âu, hình chiếc ủng vươn ra Địa Trung Hải, diện tích khoảng 300.000 km2, phía Bắc có dãy núi Anpơ ngăn cách Ý với châu Âu, phía Nam có đảo Xixin, phía Tây có đảo Coócxơ và đảo Xacđenhơ.
Ý có nhiều đồng bằng màu mỡ và nhiều đồng cỏ thuận tiện cho việc chăn nuôi gia súc. Ý có nhiều kim loại như đồng, chì, sắt để chế tạo công cụ sản xuất và vũ khí. Bờ biển phía Đông không thuận tiện cho thuyền bè đi lại nhưng bờ biển phía Nam có nhiều vịnh và cảng tốt, do đó có quan hệ sớm với Hi Lạp.
Bán đảo Ý lớn gấp 5 lần bán đảo Hi Lạp nhưng không bị chia cắt thành những vùng biệt lập như Hi Lạp mà là một đơn vị địa lí thuận lợi cho sự thống nhất về lãnh thổ và chính trị. Sau khi làm chủ bán đảo Ý, La Mã còn xâm chiếm bên ngoài lập thành một đế quốc rộng lớn bao gồm đất đai của ba châu Âu, Á, Phi nằm bao quanh Địa Trung Hải.
Cư dân chủ yếu và cũng là thành phần cư dân có mặt sớm nhất ở bán đảo Ý gọi là người Ý (Italotes). Trong đó, bộ phận sống ở vùng Latium gọi là người Latinh. Về sau, một nhánh của người Latinh đã dựng lên thành La Mã ở trên bờ sông Tibrơ, từ đó họ được gọi là người La Mã.
Ngoài ra, còn có người Gôloa, người Êtơruxcơ, người Hi Lạp. Người Gôloa cư trú ở miền Bắc bán đảo, người Êtơrucơ ở miền Bắc và miền Trung, còn người Hi Lạp thì ở các thành phố ven biển phía Nam và đảo Xixin.
2.2 Sơ lược lịch sử La Mã cổ đại
Lịch sử La Mã cổ đại có thể chia thành hai thời kì lớn là thời kì cộng hòa và thời kì dân chủ.
Thời kì cộng hòa
- Sự thành lập chế độ cộng hòa
Theo truyền thuyết, thành La Mã (Rôma) do vua Romulus xây dựng năm 753 TCN, do đó tên của ông được dùng để đặt tên cho thành này. Sự thực nhà nước La Mã ra đời vào giữa thế kỉ VI TCN, do cuộc cải cách của vua Xecviut Tuliut. Khi mới thành lập, nhà nước La Mã gồm có vua, Viện Nguyên lão và Đại hội nhân dân. Vào khoảng năm 510 TCN, người La Mã nổi dậy khởi nghĩa lật đổ vua Táccanh kiêu ngạo. Từ đó việc chính quyền trở thành công việc của dân (respublica), do vậy chế độ nhà nước mới gọi là Respublica tức là chế độ cộng hòa. Bộ máy nhà nước thời kì này bên cạnh Viện Nguyên lão có Đại hội nhân dân là hai cơ quan chấp chính có quyền ngang nhau, nhiệm kì là một năm.
Tuy chế độ cộng hòa đã được thiết lập nhưng sự cách biệt giữa quý tộc và bình dân vẫn rất lớn. Vì vậy bình dân đã đấu tranh với quý tộc trong 200 năm để đòi giải quyết các yêu cầu của họ. Kết quả, bình dân đã được thỏa mãn các yêu cầu như: bình dân được cử quan Bảo dân để bênh vực quyền lợi cho mình, được chia ruộng đất, được kết hôn với quý tộc, được làm quan chấp chính, bình dân nêu phá sản cũng không biến thành nô lệ v.v... Thắng lợi của bình dân đã làm cho chế độ cộng hòa quý tộc của La Mã được dân chủ hóa thêm một bước so với trước.
- Sự thành lập đế quốc La Mã
Khi mới thành lập, La Mã chi là một thành bang nhỏ ở miền Trung bán đảo Ý. Từ thế kỉ IV TCN, La Mã không ngừng xâm lược ra bên ngoài, trong hơn một thế kỉ sau, La Mã đã chinh phục được toàn bộ bán đảo Ý.
Tiếp đó La Mã muốn phát triển thế lực sang phía Tây Địa Trung Hải, nhưng ở đây La Mã đã gặp phải một đôi thủ hùng mạnh, đó là Cáctagiơ.
Cáctagiơ là một đế quốc rộng lớn bao gồm vùng bờ biển Bắc Phi, miền Đông Tây Ban Nha, miền Nam xứ Gôlơ, bán đảo Xácđenho, đảo Coócxơ (ở gần Tuynít, thủ đô nước Tuynidi ngày nay).
Do mâu thuẫn với nhau trong mưu đồ bành trướng thế lực mà đầu tiên là cuộc đụng độ ở đảo Xixin, từ năm 264-146 TCN, trong vòng gần 120 năm, giữa La Mã và Cáctagiơ đã xảy ra ba lần chiến tranh rất ác liệt, người La Mã gọi là cuộc chiến tranh Puních. Kết quả, đến năm 146 TCN, La Mã giành được thắng lợi hoàn toàn. Toàn bộ đất đai của Cáctagiơ trở thành lãnh thổ của La Mã.
Trong quá trình ấy, để giành quyền bá chủ ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải, La Mã đã nhiều lần tấn công Makêđônia, Xiri. Kết quả, đến giữa thế kỉ II TCN, Makêđônia bị biến thành một tỉnh của La Mã. Sang thế kỉ I TCN, cả vùng đất đai ở bờ Đông Địa Trung Hải cũng bị La Mã chiếm. Cuối cùng, đến năm 30 TCN, Ai Cập cũng bị nhập vào bản đồ La Mã. Thế là La Mã đã trở thành đế quốc rộng mênh mông, Địa Trung Hải thành một cái hồ nằm gọn trong lãnh thổ của đế quốc.
Do chiến tranh không ngừng giành được thắng lợi, số tù binh bắt được rất nhiều. Tình hình đó làm cho chế độ nô lệ phát triển mạnh mẽ, dân số nô lệ nhiều hớn dân số nông dân và lao dộng của nô lệ giữ vai trò quan trọng nhất trong các ngành kinh tế. Tuy vậy nô lệ lại là giai cấp bị áp bức bóc lột vô cùng tàn bạo, nên họ không ngừng nổi dậy đấu tranh, trong đó tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa Xpactacút, nổ ra từ năm 73-71 TCN. Chính sự đấu tranh của giai cấp nô lệ là một nguyên nhân rất quan trọng làm cho La Mã càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng về mọi mặt.
Thời kì quân chủ
- Quá trình chuyển biến từ chế độ cộng hòa sang chế độ quân chủ.
Từ thế kỉ I TCN, chế độ cộng hòa ở La Mã dần dần bị chế độ độc tài thay thế. Do bất đồng với nhau trong việc giải quyết những vấn đề của đất nước, các phe phái trong giai cấp chủ nô La Mã đã tạo điều kiện cho các tướng lĩnh nhảy lên vũ đài chính trị.
Người giành được quyền độc tài đầu tiên là Xila. Năm 82 TCN, Xila tuyên bố làm độc tài suốt đời nhưng đến năm 79 TCN vì ốm nặng phải từ chức và đến năm 78 TCN thì chết.
Sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Xpactacút, ở La Mã xuất hiện chính quyền tay ba lần thứ nhất. Đó là Cratxút, Pompê và Xêda. Năm 54 TCN Crátxút bị tử trận trong khi đánh nhau ở phương Đông. Pompê tìm cách trừ khử Xêda để độc chiếm chính quyền nhưng bị thất bại phải chạy sang phía Đông. Ngay năm đó (48 TCN), Xêda truy kích Pompê tận Ai Cập. Tại đây, ông giúp công chúa Clêôpát giành được ngôi vua, do đó ông ở lại trong cung đình Ai Cập hơn nửa năm. Năm 45 TCN, sau khi đánh bại mọi thế lực chống đối ở phương Đông, Xêda kéo đoàn quân chiến thắng trở về và trở thành người đứng đầu nhà nước La Mã, nhưng đến năm 44 TCN thì bị ám sát.
Sau khi Xêda chết ít lâu, năm 43 TCN, ở La Mã lại xuất hiện chính quyền tay ba lần thứ hai. Đó là Antôniút, Lêpiđút và Ôctavianút. Chẳng bao lâu Lêpiđút bị tước quyền lực, Antôniút kết hôn với nữ hoàng Clêôpát, do vậy toàn bộ quyền hành ở La Mã thuộc về Ôctavianút. Năm 30 TCN, Ôctavianút tuyên chiến với Clêôpát. Bị thất bại, Antôniút và Clêôpát phải tự tử.
Năm 29 TCN, Ôctavianút trở về La Mã và trở thành kẻ thống trị duy nhất của toàn đế quốc. Mặc dầu chưa xưng hoàng đế nhưng ông được tôn làm nguyên thủ, được danh hiệu Ôgút (Auguste) nghĩa là đấng chí tôn và được tặng nhiều danh hiệu cao quý khác. Như vậy, Ôctavianút thực chất đã trở thành một hoàng đế và La Mã tuy vẫn khoác cái áo ngoài của chế độ cộng hòa nhưng thực chất đã chuyển sang chế độ quân chủ chuyên chế.
- Sự suy vong của đế quốc La Mã
Đến thời quân chủ, chế độ nô lệ ở La Mã ngày càng khủng hoảng trầm trọng. Để khắc phục tình trạng đó, giai cấp địa chủ chủ nô phải thay đổi cách bóc lột: họ đem ruộng đất chia cho người lao động nông nghiệp để thu địa tô. Việc đó dẫn tới sự ra đời của một tầng lớp xã hội mới gọi là lệ nông - tiền thân của nông nô thời trung đại sau này.
Đến thế kỉ III, công thương nghiệp phát triển một thời cũng nhanh chóng suy sụp, cư dân thành thị giảm sút, thành thị trở nên điêu tàn, mối liên hệ kinh tế giữa các nơi của đế quốc không còn chặt chẽ nữa. Trong hoàn cảnh đó, do miền Đông nhờ có sự liên hệ với các nước phương Đông, kinh tế còn có thể phát triển thuận lợi hơn ở miền Tây, nên năm 330, hoàng đế Cônxtantinút đã rời đô sang Cônxtantinôplơ ở phía Đông. Năm 395, hoàng đế Têôđôdiút chia đế quốc thành hai nước: đế quốc Đông La Mã đóng đô ở Cônxtantinôplơ và đế quốc Tây La Mã đóng đô ở La Mã.
Trong khi La Mã đang suy yếu nhanh chóng như vậy thì đến thế kỉ IV, người Giécmanh bao gồm các tộc Tây Gốt, Đông Gốt, Văngđan, Phrăng, Ănglô Xắcxông, Buốcgôngđơ, đã di cư ồ ạt vào lãnh thổ của đế quốc La Mã. Lúc bấy giờ, họ đang sống trong xã hội nguyên thủy nên người La Mã gọi họ là "Man tộc". Sang thế kỉ V, một số bộ lạc Giécmanh thành lập các vương quốc của mình trên đất đai của Tây La Mã.
Đến thập kỉ 70 của thế kỉ V, đế quốc Tây La Mã chỉ còn lại một vùng nhỏ bé mà ở đó, chính quyền thực tế đã nằm trong tay các tướng lĩnh người Giécmanh. Năm 476, thủ lĩnh quân đánh thuê người Giécinanh là Ođôacrơ (Odoacre) lật đổ hoàng đế cuối cùng của đế quốc Tây La Mã là Rômulút Ôguxtulơ rồi tự xưng làm hoàng đế. Sự kiện đó đánh dấu sự diệt vong của đế quốc Tây La Mã, đồng thời chấm dứt chế độ chiếm hữu nô lệ.
Còn đế quốc Đông La Mã thì vẫn tiếp tục tồn tại và đi dần vào con đường phong kiến hóa, thường được gọi là đế quốc Bidantium. Đến năm 1453, Đông La Mã bị Thổ Nhĩ Kì tiêu diệt.
-----------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Tổng quan về Hi Lạp về đặc điểm địa lí, cư dân và sơ lược lịch sử và văn hóa của Hi Lạp cổ đại và La Mã cổ đại...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Tổng quan về Hi Lạp. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.