Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bàn luận về ý nghĩa tư tưởng của câu tục ngữ: Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn

Văn mẫu lớp 12: Bàn luận về ý nghĩa tư tưởng của câu tục ngữ: Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1. Dàn ý chi tiết bàn luận của câu tục ngữ: Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn

1. Mở bài

- Bàn về ý thức trân trọng những thứ do ta làm ra, tục ngữ có câu:

Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.

2. Thân bài

- Giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ:

+ Hình ảnh ao ta gắn bó với làng quê, với những thứ ta được làm chủ.

+ Nghĩa cả câu: phải biết trân trọng những cái của mình, sử dụng nó hơn là đi nhờ vả, sử dụng của người khác.

- Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề:

+ Tâm lí tự do làm chủ, thoải mái trong sử dụng so với khi phải đi nhờ, đi mượn của người khác.

+ Thể hiện ý thức tôn trọng chính bản thân mình.

+ Ngày nay, tư tưởng đó càng đúng đắn khi hội nhập thế giới, giáo dục lòng tự hào, yêu quý đất nước mình.

- Mặt hạn chế:

+ Bằng lòng theo kiểu dù trong, dù đục là bảo thủ, trì trệ.

+ Thái độ đó dẫn đến cách sống an phận, tự bằng lòng, tâm lí tự cao mù quáng, kìm hãm sự phát triển.

- Quan niệm đúng:

+ Tôn trọng, sử dụng cái của ta với tinh thần khơi trong gạn đục.

+ Biết hoà nhập mà không hoà tan, nghĩa là hoà nhập để phát triển trên tinh thần tự chủ.

3. Kết bài

- Bài học sâu sắc về sự gắn bó với quê hương, với những gì ta được làm chủ nhưng tránh tư tưởng bảo thủ, hẹp hòi.

2. Bàn luận về ý nghĩa tư tưởng của câu tục ngữ: Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn mẫu 1

Đọc và học ca dao, chúng ta hiểu được biết bao tâm tình tha thiết của người bình dân. Bên cạnh những cung điệu tình cảm sâu lắng, chúng ta còn tìm thấy bao kinh nghiệm sống quý báu. Câu ca dao sau đây đã cho chúng ta một lời khuyên sâu sắc về tinh thần độc lập, tự chủ. Phải biết yêu quý, trân trọng những cái của ta; dù tốt hay xấu vẫn là của ta, do ta làm chủ:

Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. 

Câu ca dao cũng đã có cách nói thật giản dị, dễ hiểu và giàu hình ảnh. Hãy về tắm ao nhà mình, dù nước có trong hay đục vẫn hơn nơi khác. Từ cách nói mộc mạc ấy người bình dân muốn nhắn nhủ mọi người: Con người, ai cũng có gia đình, xã hội, môi trường sống của mình; phải biết trân trọng những cái của mình, sử dụng nó hơn là đi nhờ vả, sử dụng của người khác. Câu ca dao đã đề cao rất rõ ý thức độc lập, phủ định kiểu sống nhờ, sống dựa, sống phụ thuộc vào người khác.

Nhìn nhận, xem xét vấn đề một cách công bằng, chúng ta phải thừa nhận mặt đúng, mặt tích cực của nó. “Ao ta” là thuộc quyền sở hữu của ta, ta có thế tắm thoải mái, tự do chứ không phải e dè như khi tắm “ao người”. Nói rộng ra, trong cuộc sống cùng vậy, sử dụng những gì của mình vẫn thích hơn, chủ động hơn là đi mượn của người khác. Nói vậy để thấy rằng: tâm lý khi sử dụng những thứ thuộc quyền sở hữu của mình bao giờ cũng nhẹ nhõm, thoải mái hơn nhiều khi phải đi nhờ, đi mượn. Điều đó thật cần thiết, quan trọng, bởi nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc của mỗi người. Hơn nữa, chúng ta cũng thấy là: nhà mình có ao mà mình không tắm, nhà mình có phương tiện mà không dừng, xã hội mình có sản phẩm mà mình ngoảnh mặt, lại đi sử dụng của nhà khác, người khác, nước khác thì chính là tự coi thường mình, bôi xấu mình. Đấy là chưa kế đến việc “ao nhà” lâu ngày không được sử dụng, thiếu sự chăm sóc, tu sửa thì sẽ ngày càng bẩn đi, đục thêm thì hậu quả càng xấu thêm cho chính bản thân mình. Có lẽ, đó là điều ngoài ý muốn của tất cả chúng ta.

Với những người con sông xa quê hương, xa Tổ quốc, câu ca dao cũng có ý nghĩa sâu sắc hơn. Sống trên nước người, họ có thể có cuộc sống vật chất đầy đủ hơn khi sống trên chính quê hương mình rất nhiều. Nhưng nước người vẫn là “ao” của người khác. Làm sao họ có thể thích ứng hoàn toàn với phong tục tập quán với cách sống, cách sinh hoạt nơi miền đất lạ. Làm sao họ có thể tìm được hồn quê hương dù chỉ là trong khoảnh khắc ở những con người bất đồng về ngôn ngữ, nếp sống, nếp nghĩ nơi xa xôi ấy. Vậy nên, ta dễ hiểu vì sao, nhiều Việt kiều sống xa quê hương nhưng tâm hồn họ vẫn luôn hướng về Tổ quốc. Lại có biết bao người đằng đẵng xa quê, cuối cùng trở lại về sống với mảnh đất thân yêu, nơi chôn nhau cắt rốn để tìm nguồn an ủi, tìm sự cảm thông, chia sẻ.

Song, câu ca dao vẫn còn mặt hạn chế của nó. Dẫu lời khuyên ta phải tắm ở ao nhà ta, phải sử dụng những cái của ta là đúng, là hợp đạo lý nhưng “Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” thì lại chưa thỏa đáng. Làm sao “vẫn hơn” được khi mà ao nhà ta nước đục hơn ao nhà người khác: Làm sao “vẫn hơn” được khi xã hội nước khác văn minh mà xã hội mình vẫn chưa thoát khỏi trì trệ, lạc hậu, đói nghèo? Cách quan niệm đó có khác gì đâu với thái độ an phận, chấp nhận sống cùng nghèo nàn, lạc hậu. Càng sai lầm hơn khi họ đã đồng nhất thái độ bảo thủ, bằng lòng với cuộc sống nghèo nàn lạc hậu, tâm lí tự cao mù quáng cho rằng cái gì của ta cũng “Nhất”. Họ cho rằng: ta phải sống trong xã hội của ta với tất cả hiện trạng trong đục vốn có của nó mới là “không lai căng”, mới là “dân tộc”. Họ đã nhầm lẫn hoặc đã tìm cách ngụy biện cho quan điểm bảo thủ, lối sống vô trách nhiệm đối với xã hội và đôi với chính mình. Quan điếm đó sẽ làm cho xã hội đã trì trệ càng trì trệ hơn, cuộc sống đã nghèo nàn càng nghèo nàn hơn. Thử hỏi, chúng ta vận động dùng hàng nội địa với khẩu hiệu “dù tốt hay xấu vẫn là hàng của ta”, vẫn hơn hàng ngoại thì sẽ ra sao? Lời giải đã tìm ngay trong câu hỏi không có gì khó khăn ấy. Bởi không ai dại gì dùng hàng xấu, hàng đắt, dù thứ hàng đó là của ta chăng nữa khi mà thị trường đang tràn ngập không biết bao nhiêu hàng nhập khẩu với chất lượng cao mà giá cả phải chăng. Rõ ràng quan niệm “Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” không còn phù hợp với đường lối đổi mới, mở cửa để phát triển không ngừng như của xã hội chúng ta hiện nay.

Nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện như thế, chúng ta cần có quan điểm sống như thế nào cho đúng đắn? Chúng ta không chấp nhận quan niệm an phận “dù trong dù đục” vẫn cứ tắm ở ao nhà, không có nghĩa là chúng ta đồng tình với thái độ lảng tránh, bỏ đi sống ở nơi khác, nước khác khi quê nhà, đất nước mình còn gian khó. Nhận thức đúng đắn nhất chính là phải tôn trọng, sử dụng cái của ta với thái độ “khơi trong gạn đục”.

“Khơi trong gạn đục” tức là phải phát huy cái tốt, cái đẹp, làm cho cái tốt, cái đẹp ngày càng phát triển; đồng thời loại trừ cái xấu, cái bẩn ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Ta nên sử dụng những cái vốn có của ta, không nên dùng của người khác, đồng thời ta cũng phải học tập người, nâng cao chất lượng những cái vốn có của mình. Ta phải tắm ở ao nhà, sống ở đất nước mình đồng thời phải mở cửa học tập người để cải tạo ao nhà, cải tạo đất nước để ao nhà trong mát hơn, đất nước giàu mạnh hơn. Mặt khác tôn trọng mình, sử dụng những thứ của mình không có nghĩa là bài ngoại, không được dùng những thứ do người khác sần xuất. Song, khi sử dụng những thứ của người khác mà ta chưa có, ta không nên sùng ngoại dẫn đến chỗ lệ thuộc vào người khác, làm mất quyền tự chủ của mình.

Câu ca dao là một bài học vô cùng sâu sắc về sự gắn bó giữa chúng ta với những gì là của mình, của quê hương mình, đất nước mình. Nhận thức vấn đề trong câu ca dao một cách toàn diện, đúng đắn như thế cũng là một cách để chúng ta có thế vươn lên hoàn thiện bản thân. Vâng, chúng ta phải sống với tinh thần hòa nhập nhưng không hoà tan, để từng ngày hoàn thiện, hoàn mỹ hơn mà vẫn giữ được nét riêng, nét bản sắc của mình.

3. Bàn luận của câu tục ngữ: Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn mẫu 2

Việt Nam ta có trải qua hàng ngàn năm lịch sử huy hoàng, trong thời gian ấy, dân tộc ta đã tự gây dựng cho mình bản sắc văn hóa độc đáo cùng nền nền văn hiến rực rỡ, đáng tự hào. Nhân dân ta có lòng yêu quê hương đất nước nồng nàn, ý chí quật cường và có ý thức tự chủ bảo vệ đất nước. Trải qua bao nhiêu biến cố trong lịch sử, nhân dân ta vẫn giữ vững nền độc lập và bản sắc riêng, nền văn hóa của dân tộc ta. Tình yêu nước, ý thức gắn bó với cội nguồn được ông cha ta gửi gắm qua câu ca dao:

Ta về ta tắm ao ta,

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn

Đất nước ta trải qua bao thăng trầm của lịch sử trải qua rất nhiều trận chiến sự thay đổi qua các triều đại thì câu tục ngữ này vẫn là kim chỉ nam của chúng ta. Những hình ảnh như lũy tre xanh, giếng nước, gốc đa, mảnh vườn, chiếc ao ... chúng đều là thứ thân thuộc gần gũi nhất của của con người Việt Nam ta, nó chính xóm làng, là quê hương là đất nước. Ao là nơi cung cấp nước cho sinh hoạt và hoạt động sản xuất, đối với cuộc sống của cư dân gốc nông nghiệp như Việt Nam, ao là hình ảnh vô cùng quen thuộc đối với nhận thức của mỗi người.

Không chỉ gắn bó với đời sống sinh hoạt, ao còn được tái hiện qua qua những tác phẩm nghệ thuật, "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo" của Nguyễn Khuyến hay là "Ao cạn vớt bèo cấy muống" trong thơ của Nguyễn Trãi. Ao gắn liền với đời sống của người dân Việt Nam ta là nơi tắm mát là nơi lưu giữ những kỉ niệm của con người.

Ta về ta tắm ao ta

Từ "ta" được lặp lại ba lần kết hợp với bốn tiếng ta tắm ao ta đã biểu lộ lòng tự hào tình yêu thương gia đình, tình yêu quê hương đất nước. Câu "Ta về ta tắm ao ta" còn là quan niệm tốt một triết lý sống: Lòng tự tôn dân tộc, trân trọng những giá trị văn hóa tốt đẹp, và cảm ơn những sự hi sinh của những thế hệ trước đã xây dựng đất nước được như ngày hôm nay.

Ý thứ hai muốn so sánh ao nhà và ao ngoài. Ao nhà thì ta có cảm giác thân thương là điểm tựa vững chắc cho ta. Còn ao ngoài là những người xa lạ mà ta không quen biết họ có thể giúp ta nhưng cũng có thể hại ta bất cứ lúc nào. Cho nên dù đục hay trong thì ao nhà vẫn tốt hơn. Vì vậy chúng ta phải bảo vệ đất nước cũng như là bảo vệ chiếc ao thân thương ấy.

Đất nước ta trải qua biết bao thăng trầm. Trong lịch sử chúng ta phải đấu tranh chống giặc ngoại xâm chống lại sự đồng hóa nô dịch của ngoại bang. Trải qua nhiều cuộc chiến đã tạo cho nhân dân Việt Nam ta những tư tưởng tích cực. Bảo vệ gia đình bảo vệ quê hương đất nước là niềm tự hòa của chúng ta.

Nhân dân ta với tinh thần tự lực tự cường, lòng yêu nước nồng nàn, vì thế nhân dân ta phải biết phối hợp cái cũ với cái mới một cách linh hoạt phát huy những thứ tốt loại bỏ những thứ lỗi thời lạc hậu, phát triển khoa học kĩ thuật, hợp tác với những nước trong khu vực cũng như trên quốc tế. Loại bỏ những cái xấu những phong tục, tư tưởng cổ hủ lạc hậu, khép kín và phát huy bản sắc dân tộc ta.

Để Việt Nam trở thành một nước hiện đại, phồn vinh, và có nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc, xã hội công bằng dân chủ văn minh thì chúng ta cần phát huy nội lực tiềm năng, nêu cao tinh thần tự lực tự cường để tạo lên sức mạnh cho Việt Nam khi bước vào thời đại mới.

Bước vào thế kỉ XXI Việt Nam có rất nhiều cơ hội và cũng có rất nhiều thách thức chúng ta cần lợi dụng triệt để những cơ hội đó và vượt qua những thách thức "Hòa nhập nhưng không hòa tan" giữ nguyên bản sắc của dân tộc hấp thụ những cái tốt cái tiến bộ của thế giới.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Bàn luận về ý nghĩa tư tưởng của câu tục ngữ: Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số bài soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm