Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bình giảng bài thơ Đò Lèn của tác giả Nguyễn Duy

Văn mẫu lớp 12: Bình giảng bài thơ Đò Lèn của tác giả Nguyễn Duy VnDoc sưu tầm và giới thiệu cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1. Dàn ý bình giảng bài thờ Đò Lèn của Nguyễn Duy

1. Mở bài

Giới thiệu về tác phẩm: Đò Lèn của Nguyễn Duy như một lời tâm sự, một dòng hồi ức đầy thân thương về tuổi thơ của mình, đó là tuổi thơ bên bà

2. Thân bài

– Giá trị của Đò Lèn được gây dựng lên bởi chính kí ức chân thực, tình cảm chân thành của nhà thơ nên nó dễ lay động, gợi sự đồng điệu trong tâm hồn của độc giả.

– Mở đầu bài thơ, tác giả đã bắt đầu bằng những hồi niệm về những kí ức thân thương của tuổi thơ

– tác giả đã sử dụng hai từ “thuở nhỏ” như sự gợi nhắc về tuổi thơ, đó cũng là mốc thời gian cho những hoài niệm đang dạt dào trong tâm hồn.

– khổ thơ thứ hai tác giả tiếp tục vén bức mành kí ức để mở ra trước mắt độc giả hình ảnh một cậu bé hồn nhiên với những trò chơi tuổi thơ.

– Từ nhỏ Nguyễn Duy đã sống với bà, sống dưới sự chăm sóc, yêu thương, che chở của bà nên nhớ về tuổi thơ cũng là nhớ về những tháng ngày bên bà

– Để nuôi lớn đứa cháu thơ, người bà đã phải làm bao công việc vất và, từ mò cua xúc tép. Gánh chè xanh, buôn bán trong những đêm hàn lạnh giá.

– Với sự hồn nhiên của tuổi thơ, tác giả vẫn chưa cảm nhận được sự vất vả của người bà, đây cũng là điều day dứt tác giả cho đến mãi sau này.

– Trong tâm trí nhà thơ, người bà hiền từ, nhân hậu của mình cũng vĩ đại, thiêng liêng như tiên, như phật

– Khi đứa cháu đã nhận thức sâu sắc về tình cảm, nỗi khổ của bà thì người bà đã mãi mãi ra đi.

3. Kết bài

Đò Lèn không chỉ là những kí ức tuổi thơ mà đó còn là hình ảnh của bà, người bà tần tảo giàu yêu thương đã thắp lên ngọn lửa yêu thương ấm áp bên trong tâm hồn của người cháu nhỏ.

2. Bình giảng bài thơ Đò Lèn của tác giả Nguyễn Duy mẫu 1

Người bà đã trở thành một hình tượng quen thuộc trong văn học Việt Nam. Hình tượng ấy luôn được các nhà văn, nhà thơ nhắc tới bằng những lời lẽ ngợi ca, trân trọng. Và người bà trong bài thơ "Đò Lèn" của Nguyễn Duy cũng được ông khắc họa bằng những lời thơ hàm súc và chan chứa tình cảm như vậy.

Bài thơ này được ông sáng tác nhân một dịp trở về quê hương năm 1983. Bao nhiêu kí ức thời thơ ấu được ông tái hiện qua hai khổ thơ đầu tiên:

"Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá

níu váy bà đi chợ Bình Lâm

bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật

và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị

chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng

mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm

điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng"

Những địa danh được tác giả liệt kê như cống Na, chợ Bình Lâm, chùa Trần, đền Cây Thị, đền Sòng đều là những địa danh mà thời thơ ấu ông đã đặt chân đến. Sự hiếu động, nghịch ngợm của một đứa trẻ được thể hiện qua các hành động câu cá, níu váy bà, "bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật", ăn trộm nhãn ở chùa, đi xem cô đồng,...Đó là những trò chơi thuở nhỏ mà Nguyễn Duy đang lặng mình hồi tưởng. Thì ra nhà thơ đã có một thời thơ ấu như thế. Một tuổi thơ gắn liền với người bà yêu dấu. Chi tiết "níu váy bà đi chợ" gợi ra cho bạn đọc hình ảnh một cậu bé đang tung tăng, vui sướng khi được bà dắt đi chợ cùng. Chắc hẳn cậu đang háo hức chờ đợi những thức quà quê được bày bán ở phiên chợ. Có đứa trẻ nào không mong ngóng người bà, người mẹ đi chợ về? Có đứa trẻ nào không reo lên sung sướng khi nhận được những thứ quà quê từ phiên chợ. Có lẽ gia đình cậu không phải là một gia đình khá giả nên cậu mới "chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng". Không gian tuổi thơ của cậu gắn liền với thế giới tâm linh của các ngôi đền, ngôi chùa. Một trong những ngôi đền ấy là đền Sòng. Tại đây, nhà thơ đã cảm nhận được mùi thơm của hoa huệ trắng hòa quyện với khói trầm và đây cũng là nơi ông được nghe điệu hát văn của cô đồng. Những kí ức ấy đã in đậm trong tâm trí nhà thơ khiến ông không thể nào quên được.

Có lẽ vì quá hồn nhiên, vô tư mà Nguyễn Duy không nhận ra được sự vất vả, cực nhọc của bà:

"Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

bà mò cua xúc tép ở đồng Quan

bà đi gánh chè xanh Ba Trại

Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn"

Dường như Nguyễn Duy đang cảm thấy ân hận vì mình đã quá vô tâm với bà. Người bà phải tần tảo sớm hôm, không ngần ngại gian khổ để chăm lo cho cuộc sống của cháu được đủ đầy. Người bà như đang gánh vác phần trách nhiệm của bố mẹ đứa cháu. Bà thay bố mẹ chăm sóc cháu lớn khôn thành người. Tình yêu thương của bà là vô giới hạn, bà không quản ngại những đêm hàn giá lạnh đi "mò cua xúc tép", đi "gánh chè xanh", "bán trứng" để chăm lo cho cuộc sống hàng ngày. "Thập thững" là từ láy chỉ những bước chân không chắc chắn, bước thấp bước cao không được vững chãi. Đồng Quan, Ba Trại, quán Cháo, Đồng Giao, ga Lèn là nơi mà hằn in bước chân và sự lam lũ của bà. Khi thuở nhỏ, nhà thơ chưa nhận ra sự hi sinh của bà. Ông "đâu biết" sự cơ cực, tảo tần ấy. Chỉ đến khi lớn lên, khi bà đã ra đi về một thế giới khác thì tác giả mới nhận ra điều đó. Cũng vì thế mà ông day dứt khôn nguôi.

Đối với Nguyễn Duy, người bà giống như một vị thánh thần:

"Tôi trong suốt giữa hai bờ hư - thực

giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần

cả năm đói, củ dong riềng luộc sượng

cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm"

Người bà được ví với những hình tượng thiêng liêng như "tiên, Phật, thánh, thần". Phải chăng bà cũng vĩ đại như họ? Tình yêu thương bà dành cho cháu nhiều như thế nào chỉ có cháu là người hiểu nhất. Những năm đói kém, mất mùa hai bà cháu phải ăn "củ dong riềng luộc sượng". Đó là thứ không hề dễ ăn nhưng trong hoàn cảnh như vậy thì củ dong riềng cũng trở thành loại thực phẩm cần thiết. Rồi đến khi:

"Bom Mĩ giội, nhà bà tôi bay mất

đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền"

Thì người bà lam lũ ấy lại đi "bán trứng ở ga Lèn". Ngôi nhà là nơi mọi người thường trở về để quây quần, tụ họp, để ngơi nghỉ sau những lo toan, mệt nhọc nhưng sự ác liệt của chiến tranh đã cướp đi ngôi nhà ấy. Bom Mĩ đã làm cho đền, chùa "bay tuốt". Vậy là những không gian tâm linh đã gắn bó với tuổi thơ của cậu bé không còn nữa. Đau xót biết nhường nào khi những gì thân thuộc nhất cũng không thể giữ lại được. Cuộc sống muôn ngàn khó khăn và chiến tranh luôn đầy rẫy nguy hiểm nhưng người bà vẫn phải bươn chải sớm hôm để nuôi nấng đứa cháu khôn lớn. Vì đứa cháu chỉ có bà là chỗ dựa tinh thần duy nhất nên bà không cho phép mình gục ngã. Dù có phải đi "bán trứng" hay "mò cua xúc tép" thì bà cũng không quản ngại khó khăn.

Tất cả tình yêu thương bà dồn hết vào đứa cháu nhưng đến khi lớn lên thì người cháu ấy mới thấu hiểu được sự hi sinh thầm lặng của bà:

"Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại

dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi

khi tôi biết thương bà thì đã muộn

bà chỉ còn là một nấm mồ thôi".

Thời gian trôi đi, cậu bé tinh nghịch ngày nào đã trở thành một người lính anh dũng. Thời gian đi lính cũng là thời gian anh không về quê ngoại thăm bà được, đến khi trở về thì "bà chỉ còn là một nấm mồ thôi". Người bà đã ra đi mãi mãi để lại trong nhà thơ bao nỗi xót xa, day dứt khôn nguôi. Khung cảnh làng quê vẫn thế, dòng sông năm xưa vẫn "bên lở, bên bồi", chỉ là thiếu vắng hình bóng người bà thân thuộc. Người lính thương nhớ, nghẹn ngào trước sự ra đi của bà. Anh tự trách mình đã không nhìn thấy nỗi cơ cực của bà sớm hơn, không biết yêu thương bà sớm hơn. Đứng trước nấm mồ của người bà đã khuất, tác giả vô cùng ân hận vì biết thương bà quá muộn. Ngay cả những giây phút cuối cùng của cuộc đời, người bà ấy cũng không được gặp mặt đứa cháu mà mình đã hết mực thương yêu. Đọc đến những dòng thơ này chắc hẳn ai cũng rưng rưng xúc động vì bắt gặp bản thân mình trong đó. Có lẽ con người ta chỉ biết trân trọng những gì đã mất đi mà không để tâm đến những điều còn đang hiện hữu.

"Đò Lèn" là lời tâm sự chân thành của tác giả với bạn đọc về người bà yêu dấu của mình. Nguyễn Duy đã sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, giản dị để viết về thứ tình cảm thiêng liêng ấy. Bài thơ đã chạm đến cảm xúc của đông đảo các thế hệ độc giả và trở thành một trong những bài thơ nổi tiếng viết về đề tài người bà trong nền văn học Việt Nam.

3. Bình giảng bài thơ Đò Lèn của tác giả Nguyễn Duy mẫu 2

Trong cuộc đời con người, có lẽ tuổi thơ là quãng thời gian trong sáng nhất, đẹp nhất. Có những tuổi thơ êm đềm, cũng có những tuổi thơ dữ dội nhưng dù thế nào, khi không thể trở lại, mỗi chúng ta vẫn có những phút giây hoài niệm đầy tiếc nuối. Xuân Quỳnh thương ổ trứng gà của bà, Tế Hanh nhớ con sông quê hương, Bằng Việt trở lại bếp lửa yêu thương... và Nguyễn Duy mải miết tìm về một Đò Lèn thuở nghe cố tích.

Cùng với Tre Việt Nam, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, ánh trăng... Đò Lèn là bài thơ được nhiều bạn đọc yêu thích bởi những xúc cảm yêu thương chân thánh mà người viết đã phổ một cách tự nhiên trong đó. Bài thơ gồm sáu khổ. Hai khổ thơ đầu là những kí ức về tuổi thơ với những trò chơi ngày nhỏ. Hai khổ tiếp theo là nhận thức và cảm xúc của nhân vật trữ tình về những hi sinh thầm lặng của bà ngoại. Khổ thơ thứ năm là kí ức về những ngày bom Mỹ đánh phá tan hoang nhà cửa, chùa chiền. Và khổ cuối cùng là tâm trạng bùi ngùi của nhân vật tôi khi bà ngoại không còn nữa. Xuyên suốt tác phẩm là tình yêu sâu nặng người cháu dành cho bà ngoại. Bài thơ bắt đầu bằng dòng hoài niệm, bằng những hồi ức về thuở xa xăm:

Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá

Níu váy bà đi chợ Bình Lâm

Bắt chim sẻ ờ vành tai tượng Phật

Và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị

Chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng

Mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm

Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng

Hai chữ “thuở nhỏ” mở đầu văn bản, được láy lại lần nữa ở khổ thứ hai không chỉ là dấu mốc thời gian mà như còn đong đầy nỗi ngậm ngùi. Chủ thể điểm nhìn trong bài thơ là nhân vật tôi nhưng không phải là tôi của thuở nhỏ mà là tôi khi đã lớn khôn, trưởng thành. Đó là lí do những kỉ niệm ùa về rất nhiều nhưng tất cả chỉ được gọi tên vội vã: “câu cá”, “níu váy bà đi chợ”, “bắt chim sẻ”, “ăn trộm nhãn”, “chơi đền Cây Thị”, “xem lễ đền Sòng”. Những trò chơi của cậu bé nông thôn được liệt kê với mức độ dày đặc. Ngần nấy trò cho phép chúng ta hình dung về một chú nhóc tinh nghịch, hiếu động. Điều đáng nói là kỉ niệm của cậu không gắn với lũ bạn cùng tuổi mà luôn quấn quýt với bà ngoại. Bà ngoại tôi chỉ xuất hiện duy nhất trong hành động đến chợ Bình Lâm nhưng tưởng như bước chân bà luôn theo sát bao kỉ niệm của thằng cháu ngoại. Trẻ con- nhất là những bé trai- vẫn thích tha thẩn nơi vườn cây, ao cá những điểm đến của nhân vật tôi lại là những đền chùa, chợ búa- nơi các bà cụ thường lui tới. Nguyễn Duy nhắc đến năm địa danh thì trong số đó có đến ba tên chùa, đền. Chùa Trần, đền Sòng, đền Cây Thị bà đến cũng chính là những nơi cậu bé theo đi, tất nhiên không phải để thành tâm lễ Phật như bà mà để khám phá bao điều kì thú ở đó. Có thể ngày bé, nhân vật tôi chỉ mải miết với những trò nghịch ngợm của mình, thậm chí sẽ bị bà ngoại quở trách vì các hành động “bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật”, “ăn trộm nhãn chùa Trần”. Nhưng rồi tất cả những gì trầm tích trong kí ức lại là “mùi huệ trắng quyện khói trầm” và “điệu hát vãn” cùng bóng dáng cô đồng trong chùa. Giờ thì ta hiểu tại sao tác giả không dừng lại miêu tả cụ thể một trò chơi nào. Mùi hương thanh khiết, trầm tịch chốn thâm nghiêm và điệu hát cô đồng khó hiểu là tất cả những gì choán đầy nỗi nhớ nhân vật trữ tình. Điều phảng phất, thậm chí không cố tình được trẻ thơ lưu lại trong trí nhớ lại có sức bám đọng mãnh liệt nhất khi kí ức dội về. Căn nguyên là đâu? Có phải và thấp thoáng trong khói hương thơm ngát và điệu hát văn thuở xưa là bóng dáng bà ngoại yêu dấu của nhân vật tôi? Sang khổ thơ tiếp theo tứ thơ có sự biến đổi đột ngột. Không còn là các trò tinh nghịch thuở thiếu thời nữa mà là nỗi yêu thương không thể nén kìm:

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

Bà mò cua xúc tép ở đồng Quan

Bà đi gánh chè xanh Ba Trại

Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn

Dòng hoài niệm không dừng lại ở những trò chơi thuở nhỏ mà được tiếp nối bằng hình ảnh bà ngoại lam lũ, tảo tần. “Tôi đâu biết” không hẳn là lời sám hối nhưng đó là lời tự trách đầy tiếc nuối, xót xa của người cháu khi trường thành. Tất cả những gì khuất lấp trong tuổi thơ giờ đã được nhận thức sáng tỏ vẫn là thao tác liệt kê nhưng không phải là trò chơi thuở nhỏ mà là bao vất vả, “cơ cực” của bà. Thực ra, mò cua, xúc tép, gánh chè... là những việc quen thuộc của người phụ nữ nông thôn Việt Nam. Nếu ai đã đọc những câu thơ của Trần Đăng Khoa, chắc sẽ thương lắm dáng bà, dáng mẹ giữa trưa tháng sáu:

“Nước như ai nấu

Chết cả cá cờ

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy”

Nếu ai đã đọc Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, sẽ thấy có sự đồng điệu giữa Hoàng Cầm và Nguyễn Duy trong hình ảnh thơ:

“Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong

Dăm miếng cau khô

Mấy lọ phẩm hồng

Vài thếp giấy dầm hoen sương sớm”

Những “cơ cực” đó lẽ ra không nên có ở những người bà đã đi qua bao nhọc nhằn trong cuộc sống, không nên có ở lứa tuổi lẽ ra phải được thảnh thơi, vui vầy bên con cháu. Một lần nữa Nguyễn Duy cho các địa danh xuất hiện, nhưng đó không còn là những đền chùa linh thiêng. Ba Trại, Đồng Quan, Quán Cháo, Đồng Giao là nơi in dấu chân bà ngoại tảo tần sớm hôm. Không gian nối tiếp không gian, mở rộng, kéo dài hành trình lam lũ của bà đồng thời khơi sâu thêm nỗi xa xót trong lòng cháu. Từ láy “thập thững” dựng lên trước mắt người đọc dáng đi không không-vững chãi, thậm chí xiêu vẹo của người mắt kém đang phải mang gánh nặng trên vai. Cụm từ “những đêm hàn” vừa chỉ thời gian, vừa có giá trị mô tả không gian. Đêm là thời khắc muộn hơn tối. Cũng để chỉ cái lạnh nhưng Nguyễn Duy không viết “đêm lạnh”, “đêm rét” mà viết “đêm hàn”. Kết hợp từ khéo léo này mang lại hiệu quả nghệ thuật bất ngờ. Trong cái lạnh của đêm tối, ta còn cảm nhận được cả cái buốt giá của sương đêm, Những cơ cực của bóng dáng rầm lụi không được miêu tả chi tiết nhưng vẫn được gợi nên trong suy tưởng người đọc. Đó chẳng phải là những hi sinh âm thầm sao?

Bài thơ Đò lèn

Nhân vật trữ tình dường như không dám tin vào những điều mình nhận ra, không dám tin vào những điều thuở bé thơ mình không cảm nhận được. Cảm thức về bà ngoại cùng bao kí ức sâu đậm về những vị Phật tiên đã khiến nhà thơ phân vân:

Tôi trong suốt giữa hai bờ hư thực

Giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần

Cái năm đói, củ dong riềng luộc sượng củ

Nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm

Có lẽ đây là khổ thơ hay nhất trong bài. Hay bởi cách nồi và xúc động bởi chiều sâu tình cảm. “Trong suốt” là tính từ chỉ tính chất sự vật, hiện tượng được Nguyễn Duy đưa vào lời thơ, đảm nhiệm chức năng của động từ tình thái. Thật khó để gọi tên chính xác cảm xúc của nhân vật trữ tình. Chỉ có thể khẳng định một điều, trạng thái này gần gũi với các bậc tu hành nhà Phật. Hình ảnh bà được đặt trong thế đối sánh ngang hàng với tiên phật, thánh thần thể hiện lòng ngưỡng mộ, tôn sùng của nhân vật tôi. Phải thực sự thấm thía, trân trọng công ơn của bà, nhân vật trữ tình mới có được tình cảm sâu sắc, mãnh liệt đến vậy. Tình cảm đó được đặt trong thế đối lập giữa hai không gian: không gian trần tục và không gian tịnh độ. Cảm giác đói bị át đi bởi hương huệ trắng và hương trầm thanh khiết. Lần thứ hai hương thơm đó xuất hiện trong bài thơ. Nhưng lần này nó không được cảm nhận bằng khứu giác mà bằng thính giác. Cái tinh tế của ý thơ chính là ở chỗ này đây. Nếu chỉ là “cứ thoang thoảng” hay “cứ ngửi” thì hương huệ trắng và hương trầm chỉ là thứ hương của hiện tại. Đấy là chưa kể việc sử dụng từ “ngửi” sẽ làm mất đi ý vị tao nhã của hình ảnh thơ, của lời thơ. Phải là “nghe” thì mới thấy quá khứ vọng về, thì mới thấy sức ám ảnh của hương thơm quá khứ. Cảm thức về bà luôn gắn với sự thanh nhã, nhân hậu, đức độ. Bà như thần tiên, bà như cổ tích và bà luôn bất tử trong tâm thức cháu.

Khổ thơ thứ tư là bản lề khép lại những kí ức thuở nhỏ và đến gần hơn với mất mát thực tế được gợi tả trong khổ thứ năm:

Bom Mỹ giội nhà bà tôi bay mất

Đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền

Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết

Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn

Chiến tranh với những đau thương mất mát đã đi vào thơ ca và trở thành chủ đề xuyên suốt một thời đại. Mỗi người bước vào chiến tranh và đi ra đi những mất mát riêng. Với Nguyễn Duy, đau thương nhất là sự tan hoang, đổ nát của những chùa chiền và ngôi nhà bà ngoại. Nhà thơ đã lựa cách nói để kìm giữ những tổn thương tinh thần. Không khắc họa “kiệt cùng, ngõ thẳm bờ hoang” như Hoàng cầm, Nguyền Duy chỉ nhẹ nhàng kể: “nhà bà tôi bay mất”, “đền Sòng bay”, “bay tuốt cả chùa chiền”. “Bay” thực chất là tan, là đổ nát đây chứ. Nhưng “bay” cũng là gắn với cảm thức tiên Phật. Nơi bình yên không còn yên bình nữa. Cái khốc liệt của chiến tranh in dấu ấn cả vào trong đời sống của thần tiên, huống gì con người? Điểm kết của những kí ức là hình ảnh người bà đi bán trứng ở ga Lèn mặc cho “bom Mỹ dội”, mặc cho “Thánh với Phật” đã phải rủ nhau đi. vẫn là sự tảo tần để mưu sinh? Hay sẽ là bắt đầu cho một bất trắc không lường trước được, một mất mát khôn cùng? Ga Lèn là điểm kết của câu thơ nhưng lại được chọn làm nhan đề cho bài thơ, điều đó chứng tỏ địa danh này gắn với sự kiện quan trọng. Phải chăng, chính tại nơi đây, những ngày được gắn bó cùng người bà kính yêu của nhà thơ nhân vật trữ tình cũng hết?

Thời gian trôi bẵng đi, khi đã trưởng thành, đã nhận ra những hi sinh lớn lao của bà, đã ý thức được tình cảm, trách nhiệm của mình, cũng là lúc nhân vật trữ tình mất bà mãi mãi. Hai câu cuối không đặc sắc về tứ thơ nhưng gây xúc động trong lòng người đọc. “Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!” lời thơ nghe đầy xót xa, nuối tiếc.

Đò Lèn là bài thơ không mới về chủ đề nhưng vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt nhờ cách diễn tả độc đáo, nhờ sự phô bày những yêu thương chân thành của người viết. Tình yêu thương bà luôn gắn với cảm thức chùa chiền, tiên Phật nên mang màu sắc thanh khiết, sáng trong. Hàng loạt những địa danh của quê hương được gọi tên càng tô đậm sự chân thực trong cảm xúc. Đó là những nét riêng, độc đáo để đọc Đò Lèn, chúng ta không nhầm với Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh, Bếp lửa của Bằng Việt...

4. Bình giảng bài thơ Đò Lèn của tác giả Nguyễn Duy mẫu 3

Đò Lèn của Nguyễn Duy như một lời tâm sự, một dòng hồi ức đầy thân thương về tuổi thơ của mình, đó là tuổi thơ bên bà. Trong bài thơ ta bắt gặp một Nguyễn Duy như đang mải miết tìm về những tình cảm sâu nặng, về một Đò Lèn trong kí ức.

Giá trị của Đò Lèn được gây dựng lên bởi chính kí ức chân thực, tình cảm chân thành của nhà thơ nên nó dễ lay động, gợi sự đồng điệu trong tâm hồn của độc giả. Mở đầu bài thơ, tác giả đã bắt đầu bằng những hồi niệm về những kí ức thân thương của tuổi thơ:

“Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá

Níu váy bà đi chợ Bình Lâm

Bắt chim sẻ ở vành đai tượng Phật

Và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần”

Ngay đầu bài thơ, tác giả đã sử dụng hai từ “thuở nhỏ” như sự gợi nhắc về tuổi thơ, đó cũng là mốc thời gian cho những hoài niệm đang dạt dào trong tâm hồn. Những trò chơi quen thuộc cũng theo đó được liệt kê liên tiếp như chính sự khắc khoải, trào dâng của cảm xúc “câu cá”, “níu váy bà đi chợ”, “bắt chim sẻ”, “ăn trộm nhãn”….

“Thuở nhỏ tôi lên chơi đền cây thị

Chân đất đi đêm xem lễ đền sòng

Mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm

Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng”

Qua đến khổ thơ thứ hai tác giả tiếp tục vén bức mành kí ức để mở ra trước mắt độc giả hình ảnh một cậu bé hồn nhiên với những trò chơi tuổi thơ. Cậu bé ấy cũng đã từng lên chơi đền cây thị, xem lễ đền Sòng với đôi chân đất của con nhà nghèo hay đi xem lễ hội đền sòng. Có thể thấy trong tuổi thơ của câu bé ấy thế giới tâm linh dân gian luôn in đậm, nó được thể hiện trong những những cảm nhận chân thực đến ám ảnh về mùi huệ trắng và khói trầm.

Từ nhỏ Nguyễn Duy đã sống với bà, sống dưới sự chăm sóc, yêu thương, che chở của bà nên nhớ về tuổi thơ cũng là nhớ về những tháng ngày bên bà:

“Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

Bà mò cua, xúc tép ở đồng Quan

Bà đi gánh chè xanh Ba Trại

Quán Cháo, Đồng Giao thập những đêm hàn”

Để nuôi lớn đứa cháu thơ, người bà đã phải làm bao công việc vất và, từ mò cua xúc tép. Gánh chè xanh, buôn bán trong những đêm hàn lạnh giá. Bà không ngại cực khổ chỉ mong đứa cháu được khôn lớn thành người, bởi bà không chỉ phải thực hiện trách nhiệm của mình mà còn phải đóng vai trò của người bố, người mẹ. Tuy nhiên khi ấy, trong sự hồn nhiên của tuổi thơ, tác giả vẫn chưa cảm nhận được sự vất vả của người bà, đây cũng là điều day dứt tác giả cho đến mãi sau này.

Trong tâm trí nhà thơ, người bà hiền từ, nhân hậu của mình cũng vĩ đại, thiêng liêng như tiên, như phật:

“Tôi trong suốt giữa hai bờ hư- thực

Giữa và tôi và tiên, Phật, thánh, thần”

Trong không khí mưa bom bão đạn, quê hương làng xóm bị tàn phá, ngôi nhà của hai bà cháu cũng bay theo bom MĨ. Tuy nhiên cái dữ dội, mất mát của chiến tranh cũng chỉ có thể tàn phá vật chất nhưng không thể quật ngã tinh thần của người bà gầy yếu ấy. Bởi trong bất kì hoàn cảnh nào bà vẫn kiên cường chống đỡ để làm chỗ dựa cho đứa cháu của mình “bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”.

“Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại

dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi

khi tôi biết thương bà đã muộn

bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”.

Khi đứa cháu đã nhận thức sâu sắc về tình cảm, nỗi khổ của bà thì người bà đã mãi mãi ra đi. Sự nuối tiếc day dứt của người cháu mang đến bao xúc động cho tâm hồn độc giả, bởi chính những kí ức thân thương bên bà ấy đã chạm đến những tình cảm chân thành nhất của mỗi người dành cho bà của mình.

Đò Lèn không chỉ là những kí ức tuổi thơ mà đó còn là hình ảnh của bà, người bà tần tảo giàu yêu thương đã thắp lên ngọn lửa yêu thương ấm áp bên trong tâm hồn của người cháu nhỏ.

5. Bình giảng bài thơ Đò Lèn của tác giả Nguyễn Duy mẫu 4

Quê hương là gì hả mẹ?

Mà cô giáo dạy phái yêu

Quê hương là gì hả mẹ?

Ai đi xa cũng nhớ nhiều...

(Què hương - Đỗ Trung Quân)

Mỗi người sinh ra đều có một quê hương. Dù có ngược xuôi giữa biển lớn cuộc đời, dù thời gian có đổi thay, dù hạnh phúc hay đớn đau, vui buồn sướng khổ thì quê hương cũng là nơi để ta quay bước chân trở về nương tựa, tìm chốn bình yên. Bởi nơi đó chất chứa những kỉ niệm tuổi thơ một thời và tình cảm ấm áp, hồn hậu của gia đình. Là một trong số những bài thơ hòa vào cảm xúc ấy, Đò Lèn của Nguyễn Duy đã đưa mồi người trong chúng ta ngày hôm nay trở về miền kí ức xa xăm với tuổi thơ gắn liền với bao kỉ niệm bên người bà yêu thương.

Đò Lèn - hai chữ giản dị, mộc mạc nhưng lại gợi lên tất cả những gì đẹp nhất và thân thương nhất. Ngay từ đầu, nhan đề bài thơ đã đưa người đọc về với không gian mang đậm dấu ấn làng quê Bắc Bộ. Tuổi thơ là những ngày mẹ mất sớm, sống cùng với tình yêu thương bên người bà và miền quê mộc mạc, một cách tự nhiên, Đò Lèn bước vào những trang thơ với tất cả tình cảm yêu thương và chân thành nhất mà tác giả đã dành trọn cho quê hương. Bằng ánh nhìn của người con trờ về, nhắc lại những kỉ niệm ngày xưa với hình ảnh người bà xuyên suốt, Nguyễn Duy đã khơi gợi lên những xúc cảm chân thành và chút man mác trong suy tư của mồi người.

Cùng với Tre Việt Nam, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Anh trăng... Đò Lèn là bài thơ được nhiều bạn đọc yêu thích bời những xúc cảm yêu thương chân thành. Bài thơ gồm sáu khô. Hai khổ thơ đầu là những kí ức về tuổi thơ với những trò chơi ngày nhỏ. Hai khổ tiếp theo là nhận thức và cảm xúc của nhân vật trữ tình về những hi sinh thầm lặng của bà ngoại. Khổ thơ thứ năm là kí ức về một những ngày bom Mĩ đánh phá tan hoang nhà cửa, chùa chiền. Và khổ cuối cùng là tâm trạng bùi ngùi của nhân vật tôi khi bà ngoại không còn nữa.

Tuổi thơ là những ngày đẹp nhất và trong sáng, hồn nhiên nhất. Bởi nó trôi qua không phiền muộn, luyến tiếc mà hết sức tự nhiên, giản đơn. Chính vì thể trong lòng mỗi chúng ta luôn lưu giữ và nâng niu những kỉ niệm đẹp đẽ ấy bang tất cả lòng trân trọng và chân thành. Và cũng như mọi người, tuổi thơ Nguyễn Duy cũng trôi qua bình lặng, êm đêm:

Thuờ nhỏ tôi ra cong Na câu cá níu váy bà đi chợ Bình Lâm bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần.

Hai chữ “thuở nhỏ” mở đầu văn bản, được láy lại lần nữa ở khổ thứ hai không chỉ là dấu mốc thời gian mà như còn đong đầy nỗi ngậm ngùi. Chủ thể điểm nhìn trong bài thơ là nhân vật tôi - nhưng không phải là tôi của thuở nhỏ mà là tôi khi đã lớn khôn, trường thành. Kỉ niệm tuổi thơ tinh nghịch, dễ thương ùa về trong tâm trí nhà thơ tạo nên cảm giác thích thú, vui tươi. Những thói quen “câu cá”, “níu váy bà đi chợ”, “bắt chim sẻ”, “ăn trộm nhãn” trở nên hết sức quen thuộc trong tuôi thơ của tât cả các cậu bé và cô bé. Ta có thê hình dung một cậu bé hiêu động, tinh nghịch luôn tìm cho mình những phút giây vui thích của cuộc sông. Đó là những ngày thơ thẩn ôm cần chờ cá cắn câu, là những ngày tò mò pha chút rụt rè, sợ hãi theo bà đi chợ, là những khoảnh khắc nín thở hái trộm nhãn cùng bạn bè. Thâp thoáng trong tuổi thơ bình yên ấy là không gian của những ngôi chùa mang đậm dấu ấn văn hoá đặc trưng của quê hương và hình ảnh người bà hồn hậu giàu tình yêu thương.

Trong kí ức của Nguyễn Duy in đậm dấu ấn của những phong tục tập quán đặc trưng của người dân bản xứ. Yên bình, nhẹ nhàng nhưng cũng mang chút gì đó sâu thẳm, lắng trầm đọng trong sắc huệ trắng tinh khiết và mùi nhang trầm thoang thoảng chút hơi thở, hoài niệm của quê hương, tuổi thơ trong sáng của nhà thơ cứ thế trôi qua tự nhiên cùng năm tháng:

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng.

Nguyễn Duy nhắc đến địa danh đền Sòng, đền Cây Thị, những nơi mà cậu bé theo bà đi, tất nhiên không phải để thành tâm lễ Phật như bà mà để khám phá bao điều kì thú ở đó. Có thể ngày bé, nhân vật tôi chỉ mải miết với những trò nghịch ngợm của mình, thậm chí sẽ bị bà ngoại quở trách vì các hành động bắt chim sẻ ờ vành tai tượng Phật, ăn trộm nhãn chùa Trần. Nhưng rồi tất cả những gì trầm tích trong kí ức lại là mùi huệ trắng quyện khói trầm và điệu hát văn cùng bóng dáng cô đồng trong chùa. Giờ thì ta hiểu tại sao tác giả không dừng lại miêu tả cụ thể một trò chơi nào. Mùi hương thanh khiết, trầm tịch chốn thâm nghiêm và điệu hát cô đồng khó hiểu là tất cả những gì choán đầy nỗi nhớ nhân vật trữ tình. Điều phảng phất, thậm chí không cố tình được trẻ thơ lưu lại trong trí nhớ lại có sức bám đọng mãnh liệt nhất khi kí ức dội về. Căn nguyên là đâu? Có phải vì thấp thoáng trong khói hương thơm ngát và điệu hát văn thuở xưa là bóng dáng bà ngoại yêu dấu của nhân vật tôi?

Không những thế, tuổi thơ còn gắn với hình ảnh người bà lam lũ, cơ cực. Bằng giọng tiếc nuối và xúc động, tác giả nhắc về tuổi thơ cũng là gợi nhắc về người bà vất vả lo toan:

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

bù mò cua xúc tép ở đồng Quan

bà đi gánh chè xanh Ba Trại

Quán Chảo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn.

Dòng hoài niệm không dừng lại ở những trò chơi thuở nhỏ mà được tiếp nổi bằng hình ảnh bà ngoại lam lũ, tảo tần. “Tôi đâu biết"- không hẳn là lời sám hối nhưng đó là lời tự trách đầy tiếc nuối, xót xa của người cháu khi trưởng thành. Tất cả những gì khuất lấp trong tuổi thơ giờ đã được nhận thức sáng tỏ. vẫn là thao tác liệt kê nhưng không phải là trò chơi thuở nhỏ mà là bao vất vả, “cơ cực” của bà. Thực ra, mò cua, xúc tép, gánh chè... là những việc quen thuộc của người phụ nữ nông thôn Việt Nam. Nếu ai đã đọc những câu thơ của Trần Đăng Khoa, chắc sẽ thương lắm dáng bà, dáng mẹ giữa trưa tháng sáu:

Nước như ai nấu Chết cả cá cờ

Cua ngoi lên bờ Mẹ em xuống cấy.

(Hạt gạo làng ta)

Nếu ai đã đọc Bên kia sông Đuống của Hoàng cầm, sẽ thấy có sự đồng điệu giữa Hoàng Cầm và Nguyễn Duy trong hình ảnh thơ:

Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong

Dăm miếng cau khô

Mấy lọ phẩm hồng

Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm.

Những “cơ cực” đó lẽ ra không nên có ở những người bà đã đi qua bao nhọc nhằn trong cuộc sống, không nên có ở lứa tuổi lẽ ra phải được thảnh thơi, vui vầy bên con cháu. Một lần nữa Nguyễn Duy cho các địa danh xuất hiện, nhưng đó không còn là những đền chùa linh thiêng. Ba Trại, Đồng Quan, Quán Cháo, Đồng Giao là nơi in dẩu chân bà ngoại tảo tần sớm hôm. Không gian nối tiếp không gian, mở rộng, kéo dài hành trình lam lũ của bà đồng thời khơi sâu thêm nỗi xa xót trong lòng cháu. Từ láy “thập thững” dựng lên trước mắt người đọc dáng đi không vững chãi, thậm chí siêu vẹo của người mắt kém đang phải mang gánh nặng trên vai. Cụm từ “những đêm hàn” vừa chỉ thời gian, vừa có giá trị mô tả không gian. Đêm là thời khắc muộn hơn tối. Cũng để chỉ cái lạnh nhưng Nguyễn Duy không viết “đêm lạnh”, “đêm rét” mà viết “đêm hàn”. Ket hợp từ khéo léo này mang lại hiệu quả nghệ thuật bất ngờ. Trong cái lạnh của đêm tối, ta còn cảm nhận được cả cái buốt giá của sương đêm. Những cơ cực của bóng dáng lầm lụi không được miêu tả chi tiết nhưng vẫn được gợi nên trong suy tưởng người đọc. Đó chẳng phải là những hi sinh âm thầm sao? Vừa là bà, vừa là mẹ, bà đã dồn hết tình yêu thương cho con cháu, lam lũ và cam chịu những đắng cay cốt để có thể cải thiện những khó khăn cuộc sống lúc bấy giờ. Bà đã làm tất cả những công việc có thể, từ việc nhẹ đến việc nặng, dù gần hay xa, thời tiết có khắc nghiệt đến mấy cũng luôn cười hồn hậu khi mang về cho con cháu những hạnh phúc nhỏ nhoi, đơn giản. Cái dáng nhẫn nại lội sông suối, tất bật trong đêm lạnh giá làm ta nhớ đến cánh cò cơ cực trong ca dao: Cái cò lặn lội bờ sông... Bà cũng như cánh cò, mong manh, yếu đuối, lầm lụi vượt qua tất cả để che chắn, chắt chiu giữa biển đời đầy khổ cực. Đáng lẽ trong những đêm như thế, phải được ngủ trong chăn ấm thì bà lại lặn lội đến nhiều nơi,... tất cả đã in đậm vào trong tâm trí của tác giả.

Vùng đất nhiều màu sắc gắn liền với hình ảnh người bà và những kì niệm tuổi thơ bây giờ chợt trở về, ngân nga trong lòng tác giả chút gì tiếc nuối, ăn năn. Nhưng tuổi thơ ấy còn in đậm dấu ấn của nạn đói:

Tôi trong suốt giữa hai bờ hư - thực giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần cái năm đói, củ dong riềng luộc sượng cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm.

Nạn đói bủa vây lấy cuộc sống của người nông dân. Họ đã cơ cực, thiếu thốn trăm bề nay lại còn đói khổ hơn gấp ngàn lần. Củ dong riềng luộc sượng hoang mang, mặn chát giọt nước mắt đắng cay thầm lặng của bà trong đó. Cậu bé kia ngơ ngác giữa những gì gắn bó suốt bao ngày hồn nhiên, nay sao như chợt thay đổi một cách vô hình. Nạn đói đã làm cho con người không còn mơ mộng hay hướng mình vào những điều hư vô. Người ta lo tất bật ngược xuôi đê lo từng miếng ăn, cái mặc. Nhưng với những đứa trẻ, những đổi thay ấy thật khó hình dung và thích nghi nhanh được. Chính vì thế mà những suy nghĩ, băn khoăn không hề được giải thích rõ ràng. Một bên là thế giới hư vô, linh thiêng của tiên, Phật, thánh, thần, một bên là người bà đang đổi chọi với hiện thực đầy đau thương, cậu bé chìm đẳm vào ranh giới thực - hư vô hình. Đặt bà vào khoảng cách với tiên, Phật, thánh, thần bàng tất cả suy nghĩ hồn nhiên thơ trẻ, phải chăng cậu bé đã xem bà hiền lành, nhân từ như những vị có thể cứu nhân độ thế? Phải chăng đó là nồi ước vọng giản đơn muốn cuộc sống được cải thiện nhờ vào phép màu của thần linh? Hay phải chăng trong tầm thức ấy, bà là cầu nối giữa bến bờ thực — hư cổ tích - hiện thực? Bà đưa cháu đến những ước mơ lấp lánh, giúp cháu hiểu ra giữa hiện thực cơ cực làm người lớn phải tất bật thì tâm hồn trẻ thơ mơ mộng làm cuộc sống tinh thần bớt khổ, bớt lo. Chính bà đã nuôi dưỡng cho cháu những niềm tin, suy nghĩ và khát vọng chân chính, nuôi dưỡng cho tâm hồn tinh tế đầy nhạy cảm, để mai này chợt rung động và khắc khoải trong những vần thơ giữa cuộc đời. Thực hư, hư thực, những cảm giác ngây thơ trong sáng ấy chợt lung linh, mông lung hơn khi một lần nữa phảng phất mùi huệ trắng hương trầm. Có lẽ mùi hương này đã in dâu đậm nét trong thơ Nguyễn Duy. Trong bài thơ Ngồi buồn nhơ mẹ ta xưa, nó đã thôi vào lòng người chút bâng khuâng, băn khoăn khi gợi về nỗi nhớ da diết:

Bần thần hương huệ thơm đêm Khói nhang vẽ nẻo đường lên Niết Bàn.

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng

Vâng, hương huệ ấy, khói nhang ấy gợi về nỗi nhớ, đưa ta đến những khát vọng đến với không gian linh thiêng, ảo mộng bây giờ lại thoang thoảng trong những câu thơ khắc khoải khi nhắc về bà, về mảnh đất quê hương. Dường như mùi huệ tinh khiết, khói nhang thơm nồng vẫn còn phảng phất đâu đây trong những bài thơ, trong tâm trí người đọc. Nó làm hồn người trở nên bần thần, quên đi hết những đau khổ trần ai phải đối mặt. Và để đến khi hồn người đã trong trẻo, ngân nga thì nó lại làm dâng lên cảm giấc cay nồng nơi sống mũi, nước mắt chợt rưng rưng. Nước mắt ấy là bởi khói nhang hay bởi nỗi xúc động khi chứng kiến hiện thực khốc liệt, chứng kiến những đắng cay mà bà phải trải qua? Tình cảm yêu thương, trân trọng bà bây giờ đã trở nên thiêng liêng, đáng quý và thanh sạch hơn bao giờ hết. Nó như mùi huệ trắng tinh khôi, mùi nhang trầm ấm nồng mà không có chút bụi nào có thể vương vấn vào. Tình cảm cháu dành cho bà, mãi vẹn nguyên như thế, trong sáng như thế ngay cả trong suy nghĩ và cảm thức, trong kí ức và cả trái tim. Chút gì linh thiêng, man mác còn đọng lại đâu đây, đưa cháu về đến những kí ức đẹp với bà, với thời gian đã xa...

Những kỉ niệm bên bà, bên không gian quen thuộc không còn nữa, tất cả đã bay lên theo nỗi tiếc nhớ, hoài mong. Chẳng còn yên bình, nhẹ nhàng, bây giờ chỉ còn nỗi lo lắng, ái ngại về hiện thực. Tuổi thơ chợt bay biến theo tiếng bom đạn và sức càn quét của giặc Mĩ:

Bom Mĩ giội, nhà bà tôi bay mất đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn.

Chiến tranh với những đau thương mất mát đã đi vào thơ ca và trở thành chủ đề xuyên suốt một thời đại. Mỗii người bước vào chiến tranh và đi ra với những mất mát riêng. Với Nguyễn Duy, đau thương nhất là sự tan hoang, đổ nát của những chùa chiền và ngôi nhà bà ngoại. Nhà thơ đã lựa cách nói để kìm giữ những tổn thương tinh thần. Không khắc họa kiệt cùng ngõ thăm bờ hoang như Hoàng cầm, Nguyễn Duy chỉ nhẹ nhàng kể căn nhà những ngày gắn bó và ăn học, đền Sòng những ngày ngơ ngác chần đất đi xem lễ hội, chùa chiền những ngày hái nhãn trộm, bắt chim giờ đã bay đi tất cả, để đi đến một thế giới xa xăm mà không bao giờ có thể tìm lại được. Chiến tranh khốc liệt gây bao đau thương tang tóc, làm những ngày tuổi thơ êm đềm bị chôn vùi, vụt tắt, nhưng trên hết nó đang bủa vây lấy người bà tội nghiệp. Giọng thơ có phần trách móc khi nói về hiện thực. Người ta thường cầu mong ở những bậc siêu nhiên điều bình an, hạnh phúc, nhưng bây giờ chẳng có hạnh phúc mà chỉ lại có mình bà lại cặm cụi chắt chiu từng chút một, phiêu diêu nhiều nơi. Bà giờ đây phiêu dạt trên sân ga, bán từng quả trứng, nâng niu từng sự sông, trần trọng từng hơi thở, nhịp tim. Phải chăng trong suy nghĩ của tác giả, bà bây giờ cũng giống như tiên, Phật, thánh, thần, gừi những hạnh phúc, sự sống theo hành trình của chuyến tàu về những nơi khác? Bà đứng ở sân ga để chắt chiu, chu cấp cho cuộc sống nhưng cũng là để dõi mắt theo những chuyến tàu, trông đợi bước chân cậu bé ngày xưa đi lính trở về.

Thời gian trôi bẵng đi, khi đã trưởng thành, đã nhận ra những hi sinh lớn lao của bà, đã ý thức được tình cảm, trách nhiệm của mình, cũng là lúc nhân vật trữ tình mất bà mãi mãi:

Tôi đi lính, lâu không vê quê ngoại dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi khi tôi biết thương bà thì đã muộn bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.

Thời gian qua, tuổi thơ cũng qua, bây giờ miền quê ấy đón bước chân trở về cùa cậu bé năm nào. Cũng vẫn là những không gian quen thuộc, dòng sông nối liền quá khứ, hiện tại vẫn chảy tràn trong tâm trí người trở về, nhưng man mác nỗi. đau khi vắng bóng người bà yêu thương. Bà đã nàm xuống đất, hòa mình vào với cỏ cây. đi đến thế giới linh thiêng trong truyện cổ tích thuở thiếu thời của cậu bé. Cái dáng cam chịu, lam lũ, tất bật không còn nữa, thay vào đó là khoảng trống vô hình đang lan rộng ra trong trái tim. Cậu bé bây giờ đã lớn. đã từng trải với cuộc đời, những suy nghĩ, cảm thức hồn nhiên không còn nữa, chỉ có tình yêu thương bà vẫn dạt dào, vẹn nguyên. Cảm xúc nhịp nhàng trôi chậm theo nhịp thơ lặng lẽ giờ đây được thể hiện chân thành, rõ ràng hơn bao giờ hết. Không bóng bẩy, hào nhoáng, không hình thức phô trương, tình cảm của cháu dành cho bà giản đơn nhưng sâu thẳm, bền bỉ.

Tuổi thơ trải dài theo nỗi nhớ, gắn với kí ức và hình ảnh người bà quen thuộc thân thương. Trải qua những biến cố cuộc sống, những đổi thay về không gian và thời gian, nhưng tình yêu của cháu dành cho bà là mãi mãi. Thản nhiên trong cách thể hiện, nhưng chất chứa cùng những hình ảnh, giọng điệu là cảm xúc về nơi mà mình đã tìmg gắn bó, những kỉ niệm đã từng trải qua và những nỗi nhớ yêu thương cho bà, để khi tất cả khép lại, ta chợt giật mình nhận ra, hình như có một giọt nước mắt đang rơi giữa cuộc đời...

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Bình giảng bài thơ Đò Lèn của tác giả Nguyễn Duy. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12.

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12 để có thêm tài liệu học tập nhé

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Bài tiếp theo: Bình giảng bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm