Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bình giảng đoạn thơ: "Tiếng thơ ai động đất trời... Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày" trong bài Kính gửi cụ Nguyễn Du của Tố Hữu

Văn mẫu lớp 12: Bình giảng đoạn thơ: "Tiếng thơ ai động đất trời... Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày" trong bài Kính gửi cụ Nguyễn Du của Tố Hữu được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Bình giảng đoạn thơ: "Tiếng thơ ai động đất trời... Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày" mẫu 1

Có lẽ ở nền văn học nào, thời đại văn học nào người ta cũng thấy tồn tại một nguồn cảm hứng đầy tinh thần nhân văn, ấy là cảm hứng về con người và sự nghiệp của những danh nhân văn hoá. Ngoại trừ nhưng bài chỉ dừng ở mức thù tạc, giao đãi, lễ lạt, thành công chủ yếu ở đây trước hết thuộc về những tác phẩm xuất phát từ tấc lòng tri âm, tri kỷ. Người nay đồng cảm với người xưa, viết về người xưa nhưng để ký thác những tâm sự tri âm của người nay. Mà phần lớn là nỗi niềm của những kẻ, tuy cách xa về không gian, về thời đại, nhưng đều là "đồng bệnh tương liên”. Ngày xưa Nguyễn Du đã viết về Đỗ Phủ, Khuất Nguyên, Tiểu Thanh... là thế. Giờ đây, Tố Hữu cũng viết về Tố Như như vậy. "Kính gửi cụ Nguyễn Du" được viết nhân 200 năm sinh đại thi hào là tấm lòng tri âm của Tố Hữu dành cho tác giả "Truyện Kiều", là sự cảm thông của một nhà thơ với một nhà thơ, một người thời chống Mỹ với một người thời đen tối của chế độ phong kiến, một người cách mạng với một người nạn nhân của những thế kỷ tăm tối bạo tàn...

Bằng thể thơ lục bát, bằng hình thức tập Kiều, Tố Hữu đã tạo nên một tiếng thơ thật cảm động. "Kính gửi cụ Nguyễn Du" là tiếng nói tri âm, là bắc một nhịp cầu giao cảm với người xưa. Mà với tác giả "Truyện Kiều", nhịp cầu khăng khít nhất khó có thể là gì khác hơn ngoài thể thơ lục bát và lối tập Kiều. Trong "Kính gửi cụ Nguyễn Du", người ta thấy Tố Hữu và Tố Như có cùng một tiếng nói. Nói khác đi Tố Hữu đã nói bằng chính cái ngôn ngữ của Tố Như. Vì thế mà âm điệu thì trang trọng cổ điển, không khí đượm một vẻ "Truyện Kiều" - Ta nói rằng Tố Hữu đã nhập được vào linh hồn của người xưa

Bày tỏ sự cảm thông với tâm sự bi kịch của con người Nguyễn Du, bày tỏ sự xót thương đối với nỗi khao khát đồng cảm tri âm của Nguyễn Du. bày tỏ sự tha thiết với "tấm lòng thơ vẫn tình đời thiết tha" của Nguyễn Du..., Tố Hữu cứ dần dà trải lòng mình ra theo từng đoạn thơ gửi Nguyễn Du. Nhưng tiếng nói tri âm, cuối cùng cứ phải kết lại thành niềm trân trọng, biết ơn, thành những lời đánh giá đối với các phần tinh túy nhất của người tri kỷ trong kiệt tác "Truyện Kiều". Bốn câu thơ sau đây là sự kết lại ấy:

Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời ngàn thu

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.

Ấy chính là những lời mẹ ru, Hoài Thanh lấy làm căn cứ để khẳng định: sau cách mạng chưa có ai đánh giá Nguyễn Du cao như Tố Hữu. Tố Hữu cảm nhận tiếng thơ Nguyễn Du trong một tương quan kỳ vĩ: thơ Nguyễn Du ở giữa "đất trời” và trong "nghìn năm". Nghĩa là trong sự trường tồn, đời đời, vĩnh hằng!

Ngày trước, lần đầu tiên khi gặp Bác Hồ trong "Sáng tháng Năm", Tố Hữu đã cảm nhận về tiếng nói của Người:

Giọng của Người không phải sấm trên cao

Âm từng tiếng thấm vào lòng mong ước

Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước

Tiếng ngàn xưa và cả tiếng mai sau.

Viết về một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Tố Hữu mới dùng đến những lời ấy, mới đồng nhất hồn Người với hồn Nước. Lời Người là lời của Nước non, của lịch sử, giống nòi. Và đây là lần thứ hai, viết về một nhà thơ vĩ đại, một nhà văn hóa lỗi lạc vào bậc nhất của dân tộc, Tố Hữu lại dùng đến lối nói ấy:

Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời ngàn thu

Một tiếng thơ có thể làm cảm động đến cả trời đất, thì đó là cách đánh giá tột bậc rồi! Chữ "đồng" rất gợi hình. Nó gợi ra sự vang vọng, trầm rung của thơ Nguyễn Du giữa đất trời sông núi. Người ta thấy thơ Nguyễn Du như một điệu hồn bay trong đất trời, bay khắp núi sông Chữ "động" cũng rất giàu biểu cảm. Nó gợi được khía cạnh này: chính đất trời cũng đang thổn thức, xao xuyến. Cả hai khía cạnh ấy hội lại càng cho thấy sức sống và sức mạnh kỳ diệu của thơ Nguyễn Du. Ở câu thứ hai, cảm nhận và đánh giá còn cao hơn. Có lẽ là lời đánh giá cao nhất dành cho một tiếng thơ. Tiếng thơ từ trái tim của một người đã thành tài sản chung của cả nước non này. Bời tiếng thơ ấy không phải là tiếng nói của cá nhân, ấy là lời non nước Non nước cất lời, vọng lời lên qua tiếng thơ của Nguyễn Du Non nước này đã mượn tiếng thơ của Nguyễn Du để gửi điệu hồn của mình. Câu thơ giản dị mà trang trọng, nhất là nó thể hiện được sự bất hủ cùng sông núi ngàn năm của tiếng thơ ấy. "Nghe như non nước vọng lời ngàn thu". "Non nước" - phạm trù không gian, "ngàn thu", phạm trù thời gian. Cả hai đều có tính chất vĩnh viễn.

"Truyện Kiều " đã thuộc về sông núi này, "Truyện Kiều " đã hoà vào non sông đất nước này Nó là tiếng nói của non sông, là linh hồn của đất nước. Nó sẽ trường tồn trong sự trường tồn của núi sông này.

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày

Ba trăm năm sau cái chết của Tiểu Thanh - một người con gái tài sắc mà bất hạnh - Nguyễn Du vô cùng ngậm ngùi thương tiếc. Ông muốn nhắn gửi hậu thế ba trăm năm lẻ niềm ước ao được cảm thông, chia sẻ:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khắp Tố Như

(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nửa

Người đời ai khóc Tố Như chăng?)

Thì nay Tố Hữu đã trả lời: "Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du" Tố Hữu khẳng định thật đinh ninh, không phải ba trăm năm mà đến nghìn năm vẫn nhớ. Một điều thật đáng nói là con số 300 (tam bách dư niên hậu) của Nguyễn Du là con số cụ thể, chỉ một độ dài xác định và hạn định. Còn chữ "nghìn năm" của Tố Hữu ở câu này (cũng như chữ "ngàn thu" ở câu trên) là một con số không xác định không hạn định. Nó đồng nghĩa với sự vĩnh viễn muôn đời. Với số từ như thế, câu trả lời của Tố Hữu vừa là một đánh giá một dự báo vừa là một niềm tin vô bờ bến về sự đồng cảm của muôn thế hệ sau dành cho Nguyễn Du. Cũng cần phải nói thêm về sự tinh tế trong ngôn từ của Tố Hữu. Cũng khái niệm nghìn (1000) mà ở câu trên thì sĩ dùng "ngàn thu", câu dưới lại dùng "nghìn năm". Không chỉ giản đơn là tránh trùng lặp! Đằng sau đó thấy rõ một dụng công. “Nghìn" chỉ đơn thuần là từ chỉ số lượng, còn "ngàn” dường như có cả sắc thái biểu vật, biểu hình, nó vừa chỉ số lượng lại vừa gợi được không gian - Do nằm trong chuỗi liên hệ với những "đại ngàn", "non ngàn”, v.v... vì thế ở câu trên, Tố Hữu đã dùng "ngàn": Nghe như non nước vọng lời ngàn thu. "Ngàn thu", do đó, vừa gợi được chiều dài thời gian vừa gợi được bề rộng không gian cho tiếng thơ Nguyễn Du, - cho lời non nước vang vọng. Tiếng thơ Nguyễn Du vọng qua không gian và vọng qua cả thời gian. Chữ "nghìn năm" chỉ biểu hiện sắc thái thời gian, và ở câu sau nó được khai thác đúng như thế: "Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du", và ý thơ cũng chỉ cần có thế!

Trong bốn câu thơ này, chúng ta còn thấy niềm trân trọng, sự nâng niu, thành kính của Tố Hữu khi viết về bản thân lời thơ. Mở đầu là "Tiếng thơ ai" rồi nó thành "Lời ngàn thu - lời non nước". Chưa hết, nó thành "tiếng thương" và cuối cùng là "tiếng mẹ ru". Nó là các cấp độ đánh giá ngày một cao, hay là những chặng đường đi vào bất tử của thơ Nguyễn Du? Thật vinh phúc cho ai khi thơ họ đã đi vào tiếng ru đã nhập vào nguồn mạch văn hoá, đời sống tâm linh của cả một cộng đồng, nó đã nhập vào dòng sữa tinh thần để nuôi dưỡng thế hệ này sang thế hệ khác của giống nòi. "Truyện Kiều " của Nguyễn Du đã nhập vào dòng sữa tinh thần ấy. Chữ "tiếng hương’’ cũng thật hàm súc, là tiếng nói của tình thương? Là tiếng lời chở tình thương? là tiếng nói gợi cảm thương? Là tiếng thơ dễ thương? Thương là cội nguồn, là nội dung, là hình thức, là bản chất; là phẩm chất? Có lẽ nó là tất cả! Bởi thơ chân chính là thế! Thơ Nguyễn Du là thể; thơ của trái tim dào dạt thương yêu. Nên nó không phải là thơ, nó là "tiếng thương" của một trái tim lớn

Coi "tiếng thương" là bản chất của tiếng thơ Nguyễn Du, Tố Hữu xem như đã xứng đáng là tri âm của Tố Như

Bình giảng đoạn thơ: "Tiếng thơ ai động đất trời... Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày" mẫu 2

Tháng 10 và tháng 11 – 1965, nhà thơ Tố Hữu có chuyến đi vào các tỉnh miền Trung. Thời điểm này, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ đã lan rộng và vùng khu IV (cũ) từ Thanh Hóa đến Quảng Bình trở thành tuyến lửa ác liệt. Trong chuyến đi này, Tố Hữu đã làm được một chùm thơ giàu tính thời sự, in đậm những hình ảnh và khí thế của cuộc chiến đấu. Cũng trong chuyến đi, nhà thơ qua quê hương Nguyễn Du vào dịp Đảng – Nhà nước ta cũng như Hội đồng Hòa bình Thế giới long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 200 ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du (1776 – 1965). Quá xúc động, kính trọng, thương nhớ cụ Nguyễn Tiên Điền, hồn thơ Tố Hữu liền cất cánh. Thế là bài thơ Kính cụ Nguyễn Du được sáng tác. Bài thơ được đưa vào tập Ra trận (1972). Đây là bốn câu thơ sâu sắc của bài thơ:

Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời ngàn thu

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.

Bốn câu thơ trên thuộc đoạn sáu của bài thơ dài 34 câu (gồm hai câu mở đầu, hai câu kết thúc, đoạn giữa chia làm năm đoạn nhỏ, mỗi đoạn đều đặn sáu câu). Đoạn 1 gồm hai câu mở đầu ngắn gọn, đưa thẳng độc giả vào không khí thời đại Nguyễn Du. Đoạn 2 là sự thương cảm với cảnh ngộ, số phận của Thúy Kiều và Nguyễn Du. Đoạn 3 – 4 là sự cảm nhận sâu sắc và thấm thía nhất của Tố Hữu và lòng thương người, tình đời của đại thi hào. Đoạn 5, từ Kiều, Tố Hữu liên hệ đến xã hội, đến thế giới ngày nay. Đoạn 6 là cái nhìn tổng kết sự nghiệp văn học và tâm hồn lớn của Nguyễn Du đối với thời đại ngày nay. Qua những sự đánh giá cao tột bậc lời thơ của đại thi hào nhà thơ, cách mạng bày tỏ thái độ rất mực cảm thông hết sức trân trọng của mình đối với thiên tài thi ca dân tộc ta. Hai câu kết là tiếng trống trận ra quân chống xâm lược ngày nay như dội về từ thời đại Nguyễn Du.

Bây giờ chúng ta hãy thưởng thức câu thứ nhất của đoạn 6:

Tiếng thơ ai động đất trời

Tố Hữu cảm nhận thấy thơ Nguyễn Du (ở kiệt tác Truyện Kiều) trong một tương quan đặc biệt. Thơ Nguyễn Du không chỉ tác động đến cả đất trời mênh mông. Từ “động” được Tố Hữu dùng rất điêu luyện, làm tăng hiệu quả nghệ thuật biểu cảm của lời thơ. Từ “động” có các nghĩa (1) chuyến bay, nhúc nhích; (2) dính tới, sờ tới; (3) vừa mới, thoạt mới. Ở đây, “động” được hiểu theo nghĩa (1): chính đất trời dường như cũng xao xuyến, nao lòng. Chỉ một tiếng thơ của cá nhân “ai” đó, vậy mà có thể làm “động” đến cả trời đất. Cách đánh giá như thế là rất cao.

Thật vậy, Truyện Kiều có sức mạnh lay động cả “đất trời” vì tác phẩm đã đề cập tới những vấn đề sâu sắc nhất của thân phận con người. Một chủ đề khá lớn trong Truyện Kiều là nỗi oan khuất của con người trong lồng xã hội phong kiến bất công, phi nghĩa. Một nỗi oan khuất đã xô đẩy nàng Kiều tài sắc, nết na, đức hạnh vẹn toàn vào kiếp hoa trôi bèo dạt. Nàng phải trải qua 15 năm lưu lạc với biết bao đau khổ, dày vò, xót xa, tủi nhục. Nhà thơ Hoàng Trung Thông nhận xét rằng trong Truyện Kiều chữ “oan” xuất hiện với một tầng số khá lớn:

– Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây

– Oan này có một kêu trời nhưng xa

– Tiếng oan những muốn vạch trời kêu lên

– Một nhà để chị riêng oan một mình

Nghe như non nước vọng lời ngàn thu

Sự cảm nhận và đánh giá tiếng thơ của Nguyễn Du còn cao hơn nữa. Tiếng thơ ấy không còn là cá nhân thi sĩ mà là lời “non nước”. “Nước non” đã “vọng lời” lên qua tiếng thơ của Nguyễn Du. “Non nước” – phạm trù không gian, một không gian vô cùng “Ngàn – phạm trù thời gian, một thời gian vô tận. Vậy nên bằng nghệ thuật so sánh, tu từ, nhân hóa tu từ, đối ngữ tương hỗ, Tố Hữu khẳng định rằng Truyện Kiều đã hòa mình vào và sẽ trường tồn trong sự trường tồn của núi sông này.

Trong bài thơ Độc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du muốn hậu thế 300 năm lẻ nữa, người đời có sự cảm thông chia sẻ với mình:

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa

Người đời ai khóc Tố Như chăng?

Nhưng Tố Hữu đã khẳng định “nghìn năm sau” – tức là không phải chỉ có 300 năm lẻ, đây là một sự khẳng định thật dứt khoát và xác đáng. Ngoài ra ở câu thơ này, chúng ta còn thấy Tố Hữu có một dụng công nghệ thuật tuy không lớn lắm về phương diện chắt lọc từ. Nhà thơ dùng phép thế đồng nghĩa “nghìn năm” (ở câu 3) đề thay thế cho “ngàn thu” (ở câu 2), tránh sự lập lại về từ nhưng lại làm nảy nở nghệ thuật tinh lọc từ. “Ngàn thu” là muôn đời, mãi mãi về sau – đó là tiếng ngân vang, tiếng dội, tiếng vọng từ quá khứ đến hiện tại. Còn “nghìn năm” cũng là thời gian dài – đó là sự luân chuyển, nối liền xưa với nay, nối liền hiện tại với tương lai, gắn tư tưởng của cha ông với tinh thần của thời đại mới.

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.

"Tiếng thương” là tiếng nói của tình thương, tiếng chở của tình thương, tiếng nói của chủ nghĩa nhân đạo bao la, tiếng phê phán những thế lực phong kiến chà đạp con người, tiếng nói đề cao con người, đề cao cuộc sống trần tục. Tiếng thơ ấy tiêu biểu chính là “tiếng mẹ hời”, chăm sóc con thơ, vỗ về con thơ đi vào giấc ngủ yên bình. Chính Truyện Kiều đã phát ra một tiếng thương, một tiếng kêu mới về một nỗi đau đứt ruột, đã khơi gợi những nỗi niềm đồng cảm của những bà mẹ Việt Nam trong xã hội xưa.

Tóm lại, bốn câu thơ trích trên là kết tinh nghệ thuật của bài thơ. Về nội dung, cả bốn câu có sự tăng tiến về cấp độ. Mở đầu là “tiếng thơ ai” làm “động” cả đất trời rồi trở thành “lời ngàn thu”, “lời non nước”. Chưa đủ nó thành “ tiếng hương” và cuối cùng là “tiếng mẹ ru”. Điều đó chứng tỏ, theo Tố Hữu, thơ Nguyễn Du, nhất là Truyện Kiều đã đập vào nguồn mạch văn hóa, đời sống tình cảm của cả cộng đồng dân tộc. Chính vì vậy có thể nói Tố Hữu – nhà thơ cách mạng – đã có thái độ “rất mực cảm thông, hết sức trân trọng” đối với Đại thi hào dân tộc. Về nghệ thuật, thiên tài Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng thể thơ lục bát đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Kế tục và phát huy truyền thống của cha ông. Tố Hữu cũng dùng thể thơ ấy để viết bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du, có yếu tố “tập Kiều” và đã nói rằng chính ngôn ngữ Nguyễn Du. Vì thế, âm điệu thơ trở nên trang trọng, cổ điển, khí thơ đượm một vẻ Truyện Kiều. Có thể nói, Tố Hữu đã huy động được Nguyễn Du và Truyện Kiều vào cuộc kháng chiến chống Mĩ giải phóng quê hương.

Sự nghiệp văn học của nhà thơ Tố Hữu

1. Con đường thơ của Tố Hữu

Thơ Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh cách mạng nên các chặng đường thơ cũng song hành với các giai đoạn của cuộc đấu tranh ấy đồng thời thể hiện sự vận động trong tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu đã sáng tác được nhiều tập thơ, bài thơ tiêu biểu trong sự nghiệp của mình, trong đó phải kể đến: Từ ấy (bao gồm ba phần: Máu lửa, Xiềng xích và Giải phóng), tập thơ Việt Bắc,…

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, cách mạng bước vào một giai đoạn mới với nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giành thống nhất đất nước. Thơ Tố Hữu vẫn bám sát những bước đi và nhiệm vụ của cách mạng, của đời sống chính trị trên đất nước ta.

Thơ Tố Hữu những năm chống Mĩ cứu nước mang đậm tính chính luận và cảm hứng sử thi, nhiều chỗ vươn tới âm hưởng hùng ca, tập trung thể hiện hình tượng cao đẹp về Tổ quốc và con người Việt Nam.

2. Phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu

Tố Hữu là nhà thơ của lí tưởng cộng sản, thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị: Tố Hữu là một chiến sĩ - thi sĩ. Với ông, làm thơ trước hết là để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, cho lí tưởng của Đảng. Mọi sự kiện, vấn đề lớn của đời sống cách mạng, lí tưởng chính trị, những tình cảm chính trị thông qua trái tim nhạy cảm của nhà thơ đều có thể trở thành đề tài và cảm hứng nghệ thuật thực sự.

Nội dung trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu thường tìm đến và gắn liền với khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn. Cảm hứng chủ đạo trong thơ Tố Hữu là cảm hứng lãng mạn. Thơ Tố Hữu hướng vào tương lai, khơi dậy niềm vui, lòng tin tưởng và niềm say mê với con đường cách mạng, ngợi ca nghĩa tình cách mạng và con người cách mạng.

Một nét đặc sắc của thơ Tố Hữu là có giọng điệu tâm tình, ngọt ngào tha thiết, kết tục truyền thống tốt đẹp của thơ ca Việt Nam qua nhiều thời đại; gắn bó với vận mệnh của đất nước, phục vụ cho cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do của dân tộc.

--------------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Bình giảng đoạn thơ: "Tiếng thơ ai động đất trời... Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày" trong bài Kính gửi cụ Nguyễn Du của Tố Hữu. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài viết rồi đúng không ạ? Bài viết đã gửi tới bạn đọc bài viết dàn ý và các bài văn mẫu bình giảng về đoạn thơ. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu học tập hơn nữa. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12.

Bài tiếp theo: Bình giảng đoạn văn sau trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà" của Nguyễn Tuân: "Thuyền tôi trôi trên sông Đà… mình dây cổ điển trên dòng trên”

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm