Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Phan Ngọc Hiển, Cà Mau năm học 2015 - 2016

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Phan Ngọc Hiển, Cà Mau năm học 2015 - 2016 là đề kiểm tra học kì I môn Ngữ học kì 1, tự kiểm tra hệ thống kiến thức lớp 12, chuẩn bị tốt cho kì thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn sắp tới. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Yên Lạc 2, Vĩnh Phúc năm học 2015 - 2016

Đề kiểm tra học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 năm học 2015 - 2016 trường THPT Nguyễn Huệ, Phú Yên

Trường THPT Phan Ngọc Hiển

Tổ Văn – GDCD

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I, NĂM HỌC 2015- 2016

MÔN: NGỮ VĂN, LỚP 12

THỜI GIAN: 90 PHÚT

Phần I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4

Người nghe biển động phía Trường Sa
Ngực trần chắn đạn lính đảo ta
Những hồn lính trận chưa yên ngủ
Mộ gió cồn cào với Gạc Ma.

Người nghe sóng dội phía Hoàng Sa
Có kẻ hung hăng chiếm biển ta
Đã cắm giàn khoan vào ngực biển
Nhói lòng như chạm máu xương ta.

(Trích Nghe Hịch tướng sĩ trên biển Đông – Nguyễn Việt Chiến)

Câu 1. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? (0,5 điểm)

Câu 2. Xác định biện pháp tu từ và cho biết hiệu quả của biện pháp tu từ đó trong hai câu thơ: (0,5 điểm)

Đã cắm giàn khoan vào ngực biển
Nhói lòng như chạm máu xương ta.

Câu 3. Hình ảnh ngực trần chắn đạn gợi cho em suy nghĩ gì về người lính đảo? (0,25 điểm)

Câu 4. Nêu nội dung chính của đoạn thơ? (0,5 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 7.

Bên cạnh các khu công nghiệp và các làng nghề gây ô nhiễm môi trường, tại các đô thị lớn, tình trạng ô nhiễm cũng ở mức báo động. Đó là các ô nhiễm về nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, không khí, tiếng ồn... Những năm gần đây, dân số ở các đô thị tăng nhanh khiến hệ thống cấp thoát nước không đáp ứng nổi và xuống cấp nhanh chóng. Nước thải, rác thải sinh hoạt (vô cơ và hữu cơ) ở đô thị hầu hết đều trực tiếp xả ra môi trường mà không có bất kỳ một biện pháp xử lí nào ngoài việc vận chuyển đến bãi chôn lấp. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày người dân ở các thành phố lớn thải ra hàng nghìn tấn rác; các cơ sở sản xuất thải ra hàng trăm nghìn mét khối nước thải độc hại; các phương tiện giao thông thải ra hàng trăm tấn bụi, khí độc. Trong tổng số khoảng 34 tấn rác thải rắn y tế mỗi ngày, thì Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chiếm đến 1/3; bầu khí quyển của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có mức benzen và sunfua đioxit đáng báo động. Theo một kết quả nghiên cứu mới công bố năm 2008 của Ngân hàng thế giới (WB), trên 10 tỉnh thành phố Việt Nam, xếp theo thứ hạng về ô nhiễm đất, nước, không khí, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là những địa bàn ô nhiễm đất nặng nhất. Theo báo cáo của Chương trình môi trường của Liên hợp quốc, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu châu á về mức độ ô nhiễm bụi.

(Theo T.S Trần Hiến Đắc)

Câu 5. Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0,5 điểm)

Câu 6. Đặt nhan đề cho đoạn văn trên. (0,25 điểm)

Câu 7. Từ nội dung đoạn văn đã gợi ra, hãy nêu ngắn gọn hai giải pháp mà theo em là quan trọng góp phần giải quyết được những tồn đọng trên. (0,5 điểm)

Phần II. Làm Văn (7 điểm)

Câu 1. (3 điểm)

Trong bức thư của một du học sinh Nhật bàn về Văn hoá Việt Nam có đoạn:

Thật đáng tự hào vì Việt nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường.

(Trích Việt Nam – Nhà giàu và những đứa con chưa ngoan)

Là một người Việt trẻ tuổi em suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?

Câu 2. (4 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời.

(Trích Đất Nước, trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12

Phần I. Đọc hiểu (3 điểm)

Câu 1. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ hiện đại: bảy chữ/ bảy tiếng.

  • Điểm 0,5: Diễn đạt được một trong hai ý trên.
  • Điểm 0: Ghi sai ý hoặc không có câu trả lời.

Câu 2. Biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ

Đã cắm giàn khoan vào ngực biển
Nhói lòng như chạm máu xương ta.

Biện pháp nhân hoá và so sánh. Tác dụng: gợi lên hình ảnh của biển như một thực thể sống động, có hồn, có cảm xúc, biết đau đớn khi kẻ hung hăng đến cắm giàn khoan trên biển. Ý thơ gợi sự đau xót, căm giận của tất cả người dân Việt Nam yêu nước trước sự ngang ngược của kẻ hung hăng, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam thân yêu.

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Trả lời đúng hai biện pháp tu từ nhân hoá và so sánh mà không nêu được tác dụng.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 3. Hình ảnh ngực trần chắn đạn gợi lên những suy nghĩ cho người đọc: hình ảnh ngực lính khoẻ khoắn, lớn lao, rất kiên gan, anh hùng, yêu biển đảo. Sẵn sàng hy sinh để che chắn, bảo vệ biển đảo. Hình ảnh đó còn gợi lên một sự thật, lính đảo ta chưa được bảo vệ, trang bị tốt bởi những vũ khí tối tân trước bom đạn của kẻ thù.

  • Điểm 0,25: Diễn đạt được ý trên hoặc tương tự.
  • Điểm 0: Diễn đạt sai ý hoặc không ghi câu trả lời.

Câu 4. Nội dung chính của đoạn thơ: Hoà bình biển đảo của chúng ta có nhiều biến động. Có những người lính đã hy sinh để bảo vệ bình yên cho biển đảo. Gần đây nhất, là việc Trung Quốc mang gian khoan đến xâm phạm vào lãnh hải của chúng ta. Điều đó, làm cho mỗi người dân Việt Nam yêu nước nhói lòng.

  • Điểm 0,5: Nêu được những nội dung trên.
  • Điểm 0,25: Nêu được một trong các ý trên.
  • Điểm 0: Nêu sai ý hoặc không ghi câu trả lời.

Câu 5. Đoạn văn trên được viết theo phong cách ngôn ngữ khoa học.

  • Điểm 0,5: trả lời đúng ý trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không có câu trả lời.

Câu 6. Nhan đề của đoạn văn: Thực trạng ô nhiễm ô trường tại các đô thị lớn / Các đô thị lớn ô nhiễm môi trường ở mức báo động.

  • Điểm: 0,25 cho nhan đề bám sát nội dung trên.
  • Điểm: 0 cho câu trả lời sai hoặc không ghi câu trả lời.

Câu 7. Nêu hai giải pháp gắn liền với thực trạng ô nhiễm ô trường tại các đô thị lớn.

Có biện pháp xử lí rác thải, nước thải ở các khu đô thị / Người dân ưu tiên trong việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hoặc các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

  • Điểm 0,5: học sinh nêu được hai giải pháp bất kì mà theo bản thân các em thấy là quan trọng và giải quyết được những vấn đề tồn đọng về việc ô nhiễm môi trường ở các khu đô thị.
  • Điểm 0,25: Chỉ nêu được một giải pháp.
  • Điểm 0: Học sinh nêu giải pháp chưa phù hợp với thực trạng hoặc không có câu trả lời.

Phần II. Làm Văn (7 điểm)

Câu 1. (3 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a/ Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b/ Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Không chỉ tự hào về truyền thống văn hoá lâu đời của dân tộc mà còn phải biết phát huy truyền thống văn hoá đó trong thực tế.
  • Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c/ Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):

  • Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
    • Giải thích: Tự hào là hãnh diện. 4000 năm văn hiến là quá trình lịch sử dân tộc gắn liền vlới công cuộc dựng nước và giữ nước tạo nên những truyến thống văn hoá lâu đời. Xấu hổ là hổ thẹn vì lỗi lầm, kém cỏi hoặc không xứng đáng. Ý kiến trên là một lời nhắc nhở đối với mỗi người Việt Nam: Không chỉ tự hào về truyền thống văn hoá lâu đời của dân tộc mà còn phải biết phát huy truyền thống văn hoá đó trong thực tế.
    • Chứng minh tính đúng đắn (hoặc sai lầm; hoặc vừa đúng, vừa sai) của ý kiến bằng việc bày tỏ sự đồng tình (hoặc phản đối; hoặc vừa đồng tình, vừa phản đối) đối với ý kiến. Lập luận phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.
    • Bình luận để rút ra bài học cho bản thân và những người xung quanh: Bốn ngàn năm văn hiến là nền tảng, hành trang quý báu nhưng nó hoàn toàn là thành tựu trong quá khứ. Không thể chỉ tự hào về những điều trong sử sách vì văn hoá dân tộc cần biểu hiện thành những điều cụ thể trong ứng xử hằng ngày của cuộc sống hiện tại.
    • Ý nghĩa thời sự của vấn đề: Các thế hệ người Việt Nam luôn nỗ lực, bảo vệ và phát huy các truyền thống đó trong đời sống. Tuy nhiên có một hiện tượng đáng cảnh báo đó là sự xuống cấp của những giá trị văn hoá trong đời sống hằng ngày (ví dụ: chủ nghĩa cá nhân, vô cảm...). Vì vậy, kêu gọi mỗi người nhận thức đúng đắn các giá trị truyền thống văn hoá, trân trọng giữ gìn những giá trị vững bền ấy bằng những hành động thiết thực trong đời sống hằng ngày.
  • Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
  • Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d/ Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e/ Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2. (4 điểm)

* Yêu cầu chung:

Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a/ Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b/ Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đất Nước gắn liền với mỗi cá nhân tồn tại trên Đất Nước đó. Vì vậy, mỗi người cần phải có trách nhiệm đối với Đất Nước, nhất là thế hệ trẻ. Nội dung đó thể hiện chủ yếu trong bốn câu thơ trích trong chương V Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm.
  • Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c/ Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,0 điểm):

  • Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
    • Giới thiệu về tác giả, đoạn thơ, bài thơ;
    • Phân tích nội dung và nghệ thuật đọan thơ.
      • Sự gắn kết chặt chẽ của mối quan hệ: Đất Nước và con người cá nhân. Biện pháp tu từ so sánhĐất Nước là máu xương độc đáo đem đến cho chúng ta những nhận thức mới mẻ về mối quan hệ riêng – chung không thể tách rời. Đất Nước kết tinh hoá thân trong mỗi con người (Nhận thức). Giọng thơ thủ thỉ, tâm tình em ơi em ngọt ngào chuyển tải được nội dung chính trị nhưng lại rất trữ tình.
      • Con người phải có tinh thần cống hiến, có trách nhiệm với sự trường tồn của quê hương, xứ sở. Đó là (hành động) tự nguyện san sẻ, hoá thân của mỗi cá nhân và cả thế hệ xả thân vì Đất Nước.
    • Lời nhắn nhủ đối với thế hệ trẻ (vừa là lời tự nhủ) chân thành, tha thiết. Nghệ thuật sử dụng từ cùng trường nghĩa: gắn bó, san sẻ, hoá thân. Kết hợp với lặp cấu trúc phải biết và giọng điệu tâm tình. Đoạn thơ hài hoà về nội dung và nghệ thuật.
    • Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
  • Điểm 1,5 - 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
  • Điểm 1,0 -1,25 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,5 - 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d/ Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e/ Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi học kì 1 lớp 12

    Xem thêm