Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn

Với mong muốn giúp các bạn học sinh lớp 12 dễ dàng hơn trong việc ôn tập môn Ngữ văn chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia sắp đến. Thư viện đề thi VnDoc đã sưu tầm và xin giới thiệu tới bạn: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG TRỊ
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN

ĐỀ THI THỬ LẦN II

(đề thi gồm có 1 trang)

KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM HỌC 2016 - 2017
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

Phần đọc – hiểu (3,0 điểm)

Đọc kĩ văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?
Đất ấp ôm cho mọi hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng.
Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận ra ta
Ai trong đời cũng có thể tiến xa
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy.
Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy
Không chỉ dành cho một riêng ai!

(trích Tự sự, Lưu Quang Vũ)

Câu 1 (0,5 điểm) Văn bản trên được viết theo thể thơ gì? Nêu cơ sở xác định thể thơ đó.

Câu 2 (0,5 điểm) Văn bản trên thuộc loại phong cách ngôn ngữ nào? Hãy nêu những đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ đó.

Câu 3 (1,0 điểm) Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật có trong văn bản.

Câu 4 (1,0 điểm) Theo anh (chị) vì sao tác giả lại viết:

Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy
Không chỉ dành cho một riêng ai !

Phần Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về hai câu thơ trong văn bản đọc hiểu

Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận ra ta.

Câu 2 (5,0 điểm)

Nhận xét về Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh), giáo sư Trần Trọng Đàn có viết: «Rất giản dị mà lại rất vững chãi». Giản dị vì ai cũng hiểu. Vững chãi vì không ai bẻ được...

Qua việc phân tích tác phẩm Tuyên ngôn độc lập anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận xét trên.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn

Phần đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1

  • Văn bản được viết theo thể thơ tự do 0,25
  • Cơ sở xác định: cách ngắt nhịp và lối gieo vần linh hoạt, số dòng thơ trong các khổ thơ khác nhau... 0,25

Câu 2

  • Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. 0,25
  • Đặc trưng cơ bản: tính hình tượng, tính truyền cảm và tính cá thể hóa 0,25

Câu 3 Các biện pháp nghệ thuật có trong văn bản: 1,0

  • Đối lập, tương phản: méo mó/tròn
  • Câu hỏi tu từ: Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?
  • Nhân hóa: đất ấp ôm
  • So sánh: Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy
  • Ẩn dụ: tròn ngay tự trong tâm

Câu 4 Tác giả cho rằng: Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy/ Không chỉ dành cho một riêng ai ! vì: 1,0

  • Cũng như bầu trời, hạnh phúc có thể tồn tại ở khắp mọi nơi, bao quanh cuộc sống của chúng ta.
  • Hạnh phúc không thuộc quyền sở hữu của riêng cá nhân nào, bất kì ai cũng có thể có được hạnh phúc.

=> Tác giả đưa ra quan niệm về hạnh phúc: ai cũng có thể có được hạnh phúc và chính họ sẽ có thể tạo nên hạnh phúc đó cho mình. (HS có thể đưa ra những lí giải khác nhưng phải hợp lí, logic)

Phần làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận: có câu mở đầu đoạn, các câu phát triển ý và câu kết đoạn. Đảm bảo số lượng chữ phù hợp yêu cầu (200 chữ), không quá dài hoặc quá ngắn. 0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Nếu tất cả đường đời đều trơn láng/ Chắc gì ta đã nhận ra ta. 0,25

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận thành một đoạn văn hoàn chỉnh, logic; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học cho bản thân.

* Giải thích: 0,25

  • Tất cả đường đời đều trơn láng: cuộc sống thuận lợi, không hề gặp phải bất trắc, khó khăn.
  • Ta nhận ra ta: con người nhận ra được chính mình.

-> Nội dung ý thơ: nhiều khi con người sẽ không nhận ra được chính bản thân mình nếu như không phải đối mặt với khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

* Chứng minh, bình luận

- Cuộc đời nếu quá suôn sẻ, thuận lợi nhiều khi sẽ khiến con người tự bằng lòng với chính mình, không phát huy hết năng lực vốn có của bản thân; thậm chí trong một số trường hợp còn khiến họ đánh mất mình (thói tự mãn, không biết quý trọng thành quả lao động, xem thường người khác...) 0,25

- Hoàn cảnh khó khăn, gặp phải trắc trở nhiều khi lại giúp con người trưởng thành hơn, nhận ra được giá trị của chính mình, vì: 0,75

  • Giúp tôi luyện ý chí, bản lĩnh của mỗi người.
  • Con người đi qua khó khăn, thử thách sẽ rút ra bài học kinh nghiệm để dần hoàn thiện mình.
  • Trong chính điều kiện khó khăn con người lại có thể phát hiện ra những khả năng, năng lực tiềm ẩn của bản thân mà chính họ cũng không ngờ tới.

* Bài học nhận thức và hành động 0,25

  • Có cái nhìn lạc quan về cuộc sống, không nên vội nản lòng, bỏ cuộc khi gặp khó khăn mà hãy dũng cảm đối mặt bởi đó lại là cơ hội để mỗi người nhận ra chính mình và trưởng thành hơn.
  • Mỗi người lại càng phải cố gắng giữ mình trong điều kiện cuộc sống quá thuận lợi, xuôi chèo mát mái.

Câu 2 (5,0 điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận: có mở bài, thân bài và kết bài 0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Nhận xét về Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh) của GS Trần Trọng Đàn: « Rất giản dị mà lại rất vững chãi». Giản dị vì ai cũng hiểu. Vững chãi vì không ai bẻ được... 0,25

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm 0,25

  • Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đồng thời cũng là một nghệ sĩ lớn. Bác luôn ý thức dùng văn chương để phục vụ cách mạng. Người đã để lại một sự nghiệp sáng tác có giá trị với nhiều thể loại khác nhau như thơ, văn chính luận, truyện và kí...
  • Tuyên ngôn độc lập (1945) là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại và giá trị tư tưởng lớn lao, kết tinh cho tài năng văn chính luận của Bác. Tác phẩm được đánh giá là áng văn chính luận mẫu mực của mọi thời đại, vừa giản dị dễ hiểu lại vừa chặt chẽ, thuyết phục.

* Giải thích: 0,25

  • "không ai bẻ được": không ai bác bỏ được; đây là cách nói hình ảnh nhằm nhấn mạnh tính chặt chẽ, logic, thuyết phục của tác phẩm

-> Lời nhận xét đã khẳng định giá trị đặc sắc của tác phẩm Tuyên ngôn độc lập, giản dị, dễ hiểu nhưng nổi bật là tính "vững chãi" được tạo nên từ sự thuyết phục, chặt chẽ trong lập luận

* Phân tích, chứng minh

- Tuyên ngôn độc lập giản dị, dễ hiểu

  • Về phương diện hình thức: Bác sử dụng ngôn ngữ trong sáng, bình dị, dễ hiểu, bố cục rõ ràng. 0,25
  • Về phương diện nội dung: viết về vấn đề lịch sử dân tộc nóng hổi, thời sự, thiết thân, liên quan trực tiếp đến mỗi con người; ngay từ nhan đề đã thâu tóm được nội dung chính của cả văn bản. 0,25

=> Ai cũng có thể hiểu được

- Tuyên ngôn độc lập chặt chẽ, thuyết phục

  • Mạch lập luận logic: bản tuyên ngôn gồm 3 phần: phần đầu đã xác định cơ sở pháp lí, điểm tựa vững chắc, thuyết phục cho mạch lập luận, phần thứ hai nêu rõ tội ác của thực dân và quá trình nổi dậy giành chính quyền của ta và cuối cùng là lời tuyên ngôn độc lập, tuyên bố giữ vững chủ quyền. 0,25

=> Mạch lập luận logic, chặt chẽ: từ cơ sở lí luận đối chiếu vào thực tiễn, rút ra kết luận đích đáng, phù hợp không thể không công nhận.

  • Sử dụng lí lẽ, vận dụng các thao tác lập luận một cách sắc bén, mẫu mực 0,75

(Hs phân tích từng phần của văn bản để làm rõ vấn đề)

Phần mở đầu thể hiện rõ tài năng trong nghệ thuật lập luận của Bác: chọn cách tiếp cận chân lí bằng cách trích dẫn những tác phẩm bất hủ (Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791) nói về quyền tự do, bình đẳng, hạnh phúc cho mỗi cá nhân, suy rộng ra là quyền bình đẳng, tự do cho các dân tộc. Bác đã dùng lí lẽ của đối thủ để bác bỏ chính đối thủ, đó chính là chiến thuật "gậy ông đập lưng ông"

Toàn bộ phần hai của bản tuyên ngôn là cách Người sử dụng thao tác lập luận bác bỏ (từ nối "thế mà") để lên án những hành động trái nhân đạo đi ngược với tuyên ngôn của chúng, đồng thời khẳng định ngọn cờ chính nghĩa của ta.

Lời tuyên ngôn, tuyên bố cuối cùng được láy đi láy lại nhiều lần kèm theo những lí lẽ thuyết phục ("Bởi thế cho nên, chúng tôi...", "Vì những lẽ trên, chúng tôi...)...

  • Hệ thống dẫn chứng xác đáng, đanh thép 0,75

Để làm nên bản cáo trạng đanh thép về tội ác của thực dân Pháp, Bác đã chỉ ra chi tiết, rõ ràng và xác thực những chính sách thâm hiểm, những hành động đáng lên án của chúng trên từng lĩnh vực với những mốc thời gian cụ thể. Tất cả đã tăng cường sức tố cáo cho bản tuyên ngôn với những dẫn chứng không thể chối cãi.

  • Sức thuyết phục tạo nên từ tình cảm chan chứa, sâu sắc của tác giả

Đó là những đau đớn, nhức nhối khi nhìn lại bao nỗi khổ của nhân dân trong suốt 80 năm dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật; là niềm hạnh phúc khi đất nước được độc lập; là ý chí sắt đá, nhiệt huyết sôi trào, quyết tâm giữ vững chủ quyền dân tộc...0,5

=> Tuyên ngôn độc lập "vững chãi" không chỉ nhờ hệ thống lập luận sắc sảo, mẫu mực của nó mà còn ở tình cảm chan chứa của tác giả.

* Đánh giá chung. 0,5

  • Khẳng định tính đúng đắn của lời nhận xét của GS Trần Trọng Đàn cũng như những giá trị đặc sắc và sức sống trường tồn của bản tuyên ngôn.
  • Khẳng định tài năng viết văn chính luận của Bác, vừa tác động vào lí trí vừa tác động vào cảm xúc của người đọc, người nghe.

Bài viết có lối diễn đạt độc đáo, có ý tưởng sáng tạo 0,5

Đánh giá bài viết
1 2.030
Sắp xếp theo

Môn Văn khối D

Xem thêm