Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 18C: Ôn tập 3
Tiếng Việt 5 VNEN Bài 18C: Ôn tập 3 trang 195, 196, 197
Giải Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 18C: Ôn tập 3 có lời giải và đáp án đầy đủ các phần Sách VNEN Tiếng Việt 5 trang 195 giúp các em học sinh ôn tập toàn bộ nội dung Tiếng Việt lớp 5. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết.
Câu 1 Trang 195 Tiếng Việt 5 VNEN tập 1
Tìm 8 từ có tiếng "phúc":
Đáp án và hướng dẫn giải
8 từ có tiếng "phúc" là:
- Phúc hậu
- Phúc đức
- Hạnh phúc
- Phúc lộc
- Phúc phận
- Phúc lợi
- Phúc Trạch
- Tâm phúc
Câu 2 Trang 195 Tiếng Việt 5 VNEN tập 1
Đọc bài “Những cánh buồm”
Phía sau làng tôi có một con sông lớn chảy qua. Bốn mùa sông đầy nước. Mùa hè, sông đỏ lựng phù sa với những con lũ dâng đầy. Mùa thu, mùa đông, những bãi cát non nổi lên, dân làng tôi thường xới đất, trỉa đỗ, tra ngô, kịp gieo trồng một vụ trước khi những con lũ năm sau đổ về.
Tôi yêu con sông vì nhiều lẽ, trong đó một hình ảnh tôi cho là đẹp nhất, đó là những cánh buồm. Có những ngày nắng đẹp trời trong, những cánh buồm xuôi ngược giữa dòng sông phẳng lặng. Có cánh màu nâu như màu áo của mẹ tôi. Có cánh màu trắng như màu áo của chị tôi. Có cánh màu xám bạc như màu áo bố tôi suốt ngày vất vả trên cánh đồng. Những cánh buồm đi như rong chơi, nhưng thực ra nó đang đẩy con thuyền chở đầy hàng hoá. Từ bờ tre làng, tôi vẫn gặp những cánh buồm lên ngược về xuôi. Lá cờ nhỏ trên đỉnh cột buồm phấp phới trong gió như bàn tay tí xíu vẫy vẫy bọn trẻ chúng tôi. Còn lá buồm thì cứ căng phồng như ngực người khổng lồ đẩy thuyền đi đến chốn, về đến nơi, mọi ngả mọi miền, cần cù, nhẫn nại, suốt năm, suốt tháng, bất kể ngày đêm.
Những cánh buồm chung thuỷ cùng con người, vượt qua bao sóng nước, thời gian. Đến nay, đã có những con tàu to lớn, có thể vượt biển khơi. Nhưng cánh buồm vẫn sống cùng sông nước và con người.
Dựa vào nội dung bài đọc, chọn ý trả lời đúng:
1. Suốt bốn mùa, dòng sông có đặc điểm gì?
a. Nước sông đầy ắp..
b. Những con lũ dâng đầy.
c. Dòng sông đỏ lựng phù sa.
2. Màu sắc của những cánh buồm được tác giả so sánh với gì?
a. Màu nắng của những ngày đẹp trời.
b. Màu áo của những người lao động vất vả trên cánh đồng.
c. Màu áo của những người thân trong gia đình.
3. Cách so sánh trên (nêu ở câu hỏi 3) có gì hay?
a. Miêu tả được chính xác màu sắc rực rỡ của những cánh buồm.
b. Cho thấy cánh buồm cũng vất vả như những người nông dân lao động.
c. Thể hiện được tình yêu của tác giả đối với những cánh buồm trên dòng sông quê hương.
4. Câu văn nào trong bài tả đúng một cánh buồm căng gió?
a. Những cánh buồm đi như rong chơi.
b. Lá buồm căng phồng như ngực người khổng lồ.
c. Những cánh buồm xuôi ngược giữa dòng sông phẳng lặng.
5. Vì sao tác giả nói những cánh buồm chung thuỷ cùng con người?
a. Vì những cánh buồm đẩy thuyền lên ngược xuôi, giúp đỡ con người.
b. Vì những cánh buồm gắn bó với con người từ bao đời nay.
c. Vì những cánh buồm quanh năm, suốt tháng cần cù, chăm chỉ như con người.
6. Trong bài văn có mấy từ đồng nghĩa với từ to lớn?
a. Một từ.( Đó là từ: ...............................)
b. Hai từ. ( Đó là các từ: ...........................)
c. Ba từ. ( Đó là các từ: ...........................)
7. Trong câu “ Từ bờ tre làng tôi, tôi vẫn gặp những cánh buồm lên ngược về xuôi.”, có mấy cặp từ trái nghĩa?
a. Một cặp từ. ( Đó là các từ: ........................)
b. Hai cặp từ. ( Đó là các từ: ........................)
c. Ba cặp từ. ( Đó là các từ: ........................)
8. Từ trong ở cụm từ phấp phới trong gió và từ trong ở cụm từ nắng đẹp trời trong có quan hệ với nhau như thế nào?
a. Đó là một từ nhiều nghĩa.
b. Đó là hai từ đồng nghĩa
c. Đó là hai từ đồng âm.
9. Trong câu "Còn lá buồm thì cứ căng phồng như ngực người khổng lồ đẩy thuyền đi.", có mấy quan hệ từ?
a. Một quan hệ từ.
b. Hai quan hệ từ.
c. Ba quan hệ từ.
Đáp án và hướng dẫn giải
1. Suốt bốn mùa, dòng sông có đặc điểm gì?
a. Nước sông đầy ắp..
2. Màu sắc của những cánh buồm được tác giả so sánh với gì?
c. Màu áo của những người thân trong gia đình.
3. Cách so sánh trên (nêu ở câu hỏi 3) có gì hay?
c. Thể hiện được tình yêu của tác giả đối với những cánh buồm trên dòng sông quê hương.
4. Câu văn nào trong bài tả đúng một cánh buồm căng gió?
b. Lá buồm căng phồng như ngực người khổng lồ.
5. Vì sao tác giả nói những cánh buồm chung thuỷ cùng con người?
b. Vì những cánh buồm gắn bó với con người từ bao đời nay.
6. Trong bài văn có mấy từ đồng nghĩa với từ to lớn?
b. Hai từ. ( Đó là các từ: ...........lớn, khổng lồ........)
7. Trong câu “ Từ bờ tre làng tôi, tôi vẫn gặp những cánh buồm lên ngược về xuôi.”, có mấy cặp từ trái nghĩa?
a. Một cặp từ. ( Đó là các từ: ........ngược - xuôi.......)
8. Từ trong ở cụm từ phấp phới trong gió và từ trong ở cụm từ nắng đẹp trời trong có quan hệ với nhau như thế nào?
c. Đó là hai từ đồng âm.
9. Trong câu "Còn lá buồm thì cứ căng phồng như ngực người khổng lồ đẩy thuyền đi.", có mấy quan hệ từ?
c. Ba quan hệ từ.
Câu 3 Trang 197 Tiếng Việt 5 VNEN tập 1
Em hãy tả một người thân đang làm việc, ví dụ: đang nấu cơm, khâu vá, làm vườn, đọc báo, xây nhà hay học bài,...
Bài văn mẫu: Tả mẹ đang nấu cơm
“Két! Két!”. A! Má đi chợ đã về!. Em nhanh tay chạy xuống đỡ làn. Má bảo: “Hôm nay là sinh nhật ba, hai má con mình phải làm một bữa cơm ra trò để thết ba mới được. Thôi má con mình bắt tay vào việc thôi!”.
Má em nhanh nhẹn cho các thứ vào rổ rồi đem ra giếng. Em được má giao nhiệm vụ rửa rau còn má thì đi làm cá. Mái tóc dài đen, óng ả được má búi gọn sau lưng. Má mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay, ôm gọn lấy thân hình nhỏ nhắn. Đôi bàn tay má gầy gầy, xương xương với những ngón tay thon dài, làm việc nhanh thoăn thoắt. Chính đôi bàn tay ấy đã ủ ấp cho em vào những đêm dông giá rét, quạt mát cho em vào những ngày hè nóng nực. Dưới tay má, những chú cá tươi roi rói vừa còn giãy dành đạch như muốn chống cự mà bây giờ đã sạch sẽ nằm gọn trong chảo. Lúc này, em cũng vừa nhặt rau xong. Em nói với má: “Má ơi! Má để con rửa rau nhé!” Má nhìn em với ánh mắt tràn đầy yêu thương như muốn với em “Con gái má lớn thật rồi!”. Sau đó, má làm món thịt. Má bảo má sẽ làm món thịt kho tàu vì đó là món bố thích nhất. Em chạy lên nhà, giúp má cắm nồi cơm điện, còn má thì đưa các thứ vào bếp để nấu. Đầu tiên, má rán cá. Vì lửa nóng nên đôi má của má ửng đỏ như trái đào chín. Em thấy má rất đẹp. Tiếng mỡ rán bắt lửa kêu “xèo... xèo...” thật vui. Má khéo léo lật cá mặt này đến mặt khác cho cá chín đều. Những con cá vàng ươm thơm phưng phức đã được bày sẵn lên chiếc đĩa sứ xinh xắn. Tiếp theo, má xào rau. Những ngọn rau non, nõn nà gặp mỡ nóng cứ oằn lên tỏ vẻ bướng bỉnh. Nhưng chỉ sau một lát, chúng đã nằm yên theo sự diều khiển của má. Món thịt kho tàu được má làm thật khéo. Những miếng thịt sánh vàng, béo ngậy nhìn mà muốn chảy nước miếng. Em chạy lên nhà, rót cho má một cốc nước mát, rồi xuống đưa cho má. Má nói với em đầy âu yếm: “Má cám ơn con!”, rồi má cười để lộ hàm răng trắng bóng và đều tăm tắp như những hạt bắp non. Chỉ trong một lát, mọi thứ đã xong xuôi. Tiếng chuông đồng hồ điểm 12 giờ trưa. Má bảo em: “Má con mình lên sắp cơm thôi, chắc bố và chị cũng sắp về rồi đấy!”. Mâm cơm dọn ra trông như vườn hoa đủ màu sắc: vàng, đỏ, xanh... Má đặt chiếc bánh ga tô - bánh sinh nhật vào giữa mâm cơm làm cho vườn hoa đủ màu sắc ấy lại càng thêm rực rỡ. Chú Mi Mi ngửi thấy mùi cá rán cũng “meo meo” đòi ăn. Chị em về trước rồi tới ba. Ba vừa bước vào cửa mọi người đã hô to “Chúc mừng sinh nhật ba!” và hát vang bài hát “Chức mừng sinh nhật”. Ba rất ngạc nhiên rồi bồng mới nhớ ra hôm nay là sinh nhật mình, ba nói: “Cám ơn mọi người! Thật là tuyệt”. Cả nhà em quây quần bên mâm cơm để thưởng thức hương vị từ món ăn chính tay má nấu. Và tất nhiên chú Mi Mi cũng có phần.
Em bỗng thấy má là người quan trọng nhất đối với ba con em. Em sẽ học thật chăm chỉ để không phụ lòng ba mẹ.
Bài văn mẫu: Tả cô lao công đang quét rác
Trong xã hội có rất nhiều nghề nghiệp khác nhau, mỗi công việc lại đóng góp một phần cho sự phát triển của đất nước.Có một công việc tuy âm thầm và lặng lẽ nhưng hàng ngày đang giúp chomôi trường được xanh – sạch – đẹp hơn, đó là các cô lao công dọn dẹp đường phố.
Cô mặc một bộ quần áo màu xanh tím, đi đôi giày thấp, cô búi tóc cao, đội một chiếc mũ bảo hộ và chiếc khẩu trang chống bụi. Trang phục của cô gọn gàng, phù hợp với công việc lao động vất vả. Nghề của cô không được mặc những bộ quần áo đẹp đẽ, sang trọng nhưng công việc cô đang làm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần làm sạch đẹp thành phố của chúng ta.
Hàng ngày, công việc của cô bắt đầu lúc khoảng 4 giờ chiều, cô lao công đẩy chiếc xe rác tới từng ngõ phố. Tiếng chuông reo của cô nhắc nhở mọi gia đình đem rác thải ra xe thu gom. Mọi người nhanh chóng thu gọn rác sạch sẽ và đổ rác đúng giờ quy định. Những giọt mồ hôi trên khuôn mặt cô hay ướt đẫm lưng áo trong nắng chiều oi ả, khiến em cảm thấy thương cô nhiều cô, Mỗi chiều ra đổ rác, em đều lễ phép chào cô và cô khẽ gật đầu, đôi mắt cô như ánh lên niềm vui với công việc của mình.
Khi đêm đã khuya và màn sương dần che phủ khắp các nẻo đường, mọi người chuẩn bị chìm vào trong giấc ngủ sau một ngày lao dộng và học tập mệt mỏi, công việc của cô lao công lại tiếp tục. Cô dùng một chiếc chổi dài để quét được nhanh hơn, chiếc chổi tre xào xạc vang lên dù đêm đông giá lạnh hay đêm hè oi bức. Những chiếc lá khô rơi rụng, chiếc vỏ bánh ai vô tâm vứt lại trên đường nhanh chóng được cô thu gom và dùng hót rác bỏ vào thùng. Quét đến đâu, cô đẩy chiếc xe rác tới đó. Khi chiếc xe rác đã đầy, cô sẽ đẩy đến nơi tập kết rác để chiếc xe môi trường chở rác về bãi thải của thành phố. Công việc của cô kết thúc cũng là khi ông mặt trời thức giấc, thả những tia nắng nhỏ xinh xuống con phố sạch sẽ tinh tươm.
Những ngày lễ tết, mọi người đều háo hức với những chuyến đi chơi xa hay bên gia đình sum vầy vui vẻ, em vẫn thấy cô lao công lặng lẽ với công việc quét rác và thu gom rác của mình. Bởi vắng cô một ngày, những con đường ngõ phố sẽ tràn ngập rác thải, bầu không khí sẽ không còn trong lành và sạch sẽ. Vì vậy, em mong mỗi người sẽ cùng có ý thức vứt rác đúng nơi quy định để các cô lao công bớt vất vả và mệt nhọc hơn.
Tiếng chổi tre
Chị quét
Những đêm hè
Đêm đông gió rét
Tiếng chổi tre
Sớm tối
Đi về
Giữ sạch lề
Đẹp lối
Em nghe
Mỗi ngày trôi qua, các cô lao công vẫn miệt mài làm công việc của mình trên từng con phố. Em luôn thầm cảm ơn các cô đã không quản ngại vất vả gian khó để mang đến cho mọi người môi trường sống sạch đẹp và trong lành hơn.
Trên đây là Giải Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 18C: Ôn tập 3 trang 185, 196, 197. VnDoc.com hy vọng rằng tài liệu Giải bài tập sách Tiếng Việt 5 chương trình VNEN theo từng bài học năm học 2023 - 2024 sẽ giúp các em học sinh lớp 5 ôn tập kiến thức tiếng Việt trọng tâm bài 16C hiệu quả.
>>> Bài tiếp theo: Giải Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 19A: Người công dân số Một