Tiếng Việt 5 VNEN Bài 15B: Những công trình mới
Giải Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 15B: Những công trình mới có lời giải và đáp án đầy đủ các phần Sách VNEN Tiếng Việt 5 trang 160 giúp các em học sinh ôn tập toàn bộ nội dung Tiếng Việt lớp 5. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết.
Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 15B: Những công trình mới
A. Hoạt động cơ bản Bài 15B Tiếng Việt lớp 5 VNEN
Câu 1. Thi vẽ bức tranh về ngôi nhà mơ ước
Đáp án và hướng dẫn giải
Học sinh tham khảo các bức tranh sau:
Câu 2. Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài thơ sau:
Về ngôi nhà đang xây
Chiều đi học về
Chúng em qua ngôi nhà xây dở
Giàn giáo tựa cái lồng che chở
Trụ bê tông nhú lên như một mầm cây
Bác thợ nề ra về còn huơ huơ cái tay:
Tạm biệt!
Ngôi nhà tựa vào nền trời sẫm biếc
Thở ra mùi vôi vữa nồng hăng
Nhôi nhà giống như bài thơ sắp làm xong
Là bức tranh còn nguyên màu vôi, gạch.
Bầy chim đi ăn về
Rót vào ô cửa chưa sơn vài nốt nhạc.
Nắng đứng ngủ quên
Trên những bức tường
Làn gió nào về mang hương
Ủ đầy những rãnh tường chưa trát vữa.
Bao ngôi nhà đã hoàn thành
Đều qua những ngày xây dở.
Ngôi nhà như trẻ nhỏ
Lớn lên với trời xanh...
theo Đổng Xuân Lan
Câu 3. Giải nghĩa:
- Giàn giao: giàn làm bằng gỗ, tre hoặc sắt để công nhân xây dựng làm việc trên cao.
- Trụ bê tông: cột đúc bằng xi măng trộn cát, đá (hoặc sỏi) và nước, có cốt sắt bên trong.
- Cái bay: dụng cụ của thợ nề, gồm một miếng thép mỏng hình lá lắp vào cán, dùng để xây, trát, láng.
Câu 4. Cùng luyện đọc
Câu 5. Trả lời câu hỏi:
1) Những chi tiết nào vẽ lên hình ảnh một ngôi nhà đang xây?
2) Tìm những hình ảnh so sánh nói lên vẻ đẹp của ngôi nhà.
3) Tìm những hình ảnh nhân hoá làm cho ngôi nhà được miêu tả sông động, gần gũi.
4) Hình ảnh những ngôi nhà đang xây nói lên điều gì về cuộc sống trên đất nước chúng ta? Chọn ý đúng để trả lời:
a) Đất nước ta có nhiều ngôi nhà đẹp.
b) Đất nước ta đang phát triển và thay đổi hằng ngày, hằng giờ.
c) Đất nước ta ngổn ngang như một công trường xây dựng.
Đáp án và hướng dẫn giải
1) Những chi tiết thể hiện một ngôi nhà đang xây: giàn giáo, trụ bê tông, bác thợ nề huơ huơ cái bay, mùi vôi vữa nồng hăng, còn nguyên màu vôi, gạch, cửa sổ chưa sơn, tường chưa trát vữa…
2) Những hình ảnh so sánh trong bài thơ đó là:
- Trụ bê tông nhú lên như một mầm cây.
- Ngôi nhà giống bài thơ sắp làm xong.
- Ngôi nhà như bức tranh còn nguyên màu vôi, gạch.
- Ngôi nhà như trẻ nhỏ lớn lên với trời xanh.
3) Những hình ảnh nhân hóa làm cho ngôi nhà được miêu tả sông động, gần gũi là:
- Ngôi nhà: tựa vào nền trời sẫm biếc, thở ra mùi vôi vữa, lớn lên với trời xanh.
- Nắng: đứng ngủ quên trên những bức tường.
- Làn gió: mang hương, ủ đầy những rãnh tường chưa trát.
4) Hình ảnh những ngôi nhà đang xây nói lên:
Đáp án đúng là: b. Đất nước ta đang phát triển và thay đổi hằng ngày, hằng giờ.
B. Hoạt động thực hành Bài 15B Tiếng Việt lớp 5 VNEN
Câu 1. Kể lại một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc nói về những người đã góp sức mình chống lại đói nghèo, lạc hậu vì hạnh phúc của nhân dân.
Đáp án và hướng dẫn giải
Kể chuyện:
Buôn Chư Lênh đón cô giáo
Căn nhà sàn chật ních người. Ai nấy mặc quần áo đẹp như đi hội. Mấy cô gái trải những tấm lông thú thẳng tắp từ đầu cầu thang tới cửa bếp giữa sàn. Bấy giờ, già làng mới ra hiệu dẫn Y Hoa bước lên lối đi bằng lông thú mịn như nhung - nghi thức đặc biệt dành cho khách quý.
Y Hoa đến bên già Rok, trưởng buôn, đang đứng đón khách ở giữa nhà sàn. Nhận con dao mà già giao cho, nhằm vào cây cột nóc. Y Hoa chém một nhát thật sâu vào cột. Theo tục lệ, đó là lời thề của người lạ đến buôn. Lời thề ấy không thể nói ra mà phải khắc vào cột. Sau khi chém nhát dao,Y Hoa sẽ được coi là người trong buôn.
Già Rok sờ tay lên vết chém, gật gù khen:
- Tốt cái bụng đó, cô giáo ạ!
Rồi giọng già vui hẳn lên:
- Bây giờ cho người già xem cái chữ của cô giáo đi!
Bao nhiêu tiếng người cùng ùa theo:
- Phải đấy! Cô giáo cho lũ làng xem cái chữ nào!
Y Hoa lấy trong gùi ra một trang giấy, trải lên sàn nhà. Mọi người im phăng phắc. Y Hoa nghe rõ cả tiếng đập trong lồng ngực mình. Quỳ hai gối lên sàn, tôi viết hai chữ thật to, thật đậm: “Bác Hồ”. Y Hoa viết xong, bỗng bao nhiêu tiếng hò reo cùng bật lên:
- Ôi, chữ cô giáo này! Nhìn kia!
- A, chữ, chữ cô giáo! Đẹp quá!
⇒ Qua câu chuyện này ta thấy, cô giáo Y Hoa là người cô giáo tốt không quản khó khăn để đưa cái chữ đến với người dân vùng cao, vùng sâu vùng xa. Từ đó, giúp họ biết con chữ, nâng cao trình độ dân trí, phát triển kinh tế.
Câu 2-3-4. Kể chuyện trong nhóm, thi kể chuyện trước lớp
Câu 5. Nhận xét về cách tả hoạt động trong bài văn tả người
1) Đọc đoạn văn sau:
Công nhân sửa đường
Bác Tâm, mẹ của Thư, đang chăm chú làm việc. Bác đi một đôi găng tay bằng vải rất dày. Vì thế, tay bác y như tay một người khổng lồ. Bác đội nón, khăn trùm gần kín mặt, chỉ để hở mỗi cái mũi và đôi mắt. Tay phải bác cầm một chiếc búa. Tay trái bác xếp rất khéo những viên đá bọc nhựa đường đen nhánh vào chỗ trũng. Bác đập búa đều đều xuống những viên đá để chúng ken chắc vào nhau. Hai tay bác đưa lên hạ xuống nhịp nhàng. Dường như bác đang làm một việc gì đấy rất nhẹ nhàng chứ không phải là công việc vá đường vất vả kia. Chỉ có mảnh áo ướt đẫm mồ hôi ở lưng bác là cứ loang ra mãi.
Mảnh đường hình nhữ nhật đen nhánh hiện lên, thay thế cho cái ổ gà quái ác lúc trước. Thư say sưa ngắm miếng vá hình chữ nhật, thơm mùi nhựa đường hăng hắc ấy, rồi ôm cổ mẹ:
- Đẹp quá! Mẹ vá đường cũng khéo như vá áo ấy!
Bác Tâm đứng lên, vươn vai mấy cái liền. Bác nhéo mắt nhìn mặt đường. Nắng chói chang. Một nụ cười làm rạng rỡ khuôn mặt bác.
theo Nguyễn Thị Xuyến
2) Xác định các đoạn của bài văn và nội dung chính của mỗi đoạn:
Các đoạn | Nội dung của mỗi đoạn |
Đoạn 1: Từ ...... đến ...... | Tả .... |
Đoạn 2: Từ ...... đến ...... | Tả .... |
Đoạn 3: Từ ...... đến ...... | Tả .... |
3) Tìm những câu văn miêu tả hoạt động của bác Tâm
Đáp án và hướng dẫn giải
2) Xác định các đoạn của bài văn và nội dung chính của mỗi đoạn:
Các đoạn | Nội dung của mỗi đoạn |
Đoạn 1: Từ đầu đến loang ra mãi | Tả công việc vá đường của bác Tâm |
Đoạn 2: Từ mảng đường hình chữ nhật đến nhứ vá áo ấy | Tả thành quả lao động của bác Tâm |
Đoạn 3: Từ bác Tâm đứng lên đến hết | Tả niềm vui của bác Tâm sau khi xong công việc . |
3) Những câu văn miêu tả hoạt động của bác Tâm:
- Tay trái bác xếp rất khéo những viên đá bọc nhựa đường đen nhánh vào chỗ trũng.
- Bác đập búa đều đều xuống những viên đá để chúng ken chắc vào nhau.
- Hai tay bác đưa lên hạ xuống nhịp nhàng.
Câu 6. Viết đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến
Đáp án và hướng dẫn giải
Đoạn văn mẫu 1: Tả mẹ đang nấu cơm
Buổi chiều khi sau đi làm về, mẹ em nhanh chóng thay chiếc váy màu hồng trẻ trung và mặc bộ quần áo ở nhà để thuận tiện chế biến thức ăn cho bữa tối. Vừa xuống dưới bếp, tôi đã thấy hình bóng thấp thoáng của mẹ. Dáng mẹ thoăn thoắt, đôi bàn tay mẹ nhanh chóng chuẩn bị những nguyên liệu để nấu ăn. Em chú ý cách mẹ chế biến từng món ăn để học hỏi. Đầu tiên, mẹ vo gạo thật sạch và cho nước nấu cơm. Tiếp đó mẹ tiến hành mổ cá, những chú cá tươi rói, khỏe mạnh đã nhanh chóng được mẹ sơ chế và ướp. Em vừa hộ mẹ nhặt rau vừa quan sát mẹ bắt đầu rán cá. Mẹ khéo léo lật cá mặt này đến mặt khác để cá chín đều. Những con cá vàng ươm, thơm phức được đặt lên chiếc đĩa sứ dài xinh xắn. Tiếp đến mẹ bóc tỏi và cầm lấy rổ rau em vừa rửa sạch để xào. Từng cọng rau muống mẹ em xào vẫn giữ được màu xanh tươi và hương thơm đậm đà. Tất cả những món ăn đã được mẹ chế biến trong vòng một tiếng đồng hồ. Bố em về đến nhà, em hộ me dọn đồ ăn ra mâm và cả nhà cùng thưởng thức những món ăn mẹ nấu. Với em, những món ăn mẹ nấu là những món ăn tuyệt vời nhất, bởi trong đó còn chứa đựng cả tình thương và hạnh phúc gia đình.
Đoạn văn mẫu 2:
Cả lớp im phăng phắc, chăm chú nghe cô giảng bài. Cô giáo em đứng trên bục gỗ, dáng đứng hơi nghiêng nghiêng để học sinh theo dõi bài tập Toán cô đang đưa ra trong ví dụ. Tóc cô cắt ngắn, gọn gàng. Nếp áo dài lụa màu mỡ gà tha thướt, yêu kiều buông lơi trong cái dáng thanh thanh. Những con số hiện ra dưới nét phấn ghi lại phép tính. Xong phần ví dụ minh hoạ, cô quay mặt về phía học sinh, gõ một nhịp thước lên bàn (đó là hiệu lệnh dùng bảng con). Cô gọi hai bạn lên bảng rồi đọc đề Toán. Giọng cô to, rõ ràng. Nét mặt cô dịu dàng, ánh mắt khuyến khích học sinh như thúc giục chúng em làm bài nhanh lên. Cô thong thả đi lại giữa hai dãy bàn, đưa mắt quan sát bài làm của học sinh. Đứng ở đầu bàn một, cô mỉm cười gõ hai nhịp thước. Tất cả chúng em đưa bảng con lên. Cô gọi một bạn nhận xét bài làm trên bảng rồi tươi cười: “Giỏi lắm, các em tiếp thu bài rất tốt!”. Xoay nhanh người rất thuần thục, cô ghi một chữ S lên bảng (đó là hiệu lệnh dùng sách giáo khoa). Cô đi lại giữa hai dãy bàn, nhắc nhở những bạn còn chậm. Tiếng gót giầy của cô vang lên khe khẽ. Tà áo dài lụa rủ êm êm theo những bước đi.
Đoạn văn mẫu 3:
Chiều hè, những ánh nắng vàng cuối ngày đã ngả dài theo bóng cây. Em đi học về thì thấy bố mình đang lúi húi trước sân. Thì ra bố em đang xây bồn hoa. Xung quanh chỗ bố ngồi ngổn ngang cát, xi măng, gạch đỏ,… Bên phải bố là chậu vữa trộn xi măng sóng sánh màu xanh, chồng gạch đỏ đều tăm tắp bên tay trái ngay tầm tay với. Tay phải bố cầm chiếc bay, xúc vữa đổ lên mặt hàng gạch rồi bố nhanh tay gạt cho đều và phẳng. Tay trái bố nhặt từng viên gạch xếp ngay ngắn lên trên, rồi trở cán bay, bố gõ nhè nhẹ lên viên gạch. Trông động tác của bố rất đều đặn và khéo léo. Chẳng mấy chốc chiếc bồn hoa hình vòng cung hiện lên rất đẹp. Nhìn bố say mê làm việc em thấy mình yêu bố biết bao.
----------------------------------------------------------------------
Trên đây là Giải bài tập SGK Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 15B: Những công trình mới. VnDoc.com hy vọng rằng tài liệu Giải bài tập sách Tiếng Việt 5 chương trình VNEN theo từng bài học năm học 2023 - 2024 sẽ giúp các em học sinh lớp 5 ôn tập kiến thức tiếng Việt trọng tâm bài 14B hiệu quả.
>>> Bài tiếp theo: Giải Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 15C: Những người lao động