Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tiếng Việt 5 VNEN Bài 13B: Cho rừng luôn xanh

Giải Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 13B: Cho rừng luôn xanh bao gồm đáp án chi tiết các phần câu hỏi trong SGK Tiếng Việt 5 VNEN trang 137 giúp các em chuẩn bị bị bài tập tại nhà hiệu quả.

A. Hoạt động cơ bản Bài 13B Tiếng Việt lớp 5 VNEN

Câu 1.

Cùng chơi: Ô chữ bí mật

Đáp án và hướng dẫn giải:

Giải Tiếng việt lớp 5 VNEN: Bài 13B

→ Ô chữ: TRỒNG CÂY GÂY RỪNG

Câu 2.

Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài sau:

Trồng rừng ngập mặn

Trước đây các tỉnh ven biển nước ta có diện tích rừng ngập mặn khá lớn. Nhưng do nhiều nguyên nhân như chiến tranh, các quá trình quai đê lấn biển, làm đầm nuôi tôm…, một phần rừng ngập mặn đã mất đi. Hậu quả là lá chắn bảo vệ đê biển không còn nữa, đê điều dễ bị xói lở, bị vỡ khi có gió, bão, sóng lớn.

Mấy năm qua, chúng ta đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân thấy rõ vai trò của rừng ngập mặn đối với việc bảo vệ đê điều. Vì thế ở ven biển các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh,… đều có phong trào trồng rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn còn được trồng ở các đảo mới bồi ngoài biển như Cồn Vành, Cồn Đen (Thái Bình), Cồn Ngạn, Cồn Lu, Cồn Mờ (Nam Định)…

Nhờ phục hồi rừng ngặp mặn mà ở nhiều địa phương, môi trường đã có những thay đổi rất nhanh chóng. Đê xã Thái Hải (Thái Bình), từ độ có rừng, không còn bị xói lở, kể cả khi bị cơn bão số 2 năm 1996 tràn qua. Lượng cua con trong vùng rừng ngập mặn phát triển, cung cấp đủ giống không chỉ cho hàng nghìn đầm cua ở địa phương mà còn cho hàng trăm đầm cua ở các vùng lân cận. Tại xã Thạch Khê (Hà Tĩnh), sau bốn năm trồng rừng, lượng hải sản tăng nhiều và các loài chim nước cũng trở nên phong phú. Nhân dân các địa phương đều phấn khởi vì rừng ngập mặn phục hồi đã góp phần đáng kể tăng thêm thu nhập và bảo vệ vững chắc đê điều.

THEO PHAN NGUYÊN HỒNG

Câu 3.

Thay nhau đọc từ ngữ và lời giải thích:

- Rừng ngập mặn: Loại rừng ở vùng ven biển nhiệt đới, phần gốc cây ngập trong nước mắt.

- Quai đê: Đắp đê bao quanh một khu vực.

- Phục hồi: Làm cho trở lại như trước.

Câu 4.

Cùng luyện đọc

Câu 5.

Thảo luận, trả lời câu hỏi:

a. Vì sao mà một phần rừng ngập mặn bị mất đi?

b. Rừng ngập mặn bị mất đi gây ra hậu quả gì?

c. Vì sao các tỉnh ven biển có phong trào trồng rừng ngập mặn?

d. Rừng ngập mặn được phục hồi có tác dụng gì?

Đáp án và hướng dẫn giải:

a. Rừng ngập mặn bị mất đi do chiến tranh; các quá trình quai đê lấn biển, làm đầm nuôi tôm.

b. Rừng ngập mặn mất đi gây ra hậu quả: lá chắn bảo vệ đê biển không còn, đê điều bị xói lở, bị vỡ khi có gió, bão, sóng lớn,…

c. Các tỉnh ven biển có phong trào trồng rừng ngập mặn vì các tỉnh này làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ tác dụng của rừng ngập mặn đối với việc bảo vệ đê điều.

d. Rừng ngập mặn được phục hồi đã phát huy tác dụng bảo vệ vững chắc đê biển, tăng thu nhập cho người dân nhờ lượng hải sản tăng nhiều; các loài chim nước trở nên phong phú.

B. Hoạt động thực hành Bài 13B Tiếng Việt lớp 5 VNEN

Câu 1.

Đọc đoạn văn về chú bé vùng biển:

Thằng Thắng, con cá vược của thôn Bần và là địch thủ bơi lội đáng gờm nhất của bọn trẻ, lúc này đang ngồi trên chiếc thuyền đậu ở ngoài cùng. Nó trạc tuổi thằng Chân “phệ” nhưng cao hơn hẳn cái đầu. Nó cởi trần, phơi nước da rám đỏ, khoẻ mạnh của những đứa trẻ lớn lên với nắng, nước mặn và gió biển. Thân hình nó rắn chắc, nở nang: cổ mập, vai rộng, ngực nở căng, bụng thon hằn rõ từng múi, hai cánh tay gân guốc như hai cái bơi chèo, cặp đùi dế to, chắc nình nịch. Thắng có cặp mắt to và sáng. Miệng tươi, hay cười. Cái trán hơi dô ra, trông có vẻ là một tay bướng bỉnh, gan dạ.

(Theo Trần Vân)

Câu 2.

Trao đổi: Đoạn văn trên tả những đặc điểm nào về ngoại hình của bạn Thắng?

Viết các từ ngữ em tìm được vào vở:

  • Chiều cao:............
  • Nước da:..............
  • Thân hình:...........
  • Cặp mắt:..............
  • Miệng:.................
  • Trán:...................

Đáp án và hướng dẫn giải:

Viết các từ ngữ em tìm được:

  • Chiều cao: cao hơn hẳn thằng Chân cái đầu
  • Nước da: rám đỏ
  • Thân hình: rắn chắc, nở nang: cổ mập, vai rộng, ngực nở căng, bụng thon lộ hẳn rõ những múi....
  • Cặp mắt: to và sáng
  • Miệng: tươi, hay cười
  • Trán: hơi dô ra.

Câu 3.

Thảo luận: Trong bài văn tả ngoại hình của người, nên chú ý tả những gì?

Đáp án và hướng dẫn giải:

Trong bài văn tả ngoại hình của người nên chú ý tả những chi tiết tiêu biểu, nhằm khắc hoạ rõ nét hình ảnh của nhân vật, đồng thời nêu bật được tính tình và nội tâm của nhân vật ấy.

Câu 4.

Lập dàn ý cho bài văn tả một người mà em thường gặp (thầy giáo, cô giáo, chú công an, người hàng xóm,...)

Đáp án và hướng dẫn giải:

1. Mở bài: Giới thiệu chú cảnh sát giao thông

2. Thân bài:

- Tả ngoại hình của chú công an

  • Chú là cảnh sát giao thông, nên luôn mặc một bộ đồ màu cam
  • Năm nay chú 35 tuổi
  • Thân hình chú rất vạm vỡ và răn chắc
  • Chú có khuôn mặt tròn và làn da đen ngăm vì do đứng ngoài nắng nhiều
  • Mái tóc chú được cắt gọn gang với màu đen huyền
  • Đôi mắt chú to tròn và long lánh, phía trên là bộ long mày rậm rạp
  • Mũi chú rất cao và đôi môi dày

- Tả tính tình của chú công an

  • Chú rất vui tính
  • Rất nghiêm khắc và trung thành với công việc
  • Chú ân cần chỉ dẫn người dân khi họ gặp khó khan, ngay cả khi không liên quan đến công việc của chú

- Tả công việc của chú công an

  • Chú điều khiển giao thông lưu thông rất an toàn và trật tự
  • Dù nắng hay mưa chú vẫn đứng đó, nơi ngã tư quen thuộc

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về chú công an

  • Chú luôn tận tâm quan tâm và chăm sóc những người xung quanh
  • Em sẽ cố gắng để trở thành một chú công an mẫu mực như chú Phong

Mẫu:

Mỗi lần đi học em đều phải đi qua một ngã tư đường - nơi có rất nhiều phương tiện giao thông qua lại bởi vậy em rất sợ khi phải đi qua nơi đây. Nhưng từ ngày có các chú công an tới làm nhiệm vụ ở đấy nỗi lo lắng trong em đã dẫn biến mất, bởi vậy hình ảnh của các chú cảnh sát giao thông luôn hiện hữu trong em.

Chú công an trông vẫn còn rất trẻ, em đoán chắc chú cũng chỉ gần ba mươi tuổi. Dáng người chú cao to trông rất lực lưỡng. Chú có khuôn mặt hình chữ điền với cặp mắt to toát lên vẻ cương nghị, chính trực và rất nghiêm túc. Thêm vào đó, chú thường mặc bộ cảnh phục màu vàng, cộc tay toát để lộ hai bắp tay chắc nịch và rám nắng bởi những ngày làm nhiệm vụ dưới cái nắng hè oi ả, nóng nực.

Mỗi ngày, trong bộ quân phục màu vàng, chú vẫn miệt mài và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình. Công việc hằng ngày của chú đó chính là điều khiển các phương tiện tham gia giao thông nhanh chóng và dễ dàng. Với chiếc cùi sắt trong tay, cánh tay chú nhanh nhẹn đưa lên, hạ xuống, hết qua bên trái rồi lại vòng sang bên phải để chỉ hướng cho xe cộ di chuyển. Đồng thời, chú còn quan sát rất nhanh và chính xác bất kể phương tiện nào vi phạm luật giao thông để đưa ra biện pháp xử lí phù hợp nhất. Chính việc làm này của chú đã góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông và giảm thiểu tai nạn. Và em cũng đã từng bắt gặp chú với ánh mắt ấm áp, nụ cười đôn hậu, ân cần dắt một bạn nhỏ qua đường. Hay có những lúc chú không ngại ngần mà sửa giúp xe cho một người qua đường không may bị hỏng. Dù có những lúc phải làm việc trong thời tiết khắc nghiệt - nắng cháy da, cái rét cắt thịt nhưng chú vẫn nở một nụ cười tươi, ấm áp và sẵn sàng giúp đỡ những người qua đường.

Em rất yêu quý chú công an. Nhờ chú mà em có thể yên tâm khi tham gia giao thông ở trên đường. Các chú đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng quê hương đất nước ngày càng an toàn, văn minh và phát triển đi lên.

Câu 5.

Kể chuyện theo một trong hai đề dưới đây:

a. Kể một việc làm tốt của em hoặc của những người xung quanh để bảo vệ môi trường

b. Kể về một hành động dũng cảm bảo vệ môi trường

Đáp án và hướng dẫn giải:

Gợi ý 1

Dọc khu phố nhà em mới trồng thêm hàng hoa hồng rất đẹp. Em rất thích những chiếc lá xanh nho nhỏ và ngắm những bông hoa hồng nở bung dưới nắng. Hàng ngày sau khi tập thể dục buổi sáng với mẹ, em đều đem bình nước ra tưới cho từng cây một. Nhìn những khóm hoa ngày càng lớn lên em cảm thấy lòng vui vui. Một buổi sáng nọ, khi em đang tưới nước cho hoa thì chợt bắt gặp một bạn nhỏ khác đang thò tay vào cố ngắt xuống một bông hồng mới nở. Em vội chạy lại và nói to:

- Cậu không được hái hoa đâu! Hoa này là để cho đẹp mọi người cùng ngắm, sao cậu lại muốn ngắt nó xuống như thế?

Bạn nữ ấy nghe em nói vậy bèn vội vàng hạ tay xuống. Bạn ấy nói bé:

- Xin lỗi! Tại mình thấy hoa đẹp nên muốn hái một bông mang về.

Em bèn khuyên:

- Hoa đẹp là để làm đẹp thêm cho môi trường sống, để mọi người đều được ngắm hoa. Mẹ tớ bảo thế! Cậu xem ,ngày nào tớ cũng tưới nước, chăm sóc cho cây, cảm giác rất vui.

Nghe vậy bạn ấy có vẻ suy nghĩ một lúc, rồi vui vẻ nói:

- Được, từ nay tớ sẽ không hái hoa nữa đâu. Tớ cũng muốn bảo vệ môi trường nữa. Tớ sẽ cùng chăm sóc hoa với cậu!

Từ hôm ấy chúng em thay phiên nhau chăm sóc và bảo vệ những khóm hoa xinh đẹp. Em cảm thấy rất vui vì mình đã làm được một việc tốt giúp giữ gìn môi trường xung quanh.

Gợi ý 2

Tuần nào cũng vậy, cứ đến chiều thứ bảy là khu phố em tổ chức buổi tổng vệ sinh làm sạch đường phố. Mỗi nhà cử một người tham gia nên buổi lao động nào cũng có đủ các lứa tuổi. Các cụ ông, cụ bà đầu tóc bạc phơ thường có mặt sớm hơn cả và vui vẻ chuyện trò trong khi chờ đợi. Các bà nội trợ đang bận nấu dở bữa cơm chiều nên thường có mặt sau cùng. Đám thanh niên tỏ ra rất phấn khởi, luôn miêng cười đùa. Khi mọi người đến đã đông đủ, bác tổ trưởng bắt đầu phân công công việc cho từng nhóm. Việc khơi thông cống rãnh quan trọng và vất vả nhất nên thường được giao cho thanh niên. Còn các cụ già và chúng em thì quét dọn đường phố cho sạch sẽ.

Ai nấy nhanh chóng bắt tay vào việc. Chỉ chừng nửa giờ sau, công việc đã xong xuôi. Đường phố gọn gàng, sáng sủa hẳn ra.

Em nghĩ rằng thành phố sạch và xanh là điều mong muốn của tất cả chúng ta và đó cũng là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của một thành phố văn minh, hiện đại.

C. Hoạt động ứng dụng Bài 13B Tiếng Việt lớp 5 VNEN

Câu 1.

Tìm đọc trong sách báo hoặc trên mạng In-tơ-net để biết rừng ngập mặn có những loại cây nào, có những con vật nào sinh sống

Đáp án và hướng dẫn giải:

  • Rừng ngập mặn có những loại cây: Mắm (hay Mấm), Đước, Vẹt, Bần, Dà
  • Những con vật sinh sống trong rừng ngập mặn: Heo rừng, Khỉ đuôi dài, Rái cá, các loài Mèo, Chồn, Nhím, Tê tê, Bồ nông, các loài Cú, Diệc, Nhan sen, Cốc, Cá Sấu hoa cà, Kỳ đà nước, Trăn, nhiều loài Rắn, Rùa biển …

Câu 2.

Trao đổi với người thân và bạn bè những việc cần tránh để không gây ô nhiễm môi trường

Đáp án và hướng dẫn giải:

Để tránh gây ô nhiễm môi trường, chúng ta cần:

+ Vứt rác đúng nơi quy định.

+ Trồng cây gây rừng, chăm sóc cây

+ Tuyên truyền và kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

+ Không xả rác bừa bãi, không phá hoại cảnh quan môi trường.

Trên đây là Giải bài tập SGK Tiếng Việt lớp 5 VNEN bài 13B: Cho rừng luôn xanh. VnDoc.com hy vọng rằng tài liệu Giải bài tập sách Tiếng Việt 5 chương trình VNEN theo từng bài học sẽ giúp các em học sinh ôn tập kiến thức hiệu quả.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
92
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Giải Tiếng Việt lớp 5 VNEN

    Xem thêm