Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 19A: Người công dân số Một
Giải Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 19A: Người công dân số Một bao gồm lời giải và đáp án đầy đủ các phần Sách VNEN Tiếng Việt 5 tập 2 trang 3 giúp các em học sinh ôn tập toàn bộ nội dung Tiếng Việt lớp 5. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết.
Tiếng Việt 5 VNEN Bài 19A: Người công dân số Một
A. Hoạt động cơ bản Bài 19A Tiếng Việt lớp 5 VNEN
Câu 1. Quan sát bức tranh minh hoạ chủ điểm Người công dân và trả lời câu hỏi:
a. Các bạn thiếu nhi đang làm gì để thực hiện quyền của người đội viên?
b. Em nghĩ gì về trách nhiệm và nghĩa vụ của người công dân tương lai?
Đáp án
Quan sát bức ảnh ta thấy:
a. Các bạn thiếu nhi đang thực hiện quyền đội viên của mình, đó là bỏ phiếu tín nhiệm, bầu chọn những người thực sự đủ khả năng và xứng đáng vào Ban chỉ huy Đội, Liên đội.
b. Theo em, mỗi một công dân khi sinh ra và lớn lên đều có quyền và nghĩa vụ của bản thân. Vì vậy, bên cạnh những quyền lợi vốn có, mỗi chúng ta cần phải cố gắng thực hiện và làm tốt nghĩa vụ của một người công dân. Đó là cùng yêu thương, đoàn kết đùm bọc lần nhau không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt giới tính...để cùng nhau bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.
Câu 2.
Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài sau:
Người công dân số Một
(Trích)
Nhân vật: Anh Thành, Anh Lê, Anh Mai
Cảnh trí: Một ngôi nhà ở Xóm Chiếu, Sài Gòn. Dưới ngọn đèn dầu lù mù, anh Thành đang ngồi ghi chép. Anh Lê vào.
Lê: - Anh Thành! Mọi thứ tôi thu xếp xong rồi. Sáng mai anh có thể đến nhận việc đấy.
Thành: - Có lẽ thôi, anh ạ.
Lê: - Sao lại thôi? Anh chỉ cần cơm nuôi và mỗi tháng một đồng. Tôi đã đòi cho anh thêm mỗi năm hai bộ quần áo và mỗi tháng thêm năm hào…. (Nói nhỏ) Vì tôi nói với họ: anh biết chữ Tàu, lại có thể viết phắc-tuya bằng tiếng Tây.
Thành: - Nếu chỉ cần miếng cơm manh áo thì tôi đã ở Phan Thiết cũng đủ sống….
Lê: - Vậy anh vào Sài Gòn này làm gì?
Thành: - Anh Lê này! Anh học trường Sa-xơ-lu Lô-ba… thì… ờ anh là người nước nào?
Lê: - Anh hỏi lạ thật. Anh người nước nào thì tôi là người nước ấy.
Thành: - Đúng! Chúng ta là đồng bào. Cùng máu đỏ da vàng với nhau. Nhưng… anh có khi nào nghĩ đến đồng bào không?
Lê: - Sao lại không? Hôm qua ông đốc học nhắc lại nghị định của giám đốc Phú Lãng Sa tháng 5 năm 1881 về việc người bản xứ muốn vào làng Tây….
Thành: - À… Vào làng Tây để có tên Tây, đi lại, ăn ở, làm việc, lương bổng như Tây… Anh đã làm đơn chưa?
Lê: - Không bao giờ! Không bao giờ tôi quên dòng máu chảy trong cánh tay này là của họ Lê, anh hiểu không? Nhưng tôi chưa hiểu vì sao anh thay đổi ý kiến, không định xin việc làm ở Sài Gòn này nữa.
Thành: - Anh Lê ạ, vì đèn dầu ta không sáng bằng đèn hoa kì. Đèn hoa kì lại không sáng bằng đèn toạ đăng. Hôm qua, tôi đi xem chớp bóng lại thấy ngọn đèn điện mới thật là sáng nhất. Sáng như ban ngày mà không có mùi, không có khói.
Lê: - Anh kể chuyện đó làm gì?
Thành: - Vì anh với tôi…. Chúng ta là công dân của nước Việt….
(còn nữa)
Theo Hà Văn Cầu – Vũ Đình Phòng
Câu 3.
Thay nhau đọc từ ngữ và lời giải nghĩa:
- Anh Thành: (Nguyễn Tất Thành): tên Bác Hồ thời trẻ
- Phắc – tuya: Hóa đơn
- Trường Sa-xơ-lu Lô-ba: Một trường học ở Sài Gòn hồi đầu thế kỉ XX dành cho con cái người Pháp và những gia đình Việt Nam khá giả
- Đốc học: Người phụ trách giáo dục ở một tỉnh, thành phố thời trước
- Nghị định: Văn bản của cơ quan hành chính cấp cao quy định những điều cần thực hiện trong một lĩnh vực cụ thể
- Giám quốc: Người đứng đầu nước Pháp lúc đó
- Phú Lãng Sa: Nước Pháp
- Vào làng Tây: Nhập quốc tịch Pháp (trở thành công dân Pháp)
- Đèn hoa kì: Đèn dầu hỏa nhỏ, có bấc tròn
- Đèn tọa đăng: Đèn để bàn loại to, thắp bằng dầu hỏa
- Chớp bóng: Chiếu phim
Câu 4.
Cùng luyện đọc
Câu 5.
Thảo luận, trả lời câu hỏi:
a. Anh Lê giúp anh Thành việc gì?
b. Những câu nói nào của anh Thành cho thấy anh luôn nghĩ tới dân tới nước?
Đáp án
a. Anh Lê đã giúp anh Thành tìm một công việc ở Sài Gòn.
b. Tấm lòng của anh Thành luôn luôn nghĩ tới dân, tới nước thể hiện qua những câu nói:
- Chúng ta là đồng bào, cùng máu mủ da vàng với nhau. Nhưng... anh có khi nào nghĩ đến đồng bào không?
- Vì anh với tôi... chúng ta là công dân nước Việt...
→ Trong những câu nói của anh Thành, anh đã luôn nhắc nhở anh Lê về hai tiếng “đồng bào" đầy thiêng liêng và xúc động, về dòng máu Việt Nam chảy trong mỗi người.
Câu 3.
Những cặp thoại nào dưới đây cho thấy câu chuyện giữa anh Thành và anh Lê nhiều lúc không ăn nhập với nhau? Vì sao?
a. Lê: Anh Thành! Mọi thứ tôi thu xếp xong rồi. Sáng mai anh có thể đến nhận việc rồi đấy | a. Thành: Có lẽ thôi, anh ạ |
b. Lê: Vậy anh vào Sài Gòn để làm gì? | b. Thành: Anh Lê này! Anh học trường Sa-xơ-lu Lô-ba...thì...ờ... anh là người nước nào? |
c. Anh hỏi lạ thật. Anh người nước nào thì tôi là người nước ấy | c. Thành: Đúng. Chúng ta là đồng bào, cùng máu đỏ da vàng với nhau |
d. Lê: ...Nhưng tôi chưa hiểu vì sao anh thay đổi ý kiến, không định xin việc làm ở Sài Gòn này nữa | d. Thành: Anh Lê ạ! Vì đèn dầu ta không sáng bằng đèn Hoa Kì [...] Hôm qua, tôi đi xem chớp bóng thấy ngọn đèn điện mới thật là sáng nhất. |
- Những cặp thoại cho thấy câu chuyện anh Thành và anh Lê không ăn nhập với nhau là: b-d và d-d
- b. Lê: Vậy anh vào Sài Gòn để làm gì? - b. Anh Lê này! Anh học trường Sa-xơ-lu Lô-ba...thì...ờ... anh là người nước nào?
- d. Lê: ...Nhưng tôi chưa hiểu vì sao anh thay đổi ý kiến, không định xin việc làm ở Sài Gòn này nữa - d. Thành: Anh Lê ạ! Vì đèn dầu ta không sáng bằng đèn Hoa Kì [...] Hôm qua, tôi đi xem chớp bóng thấy ngọn đèn điện mới thật là sáng nhất.
- Sở dĩ câu chuyện có đôi lúc không ăn nhập vì anh Thành và anh Lê mỗi người đang có những suy nghĩa riêng của mình:
- Anh Lê đang nghĩ đến công ăn việc làm, đến miếng cơm manh áo hàng ngày cho bạn.
- Anh Thành đang mải nghĩ đến việc cứu nước, cứu dân.
Câu 6.
Đọc phân vai
Câu 7.
Tìm hiểu câu ghép
1. Đọc đoạn văn dưới đây:
(1) Mỗi lần dời nhà đi, bao giờ con khỉ cũng nhảy phóc lên ngồi trên lưng con chó to. (2) Hễ con chó đi chậm, con khỉ cấu hai tai chó giật giật. (3) Con chó chạy sải thì khỉ gò lưng như người phi ngựa. (4) Chó chạy thong thả, khỉ buông thõng hai tay, ngồi ngúc nga ngúc ngắc.
2. Xếp các câu trong đoạn trên vào nhóm thích hợp và ghi vào bảng nhóm:
a) Câu do một cụm chủ ngữ - vị ngữ tạo thành.
b)Câu do nhiều cụm chủ ngữ - vị ngữ tạo thành.
3. Có thế tách hai cụm chủ ngừ - vị ngữ trong các câu ở nhóm b) thành hai câu không? Vì sao?
Đáp án
2. Xếp các câu vào nhóm thích hợp:
a) Câu do một cụm chủ ngữ - vị ngữ tạo thành:
(1) Mỗi lần dời nhà đi, bao giờ con khỉ / cũng nhảy phóc lên ngồi trên lưng con chó to
- CN: con khỉ
- VN: cũng nhảy phóc lên ngồi trên lưng con chó to
b) Câu do nhiều cụm chủ ngữ - vị ngữ tạo thành:
(2) Hễ con chó/ đi chậm//, con khỉ/ cấu hai tai chó giật giật.
- CN1: con chó
- VN1: đi chậm
- CN2: con khỉ
- VN2: cấu hai tai chó giật giật
(3) Con chó/ chạy sải// thì khỉ/ gò lưng như người phi ngựa.
- CN1: con chó
- VN1: chạy sải
- CN2: khỉ
- VN2: gò lưng như người phi ngựa
(4) Chó chạy thong thả, khỉ buông thõng hai tay, ngồi ngúc nga ngúc ngắc.
- CN1: chó
- VN1: chạy thong thả
- CN2: khỉ
- VN2: buông thõng hai tay, ngồi ngúc nga ngúc ngắc
3. Chúng ta không thể tách hai cụm chủ ngữ - vị ngữ trong các câu ở nhóm b) thành hai câu. Các vế câu của mỗi cụm diễn tả những ý có quan hệ chặt chẽ, gắn kết với nhau về nghĩa.
B. Hoạt động thực hành bài 19A Tiếng Việt lớp 5 VNEN
Câu 1.
a. Đọc đoạn văn sau:
(1) Biển luôn thay đổi màu tùy theo sắc mây trời. (2) Trời xanh thẳm, biển cũng xanh thẳm, như dâng cao lên, chắc nịch. (3)Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. (4) Trời âm u mây mưa, biển xám xịt, nặng nề. (5) Trời ầm ầm dông gió, biển đục ngầu, giận dữ...(6) Biển nhiều khi rất đẹp, ai cũng thấy như thế. (7) Nhưng vẻ đẹp của biển, vẻ đẹp kì diệu muôn màu muôn sắc ấy phần rất lớn là do mây, trời và ánh sáng tạo nên.
b. Tìm câu ghép trong đoạn văn và viết vào bảng nhóm theo mẫu?
c. Có thể tách mỗi vế trong câu ghép vừa tìm được thành một câu đơn không? Vì sao?
Đáp án
b. Những câu ghép trong đoạn văn trên là:
Câu ghép | Vế câu thứ nhất | Vế câu thứ hai |
Câu 2 | Trời xanh thẳm | biển cũng xanh thẳm, như dâng cao lên, chắc nịch. |
Câu 3 | Trời rải mây trắng nhạt | biển mơ màng dịu hơi sương |
Câu 4 | Trời âm u mây mưa | biển xám xịt, nặng nề |
Câu 5 | Trời ầm ầm dông gió | biển đục ngầu, giận dữ... |
Câu 6 | Biển nhiều khi rất đẹp | ai cũng thấy như thế |
c. Không thể tách mỗi vế trong câu ghép vừa tìm được thành một câu đơn. Mỗi vế câu thể hiện một ý có quan hệ chặt chẽ với ý của vế khác.
Câu 2.
Thêm một vế câu vào chỗ trống để tạo thành câu ghép rồi viết vào vở
a. Mùa xuân đã về,.................
b. Mặt trời mọc, ...................
c. Trong truyện cố tích Cây khế, người em chăm chỉ, hiền lành, còn ...................
d. Vì trời mưa to nên ................
Đáp án
a. Mùa xuân đã về, cây cối đâm chồi nảy lộc
b. Mặt trời mọc, những đoàn thuyền đánh cá trở về sau một đêm ra khơi
c. Trong truyện cố tích Cây khế, người em chăm chỉ, hiền lành, còn người anh vừa tham lam, ích kỉ.
d. Vì trời mưa to nên đường trơn như mỡ đổ.
Câu 3.
Nghe thầy cô đọc và viết vào vở:
Nhà yêu nước Nguyễn Trung Trực
Nguyễn Trung Trực sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới trên sông Vàm Cỏ. Năm 23 tuổi, ông lãnh đạo cuộc nổi dậy ở phủ Tây An, nay thuộc tỉnh Long An. Đội quân khởi nghĩa do ông chỉ huy đã lập nên nhiều chiến công vang dội khắp vùng Tây Nam Bộ. Bị giặc bắt và đưa ra hành hình, ông khảng khái trả lời viên thống đốc Nam Kì: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”
Câu 4.
Chọn chữ thích hợp đế điền vào chỗ trống trong phiêu học tập, biết rằng:
(1) Chữ r, d hoặc gi
(2) Chữ o hoặc ô (thêm dấu thanh thích hợp)
Tháng giêng của bé
Đồng làng vương chút heo may
Mầm cây tỉnh (1) ...ấc, vườn đầy tiếng chim
Hạt mưa mải miết (2) tr...n tìm
Cây đào trước cửa lim (1)....im mắt cười
Quất (2) g....m từng hạt nắng (1)....ơi
Làm thành quả - những mặt trời vàng mơ
Tháng (1)...êng đến tự bao giờ?
Đất trời viết tiếp bài thơ (2) ng...t ngào.
(Theo ĐỖ QUANG HUỲNH)
Đáp án
Tháng giêng của bé
Đồng làng vương chút heo may
Mầm cây tỉnh (1) giấc, vườn đầy tiếng chim
Hạt mưa mải miết (2) trốn tìm
Cây đào trước cửa lim (1) lim mắt cười
Quất (2) gom từng hạt nắng (1)rơi
Làm thành quả - những mặt trời vàng mơ
Tháng (1) giêng đến tự bao giờ?
Đất trời viết tiếp bài thơ (2) ngọt ngào.
(Theo ĐỖ QUANG HUỲNH)
Câu 5.
Chọn bài a hoặc b (trang 8, 9 sgk)
a. Tìm tiếng bắt đầu bằng r, d hay gi thích hợp mỗi ô trống. Ghi lại các từ có tiếng tìm được vào vở.
Làm việc cho cả ba thời
Có một con ve thấy bác nông dân nọ làm việc miệt mài, từ sáng đến tối chẳng lúc nào ngơi, liền tò mò hỏi:
- Bác làm việc quần quật như thế để làm gì?
Bác nông dân đáp:
- Tôi làm cho cả ba thời nên không thể ngừng tay.
Ve nghĩ mãi không ...., lại hỏi:
- Thế nào là làm việc cho cả ba thời?
Bác nông dân ôn tồn giảng ....:
- Trước hết, tôi phải làm việc để nuôi thân. Đó là làm việc cho hiện tại. Nhà tôi còn bố mẹ ...... Làm việc để phụng dưỡng bố mẹ là làm vì quá khứ. Còn làm để nuôi con là .... dụm cho tương lai. Sau này tôi già, các con tôi lại nuôi tôi như bây giờ tôi đang phụng dưỡng cha mẹ.
(Truyện vui dân gian thế giới)
b. Tìm vần chứa o hoặc ô thích hợp với mỗi ô trống. Ghi lại các từ tạo được và lời giải câu đố vào vở.
- Hoa gì đơm lửa rực h....
Lớn lên hạt ng.... đầy tr... bị vàng?
- Hoa nở trên mặt nước
Lại mang hạt tr.... mình
Hương bay qua hồ r....
Lá đội đầu mướt xanh.
Đáp án
a. Tìm tiếng bắt đầu bằng r, d hay gi thích hợp mỗi ô trống. Ghi lại các từ có tiếng tìm được vào vở.
Làm việc cho cả ba thời
Có một con ve thây bác nông dân nọ làm việc miệt mài, từ sáng đến tối chẳng lúc nào nghỉ ngơi, liền tò mò hỏi:
- Bác làm việc quần quật như thế để làm gì?
Bác nông dân đáp:
- Tôi làm cho cả ba thời nên không thể ngừng tay.
Ve nghĩ mãi không ra, lại hỏi:
- Thế nào là làm việc cho cả ba thời?
Bác nông dân ôn tồn giảng giải:
- Trước hết, tôi phải làm việc để nuôi thân. Đó là làm việc cho hiện tại. Nhà tôi còn bố mẹ già. Làm việc để phụng dưỡng bố mẹ là làm vì quá khứ. Còn làm để nuôi con là dành dụm cho tương lai. Sau này tôi già, các con tôi lại nuôi tôi như bây giờ tôi đang phụng dưỡng cha mẹ.
(Truyện vui dân gian thế giới)
b. Tìm vần chứa o hoặc ô thích hợp với mỗi ô trống. Ghi lại các từ tạo được và lời giải câu đố vào vở.
Hoa gì đơm lửa rực hồng
- Hoa gì đơm lửa rực hồng
Lớn lên hạt ngọc đầy trong bị vàng?
→ Đáp án: hoa lựu
- Hoa nở trên mặt nước
Lại mang hạt trong mình
Hương bay qua hồ rộng
Lá đội đầu mướt xanh.
→ Đáp án: cây hoa sen
C. Hoạt động ứng dụng bài 19A Tiếng Việt lớp 5 VNEN
Cùng người thân tìm thêm một mẩu chuyện Bác Hồ?
Truyện: Chiếc áo ấm
Một đêm mùa đông năm 1951, gió bấc tràn về mang theo những hạt mưa lâm thâm làm cho khí trời càng thêm lạnh giá. Thung lũng bản Ty co mình lại trong yên giấc, trừ một ngôi nhà sàn nhỏ còn phát ra ánh sáng. Ở đây, Bác vẫn thức, vẫn làm việc khuya như bao đêm bình thường khác. Bỗng cánh cửa nhà sàn hé mở, bóng Bác hiện ra. Bác bước xuống cầu thang, đi thẳng về phía gốc cây, chỗ tôi đang đứng gác.
- Chú làm nhiệm vụ ở đây có phải không?
- Thưa Bác, vâng ạ!
- Chú không có áo mưa?
Tôi ngập ngừng nhưng mạnh dạn đáp:
- Dạ thưa Bác, cháu không có ạ!
Bác nhìn tôi từ đầu đến chân ái ngại:
- Gác đêm, có áo mưa, không ướt, đỡ lạnh hơn...
Sau đó, Bác từ từ đi vào nhà, dáng suy nghĩ...
Một tuần sau, anh Bảy cùng mấy người nữa đem đến cho chúng tôi 12 chiếc áo dạ dài chiến lợi phẩm. Anh nói:
- Bác bảo phải cố gắng tìm áo mưa cho anh em. Hôm nay có mấy chiếc áo này, chúng tôi mang lại cho các đồng chí. Được một chiếc áo như thế này là một điều quý, nhưng đối với chúng tôi còn quý giá và hạnh phúc hơn khi Bác trực tiếp chăm lo, săn sóc với cả tấm lòng yêu thương của một người cha.
Sáng hôm sau, tôi mặc chiếc áo mới nhận được đến gác nơi Bác làm việc. Thấy tôi, Bác cười và khen:
- Hôm nay chú có áo mới rồi.- Dạ thưa Bác, đây là áo anh Bảy đem đến cho tiểu đội chúng cháu mỗi người một chiếc ạ.
Nghe tôi thưa lại, Bác rất vui. Bác ân cần dặn dò thêm:
- Trời lạnh, chú cần giữ gìn sức khỏe và cố gắng làm tốt công tác.
Dặn dò xong, Bác trở lại ngôi nhà sàn để làm việc. Lòng tôi xiết bao xúc động. Bác đã dành áo ấm cho chúng tôi trong lúc Bác chỉ mặc một chiếc áo bông mỏng đã cũ. Đáng lẽ chúng tôi phải chăm lo cho Bác nhiều hơn, còn Bác, Bác lại lo nghĩ đến chúng tôi nhiều quá.
Từ đấy, chúng tôi cũng trân trọng giữ gìn chiếc áo Bác cho như giữ lấy hơi ấm của Bác. Hơi ấm ấy đã truyền thêm cho chúng tôi sức mạnh trong mỗi chặng đường công tác.
------------------------------------------------
Trên đây là Giải Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 19A Người công dân số Một. VnDoc.com hy vọng rằng tài liệu Giải bài tập sách Tiếng Việt 5 chương trình VNEN theo từng bài học năm học 2023 - 2024 sẽ giúp các em học sinh lớp 5 ôn tập kiến thức tiếng Việt bài 19A hiệu quả.
>>> Bài tiếp theo: Giải Tiếng Việt lớp 5 VNEN: Bài 19B: Người công dân số Một (tiếp theo)