Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 4B: Trái đất là của chúng mình

Nằm trong bộ tài liệu Giải tiếng Việt lớp 5 VNEN năm 2023 - 2024, Giải tiếng Việt lớp 5 VNEN: Bài 4B: Trái Đất là của chúng mình có lời giải và đáp án đầy đủ các phần Sách VNEN tiếng Việt 5 trang 41 - 45 giúp các em học sinh ôn tập toàn bộ nội dung tiếng Việt lớp 5. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết.

A. Hoạt động cơ bản Bài 4B tiếng Việt lớp 5 VNEN

Câu 1.

Quan sát bức tranh sau đây và cho biết tranh vẽ cảnh gì?

Bài 4B: Trái đất là của chúng mình

Đáp án và hướng dẫn giải 

Tranh vẽ các bạn nhỏ thuộc các màu da, các dân tộc, các đất nước khác nhau cùng chung sống vui vẻ trên ngôi nhà chung là trái đất. Hoa mọc trên trát đất, ánh mặt trời toả sáng rạng ngời và lũ chim bồ câu bay lượn biểu hiện cho những điều tươi đẹp, bình yên, hoà bình trên thế giới này. Các bạn nhỏ vui tươi sống trong thế giới ấy và cũng đang hết mình gìn giữ nâng niu những điều tốt đẹp đó trên hành tinh này.

Câu 2.

Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài thơ sau:

Bài ca về trái đất

Trái đất này là của chúng mình
Quả bóng xanh bay giữa trời xanh
Bồ câu ơi, tiếng chim gù thương mến
Hải âu ơi, cánh chim vờn sóng biển
Cùng bay nào, cho trái đất quay!
Cùng bay nào, cho trái đất quay!

Trái đất trẻ của bạn trẻ năm châu
Vàng, trắng, đen ... dù da khác màu
Ta là nụ, là hoa của đất
Gió đẫm hương thơm, nắng tô thắm sắc
Màu hoa nào cũng quý, cũng thơm!
Màu hoa nào cũng quý, cũng thơm!

Khói hình nấm là tai họa đấy
Bom H, bom A không phải bạn ta
Tiếng hát vui giữ bình yên trái đất
Tiếng cười ran cho trái đất không già
Hành tinh này là của chúng ta!
Hành tinh này là của chúng ta!

Định Hải

Câu 3.

Nối từ ngữ ở bên trái với lời giải nghĩa thích hợp ở bên phải:

Giải Tiếng việt lớp 5 VNEN: Bài 4B

 Đáp án và hướng dẫn giải 

Giải Tiếng việt lớp 5 VNEN: Bài 4B

Câu 4. Cùng luyện đọc

Mỗi em đọc một khổ thơ, tiếp nối nhau đến hết bài.

Câu 5.

Thảo luận, trả lời câu hỏi:

(1) Khổ thơ thứ nhất ý nói gì?

Em chọn ý đúng để trả lời:

a. Mọi người cần bay lên để nhìn rõ trái đất.

b. Trái đất rất tươi đẹp, rất đáng yêu.

c. Trái đất có hình dáng như một quả bóng.

(2) Hai câu thơ cuối khổ thơ 2 nhằm nói điều gì?

Em chọn ý đúng để trả lời:

a. Tất cả các loài hoa đều đáng quý.

b. Mỗi dân tộc có một màu da khác nhau.

c. Mọi người trên trái đất đều đáng quý, đáng yêu.

(3) Chúng ta phải làm gì để giữ bình yên cho trái đất?

Đáp án và hướng dẫn giải

(1) Khổ thơ thứ nhất ý nói:

Đáp án và hướng dẫn giải

(1) Khổ thơ thứ nhất nói:

b. Trái đất rất tươi đẹp, rất đáng yêu.

(2) Hai câu thơ cuối khổ thơ 2 nhằm nói:

c. Mọi người trên trái đất đều đáng quý, đáng yêu.

(3) Để giữ bình yên cho trái đất, chúng ta cần:

Để giữ bình yên cho trái đất, tất cả chúng ta cần kêu gọi chấm dứt chiến tranh hạt nhân, chạy đua vũ trang, các cuộc chiến tranh phi nghĩa tranh giành đất đai, vùng biển… Chỉ có hòa bình, cùng nắm tay nhau đoàn kết, chúng ta mới mang lại sự bình yên và phát triển cho trái đất này.

B. Hoạt động thực hành Bài 4B tiếng Việt lớp 5 VNEN

Câu 1.

Lập dàn ý cho bài văn miêu tả trường em:

a. Quan sát trường em. Viết vào vở những điều em quan sát được.

b. Lập dàn ý cho bài văn tả trường em

Đáp án và hướng dẫn giải

Gợi ý:

a. Mở bài: Giới thiệu:

  • Trường em nằm ở vị trí nào?
  • Đặc điểm gì nổi bật giúp mọi người dễ nhận ra ngôi trường đó?...
  • (Hoặc: Lí do em muốn tả cảnh ngôi trường đang học)

b. Thân bài:

- Cảnh bên ngoài trường: Lối đi vào có gì nổi bật? cổng trường thế nào? Biển ghi tên trường ra sao? Hoạt động trước cửa trường vào thời điểm miêu tả có điểm gì đáng nói?...

- Cảnh bên trong trường:

  • Sân trường rộng hay hẹp? Cây cối thế nào? Trên sân trường có những cảnh gì nổi bật (về âm thanh, màu sắc...)?
  • Khu vực lớp học (trước mặt em, bên phải, bên trái) được bố trí ra sao? Các phòng học có những điểm gì làm em chú ý (cửa ra vào, cửa sổ,...)? ...
  • Các khu vực khác ở trường em (văn phòng, nhà hiệu bộ, thư viện, phòng thiết bị dạy học, vườn trường, bồn hoa cây cảnh,...) có gì nổi bật?

c. Kết bài:

  • Cảnh trường (vào lúc miêu tả) gợi cho em những cảm nghĩ gì?
  • (Hoặc: Em có suy nghĩ gi về ngôi trường thân yêu của mình?...)

Dàn ý chi tiết:

Quan sát những điều em quan sát được ở trường, ta lập dàn ý bài văn tả trường em như sau:

1. Mở bài: Giới thiệu chung về ngôi trường

2. Thân bài: Miêu tả ngôi trường của em

a. Nhìn từ xa:

  • Ngôi trường được xây dựng trên một khoảng đất bằng phẳng, rộng rãi
  • Những bóng cây cổ thụ tỏa bóng mát cho ngôi trường
  • Biển hiệu tên trường được đặt ở vị trí trang trọng

b. Vào trong sân trường:

- Tả bao quát ngôi trường của em:

  • Hình dáng: ngôi trường xây dựng gồm mấy dãy nhà, xếp theo hình chữ U….
  • Màu sắc, phòng học: Ngôi trường được xây dựng nhà cao tầng hoặc lớp mái ngói đỏ, tường sơn màu vàng hoặc trắng…

- Sân trường:

  • Cột cờ, cây cối, ghế đá: Cột cờ được đặt ở giữa sân trường, cây cối có những loài cây gì, những hàng ghế đá được xếp gọn gàng dưới gốc cây.
  • Hoạt động vào giờ chào cờ: các lớp xếp hàng ngay ngắn, giữ trật tự để lắng nghe các lớp trực tuần tổng kết những hoạt động trong tuần học vừa qua.
  • Hoạt động vào giờ học: các bạn học sinh vào lớp học, sân trường im ắng và rộng rãi.
  • Hoạt động vào giờ ra chơi: Giờ ra chơi, các bạn học sinh nô đùa vui vẻ, với những trò chơi tập thể rất bổ ích…

- Lớp học:

  • Số phòng học: trường có tất cả bao nhiêu lớp học, số lớp học ở mỗi dãy nhà…
  • Trang thiết bị bên trong (bàn, ghế, quạt, ảnh Bác Hồ…): bàn ghế xếp gọn gàng, mỗi lớp có 4 dãy bàn…

- Vườn trường:

  • Cây trong trường: gồm các loài hoa tỏa hương thơm ngát, những cây to tỏa bóng mát…
  • Chăm sóc cây trong vườn trường: các lớp trực tuần được phân công tưới cây, nhặt cỏ trong vườn để cây cối luôn xanh tốt và tạo bầu không khí trong lành.

3. Kết bài:

  • Thể hiện niềm tự hào về ngôi trường
  • Những suy nghĩ và hành động của em nhằm xây dựng ngôi trường ngày càng xanh – sạch – đẹp hơn.

>> Xem thêm nhiều mẫu dàn ý khác: Lập dàn ý tả ngôi trường lớp 5 Hay, ngắn gọn

Câu 2.

Chọn viết một đoạn văn theo dàn ý trên:

Gợi ý:

- Có thể chọn viết đoạn văn tả sân trường hoặc dãy lớp học / khu vực văn phòng...

- Nên có câu mở đầu đoạn văn nêu ý chung, tiếp theo là các câu miêu tả cụ thể cảnh vật. Chú ý lựa chọn những từ ngữ, hình ảnh gợi tả, chi tiết tiêu biểu, sinh động (thể hiện sự quan sát tinh tế, bằng nhiều giác quan).

Mẫu:

Sân trường không rộng lắm nhưng là khu vực thoáng đãng nhất của trường tôi. Hàng cây xà cừ trồng quanh sân như những chiếc ô che nắng cho chúng tôi vui đùa lúc ra chơi. Bốn góc sân trường sừng sững bôn cây phượng vĩ trồng đã lâu năm. Mùa hè, hoa phượng nở đỏ như những chùm lửa lập loè trong vòm lá. Nếu chú ý lắng nghe, bạn sẽ thấy tiếng chim hót líu lo như dạo khúc nhạc vui.

Theo Vũ Hoàng Linh

Đáp án và hướng dẫn giải

Đoạn văn tham khảo số 1:

Hôm nay là ngày thứ hai đầu tuần, em rất háo hức được gặp lại mái trường và thầy cô, bạn bè sau ngày nghỉ cuối tuần đầy ắp những niềm vui. Ngôi trường của em hiện ra với những dãy nhà được sơn tường màu vàng, ấm áp chan hòa trong ánh nắng. Dọc hai bên sân trường, những hàng cây nhẹ rung rinh những chùm lá xanh như chào đón chúng em tới trường. Những khóm hoa cúc nở cánh vàng tươi trong nắng sớm. Sáng thứ hai đầu tuần nên trường em diễn ra hoạt động chào cờ. Chúng em cùng nhau hát vang bài Quốc ca nghiêm trang dưới lá cờ đỏ tươi đang bay phấp phới. Hai mươi lớp trong trường xếp thành 20 hàng dài ngay ngắn, chúng em trật tự lắng nghe lời nhắc nhở của cô hiệu trưởng. Sau đó, chúng em bước vào lớp học bài, sân trường trở nên im ắng, văng vẳng tiếng thầy cô giáo đang say sưa giảng những tiết học bổ ích cho chúng em. Giờ ra chơi, sân trường bỗng sôi động, nô nức tiếng nói cười của các bạn học sinh với các trò chơi bổ ích: bắn bi, nhảy dây, đá cầu… Sân trường chính là “thiên đường” tràn đầy hạnh phúc của tuổi thơ chúng em, là người bạn gắn bó bao kỉ niệm buồn vui thời học sinh dưới mái trường mến yêu.

Đoạn văn tham khảo số 2:

Trường của em tên là Trường Tiểu học A. Từ ngày bước chân vào mái trường này, em đã luôn coi nó là ngôi nhà thứ hai của em, thầy cô giống như bố mẹ, bạn bè giống như anh chị em trong một gia đình.

Hôm nay do lớp em có lịch trực nhật sân trường nên em đã đến từ rất sớm, trong trường bây giờ mới có lác đác vài bạn học sinh ở các lớp, khối khác, còn đâu chỉ có duy nhất lớp em ở đây. Vừa trực nhật em vừa quan sát kĩ hơn các dãy nhà trong trường, từng hàng cây tán lá, cột cờ, sân khấu, con người trong trường.

Trường em nằm ngay giữa trung tâm xã, trường có hai cổng, cổng chính là cổng to được sơn xanh giống như đang đón chào chúng em đến lớp, cổng phụ thường sẽ mở vào đầu giờ học và cuối giờ học để giảm sự tắc nghẽn cho cổng chính. Sân trường khoác lên mình màu xanh của những cây bàng, cây xà cừ, ở đâu đó có những cành hoa phượng đang chớm nở, ánh sáng buổi sớm chan hòa khắp không gian.

Trực nhật xong, em cùng các bạn ngồi lại ở ghế đá sân trường, nhìn về dãy nhà được sơn vàng mới, ánh nắng mới của mặt trời rọi vào những dãy nhà càng làm cho khoảng không gian trở nên tươi đẹp, rực rỡ hơn bao giờ hết. Cả khoảng không như bừng tỉnh sau một giấc ngủ đêm dài. Trống vào lớp vang lên, học sinh tất cả của năm khối nhanh chóng di chuyển vào lớp học, không gian chứa đựng những âm thanh hỗn hợp, tiếng cười đùa, tranh cãi của rất nhiều học sinh.

Lớp học đều được trang trí giống nhau là sơn màu vàng, có bảng nội quy phòng học, có năm điều Bác Hồ dạy, bảng đen và phía trên là ảnh của Bác Hồ. Phía cuối lớp là bảng đánh giá kỷ luật của từng bạn học sinh trong lớp, dựa vào từng sao riêng để phân biệt nấc thang điểm.

Em yêu ngôi trường của em, nơi đây gắn chính là cái nôi nuôi dưỡng em, chuẩn bị cho em tư trang về trí tuệ và nhân cách để bước lên một con đường mới.

>> Tả ngôi trường thân yêu gắn bó với em nhiều năm qua (24 mẫu)

Câu 3.

Kể lại câu chuyện Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai.

a. Nghe thầy cô kể lại chuyện Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai.

b. Dựa vào lời kể của thầy cô và lời ghi dưới mỗi bức ảnh, em hãy giới thiệu thêm về mỗi hình ảnh dưới đây.

Giải Tiếng việt lớp 5 VNEN: Bài 4B: Trái đất là của chúng mình

c. Mỗi nhóm cử đại diện kể lại câu chuyện Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai.

Đáp án và hướng dẫn giải

Gợi ý:

  • Câu chuyện xảy ra vào thời gian nào?
  • Truyện phim có những nhân vật nào?
  • Sau ba mươi năm, Mai-cơ đã đến Việt Nam để làm gì?
  • Quân đội Mĩ đã tàn sát mảnh đất Mỹ Lai như thế nào?
  • Những việc làm nào thể hiện còn một số lính Mĩ vẫn có lương tri và ghê sợ hành động của quân đội Mĩ?
  • Tiếng đàn của Mai-cơ có ý nghĩa gì?

Kể lại câu chuyện Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai:

Bên dòng sông Trà Khúc thuộc tỉnh Quảng Ngãi, có một cựu chiến binh Mĩ tên là Mai –cơ trở lại Việt Nam, mang theo chiếc đàn vĩ cầm với mong muốn đánh một bản đàn cầu nguyện cho linh hồn của những người đã khuất ở Mỹ Lai – nơi mà cách đây 30 năm nhiều người vô tội đã chịu nỗi đau thảm sát, hủy diệt...

Vào sáng ngày 16 tháng 3 năm 1968, chỉ trong vòng bốn tiếng đồng hồ, quân đội Mỹ hủy diệt hoàn toàn mảnh đất này: tàn phá ruộng vườn, nhà cửa, gia súc, bắn chết 504 người, phần lớn là cụ già, trẻ em và phụ nữ mang thai. Có gia đình mười một người bị lính Mĩ ập tới, xả súng đồng loạt. Có những em bé bị bắn chết khi miệng vẫn còn ngậm vú trên xác mẹ

Trong cuộc thảm sát tàn khốc ấy, nhờ ba viên phi công có lương tâm có ít người đã may mắn sống sót. Ba người đó là Tôm-xơ, Côn-tơn và An-đrê-ốt-ta. Sáng hôm đó, đang bay trên cánh đồng Mỹ Lai, ngồi trên máy bay nhìn xuống, Tôm-xơn phát hiện thấy một bé gái bị thương nằm giữa cánh đồng, anh bắn pháo hiệu cấp cứu. Một đại úy Mĩ chạy ngay tới. Nhưng kì lạ thay, hắn không cứu em gái ấy mà nổ súng bắn chết em. Sau đó, họ thấy một tốp lính Mĩ khác đang rượt đuổi mười người dân. Căm giận trước những hành động dã man của đồng đội, anh Tôm-xơn bèn hạ trực thăng ngay trước mặt tốp lính và lệnh cho Côn-bơn xạ thủ súng máy chĩa súng vào toán lính Mĩ sẵn sàng nhả đạn, nếu chúng tiến lại gần. Tiếp đó anh lệnh cho hai chiếc trực thăng khác trong đội bay đỗ xuống chở những người dân về nơi an toàn..Trên đường đi, anh còn cứu được một đứa bé vẫn còn sống trong đống xác chết nơi một con mương cạn.

Hai lính Mĩ đang dìu một người lính da đen (tên là Hơ- bớt). Anh ta đã tự bắn vào chân mình để không tham gia tội ác. Ngoài ra còn có Rô-man bền bỉ sưu tầm tài liệu, kiên quyết đưa vụ thảm sát dã man này ra trước ánh sáng. Những bức ảnh anh chụp và công bố là bằng chứng quan trọng buộc tội tòa án Mĩ phải đem vụ Mỹ Lai ra xét xử.

Vụ thảm sát Mỹ Lai bị báo chí phanh phui trước công luận. Tòa án Mĩ buộc phải đem vụ thảm sát người dân vô tội ở Mĩ Lai ra xét xử.

Sau 30 năm, Tôm-xơn và Côn-bơn trơ lại Việt Nam, gặp lại những người được họ cứu sống trong ngày xảy ra nạn thảm sát. Hai anh vô cùng xúc động trước tình cảm của người dân ở đây.

⇒ Ý nghĩa của câu chuyện:

  • Tố cáo tội ác chiến tranh, ca ngợi hòa bình.
  • Ca ngợi những người Mỹ có lương tâm, dũng cảm đã ngăn chặn tội ác và tố cáo những việc làm phi nghĩa của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

----------------------------------------------------------

Ngoài giải bài tập tiếng Việt 5 VNEN, VnDoc còn giúp các bạn giải vở bài tập tiếng Việt lớp 5 SGK tiếng Việt lớp 5.

Trên đây là Giải SGK tiếng Việt 5 VNEN bài 4B Trái Đất là của chúng mình trang 41 - 45. VnDoc.com hy vọng rằng tài liệu Giải tiếng Việt lớp 5 VNEN trên đây sẽ giúp các em chuẩn bị bài tập hiệu quả.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
127
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Giải Tiếng Việt lớp 5 VNEN

    Xem thêm