Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 5B: Đấu tranh vì hòa bình
Giải tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 5B: Đấu tranh vì hòa bình có lời giải và đáp án đầy đủ các phần Sách VNEN tiếng Việt 5 trang 51 giúp các em học sinh ôn tập toàn bộ nội dung tiếng Việt lớp 5. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết.
Tiếng Việt 5 VNEN Bài 5B Đấu tranh vì hòa bình
A. Hoạt động cơ bản Bài 5B tiếng Việt lớp 5 VNEN
1. Quan sát và đọc lời giới thiệu về chú Mo-ri-xơn dưới đây:
Ngày 2 - 11 - 1965, một công dân Mĩ tên là Mo-ri-xơn đã tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của chính quyền Mĩ ở Việt Nam. Xúc động trước hành động của anh, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ Ê-mi-li, con...
Bài thơ gợi lại hình ảnh Mo-ri-xơn bế con gái là bé Ê-mi-li 18 tháng tuổi tới trụ sở Bộ Quốc phòng Mĩ, nơi anh tự thiêu vì hoà bình ở Việt Nam.
2 - 3 - 4. Đọc, giải nghĩa và luyện đọc
5. Thảo luận theo các câu hỏi dưới đây:
(1) Vì sao chú Mo-ri-xơn lên án cuộc chiến tranh xâm lược của chính quyền Mĩ?
(2) Chú Mo-ri-xơn nói với con điều gì khi từ biệt?
Đáp án
(1) Chú Mo-ri-xơn lên án cuộc chiến tranh xâm lược của chính quyền Mĩ vì đây là một cuộc chiến tranh phi nghĩa và vô nhân đạo, không nhân danh ai. Chúng ném bom na pan, B.52, và dùng hơi độc để đốt bệnh viện, trường học, giết những trẻ em vô tội, giết những cánh đồng xanh, “giết những dòng sông của thơ ca nhạc họa”, hủy diệt sự sống của một đất nước.
(2) Chú Mo-ri-xơn nói với con: “Trời sắp tối rồi, cha không bế con về được nữa. Đêm nay mẹ sẽ đến tìm con, hãy ôm hôn mẹ cho cha và nói với mẹ cha đi vui, xin mẹ đừng buồn”.
6. Phát biểu ý kiến trước lớp:
Em có suy nghĩ gì về hành động của chú Mo-ri-xơn?
Đáp án
Hành động tự thiêu để phản đối chiến tranh ở Việt Nam của chú Mo-ri-xơn là một hành động dũng cảm, cao đẹp đầy khâm phục, dám xả thân vì nghĩa.
B. Hoạt động thực hành Bài 5B tiếng Việt lớp 5 VNEN
1. Nhớ lại số sách báo em có và thống kê theo các loại sau:
a. Sách học các môn học ở trường
b. Sách truyện thiếu nhi
c. Các loại sách khác.
Đáp án
a. Sách học các môn học ở trường có 20 quyển
b. Sách truyện thiếu nhi có 15 quyển
c. Các loại sách khác 32 quyển
2. Thống kê số buổi nghỉ học của các bạn trong tổ theo mẫu:
Số thứ tự | Họ và tên | Số buổi nghỉ học | |||
Tuần 1 | Tuần 2 | Tuần 3 | Tuần 4 | ||
1 | |||||
2 | |||||
... | |||||
Tổng cộng |
Đáp án
Ví dụ mẫu:
Thống kê số buổi nghỉ học của các bạn trong tổ
Số thứ tự | Họ và tên | Số buổi nghỉ học | |||
Tuần 1 | Tuần 2 | Tuần 3 | Tuần 4 | ||
1 | Nguyễn Cảnh Linh | 0 | 0 | 1 | 1 |
2 | Hoàng Quang Tuấn | 0 | 0 | 0 | 0 |
3 | Trần Ngọc Mai | 1 | 2 | 0 | 0 |
4 | Nguyễn Quang Anh | 0 | 1 | 0 | 0 |
5 | Hà Trà My | 0 | 0 | 0 | 0 |
Tổng cộng | 1 | 3 | 1 | 1 |
3. Chuẩn bị
4 - 5. Kể chuyện
Kể chuyện (đã nghe, đã đọc) ca ngợi hoà bình, chống chiến tranh
Gợi ý bài viết 1:
Câu chuyện về anh Kim Đồng - Người Đội viên đầu tiên
Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, sinh năm 1928, người dân tộc Nùng, quê hương anh ở tỉnh Cao Bằng. Nhà Kim Đồng rất nghèo. Cha bị chết vì nạn phu phen lao dịch của thực dân Pháp. Anh trai đi công tác luôn. ở nhà chỉ có mẹ tàn tật và người em họ mồ côi là Cao Sơn.
Từ bé, Kim Đồng đã có tinh thần yêu nước, căm ghét giặc Pháp. Vùng quê hương Kim Đồng là nơi có phong trào cách mạng rất sớm. Ngày 15 tháng 5 năm 1941, Đội Nhi đồng cứu quốc được thành lập có 5 đội viên và Kim Đồng được bầu là đội trưởng đầu tiên của Đội. Trong công tác, Kim Đồng luôn tỏ ra dũng cảm và có nhiều mưu trí.
Một lần, sau khi làm nhiệm vụ dẫn cán bộ vào căn cứ, Kim Đồng đang trên đường trở về nhà thì nghe có tiếng động lạ ở trong rừng. Kim Đồng liền rủ người bạn là Cao Sơn tìm cách báo động cho các anh cán bộ đang ở trong xóm biết. Sau khi quan sát, Kim Đồng đã nhìn thấy bọn lính đang lợi dụng sương mù phục kích trên đường vào xóm và im lặng đợi bắt người. Kim Đồng bảo Cao Sơn lùi về phía sau, chạy về báo cáo. Đợi cho bạn đi rồi, Kim Đồng ngắm kĩ địa hình, để chạy vọt qua suối, lên phía rừng. Như vậy, bọn lính sẽ phải nổ súng hoặc kêu lên, chúng nó sẽ bị lộ. Quả nhiên, thấy có bóng người chạy, bọn giặc lên đạn và hô: “Đứng lại!”. Kim Đồng không dừng chân. Giặc bắn theo, anh Kim Đồng đã anh dũng hi sinh. Hôm ấy là sáng sớm ngày 15 tháng 02 năm 1943.
Thảo luận về ý nghĩa của câu chuyện?
Qua câu chuyện trên em thấy: Anh tuy nhỏ tuổi nhưng đã dũng cảm, hi sinh bản thân để bảo vệ các cán bộ cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta. Dù anh đã ra đi nhưng anh sẽ còn mãi trong trái tim những người dân Việt Nam.
Gợi ý bài viết 2:
Phan Đình Giót là một người anh hùng gan dạ, dũng cảm, xả thân vì nước.
Mùa đông năm 1953, đơn vị anh được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hành quân gần 500km, vượt qua nhiều đèo dốc, mang vác nặng, nhưng Phan Đình Giót vẫn kiên trì giúp đồng đội về đến đích. Trong nhiệm vụ xẻ núi, mở đường kéo pháo lên đèo xuống dốc vào trận địa rất gay go gian khổ, anh đã nêu cao tinh thần gương mẫu, bền bỉ và động viên anh em chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên.
Chiều 13/3/1954, quân ta nổ súng tiêu diệt Him Lam. Cả trận địa rung chuyển mù mịt sau nhiều loạt pháo. Các chiến sĩ đại đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín và bị thương ở đùi, nhưng vẫn xung phong đánh quả tiếp theo. Quân Pháp tập trung hỏa lực trút đạn như mưa xuống trận địa ta, đồng đội bị thương rất nhiều. Lòng căm thù quân giặc lên cao, Phan Đình Giót lao lên đánh liên tiếp hai quả nữa phá toang hàng rào cuối cùng, mở thông đường để đồng đội lên đánh sập lô cốt đầu cầu.
Lợi dụng thời cơ địch hoang mang, anh lao lên bám chắc lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến lên. Anh bị thương ở vai và đùi, máu chảy rất nhiều. Thế nhưng bất ngờ từ hỏa lực lô cốt số 3 của địch bắn rất mạnh vào đội hình của ta. Lực lượng xung kích bị ùn lại, anh cố gắng nhích mình lên gần lại lô cốt số 3 với ý nghĩ cháy bỏng duy nhất là dập tắt lô cốt này. Anh đã dùng hết sức còn lại nâng tiểu liên lên bắn mạnh vào lỗ châu mai và hét to: “Quyết hy sinh vì Đảng, vì dân”, rồi rướn người lấy đà lao cả tấm ngực thanh xuân vào bịt kín lỗ châu mai địch. Hỏa điểm lợi hại nhất của quân Pháp bị dập tắt, toàn đơn vị ào ạt xông lên như vũ bão, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.
Phan Đình Giót hy sinh lúc 22 giờ 30 phút ngày 13/3/1954 ở tuổi 34. Phan Đình Giót được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân ngày 31/3/1955. Khi hy sinh, anh là Tiểu đội phó bộ binh Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, được tặng Huân chương Quân công hạng nhì.
Phan Đình Giót như một hòn núi lớn
Ngực yêu đời đè bẹp lỗ châu mai.
(Trang 55 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) Thảo luận về ý nghĩa của câu chuyện?
Trả lời
Qua câu chuyện trên em thấy: Gương hi sinh anh dũng, quả cảm của Phan Đình Giót đã được cả thế giới biết đến với chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Là một học sinh được sinh ra trong thời kì hòa bình, em luôn cảm phục, trân trọng và ghi nhớ công ơn của của các vị anh hùng đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Gợi ý bài viết 3:
Mình xin kể cho các bạn nghe câu chuyện “Ước vọng hòa bình của tuổi thơ” mà mình đọc được trên báo “Khăn quàng đỏ”.
Chuyện kể rằng: ở lớp 5A trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, phường Phú Hải, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình có bạn tên là Trần Ngọc Kiên Giang, khi xem chương trình phát sóng trên kênh VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam, bạn thấy xuất hiện một cô bé có gương mặt thật dễ thương tên là Na-ka-mu-ra, tác giả của bức tranh “Tác hại của chất phóng xạ” từ hai quả bom nguyên tử mà Đế quốc Mỹ đã ném xuống đất nước Nhật trong thế Chiến thứ hai. Na-ka-mu-ra sinh ra đã bị tật nguyền. Hai chân của bạn không lành lặn như người bình thường. Được cái, trời phú cho bạn một năng khiếu đặc biệt: năng khiếu hội họa. Ngay từ khi vào học những lớp đầu cấp Tiểu học, bạn đã nổi tiếng với những bức tranh về “Màu xanh của em” được tuổi thơ của cả thế giới khâm phục.
Và bây giờ, Na-ka-mu-ra đang học lớp cuối cấp Tiểu học, nghe tin Mĩ phát động chiến tranh Iraq - một cuộc chiến tranh đẫm máu mà cả nhân loại đang lên án, hàng trăm hàng ngàn người dân vô tội đã bị bom đạn của Mỹ giết chết - Na-ka-mu-ra đã vẽ bức tranh "Tác hại của chất phóng xạ” nhằm phản đối chiến tranh. Một lần nữa, tuổi thơ của nhân loại lại hết sức khâm phục và ngưỡng vọng Na-ka-mu-ra. Bạn Trần Ngọc Kiên Giang đã viết một bức thư gửi cho Na-ka-mu-ra bày tỏ sự hâm mộ của mình.
Bức thư mà Kiên Giang viết có nội dung như sau: “Bức tranh của bạn mang một thông điệp thật lớn lao: Phản đối chiến tranh và thể hiện khát vọng của tuổi thơ được sống trong hòa bình, hạnh phúc. Mình rất thích môn vẽ Na-ka-mu-ra ạ! Bạn là một cô bé đã dũng cảm vượt lên trên số phận của mình đấy. Tác hại của chất phóng xạ đã làm cho đôi chân của bạn không bình thường như chúng mình, nhưng ý chí, nghị lực và ước mơ của bạn thật đáng cho trẻ em trên toàn thế giới khâm phục. Qua thư này, mình muốn bày tỏ sự cảm phục của mình đối với bạn và muốn làm quen với bạn. Từ nay chúng mình sẽ thường xuyên trò chuyện qua thư nhé! Mình xin dừng bút đây. Chúc bạn thành công trên con đường hội họa”.
Câu chuyện mà mình đọc được là thế đấy. Có lẽ sắp sửa tới đây, mình cùng như Kiên Giang sẽ cố gắng vẽ một bức tranh về ước vọng hòa bình của tuổi thơ chúng mình, góp cùng Na-ka-mu-ra chặn đứng chiến tranh, để trái đất chúng mình được sống trong hòa bình hạnh phúc.
>> Chi tiết: Kể một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc ca ngợi hòa bình, chống chiến tranh
Trên đây là Giải SGK tiếng Việt 5 VNEN bài 5B Đấu tranh vì hoa bình. VnDoc.com hy vọng rằng tài liệu Giải bài tập sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5 VNEN theo từng bài học trên đây sẽ giúp các em học sinh chuẩn bị kiến thức hiệu quả.
>> Bài tiếp theo: Giải tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 5C: Tìm hiểu về sự đồng âm