Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 4A: Hòa bình cho thế giới
Nằm trong bộ tài liệu Giải tiếng Việt lớp 5 VNEN năm 2023 - 2024, Giải tiếng Việt lớp 5 VNEN: Bài 4A: Hòa bình cho thế giới có lời giải và đáp án đầy đủ các phần Sách VNEN tiếng Việt 5 trang 37 giúp các em học sinh ôn tập toàn bộ nội dung tiếng Việt lớp 5. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết.
Tiếng Việt 5 VNEN Bài 4A Hòa bình cho thế giới
A. Hoạt động cơ bản Bài 4A tiếng Việt lớp 5 VNEN
Câu 1.
Quan sát bức tranh chủ điểm Cánh chim hoà bình và trả lời câu hỏi: Bức tranh vẽ cảnh gì?
Đáp án:
Quan sát bức tranh em thấy:
Bức tranh vẽ cảnh anh bộ đội đang bế một em nhỏ cùng các bạn thiếu nhi đứng xung quanh nhìn lên những cánh chim bồ câu trên bầu trời.
Những cánh chim thể hiện cho sự hoà bình.
Và một bạn không quên dâng tặng những bông hoa tươi thắm cho anh bộ đội khi anh đã chiến đấu để bảo vệ hoà bình cho đất nước.
Câu 2.
Những con sếu bằng giấy
Ngày 16-7-1945, nước Mĩ chế tạo được bom nguyên tử. Hơn nửa tháng sau, chính phủ Mĩ quyết định ném cả hai quả bom mới chế tạo xuống Nhật Bản.
Hai quả bom ném xuống các thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki đã cướp đi mạng sống của gần nửa triệu người. Đến năm 1951, lại có thêm gần 100 000 người ở Hi-rô-si-ma bị chết do nhiễm phóng xạ nguyên tử.
Khi Hi-rô-si-ma bị ném bom, cô bé Xa-xa-cô Xa-xa-ki mới hai tuổi đã may mắn thoát nạn. Nhưng em bị nhiễm phóng xạ. Mười năm sau, em lâm bệnh nặng. Nằm trong bệnh viện nhẩm đếm từng ngày còn lại của đời mình, cô bé ngây thơ tin vào một truyền thuyết nói rằng nếu gấp đủ một nghìn con sếu bằng giấy treo quanh phòng, em sẽ khỏi bệnh. Em liền lặng lẽ gấp sếu. Biết chuyện, trẻ em toàn nước Nhật và nhiều nơi trên thế giới đã tới tấp gửi hàng nghìn con sếu giấy đến cho Xa-xa-cô. Nhưng Xa-xa-cô chết khi em mới gấp được 644 con.
Xúc động trước cái chết của em, học sinh thành phố Hi-rô-si-ma đã quyên góp tiền xây một tượng đài tưởng nhớ những nạn nhân bị bom nguyên tử sát hại. Trên đỉnh tượng đài cao 9 mét là hình một bé gái giơ cao hai tay nâng một con sếu. Dưới tượng đài khắc dòng chữ: "Chúng tôi muốn thế giới này mãi mãi hòa bình".
Theo Những mẩu chuyện lịch sử thế giới
Câu 3. Thay nhau đọc từ ngữ và lời giải nghĩa:
- Bom nguyên tử: bom có sức sát thương và công phá mạnh gấp nhiều lần bom thường.
- Phóng xạ nguyên tử: chất sinh ra khi bom nguyên tử nổ, rất có hại cho sức khoẻ
- Truyền thuyết: loại truyện dân gian về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử nhưng mang nhiều yếu tố thần kì.
Câu 4. Cùng luyện đọc
- Học sinh phân công nhau đọc từng đoạn theo phân công của giáo viên.
- Chú ý: đọc đúng, to và rõ ràng, ngắt nghỉ đúng chỗ
Câu 5.
Thảo luận, trả lời câu hỏi:
(1) Chuyện gì đã xảy ra với Xa-xa-cô?
Em chọn ý đúng để trả lời
a. Phải chứng kiến những người chết vì bom nguyên tử.
b. Bị nhiễm phóng xạ do bom nguyên tử và bị lâm bệnh nặng.
c. Tìm được cách thoát nạn, không bị nhiễm phóng xạ nguyên tử.
(2) Xa-xa-cô đã làm gì để hi vọng kéo dài cuộc sông?
Em chọn ý đúng để trả lời:
a. Nằm trong bệnh viện, nhẩm đếm từng ngày của cuộc đời.
b. Tin vào truyền thuyết, lặng lẽ gấp cho đủ một nghìn con sếu giấy.
c. Kêu gọi mọi người gấp đủ một nghìn con sấu giấy cho mình.
(3) Các bạn nhỏ đã làm gì?
- Để thể hiện mong ước thiết tha cho Xa-xa-cô được sống.
- Để bày tỏ nguyện vọng hòa bình.
(4) Nếu được đứng trước tượng đài, em sẽ nói gì với Xa-xa-cô?
Đáp án:
1) Mĩ thả bom xuống Hi-rô-si-ma, Xa-xa-cô may mắn thoát chết nhưng em bị nhiễm phóng xạ. Mười năm sau, em lâm bệnh nặng, nằm trong bệnh viện đếm từng ngày còn lại của đời mình.
Chọn đáp án: b. Bị nhiễm phóng xạ do bom nguyên tử và bị lâm bệnh nặng.
2) Cô bé hi vọng kéo dài cuộc sống của mình bằng cách gấp đủ một nghìn con sếu bằng giấy treo quanh phòng thì sẽ khỏi bệnh.
Chọn đáp án: b. Tin vào truyền thuyết, lặng lẽ gấp cho đủ một nghìn con sếu giấy.
3) - Để tỏ tình đoàn kết với Xa-xa-cô các bạn nhỏ trên toàn nước Nhật và nhiều nơi trên thế giới đã gấp sếu giấy và gửi tới cho Xa-xa-cô.
- Để bày tỏ nguyện vọng hòa bình các bạn nhỏ đã quyên góp tiền xây một tượng đài tưởng nhớ những nạn nhân bị bom nguyên tử sát hại. Trên đỉnh tượng đài cao 9 m là hình một bé gái giơ cao hai tay nâng một con sếu. Dưới tượng đài khắc dòng chữ “Chúng tôi muốn thế giới này mãi hòa bình”.
4) Ví dụ:
Câu chuyện của bạn luôn là điều nhắc nhở bọn mình phải biết yêu hòa bình và bảo vệ hòa bình, sự bình yên trên trái đất này. Bạn sẽ luôn sống mãi trong tâm trí của bọn mình, bọn mình biết hiện giờ trên thiên đường đã có một thiên thần xinh đẹp và tốt bụng tên là Xa-xa-cô.
Câu 6.
Tìm hiểu về từ trái nghĩa:
(1) So sánh nghĩa của các từ in đậm trong câu sau để hiểu thế nào là từ trái nghĩa:
Chúng ta phải biết giữ gìn, không được phá hoại môi trường.
(2) Tìm những từ trái nghĩa với nhau trong câu tục ngữ sau: Chết vinh còn hơn sống nhục
(3) Câu tục ngữ trên muốn nói điều gì? Cách dùng các từ trái nghĩa trong câu tục ngữ có tác dụng gì?
Đáp án:
(1) So sánh nghĩa từ in đậm:
Giữ gìn: giữ cho nguyên vẹn, không để hư hỏng.
Phá hoại: cố ý làm cho hỏng.
→ Từ "giữ gìn" và "phá hoại" là hai từ trái nghĩa
(2) Trong câu tục ngữ: Chết vinh còn hơn sống nhục
→ Từ " vinh" và "nhục" là hai từ trái nghĩa
(3) Câu tục ngữ trên nêu bật quan niệm sông cao đẹp của người Việt Nam, thà chết mà được mọi người kính trọng còn hơn sông trong sự khinh bỉ của người đời. Cách dùng các từ trái nghĩa trong câu tục ngữ có tác dụng làm nổi bật trạng thái đối lập nhau.
B. Hoạt động thực hành Bài 4A tiếng Việt lớp 5 VNEN
Câu 1.
Tìm những cặp từ trái nghĩa trong các thành ngữ, tục ngữ dưới đây và ghi vào vở:
a. Gạn đục khơi trong.
b. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
c. Anh em như thể chân tay
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần
Đáp án:
a. Gạn đục khơi trong.
→ Cặp từ trái nghĩa là "đục" và "trong"
b. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
→ Cặp từ trái nghĩa là "đen" và "sáng"
c. Anh em như thể chân tay
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.
→ Cặp từ trái nghĩa là: "rách" và "lành"; "dở" và "hay".
Câu 2.
Điền vào chỗ trống một từ trái nghĩa với từ in đậm để hoàn chỉnh các thành ngữ, tục ngữ sau:
a. Hẹp nhà ... bụng.
b. Xấu người ... nết.
c. Trên kính ... nhường.
Đáp án:
Điền vào chỗ trống như sau:
a. Hẹp nhà rộng bụng.
b. Xấu người đẹp nết.
c. Trên kính dưới nhường.
Câu 3.
Chơi trò chơi: Thi tìm từ trái nghĩa với mỗi từ sau:
a. hoà bình
b. yêu thương
c. đoàn kết
Đáp án:
Từ trái nghĩa với mỗi từ là:
a. hoà bình trái nghĩa với chiến tranh, xung đột, mâu thuẫn
b. yêu thương trái nghĩa với thù hận, thù ghét, căm ghét.
c. đoàn kết trái nghĩa với chia rẽ, xung khắc
Câu 4.
Đặt hai câu để phân biệt một cặp từ trái nghĩa vừa tìm được ở hoạt động 3 và viết vào vở.
Đáp án:
Học sinh tham khảo các câu sau:
- Đặt câu với cặp từ trái nghĩa: đoàn kết - chia rẽ
Nhờ sự đoàn kết, lớp em luôn đi đầu trong các hoạt động của trường.
Đội bóng chơi chia rẽ nên phải chịu thất bại.
- Đặt câu với cặp từ trái nghĩa: yêu thương - căm ghét:
Bố mẹ luôn quan tâm, yêu thương em bằng cả tấm lòng
Dưới sự cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, nhân dân ta vô cùng căm ghét và thù hận
- Đặt câu với cặp từ trái nghĩa: hòa bình - mâu thuẫn
Để có cuộc sống hòa bình như hôm nay, biết bao chiến sĩ đã hi sinh trên chiến trường xa vắng
Lan và Bích có mâu thuẫn, do không bạn nào chịu nhận nhiệm vụ giữ khóa cửa cả
Câu 5.
a) Nghe thầy cô đọc rồi viết vào vở
Anh bộ đội cụ Hồ gốc Bỉ
Phrăng Đơ Bô-en là một người lính Bỉ trong quân đội Pháp xâm lược Việt Nam. Nhận rõ tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nhận rõ tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược, năm 1949, ông chạy sang hàng ngũ quân đội ta, lấy tên Việt là Phan Lăng. Một lần, rơi vào ổ phục kích,ông bị địch bắt. Địch dụ dỗ, tra tấn thế nào cũng không khuất phục được ông, bèn đưa ông về giam ở Pháp.
Năm 1986, Phan Lăng cùng con trai đi thăm Việt Nam, về lại nơi ông đã từng chiến đấu vì chính nghĩa.
b) Đổi bài với bạn để sửa lỗi
Câu 6.
a. Viết vần của các tiếng in đậm trong câu sau vào mô hình cấu tạo vần
Nhận rõ tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược, năm 1949, ông chạy sang hàng ngũ quân đội ta, lấy tên Việt là Phan Lăng.
Tiếng | Vần | ||
Âm đệm | Âm chính | Âm cuối | |
Nghĩa | |||
Chiến |
b. Tiếng nghĩa và tiếng chiến có gì giống nhau và có gì khác nhau về cấu tạo?
Đáp án:
a. Viết vần của các tiếng in đậm trong câu sau vào mô hình cấu tạo vần:
Tiếng | Vần | ||
Âm đệm | Âm chính | Âm cuối | |
Nghĩa | ia | ||
Chiến | iê | n |
b. Sự giống nhau và khác nhau giữa hai tiếng chiến và nghĩa là:
Giống nhau:
- Hai tiếng đều có âm chính gồm hai chữ cái là iê và ia(đây là hai nguyên âm đôi)
- Hai tiếng đều không có âm đệm.
Khác nhau:
- Tiếng chiến có âm cuối là n
- Tiếng nghĩa không có âm cuối.
Câu 7.
Thảo luận, nêu quy tắc ghi dấu thanh ở các tiếng trên
Đáp án:
Quy tắc ghi dấu thanh của các tiếng có thanh ghi như sau:
- Đối với tiếng có âm cuối, dấu thanh đặt ở chữ các thứ hai của âm chính (nguyên âm đôi). Ví dụ: chiến
- Đối với tiếng không có âm cuối, đặt dấu thanh ở chữ cái thứ nhất của âm chính (nguyên âm đôi). Ví dụ: nghĩa
C. Hoạt động ứng dụng Bài 4A tiếng Việt lớp 5 VNEN
Cùng người thân thi đặt câu với từ trái nghĩa:
Đáp án:
Người 1 | Người 2 |
Bạn nam cao nhất lớn | Bạn Nga thấp nhất lớp |
Chiếc bảng đen | Viên phấn trắng |
Bạn Ngọc hát hay | Bạn Quang hát dở |
Viên kẹo cứng | Chiếc bánh mềm. |
--------------------------------------------------------------------------------
Ngoài giải bài tập tiếng Việt 5 VNEN, VnDoc còn giúp các bạn giải vở bài tập tiếng Việt lớp 5 và SGK tiếng Việt lớp 5.
Trên đây là Giải SGK tiếng Việt lớp 5 VNEN bài 4A Hòa bình cho thế giới trang 37. VnDoc.com hy vọng rằng tài liệu Giải tiếng Việt 5 VNEN theo từng bài học trên đây sẽ giúp các em chuẩn bị bài tập hiệu quả.
>> Bài tiếp theo: Giải Tiếng việt lớp 5 VNEN: Bài 4B: Trái đất là của chúng mình