Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 5C: Tìm hiểu về sự đồng âm
Giải tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 5C: Tìm hiểu về sự đồng âm có lời giải và đáp án đầy đủ các phần Sách VNEN tiếng Việt 5 trang 56 giúp các em học sinh ôn tập toàn bộ nội dung tiếng Việt lớp 5. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết.
Tiếng Việt 5 VNEN Bài 5C: Tìm hiểu về sự đồng âm
A. Hoạt động cơ bản trang 56 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1
Câu 1.
a. Đọc truyện vui dưới đây:
Tiền tiêu
Nam: - Cậu có biết không, ba mình mới chuyển sang ngân hàng làm việc đấy.
Bắc: - Sao cậu bảo bố cậu là bộ đội?
Nam: - Đúng rồi, thư trước ba mình báo tin: "Ba đang ở hải đảo." Nhưng thư này ba mình nói là ba đang giữ tiền tiêu cho Tổ quốc.
Bắc: !!!
b. Vì sao Nam tưởng ba mình đã chuyển sang ngân hàng làm việc tại ngân hàng?
Đáp án và hướng dẫn giải
Nam tưởng ba mình đã chuyển sang ngân hàng làm việc tại ngân hàng vì Nam đang nhầm lẫn từ "tiêu" trong cụm từ "tiền tiêu" (tiền để tiêu xài, mua bán hàng ngày) với tiếng "tiêu" trong từ đồng âm "tiền tiêu" (chỉ một vị trí quan trọng, nơi canh gác ở phía trước khu vực trú quân, hướng về quân địch).
Câu 2.
Tìm hiểu về từ đồng âm
a. Trong hai câu sau có từ nào được viết giống nhau nhưng có nghĩa hoàn toàn khác nhau
- Mặt trời mọc ở đằng đông
- Đường phố rất đông người
b. Nêu ý nghĩa của các từ tìm được
Đáp án và hướng dẫn giải
a. Trong hai câu trên từ được viết giống nhau nhưng có nghĩa hoàn toàn khác nhau là từ "đông".
b. Ý nghĩa của các từ là:
Câu a: "Đông" chỉ một trong 4 hướng chính của la bàn theo quy định chung của địa lý.
Câu b: "Đông" chỉ nhiều người tụ tập lại.
B. Hoạt động thực hành trang 56 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1
Câu 1.
Thực hiện các yêu cầu trong phiếu học tập
(1) Nối ô có từ đồng âm được in đậm (ở ô chữ bên trái) với nghĩa thích hợp (ở ô chữ bên phải)
(2) Tra từ điển rồi ghi lại nghĩa của các từ đồng âm (được in đậm) trong mỗi câu:
a. Ba và má tôi về quê thăm ngoại tôi.
b. Em tôi năm nay mới ba tuổi.
(3) Viết từ đồng âm có các nghĩa dưới đây:
a. ... : chất rắn cấu tạo nên vỏ trái đất, thường thành từng tảng, từng hòn.
b. ... : đưa nhanh chân và hất mạnh nhằm làm cho xa ra hoặc làm cho tổn thương.
Đáp án và hướng dẫn giải
(1) Nối như sau:
(2) Nghĩa của các từ im đậm là:
a. Ba và má tôi về quê thăm ngoại tôi.
→ Ba nghĩa là cha người sinh ra ta (chỉ dùng để xưng gọi)
b. Em tôi năm nay mới ba tuổi.
→ Số tự nhiên liền sau chữ số hai trong dãy số tự nhiên
(3) Điền như sau:
a. Đá: chất rắn cấu tạo nên vỏ trái đất, thường thành từng tảng, từng hòn.
b. Đá: đưa nhanh chân và hất mạnh nhằm làm cho xa ra hoặc làm cho tổn thương.
Câu 2.
Đặt câu để phân biệt các từ đồng âm bàn, cờ, nước
Đáp án và hướng dẫn giải
Học sinh tham khảo các câu sau:
- Đặt câu với "bàn"
- Buổi sinh hoạt lớp em bàn về vấn đề bảo vệ môi trường
- Em vừa được mẹ mua cho một chiếc bàn mới.
- Đặt câu với "cờ"
- Lá cờ tổ quốc bay phấp phới trên nền trời.
- Bạn Tuấn đạt huy chương vàng môn cờ vua.
- Đặt câu với "nước"
- Nước rất quan trọng đối với cơ thể con người
- Nhân dân ta từ xưa đến nay luôn có tinh thần yêu nước.
Câu 3.
Đố vui:
Hai cây cùng có một tên
Cây xoè mặt nước cây trên chiến trường.
Cây này bảo vệ quê hương
Cây kia hoa hở soi gương mặt hồ
(Là cây gì?)
Đáp án và hướng dẫn giải
Hai cây cùng có một tên
Cây xoè mặt nước cây trên chiến trường.
Cây này bảo vệ quê hương
Cây kia hoa hở soi gương mặt hồ
(Đó là cây súng)
Câu 4.
Nghe thầy cô nhận xét về bài tập làm văn của cả lớp.
Câu 5.
Đọc lại bài và sửa lỗi theo nhận xét của thầy cô:
- Đọc lại bài làm của mình, chú ý đọc kĩ những phần thầy cô nhận xét
- Tự sửa bài làm của mình theo nhận xét của thầy cô
- Trao đổi bài với bạn để kiểm tra kết quả sửa lỗi
- Đọc các bài văn hay của các bạn trong lớp để học hỏi thêm
C. Hoạt động ứng dụng trang 58 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1
Câu 1.
Tìm một số từ đồng âm và ghi lại
Đáp án và hướng dẫn giải
Một số từ đồng âm là:
- Mực (con mực) – mực ( mực bút)
- Quốc (con quốc) – quốc (cái quốc)
- Bánh (bánh kẹo) – bánh (bánh xe)
- Ba (số ba) - ba (người sinh thành)
- Thu (một mùa) - thu (thu giữ)
- Nước (đất nước) – nước (nước uống)
- Đồng (đồng lúa) – đồng (đồng chí)
- Đường (con đường) – đường (gia vị đường)
- Lợi (lợi ích) – lợi (răng lợi)
- Bay (chim bay) -bay (cái bay)
- Đá (hòn đá) – đá (đá bóng)
- Hồ (keo dán) - hồ (chứa nước)
- Lồng (lồng chim) - lồng (hoạt động)
Câu 2.
Tìm đọc và chép 1 – 2 đoạn văn tả cảnh vào vở hoặc sổ tay học tập.
Đáp án và hướng dẫn giải
Học sinh tham khảo các đoạn văn sau:
Đoạn 1: Đùng…! Tiếng sấm thật lớn khiến mọi người phải giật mình. Nó như một tiếng còi báo hiệu, sau khi nó vang lên, mọi người đều hiểu rằng một cơn dông đang kéo đến. Tiếng sấm như tiếng còi triệu tập các đồng chí mây đen. Chẳng mấy chốc, mây đen tụ tập đông đủ, che kín cả bầu trời. Chúng hào phóng phân phát cho mọi người những luồng không khí mát mẻ dễ chịu. Nhưng cũng tham lam mà chặn hết cả những tia nắng ấm áp. Một lát sau, những đám mây càng lúc càng sà xuống gần mặt đất. Những cơn gió cũng dữ dằn hơn, cuốn bay bụi đất, lá khô bay khắp nơi. Và rồi, lộp độp, lộp độp, những giọt mưa đầu tiên đã rơi xuống. Trước sự ngỡ ngàng của mọi người, hàng vạn giọt mưa khác cũng lao xuống theo sau. Cơn mưa dông đã ập đến rồi.
Đoạn 2: Từng dòng nước mưa đổ xuống, xua tan hoàn toàn đi cái nóng của mùa hạ. Từng cơn gió thổi lẫn trong mưa, đem lại cho người ta cảm giác mát lạnh như đang ở giữa mùa thu. Từng giọt mưa nhỏ bé thi nhau nhảy dù xuống mặt đất. Hạt này bám vào hạt kia, tạo nên tấm màn mưa giăng mắc khắp nơi. Mỗi hạt lại chọn cho mình một nơi tiếp đất riêng. Có hạt chọn mái nhà, có hạt chọn con đường, có hạt chọn dòng sông, có hạt chọn vườn cây… Chính vì thế mà khắp nơi đều được tắm mát trong cơn mưa rào bất chợt này. Chẳng mấy chốc, những ao hồ, ống cống đã đầy ắp nước. Rồi những vũng nước hai bên đường lại dần đầy lên. Khắp đất trời vui sướng mở cửa ra đón lấy cơn mưa mát mẻ tuyệt vời. Bởi ai cũng biết, cơn mưa này sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn mà thôi.
Đoạn 3: Dưới cơn mưa bụi mùa xuân, khung cảnh trở nên thật nên thơ. Từng hạt mưa, mỏng nhẹ như hạt bụi, khẽ rơi trên từng tán lá, con đường, trên mái tóc và vạt áo của người đi đường. Có lẽ chỉ có cơn mưa này là khiến cho người ta càng muốn được ra đường. Dưới màn mưa, mọi người sung sướng, hồ hởi đi chơi, đi thăm thú cái cảnh vật của mùa xuân. Thỉnh thoảng, lại phẩy đi những hạt mưa bụi bám trên mái tóc. Những bông hoa, chiếc lá cũng sung sướng đón lấy từng hạt bụi trời. Trên đường phố, nhộn nhịp những người đi kẻ lại, ai ai cũng vui tươi. Những chú chim tuy không bay lượn, nhưng cũng không nằm im trong tổ nữa. Mà nhảy lên những cành cây, mái hiên mà rỉa lông, rồi khẽ hót líu lo, líu lo. Thỉnh thoảng, chúng lại rùng mình để rũ đi những giọt mưa bụi đọng lại trên thân mình. Từng bông hoa, chồi non sung sướng tắm rửa dưới cơn mưa bụi, để sửa soạn cho mình những bộ cánh xinh tươi nhất để đón chào mùa xuân. Đôi lúc, mưa bụi rơi dày hơn, nhưng cũng chỉ để làm ẩm những chiếc áo mà thôi. Ai tinh tế, sẽ che một chiếc ô nho nhỏ, còn những ai hào sảng thì sẽ mặc kệ mà tiếp tục di chuyển.
Luyện tập làm văn:
Đề bài: Viết đoạn văn miêu tả cảnh đẹp ở địa phương em
Đoạn văn số 1:
Cái hồ nước xinh đẹp nằm giữa làng em là nơi gắn bó với em rất nhiều kỉ niệm. Nó khá rộng, hình tròn, như một tấm gương soi khổng lồ. Nhờ làn nước trong veo có thể nhìn tận đáy mà mọi vật đều có thể soi bóng mình rõ nét. Mặt nước sôi động vào buổi sáng, yên tĩnh vào buổi trưa và lại nhộn nhịp vào buổi chiều. Dù vậy, lúc nào hồ cũng hiền lành, êm ả, đôi chút gợn sóng lăn tăn khi có gió. Mỗi sáng, mặt trời tỉnh dậy chiếu những tia nắng đầu tiên làm cho nước trong hồ lấp lánh, sáng lên lạ thường. Nước hồ trong trong pha chút màu xanh như nước biển. Hồ là nơi cư trú của khá nhiều loài.... và là người bạn của mỗi người dân làng em.
Đoạn văn số 2:
Nơi mà gắn bó biết bao kỉ niệm tuổi thơ với em là dòng sông. Dòng sông ấy giang rộng cánh tay ôm lấy mảnh đất quê hương em vào lòng như người mẹ ôm ấp đứa con thơ. Dọc theo hai bên bờ sông là hai hàng cây xanh tươi đang rì rào trong gió. Thỉnh thoảng, những chiếc lá trôi theo dòng nước như những con thuyền bé nhỏ đang dập dềnh trên sóng nước mênh mông. Xa xa, sau khúc quanh co của dòng sông, những con thuyền đang kéo lưới, tiếng gõ cộc cộc vào mạn thuyền, tiếng cá quẫy tùng tăng, tiếng nói cười ríu rít,... Tất cả đã làm cho dòng sông quê em trở nên nhộn nhịp đến lạ thường. Dòng sông quê em đã gắn bó với bao người dân ở đây rất thân thương. Em yêu sông nhiều lắm!
>> Chi tiết: Viết đoạn văn miêu tả cảnh đẹp ở địa phương em
----------------------------------------------------------------
Trên đây là Giải SGK tiếng Việt 5 bài 5C Tìm hiểu về sự đồng âm trang 56 58. VnDoc.com hy vọng rằng tài liệu giải sách tiếng Việt lớp 5 VNEN trên đây sẽ giúp các em chuẩn bị bài tập hiệu quả.
>> Bài tiếp theo: Giải Tiếng Việt lớp 5 VNEN: Bài 6A: Tự do và công lí