Giải Tiếng việt lớp 5 VNEN Bài 30B: Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam
Bài 30B: Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam
Giải Tiếng việt lớp 5 VNEN: Bài 30B: Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam bao gồm lời giải và đáp án đầy đủ các phần Sách VNEN Tiếng việt 5 tập 2 trang 126 giúp các em học sinh ôn tập toàn bộ nội dung Tiếng việt lớp 5. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết
A. Hoạt động thực hành Bài 30B Tiếng việt lớp 5 VNEN
Câu 1. Gọi đúng tên những trang phục của phụ nữ Việt Nam trong các bức ảnh sau:
Hướng dẫn trả lời
Những trang phục của phụ nữ Việt Nam trong các bức ảnh là:
- Hình 1: Bộ quần áo bà ba
- Hình 2: Bộ trang phục tứ thân
- Hình 3: Chiếc áo dài
Câu 2: Nghe thầy (cô) đọc bài văn sau:
Tả áo dài Việt Nam
Phụ nữ Việt Nam xưa hay mặc áo lối mớ ba, mớ bảy, tức là mặc nhiều áo cánh lồng vào nhau. Tuy nhiên, với phong cách tế nhị, kín đáo, người phụ nữ Việt thường mặc chiếc áo dài thẫm màu bên ngoài, lấp ló bên trong mới là các lớp áo cánh nhiều màu (vàng mỡ gà, vàng chanh, hồng cánh sen, hồng đào, xanh hồ thủy,…)
Từ đầu thế kỉ XIX đến sau năm 1945, ở một số vùng, người ta mặc áo dài kể cả khi lao động nặng nhọc. Áo dài phụ nữ có hai loại: áo tứ thân và áo năm thân. Phổ biến hơn là áo tứ thân, được may từ bốn mảnh vải, hai mảnh sau ghép liền ở giữa sống lưng. Đằng trước là hai vạt áo, không có khuy, khi mặc bỏ buông hoặc buộc thắt vào nhau. Áo năm thân cũng may như áo tứ thân, chỉ có điều vạt trước phía trái may ghép từ hai thân vải, thành ra rộng gấp đôi vạt phải.
Từ những năm 30 của thế kỉ XX, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến dần thành chiếc áo tân thời. Chiếc áo tân thời là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo với phong cách phương Tây hiện đại, trẻ trung.
Áo dài trở thành biểu tượng cho y phục truyền thống của Việt Nam. Trong tà áo dài, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam như đẹp hơn, tự nhiên, mềm mại và thanh thoát hơn.
(theo Trần Ngọc Thêm)
Câu 3: Thay nhau đọc từ ngữ và lời giải nghĩa
- Áo cánh: áo ngắn, cổ đứng hoặc cổ viền thường có hai túi ở hai vạt trước và xẻ ở hai bên sườn
- Phong cách: kiểu (lối) sống tạo ra nét riêng của một người hoặc một nhóm người
- Tế nhị: ý nói nhã nhặn, lịch sự
- Xanh hồ thủy: xanh như màu nước hồ (xanh nhạt)
- Tân thời: Kiểu mới
- Y phục: quần áo, đồ mặc
Câu 4: Cùng luyện đọc
Câu 5. Thảo luận, trả lời câu hỏi
(1) Chiếc áo dài có vai trò như thế nào trong trang phục của người phụ nữ Việt Nam?
(2) Chiếc áo dài tân thời có gì khác so với chiếc áo dài cổ truyền?
(3) Vì sao áo dài được coi là biểu tượng cho y phục truyền thống của Việt Nam?
(4) Em có cảm nhận gì về vẻ đẹp của người phụ nữ trong tà áo dài?
Hướng dẫn trả lời
(1) Đối với người phụ nữ Việt Nam, chiếc áo dài có vai trò vô cùng quan trọng. Nó vừa là trang phục giúp cho người phụ nữ trở nên tế nhị, kín đáo nhưng đồng thời cũng toát lên được vẻ đẹp của người con gái Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam xưa nay mặc áo dài thẫm màu, phủ ra bên ngoài những lớp áo cánh nhiều màu bên trong.
(2) Chiếc áo dài tân thời khác so với chiếc áo dài cổ truyền ở chỗ:
- Chiếc áo dài cổ truyền có hai loại: Áo tứ thân và áo năm thân. Áo tứ thân được may từ bốn mảnh vải, hai mảnh sau ghép liền giữa sống lưng, đằng trước là hai vạt áo, không có khuy, khi mặc bỏ buông hoặc buộc thắt.
- Chiếc áo dài tân thời: chỉ gồm hai thân vải phía trước và phía sau. Chiếc áo tân thời vừa giữ được phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo; vừa mang phong cách hiện đại phương Tây.
(3) Áo dài được coi là biểu tượng cho y phục truyền thống của Việt Nam vì áo dài vừa thể hiện phong cách vừa tế nhị, vừa kín đáo và lại làm cho người mặc thêm mềm mại, thanh thoát hơn.
(4) Em cảm thấy người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài vừa tôn được vẻ đẹp hình thể, vừa thể hiện nét dịu dàng, duyên dáng.
Câu 6. Mỗi em chọn đọc một đoạn văn mình thích và giải thích vì sao thích đoạn văn đó
Hướng dẫn trả lời
Đoạn văn em thích nhất là: "Áo dài trở thành biểu tượng cho y phục truyền thống của Việt Nam. Trong tà áo dài, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam như đẹp hơn, tự nhiên, mềm mại và thanh thoát hơn.
Sở dĩ em thích đoạn trên vì khi đọc đoạn này em cảm nhận được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và càng tự hào khi Việt Nam có bộ y phục truyền thống đơn giản mà đẹp đến lạ lùng như vậy.
B. Hoạt động ứng dụng Bài 30B Tiếng việt lớp 5 VNEN
Câu 1. Điền vào chỗ trống trong phiêu sau để hoàn chỉnh cách làm bài tả con vật
Ôn tập về tả con vật
a. Bài văn tả con vật gồm ba phần:
- Mở bài: Giới thiệu về ............
- Thân bài:
- Tả đặc điểm hình dáng.
- Tả thói quen sinh hoạt và ................
- Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em đối với..............
b. Trình tự tả con vật:
- Tả hình dáng rồi tả ...........
- Có thể tả bao quát rồi tả ...........
- Tả hình dáng xen lẫn tả hoạt động, thói quen sinh hoạt của con vật.
c. Các giác quan được sử dụng khi quan sát: ....., ......., ........
d. Biện pháp tu từ thường được sử dụng khi tả con vật: so sánh, ........
Hướng dẫn trả lời
Ôn tập về tả con vật
a. Bài văn tả con vật gồm ba phần:
- Mở bài: Giới thiệu về con vật sẽ tả.
- Thân bài:
- Tả đặc điểm hình dáng.
- Tả thói quen sinh hoạt và một vài hoạt động chính của con vật.
- Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em đối với con vật.
b. Trình tự tả con vật:
- Tả hình dáng rồi tả hoạt động.
- Có thể tả bao quát rồi tả chi tiết.
- Tả hình dáng xen lẫn tả hoạt động, thói quen sinh hoạt của con vật.
c. Các giác quan được sử dụng khi quan sát: mắt, tai, mũi, tay.
d. Biện pháp tu từ thường được sử dụng khi tả con vật: so sánh, nhân hóa.
Câu 2. Đọc bài văn dưới đây và trả lời câu hỏi:
Chim họa mi hót
Chiều nào cũng vậy, con chim hoạ mi ấy không biết tự phương nào bay đến đậu trong bụi tầm xuân ờ vườn nhà tôi mà hót.
Hình như nó vui mừng vì suốt ngày đã được tha hồ rong ruổi bay chơi trong khắp trời mây gió, uống bao nhiêu nước suối mát lành trong khe núi. Cho nên những buổi chiều tiếng hót có khi êm đềm, có khi rộn rã, như một điệu đàn trong bóng xế mà âm thanh vang mãi giữa tĩnh mịch, tường như làm rung động lớp sương lạnh mờ mờ rủ xuống cỏ cây.
Hót một lúc lâu, nhạc sĩ giang hồ không tên không tuổi ấy từ từ nhắm hai mắt lại, thu đầu vào lông cổ, im lặng ngủ, ngủ say sưa sau một cuộc viễn du trong bóng đêm dày.
Rồi hôm sau, khi phương đông vừa vẩn bụi hồng, con hoạ mi ấy lại hót vang lừng chào nắng sớm. Nó kéo dài cổ ra mà hót, tựa hồ nó muốn các bạn xa gần đâu đó lắng nghe. Hót xong, nó xù lông rũ hết những giọt sương rồi nhanh nhẹn chuyền từ bụi nọ sang bụi kia, tìm vài con sâu ăn lót dạ, đoạn vỗ cánh bay vút đi.
a. Bài văn trên gồm có mấy đoạn? Nội dung chính của mỗi đoạn là gì?
b. Tác giả bài văn quan sát chim họa mi hót bằng những giác quan nào?
c. Em thích những chi tiết và hình ảnh so sánh nào? Vì sao?
Hướng dẫn trả lời
a. Bài văn có 4 đoạn:
- Đoạn 1: Từ đầu đến nhà tôi mà hót→ Giới thiệu sự xuất hiện của chim họa mi vào các buổi chiều.
- Đoạn 2: Từ hình như nó đến mờ mờ rủ xuống cỏ cây → Tả tiếng hót đặc biệt của họa mi vào buổi chiều
- Đoạn 3: Từ hót một lúc lâu đến trong bóng đêm dày → Tả cách ngủ rất đặc biệt của họa mi trong đêm.
- Đoạn 4: Phần còn lại → Tả cách hót chào nắng sớm của họa mi.
b. Tác giả đã quan sát chim họa mi bằng thị giác và thính giác, cụ thể là:
- Quan sát bằng thị giác: nhìn thấy họa mi bay đậu trong bụi tầm xuân mà hót, thấy họa mi nhắm mắt, thu đầu vào lông cổ ngủ khi đêm đến, thấy họa mi kéo dài cổ ra mà hót, xù lông giũ hết giọt sương, thấy họa mi nhanh nhẹn chuyền bụi nọ sang bụi kia tìm sâu, vỗ cánh bay đi.
- Quan sát bằng thính giác: Nghe tiếng hót của họa mi vào các buổi chiều ( khi êm đềm khi rộn rã , như một điệu đàn trong bóng xế). Nghe tiếng hót vang lừng chào nắng sớm vào các buổi sáng.
c. Em thích nhất là hình ảnh so sánh: Những buổi chiều tiếng hót có khi êm đềm, có khi rộn rã, như một điệu đàn trong bóng xế mà âm thanh vang mãi giữa tĩnh mịch, tường như làm rung động lớp sương lạnh mờ mờ rủ xuống cỏ cây.
→ Vì khi đọc câu văn trên em cảm nhận được tác giả đang nói đến tiếng hót hay, tiếng hót lay động vạn vật của loài chim họa mi.
Câu 3. Viết một đoạn văn khoảng 5 câu tả hình dáng (hoặc hoạt động) của một con vật mà em yêu thích.
>> Xem các đoạn văn mẫu tại đây: Viết một đoạn văn tả hình dáng (hoặc hoạt động) của một con vật mà em thích
Câu 4. Kể một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc về một nữ anh hùng hoặc một phụ nữ có tài năng
Bài làm:
Nữ anh hùng mà em luôn rất ngưỡng mộ chính là Hai Bà Trưng. Vì vậy, em đã tìm được nhiều sách, tranh để được biết thêm nhiều về hai bà.
Sống trong bối cảnh đất nước chìm trong chiến loạn, hai bà vô cùng bất bình trước cảnh nhân dân bị áp bức. Vì vậy, ra sức tập luyện võ nghệ chờ ngày đứng dậy. Ngờ đâu, quan giặc lại dám giết chồng của bà Trưng Trắc là Thi Sách, khiên lòng uất hận dồn nén đến tận cùng. Thế là hai bà quyết định dấy binh khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm. Nhờ sự mạnh mẽ và tinh thông thao lược của mình, đội quân của Hai Bà Trưng ngày càng đông hơn, đánh đâu thắng đó, khiến kẻ địch kinh hồn bạt vía. Cuối cùng, Hai Bà dành chiến thắng trước kẻ địch, bước lên ngai vua cai trị nước ta. Tuy nhiên, ít lâu sau, quân thù đem binh viện trợ, dồn áp quân ta. Hai bà chiến bại, bị dồn vào vách núi. Trong tình thế đó, hai bà quyết định tự vẫn, chứ quyết không để rơi vào tay giặc. Tinh thần ấy của hai bà khiến em vô cùng nể phục.
Tuy thời gian cai trị không lâu, nhưng Hai Bà Trưng vẫn là hai người anh hùng vĩ đại vô cùng. Đánh dấu sự bắt đầu của những năm tháng quyết chiến của nhân dân ta với biết bao cuộc khởi nghĩa dành độc lập.
>> Xem các đoạn văn mẫu tại đây: Kể một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc về một nữ anh hùng hoặc một phụ nữ có tài
C. Hoạt động ứng dụng Bài 30B Tiếng việt lớp 5 VNEN
Câu 1. Trao đổi với người thân để hiểu cần làm gì để thể hiện mình là người biết tôn trọng giới nữ
Hướng dẫn trả lời
Để thể hiện mình là người biết tôn trọng giới nữ, chúng ta cần:
- Tôn trọng người phụ nữ, không coi thường, khinh bỉ phận con gái
- Quan tâm, chia sẻ công việc nhà, công việc gia đình cho người phụ nữ
- Không để phụ nữ phải làm những việc nặng, việc nguy hiểm.
- Ưu tiên, nhường nhịn phụ nữ....
----------------------------------------------------------------------------
Ngoài giải bài tập Tiếng việt 5 VNEN: Bài 30B: Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, VnDoc còn giúp các bạn giải vở bài tập Tiếng việt lớp 5 và Giải Tiếng Việt lớp 5.