Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 11A: Đất lành chim đậu
Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 11A: Đất lành chim đậu có lời giải và đáp án đầy đủ các phần Sách VNEN Tiếng Việt 5 trang 109 giúp các em học sinh ôn tập toàn bộ nội dung Tiếng Việt lớp 5.
Tiếng Việt 5 VNEN Bài 11A: Đất lành chim đậu
A. Hoạt động cơ bản Bài 11A Tiếng Việt lớp 5 VNEN
Câu 1.
Xem tranh, nói với các bạn trong nhóm (SGK/3):
a) Tranh vẽ những gì?
b) Màu sắc cây cối, trời mây trong tranh thế nào?
c) Điều gì xảy ra nếu tất cả các cây xanh đều bị chặt phá?
Đáp án và hướng dẫn giải
a) Tranh vẽ các bạn nhỏ đang chơi dưới một cây cao to. Trên cây có những chú chim làm tổ.
b) Trong tranh, cây cối cao to, xanh um tùm tỏa bóng mát cho các bạn nhỏ vui chơi, bầu trời quang đãng với đám mây trôi bồng bềnh. Từ phía xa, mặt trời đã dần nhô lên.
c) Nếu tất cả các cây xanh bị chặt phá thì sẽ không còn bóng mát cho các bạn nhỏ vui chơi nữa, không khí sẽ không còn trong lành và mát mẻ
Câu 2.
Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài sau:
Chuyện một khu vườn nhỏ
Bé Thu rất khoái ra ban công ngồi với ông nội, nghe ông rủ rỉ giảng về từng loài cây.
Cây quỳnh lá dày, giữ được nước, chẳng phải tưới nhiều. Cây hoa ti gôn thích leo trèo, cứ thò những cái râu ra, theo gió mà ngọ nguậy như những cái vòi voi bé xíu. Cây hoa giấy mọc ngay bên cạnh bị nó quấn chặt một cành.
Những chiếc vòi quấn chắc nhiều vòng, rồi một chùm ti gôn hé nở. Cây đa Ấn Độ thì liên tục bật ra những búp đỏ hồng nhọn hoắt. Khi đủ lớn, nó xòe ra thành chiếc lá nâu rõ to, ở trong lại hiện ra cái búp đa mới nhọn hoắt, đỏ hồng... Có điều Thu chưa vui: Cái Hằng ở nhà dưới cứ bảo ban công nhà Thu không phải là vườn!
Một sớm chủ nhật đầu xuân, khi mặt trời vừa hé mây nhìn xuống, Thu phát hiện ra chú chim lông xanh biếc sà xuống cành lựu. Nó săm soi, mổ mổ mấy con sâu rồi thản nhiên rỉa cánh, hót lên mấy tiếng líu ríu. Thu vội xuống nhà Hằng mời bạn lên xem để biết rằng: Ban công có chim về đậu tức là vườn rồi! Chẳng ngờ, khi hai bạn lên đến nơi thì chú chim đã bay đi. Sợ Hằng không tin, Thu cầu viện ông:
- Ông ơi, đúng là có chú chim vừa đỗ ở đây bắt sâu và hót nữa ông nhỉ!
Ông nó hiền hậu quay lại xoa đầu cả hai đứa:
- Ừ, đúng rồi! Đất lành chim đậu, có gì lạ đâu hả cháu?
Theo Vân Long
Câu 3.
Thay nhau đọc từ ngữ và lời giải nghĩa:
- Săm soi: ngắm đi ngắm lại kĩ càng, tỉ mỉ
- Cầu viện: xin được trợ giúp
Câu 4.
Cùng luyện đọc
Câu 5.
Thảo luận, trả lời câu hỏi
1. Bé Thu thích ra ban công để làm gì?
2. Mỗi loài cây trên ban công nhà Thu có những đặc điểm gì nổi bật?
3. Thu mời bạn lên ban công nhà mình để làm gì?
4. Em hiểu câu “Đất lành chim đậu” ý nói gì? Chọn ý đúng để trả lời:
a. Nơi đất lành thì chim chóc mới về làm tổ.
b. Nơi tốt đẹp, thanh bình, có nhiều người đến làm ăn, sinh sông.
c. Nơi có chim đậu là nơi đất lành.
Đáp án và hướng dẫn giải
1. Bé Thu thích ra ban công để ngắm nhìn vườn cây và nghe ông giảng về từng loài cây.
2. Đặc điểm nổi bật của mỗi loại cây nhà Thu: Cây quỳnh giữ được nước nhờ lá dày; cây hoa ti gôn leo trèo và thò những cái râu mà ngọ nguậy theo gió; cây hoa giấy bị vòi ti gôn quấn chắc; cây đa Ân Độ liên tục bật ra những búp đỏ hồng nhọn hoắt và xoè ra thành chiếc lá nâu rõ to khi đủ lớn.
3. Thu mời bạn lên ban công nhà mình để bạn xác nhận ban công nhà mình là vườn.
4. Em hiểu "đất lành chim đậu" ý nói là: b. Nơi tốt đẹp, thanh bình, có nhiều người đến làm ăn, sinh sống.
Câu 6.
Tìm hiểu về đại từ xưng hô
1. Điền các từ xưng hô được in đậm dưới đây vào cột thích hợp trong phiếu học tập
Ngày xưa, có cô Hơ Bia đẹp nhưng rất lười, lại không biết yêu quý cơm gạo.
Một hôm, Hơ Bia ăn cơm để cơm đổ vãi lung tung. Thấy vậy, cơm hỏi:
- Chị đẹp là nhờ cơm gạo, sao chị khinh rẻ chúng tôi thế?
Hơ Bia giận dữ:
- Ta đẹp là do công cha mẹ, chứ đâu nhờ các ngươi.
Nghe nói vậy, thóc gạo tức lắm. Đêm khuya, chúng rủ nhau bỏ cả vào rừng.
(Theo truyện cổ Ê-đê)
Từ người nói dùng để tự chỉ mình | Từ người nói dùng để chỉ người nghe | Từ chỉ người hay vật được người nói nhắc tới |
2. Cách xưng hô của mỗi nhân vật ở đoạn truyện trên thể hiện thái độ của người nói như thế nào?
3. Viết vào phiếu học tập những từ em thường dùng để xưng hô:
- Với thầy, cô
- Với bố, mẹ
- Với anh, chị, em
- Với bạn, bè
Đối tượng giao tiếp | Từ người nói dùng để chỉ mình | Từ người nói dùng để chỉ người nghe |
Với thầy, cô | ||
Với bố, mẹ | ||
Với anh, chị, em | ||
Với bạn bè |
1.
Từ người nói dùng để tự chỉ mình | Từ người nói dùng để chỉ người nghe | Từ chỉ người hay vật được người nói nhắc tới |
chúng tôi, ta | chị, chị, các ngươi | chúng |
2.
Cách xưng hô của Cơm và Hơ Bia đã thể hiện thái độ:
- Cơm: khiêm nhường, tôn trọng người nghe.
- Hơ Bia: kiêu căng, coi thường người nghe.
3.
Đối tượng giao tiếp | Từ người nói dùng để chỉ mình | Từ người nói dùng để chỉ người nghe |
Với thầy, cô | em, trò, con | thầy, cô |
Với bố, mẹ | con | bố, mẹ, ba, tía, má, u, bầm, cha |
Với anh, chị, em | với anh, chị: em (hoặc tên mình) với em: chị (anh) | Với anh, chị: anh, chị, anh cả, anh hai, chị hai, chị ba Với em: em (hoặc kêu tên riêng của em). |
Với bạn bè | tớ, mình, bạn (tên riêng của mình) | bạn, cậu, đằng ấy (hoặc tên của bạn ấy) |
B. Hoạt động thực hành Bài 11A Tiếng Việt lớp 5 VNEN
Câu 1 trang 112 Tiếng Việt lớp 5 VNEN tập 1
Tìm các đại từ xưng hô trong đoạn truyện sau và viết vào vở:
Trời mùa thu mát mẻ. Trên bờ sông, một con rùa đang cố sức tập chạy. Một con thỏ thấy thế liền mỉa mai:
- Đã gọi là chậm như rùa mà cũng đòi tập chạy à !
Rùa đáp:
- Anh đừng giểu tôi ! Anh với tôi thử chạy thi coi ai hơn !
Thỏ ngạc nhiên:
- Rùa mà dám chạy thi với thỏ sao? Ta chấp chú em một nửa đường đó.
Đáp án và hướng dẫn giải
Những đại từ xưng hô trong đoạn truyện trên là:
- Anh
- Tôi
- Ta
- Chú em
Câu 2 trang 112 Tiếng Việt lớp 5 VNEN tập 1
Nhận xét thái độ, tình cảm của các nhân vật trong đoạn truyện ở bài tập 1 thể hiện qua đại từ xưng hô và viết vào phiếu học tập.
Nhân vật | Đại từ | Thái độ |
Rùa | Tự xưng: | |
Gọi thỏ: | ||
Thỏ | Tự xưng: | |
Gọi rùa: |
Nhân vật | Đại từ | Thái độ |
Rùa | Tự xưng: Tôi | Tự trọng |
Gọi thỏ: Anh | Lịch sự và đúng mực trong ứng xử với người đối thoại | |
Thỏ | Tự xưng: Ta | Kiêu căng, tự đắc |
Gọi rùa: Chú em | Coi thường, không tôn trọng người đối thoại |
Câu 3 trang 113 Tiếng Việt lớp 5 VNEN tập 1
Chọn các đại từ xưng hô tôi, nó, chúng ta thích hợp với mỗi ô trống:
Bồ Chao hốt hoảng kể với các bạn: .
- .... và Tu Hú đang bay dọc một con sông lớn, chợt Tu Hú gọi: “Kìa, cái trụ chống trời”. Tôi ngước nhìn lên. Trước mắt là những ống thép dọc ngang nối nhau chạy vút tận mây xanh. Nó tựa như một cái cầu xe lửa đồ sộ không phải bắc ngang sông, mà dựng đứng trên trời cao.
Thấy vậy, Bồ Các mới à lên một tiếng rồi thong thả nói:
- ..... cũng từng bay qua cái trụ đó. ..... cao hơn tất cả những ống khói, những trụ buồm, cột điện mà ..... thường gặp. Đó là trụ điện cao thế mới được xây dựng.
Mọi người hiểu rõ sự thực, sung sướng thở phào. Ai nấy cười to vì thấy Bồ Chao đã quá sợ sệt.
Đáp án và hướng dẫn giải
Bồ Chao hốt hoảng kể với các bạn: .
- Tôi và Tu Hú đang bay dọc một con sông lớn, chợt Tu Hú gọi: “Kìa, cái trụ chống trời”. Tôi ngước nhìn lên. Trước mắt là những ống thép dọc ngang nối nhau chạy vút tận mây xanh. Nó tựa như một cái cầu xe lửa đồ sộ không phải bắc ngang sông, mà dựng đứng trên trời cao.
Thấy vậy, Bồ Các mới à lên một tiếng rồi thong thả nói:
- Tôi cũng từng bay qua cái trụ đó. Nó cao hơn tất cả những ống khói, những trụ buồm, cột điện mà chúng ta thường gặp. Đó là trụ điện cao thế mới được xây dựng.
Mọi người hiểu rõ sự thực, sung sướng thở phào. Ai nấy cười to vì thấy Bồ Chao đã quá sợ sệt.
Câu 4 trang 113 Tiếng Việt lớp 5 VNEN tập 1
Nghe thầy cô đọc và viết vào vở:
Luật bảo vệ môi trường
Điều 3, khoản 3:
“Hoạt động bảo vệ môi trường” là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lí và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học.
Sự cố: sự việc hoặc hiện tượng bất thường và không hay, xảy ra trong một quá trình hoạt động.
Câu 5 trang 114 Tiếng Việt lớp 5 VNEN tập 1
Chơi trò chơi: Thi tìm nhanh từ ngữ chứa tiếng có trong bảng
a.
lắm | lấm | lương | lửa |
nắm | nấm | nương | nửa |
b.
trăn | dân | răn | lượn |
trăng | dâng | răng | lượng |
Đáp án và hướng dẫn giải
- Những từ ngữ có tiếng chứa trong bảng a là:
- lắm: lắm điều, lắm của, đẹp lắm, lắm điều, lắm của, sợ lắm
- lấm: lấm tấm, lấm bùn, lấm la lấm lét...
- Lương: lương hưu, lương khô, lương thực, lương tâm, lương y, lương tri, lương thiện...
- lửa: ngọn lửa, khói lửa, lửa tình, củi lửa, lửa lòng, khói lửa, lửa tình, lửa hận…
- nắm: nắm tay, nắm cơm, nắm đấm, nắm vững
- nấm: nấm hương, nấm rơm, nấm kim chi, nấm mồ, nấm rơm, nấm trắng...
- Nương: nương ngô, nương khoai, nương nhờ, nương rẫy, nương tựa, nương tử,...
- nửa: nửa đêm, nửa chừng, nửa vời, nửa đời...
- Những từ ngữ chứa tiếng có trong bảng b là:
- trăn: trăn tinh, con trăn, trăn trở,,,
- trăng: trăng hoa, trăng tròn, trăng khuyết, trăng non, trăng gió...
- dân: dân quân, nhân dân, dân chúng, dân công, dân quê, dân dã, dân chủ, quốc dân...
- dâng: nước dâng, dâng biếu, dâng tặng, dâng trào, ...
- răn: răn dạy, răn đe, khuyên răn...
- răng: hàm răng, răng hàm, răng cửa, răng sữa, răng sâu...
- lượn: lượn lờ, bay lượn, chao lượn....
- lượng: lượng sức, lượng giác, độ lượng, trọng lượng...
Câu 6 trang 114 Tiếng Việt lớp 5 VNEN tập 1
Thi tìm từ nhanh:
a. Các từ láy âm đầu n
b. Các từ gợi cảm âm thanh có âm cuối ng
Đáp án và hướng dẫn giải
a. Các từ láy có âm đầu "n" là: nao nao, nũng nịu, nô nức, náo nức, năn nỉ, nao núng, não nùng, não nề, non nớt, non nớt, nằng nặc, nôn nao, nết na, nặng nề, nức nở, nấn ná...
b. Các từ gợi tả âm thanh có âm cuối "ng" là: lang thang, làng nhàng, chàng màng, loáng thoáng, loạng choạng, thoang thoảng, chang chang, vang vang, sang sáng, trăng trắng, văng vẳng, bắng nhắng, lõng bõng, loong coong,…
C. Hoạt động ứng dụng Bài 11A Tiếng Việt lớp 5 VNEN
Hỏi người thân về cách trồng và chăm sóc cây ăn quả hoặc cây hoa
Đáp án và hướng dẫn giải
- Cách trồng cây cam:
- Bước 1: Chọn đất trồng phù hợp với cây cam (thường là đất phù sa, đất bồi tụ, đất rừng...)
- Bước 2: Chọn cây giống phù hợp với loại đất và khí hậu của từng vùng.
- Bước 3: Đào hố và trồng cây
- Bước 4: Tưới nước để cây sống
- Cách chăm sóc:
- Hằng ngày nên tưới nước cho cây (mùa mưa không cần phải tưới nước)
- Sau khi cây sống thì bón phân cho cây phát triển.
- Cây lớn phải tỉa cành, phun thảo dược chống sâu bệnh....
- Cách trồng cây đu đủ:
- Cây đu đủ không chịu phèn, rễ mọc cạn và chịu úng kém, do đó cần chọn đất không nhiễm phèn, tơi xốp, thoát nước tốt. Nên đặt thân nằm nghiêng xuôi theo chiều gió mạnh để hạn chế bộ rễ ăn sâu.
- Mật độ trồng: Thường trồng theo dạng hình chữ nhật, cây cách cây 1,5 – 2 m và cách hàng 2,5 – 3,0 m nên trồng thưa giữa hai hàng để dễ dàng chăm sóc và thu hoạch.
- Cần tưới nước để giữ ẩm cho cây ngày 1 - 2 lần, dùng rơm hoặc rạ để che phủ mặt chậu hạn chế bốc thoát hơi nước và giữ ẩm cho cây.
Luyện phần Tập làm văn:
Đề bài: Quê hương em có rất nhiều cảnh đẹp, đây là cánh đồng thẳng cánh cò bay, kia là dòng sông Châu Giang hiền hòa, uốn lượn, và đây nữa là con đường quen thuộc nâng bước chân em mỗi buổi đến trường....Em hãy tả lại một trong những cảnh đẹp đó.
Bài làm:
Từ nhà em đến trường có đi qua một quãng ngắn của cánh đồng làng. Đứng ở nơi đây, em được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của bàn tay người nông dân chăm chỉ.
Cánh đồng là sự tụ hội của những thửa ruộng nằm liền kề nhau dưới chân núi. Giữa những thửa ruộng là các lối đi rộng chừng nửa mét, cỏ mọc xanh um. Nhìn từ trên cao, mới có thể thấy rõ những lằn ranh này, nên cánh đồng sẽ như một tấm vải caro xanh đặc biệt. Còn nếu em đứng cạnh ruộng, phóng tầm mắt ra xa, thì sẽ chỉ thấy một biển xanh ngời choáng ngợp tầm mắt.
Cánh đồng nằm dưới chân núi, nên mát mẻ và nhiều gió. Phải gọi lòa lúc nào ở đây cũng lồng lộng gió trời. Hương cây cỏ, lúa xanh, nước suối hòa vào làn gió thơm ngọt mát lạnh khiến ai cũng phải say mê. Chắc đó chính là hương đồng gió nội mà bao người con xa quê vân vương vấn.
Em thích nhất, là hình ảnh những cánh cò trắng bay là là trên mặt ruộng vào những chiều tà. Nhìn hình ảnh ấy, lòng em cảm thấy bình yên đến lạ kì. Có lẽ, một phần cũng bởi em yêu cánh đồng lúa quê em quá đỗi!
>> Xem thêm: 57 bài văn Tả cánh đồng lúa quê em đạt điểm cao
---------------------------------------------------------------------
Trên đây là Giải Tiếng Việt lớp 5 VNEN bài 11A: Đất lành chim đậu. Đáp án các phần câu hỏi trong Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 VNEN giúp các em học sinh lớp 5 chuẩn bị bài tập Tiếng Việt lớp 5 theo từng bài học hiệu quả.
>> Bài tiếp theo: Tiếng Việt lớp 5 VNEN Bài 11B: Câu chuyện trong rừng