Lý thuyết Ngữ văn 11 Kết nối tri thức bài 29
VnDoc xin giới thiệu bài Lý thuyết Ngữ văn lớp 11 bài 29: Thảo luận về một vấn đề trong đời sống sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Ngữ văn 11.
Bài: Thảo luận về một vấn đề trong đời sống
A. Lý thuyết Ngữ văn 11 bài 29
1. Yêu cầu
- Ở phạm vi tập thể, trước khi thực hành nói và nghe, cần trao đổi ý kiến để chọn đề tài thảo luận phù hợp, có khả năng lôi cuốn được nhiều người tham gia phát biểu ý kiến. Có thể chọn một trong số những đề tài đã được gợi ý ở phần Viết, nhất là đề tài còn hứa hẹn những cách tiếp cận, đánh giá mới đối với các vấn đề của nó.
- Ở phạm vi cá nhân, nếu bạn đã viết bài về đề tài được chọn thảo luận, hãy rút ra từ bài viết đoạn mà bạn tâm đắc nhất, thể hiện được cách nhìn nhận, phân tích, đánh giá độc đáo để làm nòng cốt cho ý kiến sẽ phát biểu.
- Người điều hành buổi thảo luận và thư kí ghi chép lại các nội dung thảo luận; lập danh sách những người đăng kí phát biểu; đảm bảo cho buổi thảo luận đạt kết quả mong muốn.
2. Cách làm
a. Thảo luận:
- Người điều hành nếu đề tài và vấn đề trung tâm cần thảo luận, nói rõ các nguyên tắc thảo luận.
- Những người được mời phát biểu lần lượt nêu ý kiến của mình, chú ý điều chỉnh linh hoạt nội dung phát biểu để tránh nói lại những gì đã được nêu trước đó, trừ khi muốn đối thoại và bác bỏ, đảm bảo cho cuộc thảo luận có bước tiến triển tích cực.
- Một số yêu cầu đối với người nói và người nghe (trong cuộc thảo luận, vai trò người nói và người nghe chỉ có tính chất lâm thời và thường được hoán đổi một cách linh hoạt):
Người nói | Người nghe |
- Bày tỏ thái độ hưởng ứng tích cực đối với đề tài, vấn đề thảo luận. - Nắm bắt được tốt nội dung các ý kiến đã phát biểu và chiều hướng phát triển của cuộc thảo luận. - Nêu được ý kiến làm sáng tỏ đề tài, vấn đề thảo luận với lí lẽ sắc bén và bằng chứng sinh động, tạo được sự kết nối liền mạch với các ý kiến đã phát biểu trước đó. - Thể hiện được văn hóa tranh luận khi nêu ý kiến phản bác. - Biết thu hút sự chú ý của người nghe bằng việc kết hợp linh hoạt phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. - Làm chủ được thời gian phát biểu ý kiến (không vượt quá khung quy định). | - Theo dõi sát tiến trình thảo luận. - Ghi chép những ý kiến phát biểu độc đáo hoặc những ý kiến cần được trao đổi thêm. - Thể hiện sự tôn trọng người nói, tạo điều kiện cho người nói thể hiện tốt nhất ý kiến của mình. - Chuẩn bị ý kiến để sẵn sàng tham gia thảo luận. |
- Người điều hành tổng kết thảo luận, nêu những điều đã đạt được đồng thuận và những điều còn có ý kiến khác nhau, đặc biệt, nhấn mạnh ý nghĩa của đề tài, vấn đề thảo luận trong việc giúp mỗi người xác định được thái độ sống tích cực trong xã hội hiện đại.
- Người điều hành biểu dương sự đóng góp của tập thể và từng cá nhân cho sự thành công (theo những mức độ khác nhau) của cuộc thảo luận.
- Tập thể cùng rút kinh nghiệm về khâu tổ chức thảo luận, từ bước chuẩn bị đến bước triển khai.
- Từng cá nhân tự rút ra những bài học bổ ích cho bản thân về kĩ năng phát biểu ý kiến và kĩ năng tương tác nói – nghe trong thảo luận.
B. Bài tập minh họa
Thảo luận về tình trạng tôn thờ thần tượng một cách thái quá.
Hướng dẫn giải:
- Dựa vào bài viết cụ thể.
- Dựa vào nội dung về yêu cầu và cách trình bày đánh giá, bình luận của em về một vấn đề trong đời sống.
Lời giải chi tiết:
Chào cô và các bạn! Hôm nay, chúng ta hãy cùng bàn luận về một vấn đề trong đời sống qua phần trình bày của em.
Cuộc sống hiện đại với nhịp sống nhộn nhịp nhưng cũng nổi lên bao vấn đề nhức nhối của xã hội. Một trong số đó phải kể đến là hiện tượng fan cuồng thần tượng của giới trẻ hiện nay. Fan cuồng thần tượng chính là hiện tượng con người yêu mến thần tượng quá mức dẫn đến mê muội, có những hành động, suy nghĩ phản cảm.
Hiện nay nền giải trí rất phát triển, có rất nhiều ngôi sao, ca sĩ, diễn viên trong nước và quốc tế nổi lên được nhiều người biết đến, ngưỡng mộ. Nhiều bạn trẻ yêu mến thần tượng quá mức dẫn đến phát cuồng và có nhiều hành động quá khích như: vào trang cá nhân của thần tượng trên mạng xã hội để bình luận, tranh cãi nhau vì thần tượng thậm chí là dùng những ngôn ngữ không hay và cả bạo lực để bảo vệ thần tượng,…
Nguyên nhân của hiện tượng này đầu tiên phải kể đến là do ý thức chủ quan của con người chưa tốt dẫn đến những hành động thái quá, do sự thiếu hiểu biết, kĩ năng mềm kém,… Nguyên nhân khách quan là do môi trường tác động (các Fanclub đăng bài công kích,…). Hậu quả của việc cuồng thần tượng quá mức gây tốn kém về thời gian và vật chất của mỗi người; gây ra những hành động xấu, tiêu cực trên mạng xã hội như: cãi lộn, làm nhục,…
Để khắc phục tình trạng này, trước hết mỗi con người cần tự biết kiềm chế bản thân, yêu quý thần tượng có chừng mực, biết điểm dừng, không tham gia vào các hoạt động gây kích động,…
Bên cạnh đó, các kênh truyền thông và phát thanh hạn chế đưa những tin đồn sai sự thật, chưa được kiểm chứng về những người nổi tiếng đồng thời tuyên truyền nhiều hơn về hậu quả của việc cuồng thần tượng,… Mỗi người một hành động nhỏ nhưng tạo ra một cuộc sống tích cực, chất lượng, chúng ta hãy biết thế nào là vừa phải và sống trọn vẹn ngay từ hôm nay.
Phần trình bày của em đến đây là kết thúc, cảm ơn sự chú ý lắng nghe của cô và các bạn.
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Ngữ văn 11 Kết nối tri thức bài 30