Lý thuyết Ngữ văn 11 Kết nối tri thức bài 24
Chúng tôi xin giới thiệu bài Lý thuyết Ngữ văn 11 bài 24: Lời tiễn dặn có toàn bộ lý thuyết và câu hỏi trắc nghiệm có trong chương trình sách mới. Thông qua đây các em học sinh đối chiếu với lời giải của mình, hoàn thành bài tập hiệu quả.
Bài: Lời tiễn dặn
A. Lý thuyết Ngữ văn 11 bài 24
1. Tìm hiểu chung
1.1. Thể loại
- Lời tiễn dặn thuộc thể loại truyện thơ dân gian.
- Truyện thơ là những truyện kể dài bằng thơ, có sự kết hợp giữa hai yếu tố tự sự và trữ tình, phản ánh cuộc sống của người nghèo khổ, khát vọng về tình yêu tự do, hạnh phúc và cộng lí.
1.2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác
Tiễn dặn người yêu là truyện thơ của dân tộc Thái gồm 1846 câu thơ là lời của nhân vật trong cuộc kể lại câu truyện tình yêu, hôn nhân của vợ chồng mình. Cốt truyện diễn ra theo 3 chặng: Yêu nhau tha thiết - Chia lìa, đau khổ - Đoàn tụ hạnh phúc.
2.3. Bố cục văn bản:
- Phần 1 (từ đầu đến “ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già”): Tâm trạng đau buồn, xót xa, quyến luyến của chàng trai khi tiễn người yêu đi lấy chồng.
- Phần 2 (đoạn còn lại): Sự kìm lòng của chàng trai cùng lời khẳng định tình yêu bền chặt, sâu nặng.
2.4. Tóm tắt tác phẩm:
Đoạn trích miêu tả tâm trạng chàng trai trên đường tiễn cô gái về nhà chồng và phải chứng kiến cảnh cô bị chồng đánh đập
2. Đọc hiểu văn bản
2.1. Tâm trạng chàng trai khi đưa tiễn người yêu
* Tình cảm quyến luyến, tha thiết:
- Cảm nhận về nỗi đau khổ tuyệt vọng của cô gái:
+ Vừa đi vừa ngoảnh lại/Vừa đi vừa ngóng trông: Chàng trai như thấy cô gái vẫn nuối tiếc, vẫn chờ đợi nuôi hy vọng.
+ Mỗi bước đi của cô gái là nỗi đau, nỗi nhớ Chân bước xa lòng càng đau càng nhớ.
+ Cô gái ngoảnh lại, ngóng trông,lòng càng đau càng nhớ. Cô giãi bày với cảnh vật thiên nhiên: Em tới rừng ớt ngắt lá ới ngồi chờ/ Em tới rừng cà ngắt lá cà ngồi chờ; tới rừng lá ngón ngóng trông.
* Tấm lòng thủy chung của chàng trai:
- Chàng trai đã khẳng định lòng chung thuỷ của mình: Chàng trai mượn hương người yêu lúc này vì suốt đời anh không còn ai yêu thương hơn để lúc chết nhờ có hương của người yêu mà cháy đượm.
- Chàng trai động viên an ủi cô gái:
Con nhỏ hãy đưa anh ẵm
Bé xinh hãy đưa anh bồng
Cho anh bế con dòng đừng ngượng.
Nựng con rồng, con phượng đừng buồn.
+ Con nhỏ, bé xinh, con rồng, con phượng là chỉ con của cô gái với người chồng được anh yêu quý.
→ Câu thơ còn có ý nghĩa đề cao dòng giống của đứa trẻ để làm vừa lòng mẹ nó. Động viên an ủi đấy mà vẫn còn cái gì đó rưng rưng.
* Lời ước hẹn:
- Chàng trai ước hẹn chờ đợi cô gái trong mọi thời gian, mọi tình huống: Đôi ta yêu nhau, đợi đến tháng năm lau nở/ Đợi mùa nước đỏ cá về/Đợi chim tăng ló hót gọi hè/Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông/Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi goá bụa về già".
→ Lời tiễn dặn thấm sâu tình nghĩa cũng là lời ước hẹn chờ đợi nhau.
⇒ Qua đoạn thơ ta thấy được nỗi đau khổ của của đôi bạn tình và tình yêu mãnh liệt của chàng trai dành cho cô gái. Đồng thời đó cũng là sự chờ đợi, bám víu trong vô vọng, trạng thái bồn chồn, dùng dằng, tủi hổ của cô gái khi bị ép duyên.
2.2. Tâm trạng, cử chỉ của chàng trai khi ở nhà chồng cô gái
- An ủi, vỗ về khi cô gái bị nhà chồng đánh đập, hắt hủi:
+ Làm thuốc cho cô gái uống;
+ Giúp cô làm việc.
→ Sự quan tâm, chăm sóc ân cần của chàng trai đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cô gái.
- Điệp từ chết và những hình ảnh thiên nhiên chỉ sự hóa thân gắn bó khăng khít giữa hai nhân vật trữ tình, khẳng định tình yêu mãnh liệt, thủy chung son sắt của họ.
- Các hình ảnh so sánh tương đồng (tình đôi ta - tình Lúa; Lòng ta thương nhau - bền chắc như vàng, đá) và các điệp ngữ (yêu nhau, yêu trọn) thể hiện khát vọng, ý chí đoàn tụ không gì lay chuyển được.
3. Tổng kết
3.1. Về nội dung
Qua tâm trạng đầy đau khổ, rối bời của chàng trai và cô gái, đoạn trích đã khắc hoạ nổi bật tình yêu tha thiết thuỷ chung và khát vọng tự do yêu đương của các chàng trai, cô gái Thái.
3.2. Về nghệ thuật
- Kết hợp tự sự và trữ tình.
- Lối diễn đạt mộc mạc, gần gũi với cách nghĩ cách cảm của người Thái, vừa rất chân tình tha thiết.
- Mượn thiên nhiên để biểu lộ tâm trạng.
B. Bài tập Ngữ văn 11 bài 24
Lập dàn ý Phân tích bài thơ Lời tiễn dặn.
Phương pháp giải:
- Đọc lại tác phẩm, chú ý nội dung và biện pháp nghệ thuật đắt giá.
- Dựa vào quy trình viết bài văn nghị luận văn học.
Lời giải chi tiết:
a. Mở bài
- Giới thiệu đôi nét về tác giả, bài thơ "Lời tiễn dặn".
- Thể hiện tình cảm chân thành, thiết tha sâu nặng của chàng trai đối với người yêu, và khát vọng yêu đương vượt qua những rào cản phong kiến khắt khe, vô lý.
b. Thân bài
* Hình dung của chàng trai về tâm trạng của cô gái khi về nhà chồng:
- Xót xa, đau khổ vì rơi vào một cuộc hôn nhân không tình yêu.
- Đau xót, day dứt mối tình đẹp của đời mình.
* Tâm trạng và lời tiễn dặn của chàng trai:
- Tâm trạng của chàng trai khi tiễn người yêu về nhà chồng:
+ Quyến luyến, bịn rịn chẳng muốn xa rời.
+ Bất lực, đầy rối bời khi nhìn người yêu cứ ngày một dần xa.
- Lời tiễn dặn ở phần 1(Từ đầu "Quảy gánh..." đến "...goá bụa về già"):
+ Tình yêu của chàng trai đối với cô gái là vĩnh cửu thể hiện qua việc lấy khoảng thời gian từ đầu mùa (mùa xuân) đến cuối mùa (mùa đông).
+ Khẳng định mãi mãi chờ đợi cô gái cho đến ngày được ở bên nhau.
=> Tình yêu vĩnh hằng, sâu sắc vượt thời gian.
* Lời tiễn dặn ở phần 2 (Phần còn lại):
- Sau lời dặn sẽ mãi chờ đợi, thì giờ đây là lời khẳng định quyết tâm cùng nhau cố gắng vượt mọi rào cản để được ở cạnh nhau.
- Lời an ủi, động viên, kèm với những hành động ân cần quan tâm, chăm sóc (đầu bù anh chải, tóc rối anh búi, làm ống thuốc em uống khỏi đau..) → Xót xa, bất lực nhìn người yêu bị hành hạ, đánh đập.
=> Tình yêu sâu sắc, thủy chung, kiên định, quyết tâm cùng nhau vượt mọi trở ngại để được ở bên người yêu.
c. Kết bài
- Khẳng định tình yêu chân thành, sâu sắc bền bỉ của chàng trai đối với cô gái dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
- Lời tiễn dặn cũng đồng thời là lời phản kháng mạnh mẽ của hai nhân vật trong tác phẩm nói riêng, và của các cặp đôi dân tộc Thái khi xưa luôn khát vọng tự do yêu đương, sống hạnh phúc với người mình yêu thương.
C. Trắc nghiệm Ngữ văn 11 bài 24
>>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Ngữ văn 11 Kết nối tri thức bài 25