Lý thuyết Ngữ văn 11 Kết nối tri thức bài 53
VnDoc xin giới thiệu bài Lý thuyết Ngữ văn 11 bài 53: Thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống có toàn bộ lý thuyết và câu hỏi trắc nghiệm có trong chương trình sách mới. Thông qua đây các em học sinh tham khảo hoàn thành hiệu quả chương trình học.
Bài: Thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống
A. Lý thuyết Ngữ văn 11 bài 53
1. Yêu cầu
- Xác định được vấn đề cần thảo luận, tranh luận.
- Đưa ra được ý kiến, quan điểm của cá nhân khi tham gia thảo luận về vấn đề.
- Biết tranh luận với các ý kiến, quan điểm khác để bảo vệ ý kiến, quan điểm của mình.
- Tôn trọng người đối thoại, có tinh thần cầu thị, lắng nghe; biết chấp nhận những ý kiến, quan điểm hợp lí, xác đáng.
2. Cách làm
2.1. Chuẩn bị thảo luận, tranh luận
* Lựa chọn đề tài
Mỗi cá nhân đề xuất một vấn đề trong đời sống mà mình quan tâm, nhóm hoặc lớp trao đổi để thống nhất việc chọn vấn đề cần thảo luận, tranh luận. Có thể tham khảo một số vấn đề được gợi ý sau đây:
- Nữ sinh Trung học phổ thông trang điểm khi đến trường: Nên hay không nên?
- Với học sinh Trung học phổ thông, giữa tích luỹ kiến thức và rèn luyện kĩ năng sống, điều gì quan trọng hơn?
- Sở thích của bản thân và yêu cầu của cha mẹ, đâu là yếu tố quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai của mỗi học sinh?
- Giải pháp nào để xử lí mối quan hệ giữa việc phát triển du lịch và giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa?
* Tìm ý và sắp xếp ý
- Cần nêu một số câu hỏi và tự trả lời để từ đó tiến hành tìm ý, sắp xếp ý.
- Gợi ý:
+ Bản chất của vấn đề là gì? Vấn đề có những khía cạnh quan trọng nào?
+ Cần có quan điểm như thế nào về vấn đề? Quan điểm đó dựa trên lí lẽ và cơ sở thực tế nào?
+ Có thể xuất hiện ý kiến trái ngược nào về vấn đề? Ý kiến đó có thoả đáng không? Cần trao đổi lại như thế nào?
2.2. Thực hành thảo luận, tranh luận
* Các bước tiến hành:
Để thảo luận, tranh luận, nhóm hoặc lớp cần cử một người chủ trì. Cuộc thảo luận, tranh luận được tiến hành theo các bước sau:
- Người chủ trì nêu lại vấn đề đời sống đã được thống nhất trước để làm đề tài cho cuộc thảo luận, tranh luận.
- Căn cứ vào tín hiệu đăng kí phát biểu của các thành viên, người chủ trì lần lượt chỉ định từng người trình bày ý kiến.
- Người phát biểu đầu tiên phải thể hiện rõ quan điểm về vấn đề hoặc một khía cạnh nào đó của vấn đề.
- Những ý kiến tiếp sau có thể đi theo các hướng:
+ Tán thành ý kiến vừa phát biểu;
+ Bổ sung cách hiểu của mình về vấn đề;
+ Tranh luận với ý kiến của người vừa phát biểu trước đó.
- Các ý kiến thảo luận, tranh luận cần tập trung vào trọng tâm của vấn đề, tránh lạc hướng; huy động lí lẽ và bằng chứng cụ thể, xác thực để củng cố quan điểm của mình.
* Những điều cần lưu ý khi thực hành thảo luận, tranh luận
- Khác với việc thảo luận, tranh luận về một vấn đề của văn học, nghệ thuật, việc thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống có những đòi hỏi riêng đối với các đối tượng tham gia:
+ Cần hình thành ý kiến trên cơ sở khai thác thông tin từ sự quan sát, trải nghiệm thực tế.
+ Cần cho thấy được những bộ phận xã hội nào có cách nhìn nhận về vấn đề tương tự cách nhìn nhận của mình (qua đó, người nói thể hiện rõ tư cách phát ngôn của mình, có thể là đại diện cho một bộ phận xã hội nhất định).
+ Cần sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ (tranh, ảnh, video clip...) để minh họa khi trình bày về vấn đề thảo luận, tranh luận.
- Người chủ trì căn cứ vào nội dung các ý kiến để tổng kết cuộc thảo luận, tranh luận, có thể khẳng định sự đồng thuận hoặc nêu ra sự tồn tại một số quan điểm khác nhau về vấn đề.
B. Bài tập Ngữ văn 11 bài 53
Thảo luận về tình trạng tôn thờ thần tượng một cách thái quá.
Lời giải chi tiết:
Chào cô và các bạn! Hôm nay, chúng ta hãy cùng bàn luận về một vấn đề trong đời sống qua phần trình bày của em.
Cuộc sống ngày càng phát triển và hiện đại, kéo theo đó là biết bao vấn đề nảy sinh ra trong xã hội, trong đó, phải kể đến đó là tình trạng thôn thờ thần tượng một cách thái quá của giới trẻ hiện nay.
Khái niệm thần tượng được sử dụng ở đây là để chỉ những người có nhan sắc ưa nhìn, làm diễn viên, người mẫu, ca sĩ, vận động viên… những người thường xuất hiện trước công chúng với vẻ ngoài bóng bẩy, hào nhoáng. Nhiều người họ coi thần tượng là hình mẫu lý tưởng, lý tưởng sống của mình và luôn muốn làm mọi thứ theo họ, từ quần áo, giày dép… Tình trạng tôn thờ thần tượng một cách thái quá chính là khi chúng ta quá thích một ai đó, muốn được gặp họ, mua đồ giống họ, luôn tưởng tượng về sự hiện diện của họ bởi sự xuất hiện liên tục của họ trên truyền thông khiến nhiều người bị mù quáng, lầm tưởng.
Nhiều người rơi vào tình trạng như vậy, họ dần trở lên mù quáng và thiếu lý trí. Họ ảo tưởng rằng thần tượng yêu mình, thường xuyên chủ ý theo dõi, bám đuôi thần tượng của mình để xem họ làm gì, ăn gì. Thậm chí, có nhiều người vì quá yêu thích thần tượng của mình, ngay cả khi họ đi trên đường, nghe thấy một đoạn nhạc của một bài hát quen thuộc mình biết, họ lập tức dừng lại, nhảy, hát theo rồi bắt chước theo những hành động của thần tượng khi hát bài hát đó. Đặc biệt, nhiều người vì theo đuổi thần tượng của mình, họ đã chi ra một khoản tiền rất lớn để mua tất cả những album, hay những phụ kiện liên quan đến thần tượng của mình, rồi mua vé để đi xem concert, biểu diễn của họ. Đó hẳn là một khoản tiền không nhỏ. Một ví dụ điển hình có thể kể đến như John Hinckley – một người hâm mộ của nữ diễn viên Mỹ Jodie Foster đã ám sát Tổng thống Ronald Reagan vì để làm nữ diễn viên ấn tượng. Hay tại Trung Quốc, một người cha đã tự tử với mong muốn con gái được gặp gỡ thần tượng Lưu Đức Hoa. Hay hiện nay, việc thần tượng nhóm nhạc Hàn Quốc (Kpop) đã nhiều lần vấp phải sự chỉ trích của báo đài bởi nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng cuồng mà có những hành động sai trái về đạo đức như dọa dẫm tự tử, tuyệt thực, gào khóc đòi bố mẹ đáp ứng những nhu cầu theo đuổi thần tượng của mình. Đây thực sự là mặt trái mà giới thần tượng gây nên.
Hậu quả của tình trạng này là cực kỳ nghiêm trọng. Bởi đa số, những người theo đuổi thần tượng đều là những bạn trẻ, thậm chí là những bạn ở tuổi vị thành niên, bởi vậy họ không có cách nào khác là xin tiền bố mẹ để đu idol của mình. Nó không chỉ ảnh hưởng đến việc học của các nhân đó mà nó còn gây phiền muộn đến bố mẹ của họ. Thậm chí, có những bạn trẻ quá cuồng, họ lấy bản thân ra đe dọa bố mẹ để đạt được mong muốn và điều đó thực sự là tồi tệ. Có những bạn trẻ vì muốn gặp được thần tượng họ chờ ngày, chờ đêm với mong muốn gặp được thần tượng và điều đó khiến sức khỏe của họ bị ảnh hưởng và tâm lý cũng không yên để chú tâm vào những công việc khác. Không những vậy, chính thần tượng của họ cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng này. Nhiều người vì họ quá cuồng thần tượng của mình, họ theo dõi thần tượng, đào bới đời tư của họ, khi phát hiện ra họ làm cái gì không đúng họ sẽ ngay lập tức quay lại, ném đá, chửi bới trên mạng xã hội khiến danh tiếng của họ bị hủy hoại.
Đây thực sự là một tình trạng không ai mong muốn và chúng ta cần phải cảnh giác. Hãy đặt cho mình một giới hạn nhất định trước khi mọi chuyện trở lên quá tồi tệ. Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất, xem họ ít lại, bớt chút tiền lại từ việc tiêu xài cho họ… như vậy là một cách tốt để bạn có thể kiềm chế bản thân tránh trở lên cuồng thần tượng một cách thái quá.
Thần tượng một ai đó không phải là việc xấu nhưng nó sẽ chỉ tốt khi bạn biết điểm dừng cho bản thân. Hãy giữ đúng giá trị và thông suốt được khái niệm thần tượng và hâm mộ, hãy để nó về với đúng vị trí và giá trị của nó. Cần phải phê phán những hành động quá cuồng thần tượng mà gây ảnh hưởng xấu đến gia đình và xã hội.
Phần trình bày của em đến đây là kết thúc, cảm ơn sự chú ý lắng nghe của cô và các bạn.
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Ngữ văn 11 Kết nối tri thức bài 54