Lý thuyết Ngữ văn 11 Kết nối tri thức bài 33
Chúng tôi xin giới thiệu bài Lý thuyết Ngữ văn 11 bài 33: Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài - Nguyễn Huy Tưởng có toàn bộ lý thuyết và câu hỏi trắc nghiệm có trong chương trình sách mới. Thông qua đây các em học sinh đối chiếu với lời giải của mình, hoàn thành bài tập hiệu quả.
Bài: Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài - Nguyễn Huy Tưởng
A. Lý thuyết Ngữ văn 11 bài 33
1. Tìm hiểu chung
1.1. Tác giả Nguyễn Huy Tưởng
a. Tiểu sử:
- Nguyễn Huy Tưởng (1912- 1960).
- Xuất thân trong một gia đình nhà nho, từ sớm đã tham gia cách mạng hoạt động trong những tổ chức văn hóa văn nghệ do Đảng tổ chức.
b. Sự nghiệp sáng tác
- Các tác phẩm chính:
+ Các vở kịch: Vũ Như Tô, Bắc Sơn, Những người ở lại.
+ Kịch bản phim: Lũy hoa.
+ Các tiểu thuyết: Đêm hội Long Trì, An Tư, Sống mãi với thời gian.
+ Kí: Kí sự Cao- Lạng.
- Phong cách nghệ thuật:
+ Có thiên hướng khai thác các đề tài lịch sử.
+ Đóng góp lớn nhất ở hai thể loại: tiểu thuyết, kịch.
+ Văn phong giản dị, trong sáng, đôn hậu, thâm trầm, sâu sắc.
1.2. Tác phẩm
a. Xuất xứ:
Đoạn trích: thuộc hồi thứ V (Một cung cấm) của Vở kịch Vũ Như Tô.
b. Hoàn cảnh sáng tác:
- Vở kịch Vũ Như Tô gồm 5 hồi viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 – 1517.
- Tác phẩm được viết xong vào mùa hè năm 1941, tựa đề vào tháng 6 năm 1942.
c. Phương thức biểu đạt:
Văn bản Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài có phương thức biểu đạt là tự sự và biểu cảm.
d. Bố cục văn bản:
- Phần 1 (từ lớp I đến lớp VI): Cuộc trò chuyện giữa Vũ Như Tô với Đan Thiềm, cung nữ và nội giám, Vũ Như Tô bàng hoàng nhận ra bi kịch đang cận kề.
- Phần 2 (từ lớp VII đến lớp IX): Quân phản loạn đốt Cửu Trùng Đài và kết án Vũ Như Tô.
e. Tóm tắt tác phẩm:
Nhân vật chính của vở kịch là Vũ Như Tô, là một nhà kiến trúc tài giỏi, một nghệ sĩ có chí lớn, tính tình cương trực, trọng nghĩa khinh tài. Lê Tương Dực, một hôn quân bạo chúa, sai Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi ăn chơi với đám cung nữ. Vũ đã từ chối dù bị đe dọa kết tội tử hình. Song Đan Thiềm, một cung nữ tài sắc nhưng đã bị ruồng bỏ, đã khuyên Vũ nên nhận lời xây dựng Cửu Trùng Đài vì đây là cơ hội để Vũ đem tài ra phục vụ đất nước. Vũ đã nhận lời và dồn hết sức xây Cửu Trùng Đài. Nhưng Cửu Trùng Đài đã làm cho dân chúng thêm cực khổ. Họ đã nổi dậy. Vũ Như Tô bị giết, Cửu trùng Đài bị thiêu trụi.
2. Đọc hiểu văn bản
2.1. Những mâu thuẫn xung đột cơ bản của vở kịch
* Mâu thuẫn thứ nhất: Mâu thuẫn giữa nhân dân lao động khốn khổ lầm than và bọn hôn quân bạo chúa cùng các phe cánh của chúng.
- Nguồn gốc: có từ hồi trước do chúa Lê Tương Dực nghe lời bọn tham quan gian thần xây Cửu Trùng Đài để phục vụ việc ăn chơi hưởng thụ, nhà vua đã đánh sưu cao thuế nặng bóc lột dân chúng, ra sức bắt thuế, tróc thợ từ dân lành, làm cho nhân dân vất vả, đói khát, chết vì bệnh dịch, tai nạn → Tương Dực không phải là một ông vua yêu nước, thương dân. Điều này tất yếu dẫn đến “loạn” và “biến”.
- Hồi V: mâu thuẫn trở thành cao trào và được giải quyết.
+ Bạo chúa Lê Tương Dực bị Trịnh Sản giết.
+ Đại thần Nguyễn Vũ tự sát.
+ Thứ phi Kim Phượng và bọn cung nữ điều bị giết.
+ Cửu Trùng Đài bị thiêu hủy tan tành.
+ Giang sơn rơi vào tay bọn phản loạn
+ Mâu thuẫn được giải quyết dứt khoát theo quan điểm của nhân dân.
* Mâu thuẫn thứ hai: giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu, thuần túy của muôn đời và lợi ích trực tiếp, thiết thực của nhân dân.
- Vũ Như Tô là một kiến trúc sư thiên tài, đày hoài bảo và tâm huyết, khát khao được thể hiện tài năng tô điểm cho đời → Vũ Như Tô mượn uy quyền và tiền bạc của Lê Tương Dực để thực hiện hoài bão đó, vô tình gây nỗi khốn khổ cho dân.
- Khát vọng quá lớn đưa Vũ Như Tô đắm chìm trong ảo mộng: xây dựng cho đất nước một công trình nguy nga vĩ đại mà không nhìn thấy cần phải chăm lo cho đời sống thiết thực của nhân dân → mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm vì lý tưởng nghệ thuật của Vũ Như Tô không xuất phát từ lợi ích thiết thực của nhân dân.
- Vũ Như Tô rơi vào bi kịch: trở thành kẻ thù của nhân dân dù đang muốn cống hiến tài năng để đem lại niềm tự hào cho nhân dân. Nhưng Vũ Như Tô vẫn không nhận ra sai lầm của mình, vẫn đinh ninh là mình vô tội → Cửu Trùng Đài bị đốt, Vũ Như Tô bị giết.
2.2. Nhân vật Vũ Như Tô
- Là một kiến trúc sư tài ba “ngàn năm chưa dễ có một”, say mê sáng tạo cái đẹp. Vũ Như Tô có nhân cách cao cả, hoài bão lớn lao, nghệ sĩ chân chính, gắn bó với nhân dân, không khuất phục trước uy quyền, kiên quyết không chịu nhận xây Cửu Trùng Đài cho vua Lê Tương Dực. Đan Thiềm thuyết phục ông nhận lời xây một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ, bền vững muôn đời để nhân dân ta nghìn thu hãnh diện.
- Lí tưởng chân chính, cao đẹp nhưng cao siêu xa rời đời sống của nhân dân lao động. Ông không nhận ra một thực tế: Cửu Trùng Đài xây bằng mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân. Ông nhất mực cho rằng mình không có tội mà chỉ có công, luôn tin vào việc làm chính đại quang minh của mình.
- Sự thật phơi bày: Vũ Như Tô và Đan Thiềm bị bắt, Cửu Trùng Đài bị đập phá thiêu hủy, ông bừng tỉnh kêu lên: “ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài” → vỡ mộng, đau đớn, não nùng. Tiếng kêu dồn dập vang lên, nỗi đau mất mát hòa nhập vào nhau tạo thành nỗi đau bi tráng.
- Khát vọng, đam mê sáng tạo nghệ thuật của ông xuất phát từ thiên chức của nghệ sĩ chân chính, nhưng chưa đúng vì đặt nhầm chỗ, vì xa rời thực tiễn, vì lợi dụng giai cấp cầm quyền tàn bạo để thực hiện mục đích chân chính của mình → ông thất bại phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình.
=> Qua nhân vật này, nhà văn đã đặt vấn đề về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống; giữa khát vọng nghệ thuật muôn đời với lợi ích của nhân dân.
2.3. Nhân vật Đan Thiềm
- Là người đam mê cái tài hoa siêu việt của người sáng tạo ra cái đẹp. Đam Thiềm luôn khích lệ Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài như một công trình nghệ thuật đồ sộ để lại cho đất nước.
- Là người luôn tỉnh táo, sáng suốt, thức thời, biết thích ứng với hoàn cảnh. Đan Thiềm biết chắc Cửu Trùng Đài không thành, tìm cách bảo vệ an dương vương toàn tính mạng cho Vũ Như Tô, khuyên Vũ Như Tô bỏ trốn. Đan Thiềm đau đớn buông lời vĩnh biệt: “ông cả! đài lớn tan tành! Ông Cả ơi! Xin cùng ông vĩnh biệt”. Bi kịch của Đan Thiềm là nỗi đau không cứu được người tài, không bảo vệ được cái đẹp.
- Ở hồi cuối: Cả Vũ Như Tô và Đan Thiềm đều lâm vào trạng thái khủng hoảng với nỗi đau: sự vỡ mộng thê thảm. Vở kịch kết thúc bằng tiếng kêu bi thiết, não nùng, đau đớn, khắc khoải của Vũ Như Tô gợi sự xúc động cho người đọc.
- Bệnh Đan Thiềm: bệnh mê đắm cái đẹp, cái tài. Có tấm lòng biệt nhỡn liên tài → thuyết phục Vũ Như Tô mượn tay Lê Tương Dực để xây Cửu Trùng Đài => sống chết hết mình cái tài cái đẹp.
- Bi kịch của Vũ Như Tô thức tỉnh ý thức của chúng ta về vấn đề muôn thuở: mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống - nghệ thuật phải vị nhân sinh thì nghệ thuật mới tồn tại và được nhân dân tôn thờ, nâng niu, bảo vệ.
3. Tổng kết
3.1. Về nội dung
Qua tấn bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả đã đặt ra vấn đề sâu sắc, có ý nghĩa muôn thủa về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lí tưởng nghệ thuật thuần túy cao siêu muôn đời với lợi ích thiết thân và trực tiếp của nhân dân.
3.2. Về nghệ thuật
- Mâu thuẫn kịch tập trung dẫn đến cao trào, phát triển thành đỉnh điểm với những hành động kịch dồn dập đầy kịch tính.
- Ngôn ngữ kịch điêu luyện, có tính tổng hợp cao.
- Xây dựng nhân vật kịch đặc sắc, khắc họa rõ tính cách, miêu tả đúng tâm trạng qua ngôn ngữ và hành động.
- Lớp kịch trong hồi V được chuyển một cách linh hoạt, tự nhiên, logic, liền mạch tạo nên sự hấp dẫn và lôi cuốn người đọc.
B. Bài tập minh họa
Theo bạn, vấn đề xã hội nào được đề cập trong đoạn trích? Viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về vấn đề đó.
Phương pháp giải:
- Đọc lại tác phẩm, chú ý các vấn đề chính trong tác phẩm.
- Dựa vào quy trình viết bài văn nghị luận xã hội.
Lời giải chi tiết:
Đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài và bi kịch của Vũ Như Tô đã nhắc nhở mỗi chúng ta về ước mơ chân chính trong cuộc sống. Ước mơ cũng chính là mong muốn được cống hiến sức lực của mình xã hội và khi chúng ta đạt được ước mơ cũng chính là lúc chúng ta được mọi người công nhận năng lực của mình. Khi mỗi người có ước mơ họ trở nên tốt đẹp hơn, đề cao tầm quan trọng của ước mơ trong cuộc sống con người. Việc xây dựng ước mơ không chỉ khiến cho bản thân tốt đẹp hơn mà còn đóng góp cho xã hội, cho đất nước phát triển. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn nhiều người sống không có ước mơ, hoài bão, vô cảm, phó mặc cho cuộc đời. Lại có người sống có ước mơ nhưng không cố gắng thực hiện mà chỉ hão huyền, viển vông… những người này cần phải thức tỉnh và thay đổi bản thân để có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Mọi ước mơ đều rất đẹp nhưng không phải ai cũng có thể biến những ước mơ của mình thành hiện thực. Nó đòi hỏi một sự cố gắng, nỗ lực lớn của bản thân mỗi người. Nếu bạn đang có một ước mơ, hãy nâng niu và nuôi dưỡng nó để nó có thể thành sự thật.
C. Trắc nghiệm Ngữ văn 11 bài 33
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Ngữ văn 11 Kết nối tri thức bài 34