Lý thuyết Ngữ văn 11 Kết nối tri thức bài 5
Chúng tôi xin giới thiệu bài Lý thuyết Ngữ văn lớp 11 bài 5: Thuyết trình về nghệ thuật kể chuyện trong một tác phẩm truyện sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Ngữ văn 11.
Bài: Thuyết trình về nghệ thuật kể chuyện trong một tác phẩm truyện
A. Lý thuyết Ngữ văn 11 bài 5
1. Yêu cầu
a. Lựa chọn đề tài: Đề tài của bài nói có thể được khai thác từ đề tài của bài viết ở trên.
b. Tìm ý và sắp xếp ý
- Từ hệ thống luận điểm ở bài viết, lựa chọn những ý quan trọng nhất, thể hiện rõ quan điểm và phát hiện của bản thân cần được trình bày trong bài nói.
- Ví dụ: Từ bài viết tham khảo về nghệ thuật tự sự của Nam Cao trong truyện ngắn Đời thừa, có thể triển khai bài thuyết trình theo bố cục
+ Tại sao cần quan tâm đến nghệ thuật tự sự ở truyện ngắn này?
+ Vấn đề câu chuyện và truyện kể.
+ Vấn đề người kể chuyện và điểm nhìn nhân vật.
+ Đặc điểm lời trần thuật.
+ Ý nghĩa của nghệ thuật tự sự ở tác phẩm này.
2. Cách làm
Bài nói gồm đủ ba phần, tập trung vào các nội dung sau:
- Mở đầu:
+ Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm truyện sẽ thuyết trình.
+ Cần lưu ý cách bắt đầu bài nói sao cho thu hút sự chú ý của người nghe, tránh việc thuyết trình giống như việc đọc lại bài viết.
- Triển khai:
+ Trình bày lần lượt các thông tin trong bài viết theo hình thức tóm lược kết hợp nhịp nhàng với việc trình chiếu hay minh hoạ trực quan (nếu có).
+ Người nói có thể kể lại ngắn gọn nhưng không hoàn toàn tiết lộ nội dung của truyện, nếu tác phẩm ấy chưa được nhiều người biết đến.
+ Dựa vào các luận điểm đã xác định trong bố cục bài nói, thiết kế các slide sao cho thích hợp nếu người nói sử dụng phương tiện trình chiếu.
- Kết luận:
+ Khái quát lại những điều cảm nhận cũng như đánh giá về tinh nghệ thuật của tác phẩm mà mình chọn để giới thiệu.
+ Có thể kết bài bằng những câu khuyến khích người nghe chia sẻ cảm nhận hay góc nhìn khác về tác phẩm.
B. Bài tập Ngữ văn 11 bài 5
Viết đoạn văn ngắn (khoảng 5 - 10 dòng) thuyết minh về nghệ thuật kể chuyện trong truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao.
Hướng dẫn giải:
Dựa vào nội dung về yêu cầu và cách làm bài văn thuyết minh về nghệ thuật kể chuyện trong một tác phẩm truyện.
Lời giải chi tiết:
Nghệ thuật tự sự của Nam Cao được thể hiện trên nhiều phương diện nhưng trong đó đáng chú ý nhất là về điểm nhìn và lối trần thuật của tác giả. Với điểm nhìn từ bên trong, soi chiếu rõ nội tâm nhân vật kết hợp với lối trần thuật hướng nội giúp tác giả thể hiện tốt nhất nội tâm đang đấu tranh, giằng xé để nhận ra lỗi lầm của nhân vật Hộ. Anh yêu văn chương, sống với lý tưởng thanh cao nhưng nằm trên nỗi lo về mưu sinh, kiếm sống, anh không thể theo đuổi nó một cách trọn vẹn mà phải rẽ hướng rồi bị tha hóa. Quá trình biến đổi, rồi cả những dòng hồi tưởng về quá khứ hoàng kim đều được tác giả khắc họa một cách rõ nét nhất dưới góc nhìn của nhân vật và đánh giá của tác giả. Sự nhất quán giữa điểm nhìn và lối trần thuật giúp lời văn của tác giả trở nên chân thực, giá trị biểu cảm và ý nghĩa truyền tải được rõ nét hơn. Đây cũng là một điểm quan trọng góp phần làm nên thành công lớn của tác phẩm.
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Ngữ văn 11 Kết nối tri thức bài 6