Mở bài và kết bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương
Mở bài và kết bài Tự tình 2
Mở bài và kết bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương vừa được VnDoc.com sưu tập và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết được tổng hợp gồm các mở bài và kết bài về bài thơ tự tình 2 của Hồ Xuân Hương. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây nhé.
I. Mở bài Tự Tình 2 của Hồ Xuân Hương
1. Mở bài phân tích bài thơ Tự tình 2 (3 mẫu)
Mở bài phân tích bài thơ Tự tình 2 mẫu 1
Kho tàng văn học Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng với nhiều thể loại văn học khác nhau và cách khai thác đề tài khác nhau. Văn học nước ta cũng ghi dấu ấn của nhiều nữ thi sĩ với những cá tính sáng tác rất riêng biệt, nổi bật. Một trong số đó sẽ thật thiếu sót nếu ta không nhắc đến thi sĩ Hồ Xuân Hương. Bà đã nhiều lần bộc lộ thẳng thắn quan điểm, tâm tư của mình qua thơ văn. Một bài thơ chất chưa tâm trạng cũng như thể hiện cá tính con người bà mà chúng ta được biết đến chính là bài thơ Tự tình 2 thuộc chùm thơ Tự tình.
Mở bài phân tích bài thơ Tự tình 2 mẫu 2
Nội tâm con người luôn chất chứa nhiều cảm xúc phong phú với những cung bậc khác nhau. Những cảm xúc ấy nếu biết cách bày tỏ sẽ gây được đồng cảm của nhiều tâm hồn khác và thơ văn sẽ là thứ vũ khí đặc lực để con người thể hiện những tâm tư tình cảm của mình. Hồ Xuân Hương được biết đến là nữ thi sĩ với nội tâm sâu sắc cùng cá tính văn chương khác người của mình đã giúp cho những sáng tác của bà thành công rực rỡ và có giá trị to lớn đến tận bây giờ. Một trong số những tác phẩm tiêu biểu nhất thể hiện phong cách của bà mà chúng ta không thể không nhắc đến chính là bài thơ Tự tình 2 nằm trong chùm thơ Tự tình.
Mở bài phân tích bài thơ Tự tình 2 mẫu 3
Số phận người phụ nữ trong xã hội cũ vô cùng éo le, tội nghiệp. Họ không được tự quyết định cuộc đời mình cũng như không có quyền lựa chọn cho mình hạnh phúc. Để bộc lộ thái độ bất bình trước những định kiến của xã hội, nhà thơ Hồ Xuân Hương đã sáng tác chùm thơ Tự tình để bộc lộ cảm xúc, nỗi bất bình, uất ức của mình trước những hủ tục đó của xã hội. Tiêu biểu trong chùm thơ mà chúng ta phải nhắc đến chính là bài thơ Tự tình 2.
2. Mở bài Tự tình 2 (6 mẫu)
Mở bài Tự tình 2 mẫu 1
“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương đã quệt rồi”
Hồ Xuân Hương - bà chúa thơ Nôm, một hiện tượng đặc biệt của thơ ca trung đại Việt Nam. Nữ thi sĩ có số phận éo le, ngang trái nên hồn thơ của bà là tiếng nói đại diện cho những người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến với một khát vọng tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Chùm thơ Tự tình của bà gồm ba bài là sự phản ánh đặc sắc tâm tư, tình cảm của nhà thơ_ một người phụ nữ “hồng nhan bạc phận” đường tình duyên không trọn vẹn, quá lứa lỡ thì. Trong đó Tự tình bài II được coi là bài thơ hay nhất, giàu cảm xúc và lắng đọng nhất.
Mở bài Tự tình 2 mẫu 2
Hồ Xuân Hương là một trong những nữ thi sĩ xuất sắc của Việt Nam, số lượng tác phẩm bà để lại khá nhiều, và phong cách sáng tác thơ chủ yếu của bà là tả cảnh ngụ tình. Bà còn được biết đến với hình ảnh của một nữ nhà thơ viết nhiều về thân phận người phụ nữ, là người dũng cảm đề cao vẻ đẹp, sự hi sinh và đức hạnh của người phụ nữ, đồng thời lên tiếng bênh vực cho họ và phê phán lên án gay gắt chế độ xã hội cũ. Tự tình 2 là một trong những bài thơ hay, chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc của chính tác giả và cũng là của người phụ nữ nói chung.
Mở bài Tự tình 2 mẫu 3
Hồ Xuân Hương là một trong những nữ sĩ tài ba bậc nhất của văn học Trung đại Việt Nam. Bà để lại sự nghiệp sáng tác đồ sộ, giàu giá trị trên cả mảng thơ chữ Nôm và chữ Hán. Nổi bật trong tác phẩm của bà là tiếng nói thương cảm với số phận người phụ nữ và bài thơ Tự Tình (bài II) là một trong những bài thơ như vậy.
Mở bài Tự tình 2 mẫu 4
Xuân Hương là một cá tính thơ độc đáo, nổi loạn, những câu thơ đã tạc nên hình tượng bà chúa thơ Nôm độc nhất vô nhị trên văn đàn văn học Việt Nam. Tự tình 2 cũng là những dòng thơ, là những lời hát về nỗi đau của kiếp hồng nhan bạc phận, nhưng cũng đồng thời ở đó ta vẫn thấy một Xuân Hương sắc sảo, bản lĩnh, muốn quẫy đạp, vượt ra khỏi ao bèo phong kiến.
Mở bài Tự tình 2 mẫu 5
Văn học trung đại là thời kì mà cái tôi bị kiềm tỏa, được gọi là văn học phi ngã. Ấy thế nhưng, ngay trong dòng chảy của văn học thời kì này, Xuân Hương vẫn lưu lại một dấu ấn thơ riêng,thể hiện rõ gương mặt nghệ thuật của một bà chúa thơ Nôm. Tự tình 2 là một trong những bài thơ thể hiện xuất sắc cá tính mạnh mẽ, nổi loạn ấy của bà.
Mở bài Tự tình 2 mẫu 6
Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi. Mỗi bài thơ là tiếng hát của trái tim, là những cảm xúc chân thành mà mãnh liệt của người nghệ sĩ. Bởi vậy, Diệp Tiến cho rằng, “thơ là tiếng lòng”. Trong số những “ tiếng lòng” trong thơ, ta bắt gặp nỗi lòng người phụ nữ sống trong xã hội xưa đầy xót xa, tủi hổ, nổi bật là Hồ Xuân Hương với tác phẩm “ Tự tình II”.
3. Mở bài tâm sự của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương trong bài thơ Tự tình 2 (3 mẫu)
Mở bài tâm sự của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương trong bài thơ Tự tình 2 mẫu 1
Mỗi chúng ta chắc hẳn ai cũng có những tâm sự riêng mà không dễ dàng nói ra với người khác. Đó là những tâm tư thầm kín, là những cung bậc cảm xúc khó diễn tả thành lời đặc biệt là người phụ nữ. Tuy nhiên, cũng có những người phụ nữ trong xã hội cũ, với bản năng cá tính mạnh của mình đã dám đứng lên, nói lên tâm sự, khao khát, nỗi lòng của mình thông qua tài năng văn chương. Tấm gương ấy không ai khác chính là nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương và những tâm sự được bộc bạch qua bài thơ Tự tình 2.
Mở bài tâm sự của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương trong bài thơ Tự tình 2 mẫu 2
Ai cũng có những dòng tâm sự của riêng mình, ai cũng mong muốn, khao khát mình có được một tình yêu chân chính, hạnh phúc. Nhưng không phải lúc nào cuộc sống cũng thuận lợi, con người cũng được hạnh phúc. Người phụ nữ trong xã hội cũ lại càng khó có được điều đó, họ phải chấp nhận số phận, chấp nhận cảnh không được lựa chọn, chỉ được tuân theo. Với cá tính mạnh cùng một trái tim khao khát yêu thương, Hồ Xuân Hương đã không chịu được cảnh lẻ loi, hẩm hiu của mình mà đã mạnh mẽ, bộc lộ tâm sự qua bài thơ Tự Tình 2.
Mở bài tâm sự của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương trong bài thơ Tự tình 2 mẫu 3
Hình ảnh người phụ nữ từ xưa đến nay luôn gắn với vẻ thùy mị, nết na, cam chịu số phận cũng như chấp nhận cuộc sống nhiều khuôn phép của mình. Thật tội nghiệp và đáng thương. Tuy nhiên, có một nhân vật, một cá tính mạnh mẽ đã không chịu khuất phục số phận, dám nói lên tiếng nói của cá nhân mình để mưu cầu hạnh phúc chính là nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Dòng tâm sự về cuộc đời và ước mong của bà được thể hiện rõ nét qua bài thơ Tự tình 2.
II. Kết bài Tự Tình 2 của Hồ Xuân Hương (6 mẫu)
Kết bài Tự tình 2 mẫu 1
Những hình ảnh giản dị với tâm trạng vừa buồn tủi, xót xa lại vừa uất ức cho thân kiếp làm lẽ của người phụ nữ đồng thời cũng là bi kịch và khát vọng hạnh phúc cá nhân của Hồ Xuân Hương. Bài thơ truyền tải ý nghĩa nhân văn sâu sắc tới độc giả dù sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng con người vẫn cố gắng vươn lên muốn thay đổi số phận, thay đổi nghịch cảnh mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn với hạnh phúc lứa đôi và tình duyên trọn vẹn.
Kết bài Tự tình 2 mẫu 2
Kết lại bằng hình ảnh mang lại ấn tượng sâu sắc, “mảnh tình” mà nhân vật vất vả chắt chiu cũng không thể giữ trọn mà buộc phải “san sẻ” để rồi chua chát nhận ra, tình cảm của mình đôi khi chỉ còn “tí con con”. Tình cảnh chồng chung ấy dễ khiến con người không tránh khỏi cảm giác trơ trọi, cô đơn khi không có cơ hội được giữ gìn, bảo vệ hạnh phúc của mình.
Kết bài Tự tình 2 mẫu 3
Bằng khả năng điều khiển ngôn ngữ tài tình, Hồ Xuân Hương đã cho người đọc phần nào thấy được thân phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ, tình yêu bị san sẻ, hạnh phúc không thể với đến. Nhưng đồng thời còn thấy được khát khao hạnh phúc mãnh liệt của họ. Qua những vần thơ đó Hồ Xuân Hương cũng lên án xã hội phong kiến đã kìm kẹp nhu cầu hạnh phúc chính đáng của con người.
Kết bài Tự tình 2 mẫu 4
Thông qua Tự Tình, người đọc dường như càng cảm thấy thấm thía ngậm ngùi hơn cho kiếp hồng nhan bạc mệnh của Xuân Hương, xã hội phong kiến như guồng quay khắc nghiệt đã cướp đi hạnh phúc chính đáng của người phụ nữ, khiến họ vò võ tủi hờn trong kiếp lấy chồng chung. Nhưng cao hơn, Xuân Hương thể hiện một phong cách thơ, một tư thế tâm thế đứng trên nỗi đau thân phận, để khẳng định cá tính độc nhất vô nhị của mình.
Kết bài Tự tình 2 mẫu 5
Bằng tiếng thơ chân thành như những lời tự hát của trái tim, Tự Tình 2 của Xuân Quỳnh như gián tiếp đứng lên đòi lại tiếng nói công bằng cho quyền được hưởng hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội xưa, đồng thời qua từng dòng thơ, Xuân Hương đã khắc tạc vào đó gương mặt nghệ thuật rất riêng của mình.
Kết bài Tự tình 2 mẫu 6
“Tự tình 2” chính là tiếng lòng của Hồ Xuân Hương đúng như nhận định “ Thơ là tiếng lòng” của Diệp Tiến. Tiếng lòng thiết tha vừa u buồn vừa phảng phất ánh sáng của khao khát, ước mơ hạnh phúc như một viên ngọc sáng thách thức bước đi nghiệt ngã của thời gian. Qua bao thế kỷ, Hồ Xuân Hương cùng tiếng thơ “ Tự tình” vẫn in sâu trong tâm trí độc giả ngàn đời.
Kết bài Tự tình 2 mẫu 7
Bằng ngôn ngữ giản dị, lời thơ chân thành, cảm xúc tự nhiên, Hồ Xuân Hương đã cho thấy được tài năng trong ngòi bút của mình qua việc diễn tả những cảm xúc đa dạng sâu kín của tâm hồn. Đọc bài thơ, em càng cảm phục trước tấm lòng và nghị lực sống của người phụ nữ xưa.
Bài thơ vừa là lời than thân đầy đau xót, cô đơn, trống trải của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, sự phản kháng mạnh mẽ, đanh đá của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trước cuộc đời đầy trái ngang. Đồng thời cũng thể hiện rõ những khao khát được hạnh phúc, niềm ước mơ được hưởng chế độ công bằng, được tự do thể hiện cá tính, cũng như tự do thể hiện tình yêu, cùng niềm hy vọng cuộc sống một chồng một vợ yên ấm của người phụ nữ xưa dù rằng điều đó khó có thể xảy ra.
Kết bài Tự tình 2 mẫu 8
Cả bài thơ “ Tự tình II” toát lên nỗi đau thân phận của Hồ Xuân Hương cũng là nỗi đau của tất cả người phụ nữ trong xã hội đương thời. Đó là tâm trạng vừa đau buồn, vừa phẫn uất trước duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch. Tất cả khái quát thành quy luật như Nguyễn Du đã viết trong “ Truyện Kiều”:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”
“Tự tình II” giúp người đọc thấu hiểu nỗi đau thân phận và khát vọng mạnh mẽ muốn vươn lên số phận của người phụ nữ qua nỗi đau và khát vọng của Hồ Xuân Hương nhưng cũng giúp ta nhận ra và trân trọng tài năng độc đáo của “ Bà chúa thơ Nôm” trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ và xây dựng hình ảnh. Quả là “ Nghệ thuật làm nên câu thơ, trái tim làm nên thi sĩ”.
“Tự tình II” chính là tiếng lòng của Hồ Xuân Hương đúng như nhận định “ Thơ là tiếng lòng” của Diệp Tiến. Tiếng lòng thiết tha vừa u buồn vừa phảng phất ánh sáng của khao khát, ước mơ hạnh phúc như một viên ngọc sáng thách thức bước đi nghiệt ngã của thời gian. Qua bao thế kỷ, Hồ Xuân Hương cùng tiếng thơ “ Tự tình” vẫn in sâu trong tâm trí độc giả ngàn đời.
Kết bài Tự tình 2 mẫu 9
Hồ Xuân Hương ghi dấu tên mình trong lịch sử văn học như một nữ sĩ tài ba của dân tộc. Bà đi nhiều nơi, kết giao với nhiều nghệ sĩ, trong đó có Nguyễn Du. Xinh đẹp, giỏi giang, tuy nhiên, bà lại không được may mắn trong tình yêu khi tình duyên éo le, ngang trái. Thơ của Hồ Xuân Hương đậm chất dân gian, vừa trào phúng và trữ tình. Các tác phẩm của bà thường cất lên tiếng nói cảm thương cho thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ, đồng thời khẳng định vẻ đẹp và khát vọng sống của họ. Bài thơ “Tự tình 2” năm trong chùm bài thơ “Tự tình” của Hồ Xuân Hương. “Tự tình” nghĩa là kể nỗi lòng, một đề tài thường thấy trong thơ xưa.
Kết bài Tự tình 2 mẫu 10
Tự tình 2 là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách cũng như tư tưởng của Hồ Xuân Hương đặc biệt là những vấn đề xoay quanh người phụ nữ. Qua đây chúng ta cũng thấy được một Hồ Xuân Hương vừa yếu mềm nhưng cũng thật ngang tàng mạnh mẽ khi dám bộc lộ những suy nghĩ của chính mình.
-----------------------------
Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới các bạn Mở bài và kết bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương. Chắc hẳn qua bài viết này bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài viết rồi đúng không ạ? Mong rằng qua bài viết này các bạn có thêm nhiều tài liệu để xây dựng được những ở bài, kết bài hay cho mình và có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn 11. Để giúp bạn đọc có thể giải đáp được những thắc mắc trong quá trình học tập, VnDoc.com mời các bạn học sinh cùng tham khảo thêm một số tài liệu học tập các các môn tại các mục sau: Toán 11, tiếng Anh 11, đề thi học kì 1 lớp 11, đề thi học kì 2 lớp 11...
Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 11 để có thêm tài liệu học tập nhé