Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội và nghị luận văn học

Nghị luận xã hội và nghị luận văn học do VnDoc biên soạn bám sát thể loại văn nghị luận trong chương trình Ngữ Văn 12 sẽ giúp các em học sinh có thêm tài liệu học tập văn nghị luận, ôn thi học kì và luyện tập các đề văn lớp 12 có đáp án.

1. Nghị luận xã hội và nghị luận văn học

Nghị luận là phương pháp hay dạng thức văn bản tồn tại với nội dung chủ yếu là bàn về một đối tượng khác, đó có thể là một tác phẩm văn học, đời sống, chính trị, xã hội nhằm cung cấp tới người đọc những lý lẽ, dẫn chứng của bản thân có tính thuyết phục.

Ngoài ra, nghị luận còn được hiểu là những lời tâm huyết mà người nói muốn truyền tải tới người nghe một các đầy đủ nhất.

Văn nghị luận là một thể loại có truyền thống lâu đời, có giá trị và tác dụng hết sức to lớn trong trường kì lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Có thể kể đến: Chiếu dời đô (1010), của Lý Công Uẩn, Đại cáo bình Ngô (1427) của Nguyễn Trãi,… Và đặc biệt, từ thế kỉ XX trở đi, văn nghị luận ngày càng phát triển mạnh mẽ với hàng loạt tên tuổi nổi tiếng mà tiêu biểu nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh với bản Tuyên ngôn Độc lập (1945).

Vấn đề quan trọng trong một bài văn nghị luận là cần phải có tính thuyết phục và sự mạch lạc thống nhất trong các luận điểm, luận cứ.

Các luận điểm, luận cứ nêu ra trong bài cần phải có những dẫn chứng, những ví dụ cụ thể rõ ràng, càng nhiều dẫn chứng ví dụ thì bài luận sẽ càng hay và sẽ làm sáng tỏ được vấn đề cần phải nghị luận.

Có thể nói trong suốt trường kì lịch sử, văn nghị luận phản ánh rõ nhất đời sống tinh thần, tư tưởng, ý chí và khát vọng của cả một dân tộc. Đó là lòng yêu nước nồng nàn; là tinh thần tự hào về một dân tộc có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, giàu tư tưởng nhân nghĩa, là ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, khát vọng hòa bình, tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Bên cạnh phản ánh tư tưởng yêu nước, chống xâm lăng, văn nghị luận còn phản ánh tinh thần và ý chí của cha ông ta trong công cuộc dựng nước. Đó là khát vọng muốn xây dựng một quốc gia hùng cường, độc lập; là tư tưởng coi trọng người hiền tài.

Không chỉ nói lên tư tưởng, ý chí và khát vọng của một dân tộc, văn nghị luận còn phản ánh nhận thức thẩm mĩ và quan niệm của cha ông ta về văn chương, nghệ thuật. Có thể nói, càng ngày văn nghị luận càng phát triển mạnh mẽ, càng trở nên đa dạng và phong phú.

Nếu nhìn từ đề tài, ta có thể chia văn nghi luận thành hai loại lớn:

- Nghị luận xã hội: là những bài văn bàn về các vấn đề xã hội - chính trị: một tư tưởng, đạo lí; một lối sống cao đẹp; một hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực của đời sống; một vấn đề về thiên nhiên, môi trường,…

- Nghị luận văn học: là những bài văn bàn về các vấn đề văn chương - nghệ thuật: phân tích, bàn luận về vẻ đẹp của tác phẩm văn học, trao đổi về một vấn đề lí luận văn học hoặc làm sáng tỏ một nhận định văn học sử,…

Nhìn chung, cả hai loại văn nghị luận đều nhằm phát biểu tư tưởng, tình cảm, thái độ, quan điểm của người viết một cách trực tiếp về các vấn đề chính trị, đạo đức, lối sống,… và về văn học bằng một ngôn ngữ trong sáng, với những lập luận chặt chẽ, mạch lạc, giàu sức thuyết phục

2. Các dạng đề văn nghị luận

a. Đề nghị luận xã hội

Văn nghị luận xã hội là những bài văn bàn về xã hội, chính trị, đời sống nói chung. Do đó phạm vi của dạng bài này rất rộng. Nó bao gồm những vấn đề tư tưởng, đạo lí cho đến lối sống, bên cạnh đó một đề văn nghị luận xã hội đôi khi đề cập tới những câu chuyện nổi bật trong cuộc sống hằng ngày.

Hiểu đơn giản, văn nghị luận xã hội là dạng văn yêu cầu viết về vấn đề xã hội. Nó khác với nghị luận văn học ở chỗ, không viết về tác phẩm, nhà văn. Để viết văn nghị luận tốt, học sinh cần rèn luyện 2 kỹ năng: chứng minh và giải thích.

- Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí: dạng đề này thường nhân một câu danh ngôn, một nhận định, đánh giá nào đó để yêu cầu người viết bàn luận và thể hiện tư tưởng, quan điểm, thái độ của mình.

- Nghị luận về một hiện tượng đời sống: dạng đề này thường nêu lên một hiện tượng, một vấn đề có tính thời sự, được dư luận xã hội trong nước cũng như cộng đồng quốc tế đang quan tâm.

- Nghị luận về một vấn đề xã hội được đặt ra trong các tác phẩm văn học: dạng đề này kết hợp kiểm tra được cả về năng lực đọc - hiểu tác phẩm văn học, cả về kiến thức xã hội và khả năng nghị luận.

b. Đề nghị luận văn học

- Nghị luận về tác phẩm văn học: dạng đề này nhằm kiểm tra năng lực cảm thụ văn học của người viết. Đối tượng cảm thụ ở đây có thể là thơ, truyện, kịch hoặc văn nghị luận, có thể là toàn bộ tác phẩm, cũng có thể là đoạn trích.

- Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học: đối tượng bàn luận ở đây có thể là một nhận định về văn học sử, về nội dung hay nghệ thuật của tác phẩm; hoặc một ý kiến về lí luận văn học.

Một số dạng đề nghị luận văn học thường gặp trong đề thi như:

  • Dạng phân tích kết hợp với so sánh
  • Dạng so sánh hai tác phẩm văn học
  • Dạng nghị luận văn học kết hợp liên hệ vấn đề xã hội
  • Dạng nhận định ý kiến văn học
  • Dạng bài phân tích cảm nhận đoạn văn, đoạn trích

3. Các thao tác lập luận trong văn nghị luận

Các thao tác nghị luận gồm có: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ.

- Thao tác giải thích

  • Giải thích cơ sở: giải thích từ ngữ, khái niệm khó, nghĩa đen, nghĩa bóng của từ.
  • Trên cơ sở giải thích đó giải thích toàn bộ vấn đề, chú ý nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn.

- Thao tác phân tích

  • Khám phá chức năng biểu hiện của các chi tiết
  • Dùng phéo liên tưởng để mở rộng nội dung ý nghĩa
  • Các cách phân tích thông thường: Chia nhỏ đối tượng thành các bộ phận để xem xét; phân loại đối tượng; liên hệ, đối chiếu; cắt nghĩa bình giá; nêu định nghĩa.

- Thao tác chứng minh

  • Đưa ra lí lẽ trước
  • Chọn dẫn chứng và đưa dẫn chứng. Cần thiết phải phân tích dẫn chứng để lập luận chứng minh thuyết phục hơn. Đôi khi có thể thuyết minh trước rồi trích dẫn sau.

- Thao tác bình luận

Bình luận luôn có hai phần

  • Đưa ra những nhận định về đối tượng nghị luận
  • Đánh giá vấn đề ( lập trường đúng đắn và nhất thiết phải có tiêu chí ).

- Thao tác so sánh

  • Xác định đối tượng nghị luận, tìm một đối tượng tương đồng hay tương phản hoặc hai đối tượng cùng lúc.
  • Chỉ ra những điểm giống nhau giữa các đối tượng
  • Dựa vào nội dung cần tìm hiểu, chỉ ra điểm khác biệt giữa các đối tượng
  • Xác định giá trị cụ thể của các tượng

- Thao tác bác bỏ

Bác bỏ một ý kiến sai có thể thực hiện bằng nhiều cách: bác bỏ luận điểm, bác bỏ luận cứ, bác bỏ cách lập luận hoăc kết hợp cả ba cách:

  • Bác bỏ luận điểm: thông thường có hai cách bác bỏ: dùng thực tế, dùng phép suy luận
  • Bác bỏ luận cứ: vạch ra tính chất sai lầm, giả tạo trong lý lẽ và dẫn chứng được sử dụng
  • Bác bỏ lập luận: vạch ra mâu thuẫn, phi logic trong lập luận của đối phương.

4. Các bước làm bài văn nghị luận xã hội

Bước 1: Xác định yêu cầu đề bài

  • Đọc kĩ, xác định yêu cầu đề bài để biêt được yêu cầu đặt ra là gì? là nghị luận về hiện tượng đời sống hay một tư tưởng đạo lí.
  • Phân biệt yêu cầu của đề là về tư tưởng đạo lí hay đời sống xã hội.

Bước 2: Lập dàn ý

Mục đích:

  • Ghi lại những ý cần viết, tránh bỏ sót ý
  • Trình bày khoa học, mạch lạc trong một nội dung.
  • Chủ động trong việc triển khai các ý chính/ luận điểm của bài viết, tập trung vào những luận điểm quan trọng, tránh trình bày lan man, dài dòng không cần thiết.

Bước 3: Triển khai viết bài chi tiết

  • Dựa trên những luận điểm chính đã nêu ở dàn ý, ta có thể viết được một bài văn hoàn chỉnh.
  • Để bài văn có sức hấp dẫn, cần lưu ý một số điểm:
  • Tạo sự liên kết giữa các luận điểm, các ý nhằm làm nổi bật đối tượng, nội dung cần nghị luận.
  • Đưa những dẫn chứng phù hợp, đảm bảo tính thực tế khách quan.

Lưu ý:

- Dẫn chứng đưa ra cần cụ thể, không lấy dẫn chứng chung chung

- Dẫn chứng người thật, việc thật

- Lồng ghép dẫn chứng vào bài thật khéo léo và phù hợp.

- Lập luận chặt chẽ

- Lồng ghép những quan điểm, đánh giá của bản thân (đồng tình, không đồng tình, ca ngợi, phê phán,...)

Bình luận mở rộng vấn đề

- Phản biện những biểu hiện sai lệch có liên quan tới vấn đề cần nghị luận

- Dẫn chứng kèm theo

Đưa ra bài học nhận thức và bài học hành động

- Chốt lại bài học mà mình nhận được sau khi phân tích

- Bài học cần hướng tới những bài học tốt, cách sống tử tế hơn.

Kết luận

- Nêu khái quát đánh giá ý nghĩa tư tưởng đạo lí đã viết

- Mở ra hướng suy nghĩ mới về vấn đề đó

Một số bài tập vận dụng về văn nghị luận xã hội

Đề 1: Trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình yêu thương trong cuộc sống của con người.

Đề 2: Hiện nay vấn nạn bạo lực học đường đang ngày càng nghiêm trọng, em hãy bình luận hiện tượng trên.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
26
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Học tốt Ngữ Văn lớp 12

    Xem thêm