Viên chức bỏ việc có phải bồi thường gì không?
Viên chức tự ý bỏ việc bị xử lý thế nào
Viên chức bỏ việc có phải bồi thường gì không? Trong bài viết này VnDoc xin giải đáp khi viên chức còn tự ý bỏ việc mà không biết bản thân có thể sẽ phải bồi thường.
Trường hợp nào viên chức nghỉ việc bị coi là trái luật?
Hiện nay, viên chức là đối tượng làm việc theo hợp đồng làm việc. Trong đó có hợp đồng làm việc xác định thời hạn và hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
Theo đó, tùy vào từng loại hợp đồng làm việc viên chức ký với đơn vị sự nghiệp công lập mà người này được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng (hay còn gọi là chủ động xin nghỉ việc khi chưa hết thời hạn hợp đồng). Cụ thể:
1/ Viên chức làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn
Khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức nêu rõ, viên chức trong trường hợp này có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc nhưng phải đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước bằng văn bản cho đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể:
- Thông báo trước ít nhất 45 ngày trước khi nghỉ việc;
- Nếu bị ốm đau hoặc tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục: Thông báo trước ít nhất 03 ngày.
2/ Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn
- Thông báo ít nhất 03 ngày trong các trường hợp:
- Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;
- Không được trả lương đầy đủ hoặc đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;
- Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;
- Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;
- Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
- Thông báo ít nhất 30 ngày trong trường hợp bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Như vậy, nếu viên chức không thuộc các trường hợp nêu trên hoặc không đáp ứng các điều kiện về thời gian báo trước thì sẽ bị coi là nghỉ việc trái luật.
Tự ý bỏ việc, viên chức có phải bồi thường gì?
Chỉ có các trường hợp đã nêu ở trên thì viên chức được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đúng luật. Khi đó, nếu nghỉ việc, viên chức sẽ không phải bồi thường bất kỳ một khoản tiền nào.
Ngược lại, nếu nghỉ việc trái luật, viên chức có thể phải bồi thường chi phí đào tạo bởi theo khoản 3 Điều 35 Luật Viên chức 2010:
Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.
Đồng thời, theo Điều 7 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, viên chức phải bồi thường chi phí đào tạo khi:
- Tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo;
- Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa thực hiện đủ thời gian cam kết.
Do đó, nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì viên chức phải đền bù chi phí đào tạo (nếu có).