Đề thi giữa kì 1 Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức - Đề số 4
Nằm trong bộ đề Đề kiểm tra giữa kì 1 Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức, Đề thi giữa học kì 1 môn tiếng Việt lớp 4 sách Kết nối tri thức có đáp án giúp các em học sinh ôn tập kiến thức hiệu quả.
Đề thi giữa học kì 1 lớp 4 môn tiếng Việt Kết nối tri thức có đáp án
1. Đề thi Tiếng Việt lớp 4 giữa học kì 1 Kết nối tri thức
A. PHẦN ĐỌC HIỂU
I. Đọc thầm đoạn văn sau
TẤM LÒNG THẦM LẶNG
Ngày nọ, bố tôi lái xe đưa ông chủ đi tham dự một buổi họp quan trọng tại một thành phố khác. Trong lúc nghỉ ở giữa đường, mấy cậu bé đang chơi quanh đấy hiếu kì kéo đến vây quanh, ngắm nghía và sờ mó chiếc xe sang trọng. Thấy một cậu bé trong nhóm đi cà nhắc vì bị tật ở chân, ông chủ liền bước ra khỏi xe, đến chỗ cậu bé và hỏi:
- Cháu có muốn đôi chân được lành lặn bình thường không?
- Chắc chắn là muốn ạ! Nhưng sao ông lại hỏi cháu như thế? – Cậu bé ngạc nhiên trước sự quan tâm của người xa lạ.
… Chiều hôm đó, theo lời dặn của ông chủ, bố tôi đã đến gặp gia đình cậu bé có đôi chân tật nguyền ấy.
- Chào chị!- Bố tôi lên tiếng trước. – Chị có phải là mẹ cháu Giêm-mi không? Tôi đến đây để xin phép chị cho chúng tôi đưa Giêm-mi đi phẫu thuật để đôi chân cháu trở lại bình thường.
- Thế điều kiện của ông là gì? Đời này chẳng có ai có gì cho không cả. – Mẹ Giêm-mi nghi ngờ nói.
Trong gần một tiếng đồng hồ sau đó, bố tôi kiên nhẫn giải thích mọi chuyện và trả lời mọi câu hỏi của hai vợ chồng. Cuối cùng, hai người đồng ý cho Giêm-mi phẫu thuật.
Kết quả cuối cùng hết sức tốt đẹp. Đôi chân Giêm-mi đã khỏe mạnh và lành lặn trở lại. Giêm-mi kể cho bố tôi nghe mơ ước được trở thành doanh nhân thành công và sẽ giúp đỡ những người có hoàn cảnh không may mắn như cậu.
Về sau, cậu bé Giêm-mi may mắn ấy trở thành một nhà kinh doanh rất thành đạt như mơ ước của mình. Đến tận khi qua đời, theo tôi biết, Giêm-mi vẫn không biết ai là người giúp đỡ ông chữa bệnh hồi đó… Nhiều năm trôi qua, tôi luôn ghi nhớ lời ông chủ đã nói với bố tôi: “Cho đi mà không cần phải nhận lại sẽ là niềm vui lâu dài”.
Bích Thủy
Dựa vào nội dung bài đọc, khoanh vào chữ đặt trước câu trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1. Cậu bé trong câu chuyện gặp điều không may gì? (M1)
A. bị tật ở chân
B. bị ốm nặng
C. bị khiếm thị
D. bị tật ở tay
Câu 2. Ông chủ đã làm gì cho cậu bé? (M1)
A. Cho cậu một số tiền lớn để cậu có vốn làm ăn buôn bán.
B. Đến nhà chữa bệnh cho cậu.
C. Nói với người lái xe riêng đến nhà thuyết phục cha mẹ cậu và cậu bé đi chữa bệnh.
D. Nói với người lái xe riêng đến nhà đưa tiền cho cha mẹ cậu
Câu 3. Tại sao ông chủ lại bảo người lái xe của mình làm việc đó? (M2)
A. Vì ông không có thời gian.
B. Vì ông không muốn gia đình người được giúp đỡ biết mình.
C. Vì ông ngại xuất hiện.
D. Vì ông không thích người nghèo.
Câu 4. Câu chuyện muốn nói với em điều gì? (M3)
A. Hãy giúp đỡ các trẻ em nghèo, bệnh tật.
B. Hãy giúp đỡ người khác nếu mình giàu có.
C. Hãy mặc kệ người khác nếu mình không thích.
D. Hãy giúp đỡ người khác một cách thầm lặng mà không cần đòi hỏi phải được cảm ơn
Câu 5. Xếp các danh từ in đậm trong đoạn văn sau và ghi vào bảng theo 2 loại danh từ: (M1)
Núi/ Sam thuộc làng/ Vĩnh Tế. Làng có miếu/ Bà Chúa Xứ, có lăng/ Thoại Ngọc Hầu
Danh từ chung | |
Danh từ riêng |
Câu 6. Tìm 2 – 3 động từ chỉ trạng thái (cảm xúc, tình cảm) của em: (M2)
A. Khi bị cha mẹ phê bình: ……………………………………………………..
B. Khi đạt được điểm cao trong bài kiểm tra: ………………………
B. PHẦN ĐỌC THÀNH TIẾNG
Học sinh bốc thăm chọn một trong 5 bài sau để đọc thành tiếng một đoạn khoảng 85 tiếng trong thời gian 1 phút và trả lời câu hỏi ở cuối mỗi bài phần (?) trong SGK Tiếng Việt 4 - tập 1
1. Thi nhạc ( Tiếng việt 4 tập 1, trang 12)
2. Công chua và người dẫn chuyện ( Tiếng việt 4 tập 1, trang 20)
3. Nghệ sĩ trống ( Tiếng việt 4 tập 1, trang 26)
4. Nhà phát minh 6 tuổi ( Tiếng việt 4 tập 1, trang 51)
5. Con vẹt xanh ( Tiếng việt 4 tập 1, trang 55)
C. PHẦN VIẾT
1. MÔN CHÍNH TẢ
Giáo viên đọc cho học sinh viết bài “ Con vẹt xanh ”
(từ Một hôm, … đến - Vẹt à, dạ ) (TV 4 tập 1- SGK/ 55)
2. MÔN TẬP LÀM VĂN
Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe mà em yêu thích nhất.
2. Đáp án Đề thi Tiếng Việt lớp 4 giữa học kì 1 Kết nối tri thức
A. PHẦN ĐỌC HIỂU
Mỗi câu đúng được 1 điểm.
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 |
Đáp án | A | C | B | D |
Câu 5. Xếp các danh từ in đậm trong đoạn văn sau và ghi vào bảng theo 2 loại danh từ:
Danh từ chung | Núi, làng, miếu, lăng |
Danh từ riêng | Sam, Vĩnh Tế, Bà Chúa Xứ, Thoại Ngọc Hầu |
Câu 6. Tìm 2 – 3 động từ chỉ trạng thái (cảm xúc, tình cảm) của em:
A. Khi bị cha mẹ phê bình: buồn rầu, lo sợ, chán nản, hối hận
B. Khi đạt được điểm cao trong bài kiểm tra: vui sướng, tự hào, hạnh phúc
B. PHẦN ĐỌC THÀNH TIẾNG
* Biểu điểm: Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi : 5 điểm.
* Yêu cầu đọc: HS đọc trơn, đúng, liền mạch các từ , cụm từ trong câu, giọng đọc to, rõ ràng: (3 điểm).
+ HS đọc sai dưới 3 tiếng: 3 điểm.
+ HS đọc sai 3 - 5 tiếng: 2,5 điểm.
+ HS đọc sai 6 – 10 tiếng : 2 điểm.
+ HS đọc sai 11 – 15 tiếng: 1 điểm.
+ HS đọc sai trên 16 tiếng: 0 điểm.
* Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, tốc độ đọc khoảng 85 chữ/phút (0, 5đ)
* Trả lời đúng câu hỏi do GV nêu: 0, 5 điểm. Không trả lời được hoặc sai ý: 0 điểm.
* GV cắt các bài tập đọc dưới đây thành phiếu cho HS đọc.
- Thi nhạc ( Tiếng việt 4 tập 1, trang 12)
- Công chua và người dẫn chuyện ( Tiếng việt 4 tập 1, trang 20)
- Nghệ sĩ trống ( Tiếng việt 4 tập 1, trang 26)
- Nhà phát minh 6 tuổi ( Tiếng việt 4 tập 1, trang 51)
- Con vẹt xanh ( Tiếng việt 4 tập 1, trang 55)
C. PHẦN VIẾT
1. MÔN: CHÍNH TẢ (4 điểm)
- Viết đúng chính tả toàn bài, trình bày sạch đẹp : 4 điểm.
- Sai một lỗi trừ 0,25 điểm, không tính lỗi lặp lại.
- Trình bày cẩu trả, chữ viết không đúng độ cao, bẩn trừ 0,5 điểm
2. MÔN: TẬP LÀM VĂN: (6 điểm)
Hình thức: (1 điểm.)
Trình bày, chữ viết, bố cục 3 phần, đúng thể loại yêu cầu, không sai quá 2 lỗi chính tả trở lên, đảm nội dung yêu cầu bài.
Nội dung: (4 điểm.)
Mở bài: Giới thiệu câu chuyện theo cách mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp.
Thân bài: Kể câu chuyện theo trình tự các sự việc, chú ý kể đủ các nhân vật, tình huống chính,...của câu chuyện.
Kết bài: Nêu suy nghĩ, cảm xúc,...và những liên tưởng, suy luận về câu chuyện (theo cách kết bài mở rộng) hoặc chỉ nêu suy nghĩ, cảm xúc
Diễn đạt: (1 điểm.)
Viết câu đúng ngữ pháp, dùng từ sát hợp, sinh động. Câu văn có sử dụng biện pháp so sánh, nhân hoá. Diễn đạt trôi chảy, lời văn tự nhiên, thể hiện được tình cảm chân thật ( Tuỳ mức độ diễn đạt mà trừ bài của học sinh)
Bài làm:
Viết bài văn kể lại Sự tích chú Cuội
Trong rất nhiều truyện cổ tích đã đọc, em thích nhất là "Sự tích chú Cuội". Câu chuyện không chỉ nhắc đến nguồn gốc của chú Cuội mà còn đem đến cho em nhiều bài học ý nghĩa.
Truyện kể về chàng tiều phu tên Cuội. Một lần vào rừng, anh ta thấy cảnh đám hổ con đã chết được hổ mẹ mớm cho loại lá kì lạ. Từ đó, phát hiện ra loài cây có khả năng "cải tử hoàn sinh". Vì tò mò, Cuội đã mang cây về trồng và giúp đỡ được rất nhiều người. Có hôm, Cuội đi trên đường và phát hiện ra một con chó đáng thương nằm chết bên đường. Thương hại, anh ta lấy lá cây cứu sống nó rồi mang về nhà nuôi. Chú chó cũng biết ơn ân nhân, luôn quấn quýt chủ không rời nửa bước. Một lần, Cuội cứu sống con gái phú ông. Cô gái tỉnh dậy thì vô cùng biết ơn, nguyện theo Cuội về nhà. Phú ông cũng rất vừa lòng, quyết định gả luôn con gái cho anh. Thế là Cuội có vợ. Hai vợ chồng sống với nhau vô cùng hòa thuận, hạnh phúc.
Lúc bấy giờ, trong làng có một bọn cướp chuyên. Chúng biết Cuội có thể hồi sinh người chết, đem lòng ghen ghét, nhân lúc anh ta đi vắng đã giết vợ Cuội và quẳng bộ lòng đi. Chàng Cuội trở về thấy vợ chết thì đau khổ vô cùng, cố hết sức lấy lá cây chữa trị. Thế nhưng do không còn bộ lòng, Cuộc không thể nào hồi sinh vợ được. Chú chó trung thành thương chủ, nguyện dâng hiến bộ lòng của mình. Nhờ vậy mà vợ Cuội sống lại. Sau đó, Cuội đắp một bộ lòng bằng đất cho chú chó và thành công hồi sinh nó. Cả gia đình lại vui vẻ, thuận hòa chung sống.
Tuy nhiên, vợ Cuội sau khi sống lại lại trở nên hay quên. Cuội lúc nào cũng nhắc vợ phải tưới cây bằng nước giếng trong. Thế nhưng dặn rồi nàng ta lại quên luôn. Trong một lần Cuội đi vắng, người vợ đã tưới nước bẩn cho cây thần. Cái cây cứ vậy bật gốc, dần bay lên trời. Đúng lúc đó thì Cuội trở về. Do tiếc cây, anh ta đã túm lấy rễ, cố kéo cái cây về lại nhưng vô ích. Thế là cả người cả cây bay lên cung trăng.
Qua "Sự tích chú Cuội", em đã nhận ra rằng sự sống của con người là có hạn. Thế nên chúng ta cần biết trân trọng hiện tại, đối đãi tử tế với tất cả mọi người. Có như vậy, cuộc sống mới trở nên có ý nghĩa.
3. Ma trận Đề thi Tiếng Việt lớp 4 giữa học kì 1 Kết nối tri thức
Chủ đề | Mức 1 | Mức 2 | Mức 3 | Tổng | ||||
TN | TL | TN | TL | TN | TL | |||
Đọc hiểu văn bản | Số câu | 2 | 1 | 1 | 4 | |||
Câu số | 1,2 | 3 | 4 | 1,2,3,4 | ||||
Số điểm | 2 | 1 | 1 | 4 | ||||
Kiến thức TV | Số câu | 1 | 1 | 1 | ||||
Câu số | 5 | 6 | 5,6 | |||||
Số điểm | 1 | 1 | 2 | |||||
Tổng số câu | 3 |
| 1 | 1 |
| 1 | 6 | |
Tổng số điểm | 3 | 2 | 1 | 6 |
Xem thêm các đề thi khác: