Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề ôn thi giữa kì 1 Tiếng Việt lớp 4 Chân trời sáng tạo - Đề 4

Đề thi giữa học kì 1 môn Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo có đáp án, giúp thầy cô xây dựng đề thi giữa kì 1 cho học sinh của mình hiệu quả hơn.

Đề thi giữa kì 1 Tiếng Việt lớp 4 Chân trời sáng tạo - Đề 4

A. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)

I. Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- GV cho học sinh đọc văn bản bài “Những ngày hè tươi đẹp” (trang 10) Tiếng Việt 4 Tập 1 - (Chân trời sáng tạo)

- Dựa vào nội dung bài đọc, HS trả lời câu hỏi: Trước khi trở lại thành phố, bạn nhỏ hứa sẽ làm gì? Việc làm đó có ý nghĩa như thế nào?

II. Đọc thầm và làm bài tập: (6 điểm)

Đọc đoạn văn sau:

CHIẾC LÁ

Chim sâu hỏi chiếc lá:

– Lá ơi, hãy kể chuyện cuộc đời bạn cho tôi nghe đi!

– Bình thường lắm, chẳng có gì đáng kể đâu!

– Bạn đừng có giấu! Nếu bình thường vậy, sao bông hoa kia lại có vẻ rất biết ơn bạn?

– Thật mà! Cuộc đời tôi rất bình thường. Ngày nhỏ, tôi là một búp non. Tôi lớn dần lên thành một chiếc lá và cứ là chiếc lá như thế mãi cho đến bây giờ.

– Thật như thế sao? Có khi nào bạn biến thành hoa, thành quả, thành một ngôi sao, thành ông Mặt Trời đem lại niềm vui cho mọi người như trong các câu chuyện cổ tích mà bác gió thường rì rầm kể suốt đêm ngày chưa?

– Chưa. Chưa một lần nào tôi biến thành một thứ gì khác tôi cả. Suốt đời, tôi chỉ là một chiếc lá nhỏ nhoi bình thường.

– Thế thì chán thật! Cuộc đời bạn bình thường thật! Bông hoa kia đã làm tôi thất vọng. Hoa ơi, bạn chỉ khéo bịa chuyện!

– Tôi không bịa tí nào đâu! Mãi mãi tôi kính trọng những chiếc lá bình thường như thế. Chính nhờ họ mới có chúng tôi: những hoa, những quả, những niềm vui mà bạn vừa nói trên kia.

Theo Trần Hoài Dương

Câu 1. Trong câu chuyện trên, có những nhân vật nào nói với nhau? (0,5 điểm)

A. Chim sâu và bông hoa.

B. Chim sâu và chiếc lá.

C. Bông hoa và chiếc lá.

D. Chim sâu, bông hoa và chiếc lá.

Câu 2. Vì sao bông hoa biết ơn chiếc lá? (0,5 điểm)

A. Vì lá suốt đời chung thủy, vẫn là một chiếc lá.

B. Vì lá đem lại sự sống cho cây.

C. Vì lá có lúc biến thành Mặt Trời đem lại niềm vui cho mọi người.

D. Vì lá có lúc biến thành ngôi sao.

Câu 3. Câu chuyện muốn nói với em điều gì? (0,5 điểm)

A. Hãy biết quý trọng những người bình thường.

B. Vật bình thường mới đáng quý.

C. Cuộc đời của lá cây thật buồn chán.

D. Lá cây vẫn mãi chỉ là lá cây.

Câu 4. Các danh từ riêng dưới đây đều chưa được viết hoa, em hãy phát hiện và viết lại cho đúng: (1 điểm)

Mặt sông hắt ánh nắng chiếu thành một đường quanh co trắng xóa. Nhìn sang phải dãy núi trác nối liền với dãy núi đại huệ xa xa. Trước mặt chúng tôi giữa hai dãy núi là nhà bác hồ.

Câu 5. Em hãy xếp các từ được gạch chân vào các nhóm thích hợp: (1 điểm)

Nhưng chính chuồn chuồn kim lại dẫn đường cho Mai đến với khu vườn kì diệu. Cơn mưa buổi sáng đã gột sạch bụi bặm trên những tàu lá. Những đốm nắng vàng đậu trên thảm cỏ, mấy con bọ ngựa màu xanh đang ngủ say trên tàu lá chuối, vài con cánh cam vừa cựa mình, hai con bướm trắng đang khẽ rung đôi cánh mềm mại như sắp sửa bay lên.

(Theo Dương Hằng)

- Danh từ chỉ người: ..............................................................

- Danh từ chỉ vật: ...................................................................

- Danh từ chỉ hiện tượng tự nhiên: ........................................

................................................................................................

Câu 6. Em hãy gạch chân dưới các động từ trong câu sau: (1 điểm)

Đôi chim cu chọn chỗ xây tổ trên cây thị – nơi có nhiều mầm non vừa nhú.

Câu 7. (1,5 điểm)

 10 Đề thi Giữa kì 1 Tiếng Việt lớp 4 Chân trời sáng tạo (có đáp án + ma trận)

a) Tìm các danh từ chỉ con vật và đồ vật trong bức tranh trên:

................................................................................................

................................................................................................

b) Đặt một câu kể với danh từ chỉ con vật vừa tìm được:

................................................................................................

................................................................................................

II. PHẦN KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)

1. Nghe – viết (4 điểm)

TUỔI NGỰA

(Trích)

Tuổi con là tuổi Ngựa

Nhưng mẹ ơi đừng buồn

Dẫu cách núi cách rừng

Dẫu cách sông cách bể

Con tìm về với mẹ

Ngựa con vẫn nhớ đường.

Xuân Quỳnh

2. Tập làm văn (6 điểm)

Em hãy viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe nói về lòng trung thực.

Đáp án:

I. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)

1. Đọc thành tiếng (4 điểm)

- Đọc trôi chảy, lưu loát, ngắt nghỉ hơi đúng chỗ, tốc độ đạt yêu cầu đạt 4 điểm. Tùy theo mức độ đọc của học sinh mà giáo viên cho điểm.

- Trả lời câu hỏi:

+ Trước khi trở lại thành phố, bạn nhỏ hứa sẽ tập hợp sách để gửi về làm tủ sách ở đình làng.

+ Việc làm này cho thấy cậu bé là người có tinh thần xây dựng làng quê trở nên tốt đẹp hơn, đồng thời là một người bạn tốt, có tấm lòng cao cả.

2. Đọc thầm và làm bài tập: (6 điểm)

Câu 1. (0,5 điểm)

D. Chim sâu, bông hoa và chiếc lá.

Câu 2. (0,5 điểm)

B. Vì lá đem lại sự sống cho cây.

Câu 3. (0,5 điểm)

A. Hãy biết quý trọng những người bình thường.

Câu 4. (1 điểm)

Sửa:

Mặt sông hắt ánh nắng chiếu thành một đường quanh co trắng xóa. Nhìn sang phải dãy núi Trác nối liền với dãy núi Đại Huệ xa xa. Trước mặt chúng tôi giữa hai dãy núi là nhà Bác Hồ.

Câu 5. (1 điểm)

- Danh từ chỉ người: Mai

- Danh từ chỉ vật: chuồn chuồn kim, vườn, bọ ngựa, cánh cam, bướm

- Danh từ chỉ hiện tượng tự nhiên: mưa, nắng

Câu 6. (1 điểm)

Đôi chim cu chọn chỗ xây tổ trên cây thị – nơi nhiều mầm non vừa nhú .

Câu 7. (1,5 điểm)

a) - Danh từ chỉ con vật: con trâu

- Danh từ chỉ đồ vật: cái nón, cây sáo, quần áo

b) Trên triền đê, đàn trâu đang thung thăm gặm cỏ.

II. KIỂM TRA VIẾT: (10 ĐIỂM)

1. Chính tả (4 điểm)

- Viết đúng kiểu chữ thường, cỡ nhỏ (0,5 điểm):

0,5 điểm: viết đúng kiểu chữ thường và cỡ nhỏ.

0,25 điểm: viết chưa đúng kiểu chữ hoặc không đúng cỡ chữ nhỏ.

- Viết đúng chính tả các từ ngữ, dấu câu (3 điểm):

Viết đúng chính tả, đủ, đúng dấu: 3 điểm

2 điểm: nếu có 0 - 4 lỗi;

Tùy từng mức độ sai để trừ dần điểm.

- Trình bày (0,5 điểm):

0,5 điểm: nếu trình bày đúng theo mẫu, chữ viết sạch và rõ ràng.

0,25 điểm: nếu trình bày không theo mẫu hoặc chữ viết không rõ nét, bài tẩy xóa vài chỗ.

2. Luyện tập (6 điểm)

- Trình bày dưới dạng một bài văn, kể lại một câu chuyện về lòng trung thực, câu văn viết đủ ý, trình bày bài sạch đẹp, rõ ràng: 6 điểm.

- Tùy từng mức độ bài viết trừ dần điểm nếu bài viết không đủ ý, trình bày xấu, không đúng nội dung yêu cầu.

Bài làm tham khảo:

“Những hạt thóc giống” là câu chuyện hay và ý nghĩa về lòng trung thực mà em được biết đến. Bằng cách kể chuyện thú vị, kịch tính, tác giả đã thu hút người đọc vào mạch chuyện và dễ dàng truyền tải bài học ý nghĩa về lòng trung thực trong cuộc sống.

Nhân vật chính trong câu chuyện là Chôm - một cậu bé nhà nghèo hết sức bình thường, nhưng đặc biệt hiền lành và thật thà. Vị vua của đất nước mà Chôm ở là một vị vua tốt, yêu nước và thương dân. Dưới sự cai trị của ông, nhân dân yên chí làm ăn, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhưng đến nay, nhà vua đã nhiều tuổi rồi, nhưng vẫn chưa có con nối dõi nên đã ra quyết định chọn một người dân thật xứng đáng trong vương quốc để nối ngôi của mình. Nghĩ là làm. Nhà vua triệu tập toàn bộ người dân trong vương quốc lại và thông báo về tiêu chí nối ngôi. Ông phát cho mỗi người dân một nắm thóc và nói rằng sau một năm, ai trồng ra nhiều thóc nhất từ nắm thóc đó thì sẽ được nối ngôi vua.

Sau sự kiện đó, người dân cả nước hối hả cày ruộng, trồng lúa. Riêng Chôm thì loay hoay mãi chẳng thể trồng nổi một cây lúa nào. Nhìn ruộng lúa xung quanh, nhà nào cũng tươi tốt, hạt thóc căng mẩy, trĩu hết thân lúa mà Chôm ao ước. Nhìn lại ruộng nhà mình chẳng mọc nổi một mầm cây, cậu buồn bã vô cùng. Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, Chôm quyết định chấp nhận sự thật bản thân chẳng thể nào trồng được lúa từ hạt giống vua ban. Chờ ngày nhà vua triệu kiến, cậu sẽ nói sự thật với nhà vua chứ không gian dối. Dù kết quả thế nào, cậu vẫn sẽ chấp nhận.

Cuối cùng, ngày nhà vua triệu tập nhân dân đến nộp thóc cũng tới. Hòa vào dòng người nô nức chở thóc lúa, lòng Chôm nặng trĩu theo từng bước chân. Khi đứng trước cung điện, cậu bé khiến nhà vua bất ngờ vì đến tay không. Khi ngài gọi cậu vào hỏi chuyện, Chôm run run nghẹn ngào thú nhận với nhà vua rằng mình không trồng được một cây lúa nào cả. Nói rồi, cậu cúi gằm mặt xuống, chờ bản án của mình. Nhưng cậu không ngờ rằng, nhà vua không hề trách phạt, mà dịu dàng xoa đầu cậu và kéo cậu lại gần. Sau đó, nhà vua từ tốn quan sát toàn bộ người dân phía trước và nói rằng: Số thóc ta phát cho các ngươi đều đã được luộc chín kĩ, nên nó không thể nào nảy mầm được. Chỉ một lời nói đó đã làm sáng tỏ chân tướng sự việc. Những người khác vì lòng tham ngôi báu nên đã gian dối, lén trồng lúa từ hạt giống của mình. Duy chỉ có Chôm là dám nói ra sự thật, mặc kệ nguy cơ bị trách phạt. Hành động đó không chỉ cho thấy lòng trung thực mà còn thể hiện sự dũng cảm của Chôm. Và đó chính là những phẩm chất mà nhà vua cần tìm cho người kế thừa ngôi báu. Vì vậy, Chôm được nhà vua chọn là người kế thừa ngôi vua, đón vào cung để dạy dỗ. Sau này, Chôm đã trở thành một vị vua tốt mà nhân dân yêu mến, kính trọng.

Từ nhân vật cậu bé Chôm trong câu chuyện “Những hạt thóc giống”, em hiểu được ý nghĩa của tấm lòng trung thực trong cuộc sống. Nó giúp chúng ta trở thành một người được kính trọng và yêu mến. Do đó, em cũng luôn tự nhủ bản thân rằng phải sống trung thực, dám nói lên sự thật và lẽ phải.

Xem thêm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi giữa kì 1 lớp 4

    Xem thêm