Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 28: Ca Huế trên sông Hương
Giải bài tập Ngữ văn bài 28: Ca Huế trên sông Hương
Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 28: Ca Huế trên sông Hương được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 7 chuẩn bị cho bài giảng của học kỳ 2 sắp tới đây của mình. Mời các bạn tải và tham khảo
Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 27: Luyện nói: Bài văn giải thích một vấn đề
Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 27: Dùng cụm chủ - vị để mở rộng câu: Luyện tập (tiếp theo)
Ca Huế trên sông Hương
I. Kiến thức cơ bản
- Ca Huế là một sinh hoạt độc đáo của cố đô Huế: Người nghe và người hát cùng ngồi thuyền đi trên sông Hương, ca Huế thường diễn ra vào ban đêm và chủ yếu hát các làn điệu dân ca Huế.
- Nội dung: Cố đô Huế nổi tiếng không phải chỉ có các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử mà còn nổi tiếng bởi các làn điệu dân ca và âm nhạc cung đình.
Ca Huế là một hình thức sinh hoạt văn hoá – âm nhạc thanh lịch và tao nhã; một sản phẩm tinh thần đáng trân trọng, cần được bảo tồn và phát triển.
II. Hướng dẫn đọc – hiểu văn bản
Câu 1. Trước khi đọc bài này, em đã biết gì về cố đô Huế? Hãy nêu một vài đặc điểm tiêu biểu của xứ Huế mà em biết.
Huế là kinh đô của triều nhà Nguyễn (Nguyễn Ánh khi lên ngôi đã lấy Huế là nơi đóng đô). Huế nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, sông Hương, núi Ngự. Sông Hương làn nước xanh trong, dòng nước lững lờ chảy giữa lòng thành phố, làm cho thành phố càng trở nên thơ mộng. Huế còn nổi tiếng bởi cả đền đài, lăng tẩm, đền chùa, đại nội: Lăng Khải Định, lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng, chùa Bảo Quốc, chùa Từ Đàm, chùa Thiên Mụ. Thành phố Huế không ồn ào như Sài Gòn, Hải Phòng hay Hà Nội, mà rất trầm mặc yên tĩnh. Người Huế hiền lành nhỏ nhẹ rất đáng yêu, đặc biệt là những cô gái Huế.
Câu 2. Hãy thống kê các làn điệu dân ca Huế và tên những dụng cụ âm nhạc được nhắc tới trong bài văn, để thấy được sự đa dạng phong phú của hình thức ca Huế trên sông Hương.
a) Những làn điệu dân ca Huế và những dụng cụ âm nhạc được nhắc đến trong bài văn vô cùng phong phú và đa dạng:
Những làn điệu ca Huế | Những dụng cụ âm nhạc |
+ Hò: Chèo cạn, bài thai, đưa linh, giã gạo, ru em, giã gạo, ru em, giã vôi, giã điệp, bài chòi, này vung, hò lơ, hò nện.. | + Nhạc cụ: Đàn tranh, đàn nguyệt, tì bà, nhị, đàn tam, đàn bầu, sáo và cặp sanh. |
+ Lí: Lí con sáo, lí hoài xuân, lí hoài nam.. | + Các ngón đàn: Ngón nhấn, mổ, bung, ngón phi, ngón rải. |
+ Các điệu dân ca: Nam ai, nam bình, quả phụ, nam xuân, tương tư khúc, hành văn tứ đai cảnh. |
b) Các điệu ca diễn tả rất nhiều cung bậc của tình cảm thể hiện lòng khao khát, nỗi mong chờ hoài vọng thiết tha của tâm hồn Huế.
- Tứ đại cảnh: không buồn không vui.
- Hò giã gạo, giã vôi, giã điệp: Náo nức, nồng hậu tình người.
- Nam ai nam bình, quả phụ: Buồn man mác, thương cảm, bi ai.
- Chèo cạn, bài thai: Buồn bã lòng người.
Câu 3. Sau khi đọc bài văn trên, em biết thêm gì về vùng đất này?
Sau khi đọc bài văn ta hiểu thêm về nét đẹp văn hoá của xứ Huế. Đó là những cuộc biểu diễn và thưởng thức ca nhạc Huế trên sông Hương vào đêm trong gió mát làm say lòng người, ta như được đắm mình trong:
- Không gian thần tiên:
+ Thành phố lên đèn như sao sa.
+ Con thuyền rồng sang trọng.
+ Trăng lên gió mơn man dìu dịu.
+ Dòng sông gợn sóng, con thuyền bồng bềnh.
+ Ánh trăng rải vàng, sóng vỗ ru mạn thuyền.
- Con người thanh tú tao nhã:
+ Tất cả còn rất trẻ.
+ Nam mặc áo dài the, đội khăn xếp.
+ Nữ mặc áo dài, khăn đóng duyên dáng.
- Âm thanh thần tiên.
+ Tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn người
– Réo rắt du dương, nhiều cung bậc.
+ Lời ca thong thả, trang trọng, trong sáng gợi lên tình người, tình đất nước.
Câu 4. Em hãy tìm hiểu và trả lời câu hỏi sau:
a) Ca Huế được hình thành từ đâu?
Ca Huế được hình thành từ hai dòng nhạc: Nhạc dân gian và ca nhạc cung đình uy nghiêm.
b) Tại sao các điệu ca Huế được nhắc tới trong bài vừa sôi nổi, tươi vui, vừa trang trọng, uy nghi:
Vì ca Huế được bắt nguồn từ hai dòng nhạc
+ Nhạc dân gian: Mộc mạc, giản dị | đưa đến cho ca Huế giọng điệu sôi nổi, tươi vui. |
+ Nhạc cung đình: Bác học, trau chuốt | đưa đến cho ca Huế sự trang trọng, uy nghi. |
c) Tại sao có thể nói nghe ca Huế là một thú tao nhã?
“Ca Huế thanh tao, lịch sự, nhã nhặn, sang trọng và duyên dáng, từ nội dung đến hình thức, từ cách biểu diễn đến cách thưởng thức, từ ca công đến nhạc công, từ giọng ca đến trang điểm ăn mặc, cho đến không gian biểu diễn trên sông nước thơ mộng tràn đầy ánh trăng huyền ảo, ngân vang tiếng chùa cổ kính. Tất cả đã khiến cho ca Huế là một thú tao nhã – một nét đẹp độc đáo của văn hoá Huế”.
(Theo Nguyễn Xuân Lạc – Bùi Tất Tươm)
III. Hướng dẫn luyện tập
Địa phương nơi em đang sinh sống có những làn điệu dân ca nào? Hãy kể tên các làn điệu ấy.
Trên đất nước ta, mỗi miền, mỗi vùng đều có những làn điệu dân ca của riêng mình. Nổi tiếng với những làn điệu dân ca đắm say mê hoặc lòng người là dân ca quan họ Bắc Ninh. Ngoài ra có rất nhiều làn điệu khác:
- Các làn điệu dân ca Huế - Hát xoan ở đất Tổ (Phú Thọ)
- Các điệu hò ở Nam Trung Bộ - Dân ca Nam Bộ
- Hát dặm Nghệ Tĩnh - Hát Lượm của dân tộc Tày
- Hát Then của người Thái.
IV. Tư liệu tham khảo
Người ta thường nói Hà Nội đẹp và thanh lịch, Sài Gòn sôi động, xứ Huế mộng mơ. Cố đô Huế không chỉ nổi tiếng với những lăng tẩm, đền đài mà còn bởi những nét văn hoá riêng không thể trộn lẫn với một nơi nào khác. Một trong những sản phẩm văn hoá độc đáo, đa dạng và phong phú của đất cố đô chính là ca Huế. Những làn điệu ca Huế chậm rãi, du dương do chính người Huế biểu diễn đang là động lực lôi cuốn khách bốn phương đến với xứ Huế thơ mộng, êm đềm.
Ca Huế là một sinh hoạt văn hoá độc đáo không chỉ của xứ Huế mà còn của cả dân tộc. Trong ca Huế vừa có nét thâm trầm, uy nghi, sang trọng vừa có nét lịch sự, nhã nhặn, thanh tao. Người đi nghe ca Huế phải lắng tâm để cảm nhận những vẻ đẹp của tâm hồn và thiên nhiên xứ Huế. Bởi vậy nên có thể nói nghe ca Huế là một thú chơi tao nhã.
Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan