Hướng dẫn đánh giá xếp loại học sinh khuyết tật cấp Tiểu học
Cách đánh giá học sinh khuyết tật
Cách đánh giá học sinh khuyết tật, nguyên tắc đánh giá học sinh khuyết tật, cách ghi sổ theo dõi tiến bộ của học sinh khuyết tật... được VnDoc.com tổng hợp và giải đáp trong bài viết này. Mời các bạn theo dõi.
Mẫu nhận xét học sinh tiểu học theo thông tư 22
Nguyên tắc đánh giá:
Đánh giá học sinh khuyết tật học hòa nhập theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và sự tiến bộ của học sinh là chính; đảm bảo quyền được chăm sóc và giáo dục của tất cả học sinh.
Nhà trường, giáo viên căn cứ vào kết quả thực hiện Kế hoạch giáo dục cá nhân của từng học sinh; dựa vào khả năng đáp ứng các phương tiện hỗ trợ đặc thù, mức độ và loại khuyết tật để đánh giá theo cách phân loại sau:
- Học sinh khuyết tật có khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục chung được đánh giá, xếp loại dựa theo các tiêu chí như học sinh bình thường nhưng có giảm nhẹ các yêu cầu, được phép điều chỉnh về nội dung, phương pháp cho phù hợp với đối tượng học sinh theo tinh thần đã được tập huấn về “Công tác giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật bậc Tiểu học” năm học 2009 - 2010 của Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 29/10/2009.
- Học sinh khuyết tật không đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục chung được đánh giá dựa trên sự tiến bộ của học sinh (theo tiêu chí: tiến bộ rõ rệt - tiến bộ - không tiến bộ) và không xếp loại đối tượng này.
- Đánh giá kết quả học tập của học sinh khuyết tật học hòa nhập chú trọng đến sự tiến bộ trong việc rèn luyện các kỹ năng: kỹ năng xã hội, kỹ năng nhận thức, kỹ năng cá nhân…, khả năng hòa nhập đối với từng đối tượng cụ thể. Kết quả đánh giá không tính vào kết quả học tập chung của lớp nhưng được ghi nhận thành tích cho giáo viên bằng sự tiến bộ của học sinh.
Cách đánh giá:
Tất cả học sinh khuyết tật học hòa nhập mà khuyết tật của học sinh đó ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh và cần phải có sự điều chỉnh hoặc thay thế nội dung chương trình, phương pháp giáo dục đặc thù riêng cho phù hợp với đối tượng cần phải có Hồ sơ quản lý của học sinh khuyết tật học hòa nhập theo quy định bao gồm:
- Xác nhận của cơ quan y tế (hoặc của Hội đồng nhà trường) về tật: loại tật, mức độ tật (hoặc về những đặc điểm: tâm sinh lý, nhận thức…) của học sinh.
- Sổ theo dõi sự tiến bộ của học sinh (theo mẫu Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn tập huấn ngày 29/10/2009)
Đối với học sinh khuyết tật nhẹ (mức độ khuyết tật nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến việc học tập), thực hiện đánh giá như học sinh bình thường nhưng giảm các nội dung sau:
- Giảm hoặc chọn nội dung thay thế trong một số môn học mà học sinh gặp khó khăn hoặc không thể học được;
- Việc kiểm tra, đánh giá:
+ Giảm số lượng bài kiểm tra;
+ Hạ thấp mức độ yêu cầu nhưng phải tương đương với chuẩn kiến thức theo quy định;
+ Không cần kiến thức nâng cao;
+ Có thể cho nợ kết quả đánh giá và thực hiện việc đánh giá lại vào thời điểm thích hợp.
* Đối với học sinh này vẫn căn cứ vào Hồ sơ học sinh và Học bạ để xét lên lớp hay ở lại lớp vào cuối năm học.
Đối với học sinh khuyết tật nặng: mức độ khuyết tật nặng, ảnh hưởng nhiều đến việc học tập, không thể thực hiện đánh giá các môn học bằng điểm số như học sinh bình thì giáo dục các kỹ năng: kỹ năng sống, kỹ năng nhận thức, kỹ năng xã hội… và đánh giá mức độ tiến bộ của học sinh. Giáo viên cần lập kế hoạch cá nhân định kỳ (cả năm học, từng học kỳ, từng tháng…) căn cứ vào khả năng của học sinh đề ra mục tiêu, yêu cầu cụ thể để có kế hoạch giáo dục và đánh giá học sinh dựa trên các mục tiêu đó.
- Việc kiểm tra, đánh giá học sinh được thực hiện bằng nhiều hình thức cho phù hợp với đối tượng và đều được ghi nhận để lưu vào Hồ sơ học sinh.
+ Các hình thức kiểm tra, đánh giá: Làm bài tập, phỏng vấn, theo dõi đánh giá…
+ Ghi lại hình thức kiểm tra
+ Lưu lại kết quả kiểm tra (bài kiểm tra, sản phẩm làm được, kết quả kiểm tra…)
- Cuối năm Hiệu trưởng là người quyết định việc lên lớp hay ở lại lớp của học sinh và ghi lại đầy đủ nhận xét về các kỹ năng theo tiêu chí: đạt – chưa đạt. Giáo viên tiếp nhận học sinh căn cứ vào hồ sơ và đánh giá xếp loại của các năm học trước để lập kế hoạch cá nhân, xây dựng kế hoạch giáo dục cho học sinh đó.
Gợi ý đánh giá kết quả giáo dục học sinh khuyết tật học hòa nhập
Theo tài liệu “Sổ tay Giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật dành cho giáo viên Tiểu học” – Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam năm 2009 (trang 63 – 65) và tinh thần của Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT, Sở Giáo dục và Đào tạo quy định cách đánh giá xếp loại học sinh khuyết tật học hòa nhập như sau:
1. Học sinh khiếm thị
Đánh giá kỹ năng xã hội: Như học sinh bình thường.
Đánh giá kết quả học tập:
Môn Mỹ thuật, Âm nhạc: Đánh giá như học sinh bình thường. Đối với môn Mỹ thuật có thể thay hình thức vẽ sang nặn hoặc xé, dán.
Môn Thể dục: đánh giá như học sinh bình thường với các bài tập thể dục. Đối với các hoạt động khác có thể thay chạy hoặc nhảy xa bằng đi và định hướng theo nguồn âm.
Môn Toán: Đánh giá như học sinh bình thường từ lớp 1 đến lớp 4. Phần phân số lớp 5 cần giảm số lượng bài tập (do phải mất nhiều thời gian để nhận biết các số hoặc thể hiện chữ nổi).
Môn Tiếng Việt: Đánh giá như học sinh bình thường bằng cỡ chữ thích hợp hoặc chữ nổi.
Phân môn Tập làm văn: Đánh giá như học sinh bình thường với phần kể chuyện. Đối với hoạt động tả thực, quan sát bằng mắt đổi sang tả bằng sờ.
Phân môn Tập viết: Đánh giá viết bằng cỡ chữ thích hợp hoặc chữ nổi.
Hạ thấp một số yêu cầu như: đẹp, thẳng hàng, đúng mẫu…
2. HS khiếm thính
Đánh giá kỹ năng xã hội: Như học sinh bình thường.
Đánh giá kết quả học tập:
Môn Thể dục, Mỹ thuật, Thủ công: Đánh giá như học sinh bình thường. Riêng môn Âm nhạc có thể được miễn hoặc học đánh nhịp bằng tay, vận động cơ thể theo giai điệu của bài hát.
Môn Tự nhiên và Xã hội, Môn Đạo đức và môn Toán: Đánh giá như học sinh bình thường, chỉ thay đổi phương pháp đánh giá (chủ yếu là biểu đạt bằng ngôn ngữ cử chỉ).
Môn Tiếng Việt:
- Phân môn Tập đọc: Chủ yếu kiểm tra khả năng đọc hiểu, chú ý đến nội dung chính, không quá chú trọng đến từ đơn lẻ; không nằm trong ngữ cảnh. Dựa trên khả năng của học sinh, giáo viên có thể áp dụng một trong các hình thức sau đây:
+ Đọc hiểu thành lời (đối với học sinh có khả năng nói).
+ Hiểu từng từ.
+ Hiểu nội dung cụm từ và câu.
+ Hiểu nội dung chính của đoạn.
+ Đọc hiểu: hiểu nội dung chính của bài (học sinh hiểu mình đọc gì).
Phân môn Chính tả:
+ Đối với học sinh không nghe và không nói được cần kết hợp nhìn miệng, chữ cái ngón tay, cử chỉ điệu bộ để diễn ý.
+ Đối với học điếc nặng có thể cho phép học chép bài.
Phân môn Kể chuyện:
+ Kể chuyện qua tranh: học sinh biểu đạt qua ngôn ngữ cử chỉ, kể theo các chi tiết có trong tranh.
+ Kể chuyện qua trí nhớ: có thể không nhớ được toàn bộ nội dung thì học sinh chỉ cần biểu đạt có sự kiện gì xảy ra trong bối cảnh nào.
Phân môn Tập làm văn: Đánh giá theo yêu cầu các nội dung (ý). Chấp nhận đặc thù về câu ngược, từ ngược và lỗi chính tả.
Phân môn Từ ngữ – Ngữ pháp:
+ Hiểu một số từ đơn giản, làm bài tập từ ngữ lựa chọn từ điền vào ô trống.
+ Viết câu đơn giản (hai thành phần chính).
3. Học sinh chậm phát triển trí tuệ (học sinh khuyết tật trí tuệ)
Đánh giá kĩ năng xã hội:
Đánh giá định tính dựa vào mục tiêu, kế hoạch giáo dục cá nhân theo các tiêu chí tiến bộ rõ rệt – có tiến bộ – ít tiến bộ.
Đánh giá kết quả học tập:
Môn Thể dục, Mỹ thuật và Thủ công: Đánh giá như học sinh bình thường.
Môn Tự nhiên và Xã hội, Âm nhạc và Đạo đức: Hạn chế khối lượng kiến thức và độ sâu kiến thức.
Môn Tiếng Việt, Toán: Đánh giá định tính dựa vào mục tiêu, kế hoạch giáo dục cá nhân theo các tiêu chí đạt – chưa đạt hoặc tiến bộ rõ rệt – tiến bộ – ít tiến bộ.
4. Học sinh khuyết tật ngôn ngữ - giao tiếp
Đánh giá các kỹ năng xã hội: Như học sinh bình thường.
Đánh giá kết quả học tập:
Môn Mĩ thuật; Môn thể dục; Môn Tự nhiên và Xã hội; Môn Đạo đức; Môn Toán: Đánh giá như học sinh bình thường.
Môn Tiếng Việt: Đánh giá như học bình thường tất cả các phân môn. Riêng phân môn Tập đọc cần được đánh giá dựa vào mục tiêu và kế hoạch giáo dục cá nhân theo các tiêu chí đạt – chưa đạt hoặc tiến bộ rõ rệt – có tiến bộ – ít tiến bộ.
Ngoài ra nhà trường có thể sử dụng những nội dung trong tài liệu “Sổ tay Giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật dành cho giáo viên Tiểu học” – Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam năm 2009 để thực hiện công tác giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật: Điều chỉnh trong giáo dục hòa nhập; Đánh giá khả năng, nhu cầu và lập kế hoạch cán nhân của học sinh khuyết tật; Đánh giá sự tiến bộ của học sinh khuyết tật; Đánh giá tiết dạy hòa nhập; Một số mẫu hồ sơ học sinh khuyết tật để áp dụng linh hoạt, thuận tiện và phù hợp với đối tượng học sinh và thực tế địa phương.