Lí thuyết đọc hiểu văn bản
Chỉ còn vài ngày ngắn ngủi nữa là các em học sinh lớp 12 bước vào kì thi THPT Quốc gia. Trong giai đoạn nước rút này, bên cạnh việc tập trung ôn tập, tổng hợp kiến thức, các em học sinh cũng cần lưu tâm cách làm bài môn Ngữ văn 12 để đạt kết quả cao trong bài thi sắp tới.
Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 12 và 2k2 quyết tâm đỗ đại học
Chuyên đề đọc - hiểu văn bản
VnDoc xin gửi tới các em Lí thuyết đọc hiểu văn bản với mong muốn giúp đỡ các em rút ra kinh nghiệm cho bài thi của mình và đạt một kết quả như mong muốn. Bài viết bao gồm những mục lưu ý quan trọng trong bài làm đọc hiểu văn bản mà đội ngũ giáo viên của VnDoc đã tổng hợp và đúc kết để gửi tới các em.
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hình thức sao chép nhằm mục đích thương mại.
A. Các phương thức biểu đạt trong văn bản
1. Tự sự
Khái niệm
Tự sự là dùng ngôn ngữ để kể một chuỗi sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng tạo thành một kết thúc. Ngoài ra, người ta không chỉ chú trọng đến kể việc mà còn quan tâm đến việc khắc hoạ tính cách nhân vật và nêu lên những nhận thức sâu sắc, mới mẻ về bản chất của con người và cuộc sống.
Ví dụ:
Ngày xưa bố Mị lấy mẹ Mị không đủ tiền cưới, phải đến vay nhà thống lí, bố của thống lí Pá Tra bây giờ. Mỗi năm đem nộp lãi cho chủ nợ một nương ngô. Đến tận khi hai vợ chồng về già mà cũng chưa xong nợ. Người vợ chết, cũng chưa trả hết nợ.
2. Miêu tả
Khái niệm
Miêu tả là dùng ngôn ngữ làm cho người nghe, người đọc có thể hình dung được cụ thể sự vật, sự việc như đang hiện ra trước mắt hoặc nhận biết được thế giới nội tâm của con người.
Ví dụ:
Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây - nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả. Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch, và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu “bốn bề núi phủ mây phong - mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng vạn niên”. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lý, như cổ thụ, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà...
3. Biểu cảm
Khái niệm
Biểu cảm là dùng ngôn ngữ để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình về thế giới xung quanh; bày tỏ quan điểm, thái độ của người nói, người viết trước sự vật, sự việc.
Ví dụ:
Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng;
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen.
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm;
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
(Tôi yêu em - Puskin)
4. Thuyết minh
Khái niệm
Thuyết minh là cung cấp, giới thiệu, giảng giải,… một cách chính xác những tri thức về một sự vật, hiện tượng nào đó cho những người cần biết nhưng còn chưa biết.
Ví dụ:
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á... Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam.
5. Nghị luận
Khái niệm
Nghị luận là phương thức chủ yếu được dùng để bàn bạc phải trái, đúng sai nhằm bộc lộ rõ chủ kiến, thái độ của người nói, người viết rồi dẫn dắt, thuyết phục người khác đồng tình với ý kiến của mình.
Ví dụ:
6. Hành chính – công vụ
Khái niệm
Hành chính - công vụ là phương thức dùng để giao tiếp giữa Nhà nước với nhân dân, giữa nhân dân với cơ quan Nhà nước, giữa cơ quan với cơ quan, giữa nước này và nước khác trên cơ sở pháp lí (thông tư, nghị định, đơn từ, báo cáo, hóa đơn, hợp đồng…)
Ví dụ:
Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai
1. Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
(Điều 228, Bộ luật Hình sự 2015)
B. Các thao tác lập luận trong văn bản
1. Thao tác lập luận giải thích
Khái niệm
Giải thích là cắt nghĩa một sự vật, hiện tượng, khái niệm để người khác hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề. Giải thích trong văn nghị luận là làm cho người đọc hiểu rõ được tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm.
Ví dụ
Giữ chữ tín là coi trọng niềm tin của người khác đối với mình, biết thực hiện lời hứa của mình với người khác đúng hẹn; thực hiện những việc mà bản thân đã nói để người khác thêm tin tưởng và yêu quý.
2. Thao tác lập luận phân tích
Khái niệm
Phân tích là cách chia nhỏ đối tượng thành nhiều yếu tố bộ phận để đi sâu xem xét một cách toàn diện từng khía cạnh về nội dung, hình thức của đối tượng làm cho người khác hiểu rõ bản chất của vấn đề mà chúng ta đang nhắc tới.
Ví dụ
Cuộc sống luôn phức tạp và đầy thử thách vô vàn mà không ai chưa một lần trải qua. Sau những lần như thế ta biết tự xoa dịu mình hơn, sống tốt hơn và có kinh nghiệm thật nhiều, bước gần hơn đến đỉnh điểm của sự quang vinh. Tâm hồn ta từ khi sinh ra đã thật trong sáng nhưng sau bao lần vấp ngã lại trở nên trưởng thành. Nếu ta sống mà không biết nghĩ đến những điều xa hơn mà chỉ biết bi quan, u sầu với nỗi buồn hiện tại thì chắc hẳn rằng cuộc sống bạn không sinh động, không tươi vui như bao người khác. Bạn chỉ biết dậm chân tại chỗ mà không chịu di chuyển về phía trước bằng niềm tin. Thất bại trước một việc gì đó, có thể rằng nó sẽ khiến bạn buồn nhưng hãy chỉ xem đó là bàn đạp để mình chững chạc hơn.
3. Thao tác lập luận chứng minh
Khái niệm
Chứng minh là dùng những bằng chứng chân thực, những tấm gương tiêu biểu đã được thừa nhận để chứng tỏ đối tượng, bổ sung, minh cứng cho vấn đề mình đang bàn luận là đúng, là chính xác. Các dẫn chứng phải phong phú, tiêu biểu, toàn diện sát hợp với vấn đề cần chứng minh, sắp xếp dẫn chứng phải logic, chặt chẽ và hợp lí.
Ví dụ
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về sự vượt khó. Bác ra đi bằng hai bàn tay trắng và chính sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong làm việc và học tập của mình nên Bác không chỉ thông thạo nhiều thứ tiếng mà còn giúp nước nhà giành lại độc lập tự do.
4. Thao tác lập luận so sánh
Khái niệm
So sánh là làm sáng tỏ đối tượng đang nghiên cứu trong mối tương quan với đối tượng khác, dùng đối tượng khác có nét tương đồng hoặc tương phản để giúp người đọc, người nghe thêm hiểu biết về đối tượng mà chúng ta nhắc đến.
Ví dụ
Nếu nhà thơ Chính Hữu viết về hình ảnh người lính với những nét mộc mạc, giản dị, đơn sơ từ xuất thân đến hoàn cảnh sống của họ để bộc lộ tình cảm yêu thương, gắn bó thiết tha và tinh thần quyết chiến trong họ thì tác giả Trần Nhật Duật lại khắc họa người lính với những nét tươi vui, trẻ trung, yêu đời, yêu cuộc sống, luôn lạc quan hướng về phía trước với tinh thần kiên cường, dũng cảm vô cùng đáng yêu.
5. Thao tác lập luận bình luận
Khái niệm
Bình luận là bàn bạc, nhận xét, nêu lên quan điểm, đánh giá về một vấn đề.
Cách bình luận: Trình bày rõ ràng, trung thực vấn đề được bình luận, đề xuất và chứng tỏ được ý kiến nhận định, đánh giá là xác đáng. Thể hiện rõ chủ kiến của mình.
Ví dụ
"Một con người cũng vậy, tư tưởng, đạo đức, cái quyết định không phải là hình thức bên ngoài mà là phẩm chất tư tưởng, đạo đức của người đó. Hình thức bên ngoài: Đẹp hay xấu, giảm dị hay diêm dúa… ta dễ nhận ra ngay, qua một cái nhìn nhưng còn phẩm chất bên trong, người đó nhân hậu hay ích kỉ, cao cả hay thấp hèn, trung thực hay giả đối… thì phải sống lâu với nhau mà biết được. Mà đã là con người thì cuộc sống tồn tại chủ yếu là thông qua các mối quan hệ giữa người với người.
6. Thao tác lập luận bác bỏ
Khái niệm
Bác bỏ là cách trao đổi, tranh luận nêu ý kiến sai trái, sau đó phân tích, bác bỏ ý kiến sai trái và khẳng định ý kiến đúng.
Ví dụ
Tuổi trẻ thì nên sống hết mình, hưởng thụ tối đa cuộc sống là một ý kiến hoàn toàn sai lầm. Tuổi trẻ là để lao động, để cố gắng phấn đấu xây dựng nước nhà, xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Các bạn trẻ nên được rèn luyện để trở hành những con người có ích, hăng say lao động. Sẽ ra sao nếu cả thế hệ trẻ chỉ lo hưởng thụ xa hoa mà không chịu lao động để gây dựng cuộc sống? Mỗi chúng ta chỉ được sống một lần nên hãy sống sao cho có một tuổi trẻ thật rực rỡ.
C. Phong cách chức năng ngôn ngữ văn học
1. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt
Khái niệm
Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là phong cách được dùng trong giao tiếp sinh hoạt hằng ngày, thuộc hoàn cảnh giao tiếp không mang tính nghi thức. Giao tiếp ở đây thường với tư cách cá nhân nhằm trao đổi tư tưởng, tình cảm của mình với người thân, bạn bè.
Đặc trưng
- Tính cụ thể
- Tính cá thể
- Tính cảm xúc
2. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
Khái niệm
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là phong cách được dùng trong sáng tác văn chương, nó không giới hạn về đối tượng giao tiếp, không gian và thời gian giao tiếp.
Đặc trưng
- Tính hình tượng: khắc họa nhân vật là đặc trưng cho một nhóm người, một số đối tượng nhất định trong xã hội.
- Tính truyền cảm: khiến cho bạn đọc thêm thấu hiểu, đồng cảm và yêu thương những nhân vật trong tác phẩm và rút ra bài học cho bản thân.
- Tính cá thể: nói lên quan điểm sáng tác và phong cách đặc trưng của tác giả.
3. Phong cách ngôn ngữ chính luận
Khái niệm
Phong cách ngôn ngữ chính luận là phong cách được dùng trong văn bản chính trị, có tính chặt chẽ trong suy luận và diễn đạt, thuyết phục người đọc người nghe theo quan điểm mà tác giả trình bày.
Đặc trưng
- Tính công khai về quan điểm chính trị: bình luận trực tiếp về vấn đề chính trị.
- Tính chặt chẽ trong diễn đạt và suy luận: ngôn từ chắt lọc, logic.
- Tính truyền cảm, thuyết phục: thuyết phục người đọc, người nghe theo chiều hướng phân tích của tác giả.
4. Phong cách ngôn ngữ khoa học
Khái niệm
Phong cách ngôn ngữ khoa học là phong cách được dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực nghiên cứu, học tập và phổ biến khoa học.
Đặc trưng
- Tính khái quát, trừu tượng
- Tính lí trí, logic
- Tính khách quan, phi cá thể.
5. Phong cách ngôn ngữ hành chính
Khái niệm:
Phong cách ngôn ngữ hành chính là phong cách được dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực hành chính (giữa nhà nước và nhân dân, giữa nhân dân với nhà nước, giữa các cơ quan nhà nước,...)
Đặc trưng:
- Tính khuôn mẫu
- Tính minh xác
- Tính công vụ
6. Phong cách ngôn ngữ báo chí
Khái niệm
Phong cách ngôn ngữ báo chí là kiểu diễn đạt trong văn bản thuộc lĩnh vực truyền thông đại chúng.
Đặc trưng
- Tính thông tin thời sự
- Tính ngắn gọn
- Tính sinh động, hấp dẫn.
Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:
- Tổng hợp 150 đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
- Tuyển tập bộ đề đọc hiểu môn Văn ôn thi THPT quốc gia
- Tổng hợp trắc nghiệm Địa lí 12 những bài trọng tâm
- Bộ đề thi thử THPT Quốc Gia đạt 8 điểm môn Văn năm 2020
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Lí thuyết đọc hiểu văn bản. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Để học tốt Địa lý 12, Giải Toán 12 nâng cao, Tiếng Anh lớp 12 mới, Môn Vật lý 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.
Chúc các em học tập và làm bài thật tốt.