Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nêu cảm nghĩ của em về bố En-ri-cô

Những bài văn mẫu hay lớp 7

Văn mẫu lớp 7: Nêu cảm nghĩ của em về bố En-ri-cô gồm nhiều bài văn mẫu, dàn bài hay giúp các em học sinh và phụ huynh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Nêu cảm nghĩ của em về bố En-ri-cô mẫu 1

Sự vô lễ của En-ri-cô với mẹ trước mặt cô giáo làm người bố rất đau lòng, ông cảm thấy như một nhát dao đâm vào tim: “En-ri-cô của bố ạ! Sự hỗn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy!”. Từ đau lòng, người bố chuyển sang tức giận người con vô lễ, sự tức giận của bố dường như là không thể kìm nén được khi bố nhớ lại những gì mẹ đã làm cho con khi con còn nhỏ: “bố không thể nén được cơn tức giận đối với con”. Điều này trở thành lí do người bố phải phê phán nghiêm khắc con bằng một bức thư chứa chan tình cảm.

Nêu cảm nghĩ của em về bố En-ri-côĐể cho con thấy được lỗi lầm của mình, người bố đã chỉ cho En-ri-cô thấy được tình yêu thương vô bờ bến và sự hi sinh cao cả của người mẹ đối với En-ri-cô: “Bố nhớ, cách đây mấy năm, mẹ đã phải thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con!”, và “Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn, người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con!”. Nêu ra những việc làm nhỏ nhất đến những sự hi sinh cao cả, người bố đã cho thấy được giá trị của người mẹ đối với đời sống của người con: “Hãy nghĩ kĩ điều này, En-ri-cô ạ: Trong đời con có thể trải qua những ngày buồn thảm, nhưng ngày buồn thảm nhất sẽ là ngày mà con mất mẹ”. Không chỉ hôm nay và mai sau vẫn thế: “Dù có lớn khôn, khỏe mạnh thế nào đi chăng nữa, con sẽ vẫn tự thấy mình chỉ là một đứa trẻ tội nghiệp, yếu đuối và không được chở che”. Nêu ra những điều này, người bố mong muốn En-ri-cô thấy được giá trị của người mẹ trong cuộc sống, những điều đó là tài sản vô giá mà nếu đánh mất đi, con sẽ không bao giờ tìm lại dược. Những gì hôm nay con làm mẹ buồn thì mai sau khi nhớ lại con “sẽ không thể sống thanh thản”. Khi đó “Dù có hối hận, có cầu xin linh hồn mẹ tha thứ... tất cả cũng chỉ vô ích. Lương tâm con sẽ không một phút nào yên tĩnh. Hình ảnh dịu dàng và hiền hậu của mẹ sẽ làm tâm hồn con như bị khổ hình. En-ri-cô này! Con hãy nhớ rằng, tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình thương yêu đó”.

Những lời nói của bố không phải để ghét bỏ con, đe dọa con mà thể hiện một tình thương yêu thật sự đối với con, muốn làm cho con hiểu được những giá trị đích thực của cuộc sống. Một lời yêu cầu mà bố đặt ra với con thật đẹp, thật ý nghĩa, giúp thắt chặt tình cảm mẹ con, tình cảm gia đình: “Từ nay, không bao giờ con được thốt ra một lời nói nặng với mẹ. Con phải xin lỗi mẹ, không phải vì sợ bố, mà do sự thành khẩn trong lòng. Con hãy cầu xin mẹ hôn con, để cho chiếc hôn ấy xóa đi cái dấu vết vong ân bội nghĩa trên trán con”.

Lời nói của người bố thật giản dị và thắm thiết, thể hiện tình, thương con của ông. Bố thương con nhưng bố không hề chiều con mà trái lại bố rất nghiêm khắc, một sự nghiêm khắc tích cực. Lời phê phán của bố vừa có lí, vừa có tình, vừa thể hiện tình yêu thương chân thành và trọn đạo lí: “Bố rất yêu con, En ri-cô ạ, con là niềm hi vọng thiết tha nhất của đời bố, nhưng thà rằng bố không có con, còn hơn là thấy con bội bạc với mẹ”.

Những lời nghiêm khắc nhưng chân thành của người bố đã giúp En-ri-cô nhanh chóng nhận ra lỗi lầm của mình đối với mẹ. En-ri-cô không những không giận bố mà trái lại, càng yêu thương bố hơn và nhận ra được những giá trị đích thực của tình mẹ con, tình cha con và tình cảm gia đình.

Nêu cảm nghĩ của em về bố En-ri-cô mẫu 2

Qua bức thư, ta thấy ông bố rất thương yêu con, cậu con trai bé nhỏ của mình. Giọng thư trìu mến, yêu thương: “En-ri-cô của bố ạ !” “Hãy nghĩ xem En- ri-cô à!”, “Hãy nghĩ kỹ điều này, En-ri-cô ạ”, “En-ri-cô này! Con hãy nhớ rằng…”; hoặc “Bố rất yêu con, En-ri-cô ạ, con là niềm hi vọng tha thiết nhất của đời bố…”. Nhắc lại tên con nhiều lần, kèm theo các từ: “ạ!”, “này”, “rằng”, giọng bố trở nên tâm tình, thủ thỉ, tha thiết; lời giáo huấn cứ thấm sâu vào tâm hồn con, làm cho En-ri-cô “xúc động vô cùng”.

Tuy thương yêu con hết mực, nhưng bố rất nghiêm khắc, kiên quyết. Bố nói cho con biết nỗi đau đớn cay đắng của mình vì “trước mặt cô giáo, con đã thiếu lễ độ với mẹ”, và “sự hổn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy!”. Đau đớn vì con hư! Tủi nhục vì bố mẹ có đứa con thiếu giáo dục!

Bố nhắc con “không bao giờ được tái phạm” về hành vi thiếu lễ độ với mẹ. Bố đã chỉ cho con thấy công ơn to lớn và tình thương bao la của mẹ đối với con, “tình yêu thương, kinh trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả”. Đó là cái gốc của đạo làm người, vì thế kẻ nào chà đạp lên tình thương yêu đó, “thật đáng xấu hổ và nhục nhã”.

Bố bắt con phải xin lỗi mẹ “không phải vì sợ bố, mà do sự thành khẩn trong lòng” nghĩa là do sự ăn năn hối hận, do lương tâm cắn rứt? Bố khuyên con “hãy cầu xin mẹ hôn con”, chiếc hôn tha thứ đứa con tội lỗi, chiếc hôn để “xóa đi cái dấu vết vong ân bội nghĩa trên trán con”.

Cuối bức thư, thái độ của bố càng quyết liệt hơn. Yêu và ghét, còn và mất được bố nêu lên một cách kiên quyết. Tuy rất yêu con, coi con là “niềm hi vọng tha thiết nhất”, nhưng nếu con “bội bạc với mẹ” thì “thà rằng bố không có con” Càng nghiêm khắc hơn nữa khi người bố viết: “Thôi, trong một thời gian con đừng hôn bố; bố sẽ không thể vui lòng đáp lại cái hôn của con được”. Đối với con, thời gian là thử thách, con có sửa chữa được lỗi lầm đó không…

Qua đó ta thấy người bố rất nghiêm khắc trong việc giáo dục đạo đức cho con. Bố dạy con cách ăn nói phải lễ phép, phải biết kính trọng và ghi nhớ công ơn to lớn của bố mẹ và phải biết thành khẩn sửa chữa lỗi lầm. Bức thư viết cách chúng ta trên một thế kỉ của một người bố gửi cho con trong một gia đình nước Ý, thuộc nền văn hóa phương Tây, nhưng chúng ta (thuộc nền văn hóa phương Đông) vẫn cảm thấy gần gũi, thân thiết và xúc động. Bài học về lòng biết ơn và kính trọng bố mẹ được đặt ra một cách nghiêm túc. Con cái không nên, không được làm cho bố mẹ phải đau lòng, dù là một cử chỉ, một lời nói vô lễ. Vô lễ là bất hiếu. Bất hiếu, bất trung là tội lớn, xưa nay đều quan niệm thế.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 7: Nêu cảm nghĩ của em về bố En-ri-cô. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 7 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 7.

Bài tiếp theo: Nêu cảm nghĩ của em về bức thư trong bài Mẹ tôi của tác giả A-mi-xi

Đánh giá bài viết
3 2.936
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • admin admin
    admin admin cảm ơn
    Thích Phản hồi 14/09/20

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm