Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích bài thơ Khe chim kêu

VnDoc xin giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Phân tích bài thơ Khe chim kêu, tài liệu thuộc chương trình học lớp 10 chắc chắn sẽ giúp các bạn học sinh lớp 10 nắm chắc kiến thức bài thơ một cách dễ dàng hơn. VnDoc mời các bạn học sinh và thầy cô cùng tham khảo.

Dàn ý Phân tích bài thơ Khe chim kêu

I. Kiến thức cơ bản

1. Vương Duy (701 - 761) tự là Ma Cật, quê ở đất Kì, Thái Nguyên (nay thuộc tỉnh Sơn Tây). Suốt đời làm quan nhưng ông thường sống ẩn dật. Sùng tín đạo Phật, thơ ông mang đậm ý vị Thiền. Cho nên, ông còn được mệnh danh là “thi Phật”.

2. Với hơn 400 bài hiện còn lại, thơ Vương Duy mang phong cách trang nhã và bình đạm. Thơ ông cũng gần gũi với mọi người bởi nó là những bức tranh đẹp của thiên nhiên.

3. Bài thơ Điểu minh giản là một tác phẩm tiêu biểu của Vương Duy. Nó thể hiện sự bình yên của tâm hồn trong khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng.

II. Rèn kĩ năng

1. Cây quế cành là sum suê nhưng hoa thì rất nhỏ. Nhưng nhà thơ lại cảm nhận được cả “hoa quế rụng”. Chi tiết ấy cho thấy không gian của buổi đêm vô cùng yên tĩnh. Đồng thời nó cũng cho thấy sự tinh tế, bình yêu, tĩnh lặng trong tâm hồn thi nhân.

2. Mối quan hệ giữa cái động và tĩnh trong bài thơ

Hoa quế rất nhỏ vậy mà vẫn nghe tiếng rụng. Trăng lên không tiếng mà lại làm cho “chim núi giật mình”. Tất cả là vì đêm rất lặng và tâm hồn con người cũng lặng. Cái tĩnh của đêm ở đây lại được cảm nhận qua cái động của những âm thanh khẽ khàng. Sau vài tiếng kêu thưa thớt của “sơn điểu” đêm lại càng tĩnh lặng. Cái tĩnh lặng của đêm và của lòng người.

3. Có thể lột tả bài thơ bằng một câu như sau

Trong Điểu minh giản, Vương Duy đã lấy cái động khẽ khàng của đêm để thể hiện cái tĩnh lặng trong trẻo của tâm hồn con người.

Audio Phân tích bài thơ Khe chim kêu

Video Phân tích bài thơ Khe chim kêu

Phân tích tác phẩm Khe chim kêu mẫu 1

Vương Duy (701 - 761), tự là Ma cật, quê ở đất Kì, Thái Nguyên (nay là huyện Kì, tỉnh Sơn Tây). Năm Khai Nguyên thứ 9 (721), ông đỗ đầu kì thi tiến sĩ, được làm Đại nhạc thừa (có tài liệu ghi là Thái nhạc thừa). Tuy có lần bị biếm trích nhưng nhìn chung, quan trường của Vương Duy tương đối thông thuận. Trong những năm Thiên bảo, ông sống cuộc đời bán quan bán ẩn. Loạn An - Sử, Huyền Tông chạy vào đất Thục, Vương Duy không đi theo kịp, bị An Lộc Sơn bắt và bị ép làm quan với ngụy triều. Sau khi Trường An được thu phục, Vương Duy bị định tội, nhờ có người em là Vương Tấn xin giải chức để chuộc tội cho anh nên Vương Duy được xá tội, bị giáng làm Thái tử Trung Doãn. Năm 761, ông bị bệnh mất khi đang giữ chức Thượng thư hữu thừa.

Vương Duy là nhà thơ sùng tín Phật giáo, học đốn ngộ thiền với Đạo Quang thiền sứ, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Thiền học Phật giáo. Thơ ông mang đậm ý vị thiền nên người đời gọi ông là Thi Phật. Thơ Vương Duy có nội dung phong phú, ông thành công trên nhiều đề tài nhưng thành tựu đặc biệt nổi bật là thơ sơn thuỷ. (Vương Duy và Mạnh Hạo Nhiên là đại biểu của phái thơ sơn thuỷ thời Thịnh Đường). Thơ Vương Duy hiện còn 417 bài, với phong cách trang nhã, điêu luyện tiêu biểu cho thi phong Thịnh Đường, thơ ông đúng là Văn tông của thời đại như lời vua Đường Đại Tông khen ngợi.

Vương Duy sành nhiều bộ môn nghệ thuật, ông chẳng những là nhà thơ kiệt xuất mà còn là nhạc sĩ, nhà thư pháp nổi tiếng và là một danh họa của Trung Quốc. Nhà thơ nổi tiếng thời Tống là Tô Đông Pha nói rằng: Đọc thơ Ma Cật thấy trong thơ có hoạ, xem họa Ma Cật thấy trong họa có thơ.

Điểu minh giản thể hiện được đặc trưng cơ bản của thơ Đường

ĐIỂU MINH GIẢN (Khe chim kêu)

Phiên âm:

Nhân nhàn quế hoa lạc,

Dạ tĩnh xuân sơn không.

Nguyệt xuất kinh sơn điểu

Thời minh tại giản trung.

Dịch nghĩa:

Người thảnh thơi, hoa quế rụng,

Đèn im lặng, non xuân vắng không.

Trăng lên làm chim núi giật mình,

Thỉnh thoảng cất tiếng kêu trong khe suối.

Dịch thơ:

Người nhàn hoa quế nhẹ rơi,

Đêm xuân lặng ngắt trái đồi vắng tanh.

Trăng lên, chim núi giật mình,

Tiếng kêu thủng thẳng đưa quanh khe đồi.

(Ngô Tất Tố dịch)

Người nhàn hoa quế rụng,

Đêm xuân núi vắng teo.

Trăng lên chim núi hãi,

Dưới khe chốc chốc kêu.

(Tương Như dịch)

Cảnh đẹp thanh u của đêm xuân trong núi vắng được thể hiện bằng bút pháp đặc trưng của Đường thi: lấy động thể hiện tĩnh. Từ hoa rụng đến trăng lên khiến chim núi giật mình kêu trong khe suối, cảnh nào cũng động nhưng lại là cái động rất khẽ khàng, vi tế. Thông qua những động thái khẽ khàng đó, có thể thấy người nhàn, đêm thanh, núi vắng. Đó là mối quan hệ biện chứng giữa động và tĩnh.

Cây quế cành là sum suê nhưng hoa quế rất nhỏ, vậy mà nghe được tiếng hoa quế rụng, rõ là người nhàn, đêm vắng, trăng lên không tiếng động, vậy mà làm chim núi giật mình, mới biết trong khe yên ắng đến mức chỉ một thay đổi nhỏ cũng khuấy động sự yên tĩnh. Sau mấy tiếng chim kêu thưa thớt, núi xuân càng u tịch. Lấy động để nói tĩnh, lấy cái hữu thanh để gửi gắm cái vô thanh, đó là thủ pháp độc đáo trong thơ sơn thuỷ của Thi Phật Vương Duy. Phép biểu hiện ấy vừa kiến người ta cảm nhận được cái tĩnh, các thanh u của đêm xuân núi vắng, vừa khiến cho cảnh không đến mức trầm tịch mà rất trong trẻo, đúng là thanh - tĩnh, lặng và trong. Sở dĩ đạt được điều ấy chính vì tâm hồn con người cũng thật là thanh tĩnh, có một sự giao hòa giữa tâm và cảnh.

Tiếng đêm tinh tế làm xao động tâm hồn bình yên, đó cũng là bóng dáng của một thời đai thái bình. Thời đai thái bình khiến cho thiên nhiên, cảnh vật, con người đều thanh thản, bình yên, các đắc kỳ sở - tất cả đều có được cái nơi bình yên của mình. Khúc nhạc hài hòa của sự tĩnh lặng ấy, hơn ngàn năm sau lại được đại thi hào Ta-go diễn tả: Tôi đã nhúng bầu tim tôi vào trong sự lặng yên này, nó tràn ngập tình yêu.

Bài thơ thể hiện được đặc trưng cơ bản của thơ Đường, khiến cho bước vào thế giới nghệ thuật thơ Đường, ta bước vào thế giới của sự hòa điệu.

Phân tích tác phẩm Khe chim kêu mẫu 2

Vương Duy là một nhà thơ lớn của văn học đời Đường, ông để lại cho thế hệ sau hàng trăm tác phẩm có giá trị. Bài thơ "Điều minh giản" (Khe chim kêu) là một trong những tác phẩm hay và độc đáo của ông. Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn, chỉ vỏn vẹn hai mươi từ nhưng để lại nhiều ý vị thâm trầm mà sâu sắc.

"Nhân nhàn quế hoa lạc,

Dạ tĩnh xuân sơn không.

Nguyệt xuất kinh sơn điểu,

Thời minh tại giản trung".

Người đọc nghe thấy gì, nhìn thấy gì trong bút tranh thuỷ mặc "Điểu minh giản" này? Hai câu thơ vừa có cảnh, vừa có tình. Đêm yên tĩnh (dạ tĩnh) là thời gian nghệ thuật. Ngọn núi xuân xa mờ hiện lên trong vắng lặng. Một đóa hoa quế rụng. Hoa nguyệt quế trắng phau, thơm nồng nàn, mỗi tháng nở hoa một lần; thi sĩ không tả màu sắc, hương thơm hoa nguyệt quế, mà chỉ gợi tả "quế hoa lạc".

Chữ "rụng" lạc là nhãn tự. Tác giả lấy động, tiếng hoa quế rụng để làm nổi bật cái vắng không của núi xuân, cái yên tĩnh của đêm xuân về khuya. Đó là không gian nghệ thuật. Chữ "nhàn" qua hình ảnh "nhân nhàn" là tâm trạng nghệ thuật: nhà thơ sống thư nhân, tâm hồn thư thái, mơ màng, lắng nghe tiếng rụng của hoa quế rơi. Mơ hồ và thì thầm. Đó là tiếng đâm xuân êm đềm. Phải chăng đó là tiếng thở nhẹ của giai nhân?

Đóa hoa quế chỉ bằng chiếc cúc bạch ngọc mỏng manh, rụng xuống se sẽ thế mà thi nhân nghe được, cảm được, không chỉ tâm nhàn mà còn hồn mộng. Người và cảnh giao hòa. Ngô Tất Tố dùng thơ lục bát đế dịch thơ ngũ ngôn của Vương Duy đã tạo nên nhạc điệu êm đềm thơ mộng:

"Người nhàn hoa quế nhẹ rơi,

Đêm xuân lặng ngắt trái đồi vắng tanh".

Hai câu cuối là nét vẽ vừa có ánh sáng vừa có âm thanh. Trăng đột hiện, trăng xuân. Vì ở núi cao nên thấy trăng mọc rất rõ. Bóng tối của màn đêm nơi núi xuân như bị xua tan. Ánh trăng đã làm cho con chim núi giật mình (kinh sơn điểu) cất tiếng kêu nơi khe sâu bên vách núi. Nghệ thuật chấm phá của ngòi bút nghệ thuật của Vương Duy thật thần tình: lấy động (tiếng chim kêu trong khe) để đặc tả cái vắng lặng, êm đềm của núi xuân, đêm xuân; lấy sáng đế tả tối, lấy ánh trăng để tả màn đêm, tả cái sâu hút, thâm u của khe suối.

Thi nhân chỉ chấm phá, điểm nhấn bằng một vài đường nét mà rung động, ấn tượng. Tiếng chim kêu trong khe, ánh tráng vừa mọc như làm cho nhà thơ chợt tỉnh giấc mộng đêm xuân. Ngô Tất Tố đã dịch khá hay và sáng tạo:

"Trăng lên, chim núi giật mình,

Tiếng kêu thủng thẳng đưa quanh khe đồi".

"Điểu minh giản" là bài thơ tuyệt tác của Vương Duy. "Thi trung hữu hoạ, thi trung hữu cầm". Một bông hoa quế rụng. Một ngọn núi xuân vắng không. Một đêm xuân tĩnh lặng, êm đềm. Trăng mọc. Chim núi giật mình kêu lên trong khe núi. Giữa khung cảnh êm đẹp ấy, nhà thơ chợt tỉnh giấc mộng đêm xuân. Tâm nhàn, mộng đẹp, cảnh hữu tình nên thơ. "Điểu minh giản" mang vẻ đẹp của một bức họa sơn thủy của Vương Duy lấp lánh trong sắc màu thời gian.

Phân tích tác phẩm Khe chim kêu mẫu 3

Vương Duy (701 - 761) là một trong những nhà thơ nổi tiếng đời Đường, tự là Ma Cật, người đất Kì, Thái Nguyên (nay thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). Năm 21 tuổi ông đỗ tiến sĩ, ra làm quan, nhưng có một thời gian dài ông sống như người ẩn dật, "mỗi lần bãi triều về là đốt hương ngồi một mình, đọc kinh niệm Phật". Thơ Vương Duy thuộc loại thơ điền viên sơn thủy.

Cảnh sắc thiên nhiên trong thơ ông mang tính chất thanh nhàn, yên tĩnh, giàu chất hoạ, mỗi bài thơ là một bức họa

Điểu minh giản là bài thơ khá tiêu biểu cho phong cách thơ Vương Duy: cảnh vật thiên nhiên vô cùng yên tĩnh, thơ giàu chất hoạ, âm thanh lại rất sinh động. Bài thơ vẽ nên một bức tranh thiên nhiên trong sáng nhưng gợi buồn.

Nhân nhàn quế hoa lạc

Dạ tĩnh xuân sơn không.

(Người nhàn, hoa quế rụng

Đêm yên tĩnh, non xuân vắng không)

Người sống trong cảnh nhàn hạ, đó là cuộc sống của người ẩn sĩ. Hoa quế là loài hoa rất nhỏ, nên hoa rụng không gây nên sự thanh động nào cả. Cảnh vật vẫn rất nhẹ nhàng và thanh cao. Một khung cảnh thiên nhiên trữ tình, một bức tranh sơn thuỷ đáng yêu. Cảnh và người thật hoà hợp, người thì nhàn nhã, cảnh thì thanh tao, những bông hoa li ti nhẹ rơi càng làm tăng thêm vẻ tĩnh mịch. Đêm đã yên tĩnh, đêm trên núi vắng vào mùa xuân lại càng tĩnh lặng hơn.

Một chữ "tĩnh" và một chữ "không" cộng hưởng để làm bật lên sự tịch mịch của đêm trên núi vắng. Không gian ở đây là núi chứ không phải "đồi". Ngô Tất Tố dịch câu này chưa sát nghĩa lắm. "Tĩnh" cũng khác với "vắng tanh". Cảnh vật ở hai câu đầu thiên về vẻ tĩnh và tối. Một đêm mùa xuân yên tĩnh và thanh tao. Nhưng đến hai câu sau, không gian đột ngột có sự thay đổi, tưởng như trái ngược với cảnh ở hai câu trên.

Nguyệt xuất kinh sơn Điểu,

Thời minh Xuân giản trung.

Ánh trăng ló lên làm chim núi giật mình

Thỉnh thoảng hót trong khe núi.

Đó là sự xuất hiện của âm thanh và ánh sáng. Ánh sáng của trăng xuân đã lên và âm thanh của tiếng chim núi giật mình. Tưởng như cảnh sáng hơn và động hơn, nhưng thực ra ánh sáng và âm thanh chỉ đủ sức làm nổi bật hơn sự tĩnh lặng của đêm trên núi vắng. Trăng làm tăng vẻ huyền ảo, tiếng chim "thỉnh thoảng cất tiếng kêu trong khe suối" càng làm rõ hơn cái tĩnh của đêm. Một bức tranh sơn thuỷ hữu tình, yên tĩnh nhưng không quá buồn.

Trăng lên và tiếng chim kêu được miêu tả thật sinh động, giàu sức gợi. Nhà thơ đã dùng ánh sáng để miêu tả đêm tối, dùng âm thanh để miêu tả cái tĩnh lặng. Đây cũng là một thủ pháp nghệ thuật khá quen thuộc của thơ ca đời Đường. Khung cảnh thiên nhiên như thoát tục, gợi đến một cuộc sống thanh thản và nhàn nhã chốn điền viên sơn dã. Điểm nổi bật của bức tranh này là hình ảnh một tao nhân mặc khách đang muốn lánh chốn bụi trần để tịnh tâm.

Với Điểu minh giản, Vương Duy không hổ danh là nhà thơ đứng đầu của phái thơ điền viên sơn thuỷ đời Đường, thơ và hoạ hòa hợp làm nên vẻ đẹp cho thi phẩm. Thơ điền viên sơn thuỷ của Vương Duy khiến cho người đọc cảm nhận được vẻ tao khiết của tâm hồn.

Phân tích tác phẩm Khe chim kêu mẫu 4

“Cảnh sắc thiên nhiên trong thơ Vương Duy rất đa dạng song phần lớn mang tính chất thanh nhàn, yên tĩnh”. Khe chim kêu là một trong những bài thơ tiêu biểu cho tính chất thanh nhàn, yên tĩnh ấy trong thơ Vương Duy.

Đọc hai câu thơ đầu, chúng ta đã bắt gặp ngay hai chữ nhàn và tĩnh. “Nhân nhàn” đối rất chỉnh với “dạ tĩnh”. Chữ nhàn quá hàm súc, rất khó dịch nên hầu hết các bản dịch thơ cũng như dịch nghĩa đều để nguyên. Để nguyên như vậy rất dễ gây hiểu lầm, làm cho người đọc tưởng là hoàn toàn đồng nghĩa với chữ NHÀN như tên một bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm chẳng hạn. Nhàn trong văn cảnh này có nghĩa là tịch tĩnh (tịch mịch, yên tĩnh).

Có hiểu như thế mới nắm được hết ý nghĩa toát ra từ khoảng trống giữa hai vế của câu thơ thứ nhất: “Nhân nhàn – quế hoa lạc”. Quế là một loại hoa rất nhỏ, hoa quế rơi trong đêm, không dễ phát hiện, song nhờ “nhân nhàn” (hiểu theo cả hai phương diện như trên) nên đã được cảm nhận và miêu tả. Phát hiện và cảm nhận bằng giác quan nào?

Người đọc có thể tha hồ liên tưởng: có thể bằng xúc giác (cánh hoa rơi xuống đầu, mặt, tay, vạt áo,…), có thể bằng khứu giác (nhụy của những làn hoa rơi toả hương thơm), đặc biệt có thể bằng thính giác (cảnh tĩnh, tâm tĩnh nên có thể phát hiện được tiếng động cực nhỏ). Rõ ràng tâm cảnh của con người đã giao hòa với không khí về đêm trong núi xuân.

Câu thứ hai tô đậm đặc điểm của khung cảnh và tạo nền vững thêm cho những cảm nhận ở câu đầu : Bốn cụm chủ vị “nhân nhàn” – “quế hoa lạc” – “dạ tĩnh” – “xuân sơn không” xếp bên nhau, tuyệt không có quan hệ từ nhưng lại có quan hệ với nhau rất mật thiết : “Nhân nhàn” là cái tĩnh bộ phận, cái tĩnh của chủ thể, “dạ tĩnh” là cái tĩnh phổ quát, khách quan, là màn đêm tĩnh lặng tuyệt đối đang bao trùm lên muôn vật. Nếu đứng một mình thì cụm chủ vị “xuân sơn không” sẽ trở nên phi lí, vô nghĩa. Sao “núi xuân” lại “trống không”, không có gì, không chứa gì được?

Mùa xuân là biểu tượng của sức sống tuôn trào, núi non là nơi quần tụ bao loài động, thực vật…, chắc hẳn muôn vật trong đêm xuân ấy đang cựa quậy, vươn mình để đón ánh bình minh của một ngày mới (chả phải là “hoa quế rơi” xét cho cùng cũng là biểu hiện một dạng tồn tại của sự sống đó sao?).

Sự hiện hữu của một vật biểu hiện không chỉ ở chỗ chiếm một khoảng không gian mà chủ yếu là ở chỗ nó luôn sinh thành, vận động, phát triển. Chim núi kinh ngạc vì đã quá quen với bóng tối hay đang say sưa đắm mình hoặc yên giấc trong màn đêm yên tĩnh, thâm u. Và sự kinh ngạc ấy đã biến thành những âm thanh chốc chốc vang lên trong khe suối đêm xuân. Dùng hình ảnh chim kinh hoảng bay tán loạn e phá vỡ hoàn toàn không khí yên tĩnh của đêm xuân, có nghĩa là làm mất tính chỉnh thể thẩm mĩ của bài thơ.

Vương Duy có thiên hướng rõ rệt và có biệt tài về việc sử dụng biện pháp nghệ thuật sau. “Hoa lạc”, “nguyệt xuất”, “điểu minh” là động và những động thái đó đã làm nổi bật hơn cái tĩnh. Mở đầu phần phân tích bài Khe chim kêu, hai tác giả Mĩ đã viết: “Im lặng là nốt chính trong thứ âm nhạc đặc biệt của thơ Vương Duy. Giống như bất cứ nốt nhạc nào khác, âm vang cũng như ý nghĩa của nó được xác định bởi những nốt xung quanh.

Bởi vậy, trong một văn cảnh, trạng thái tĩnh lặng là sự yên bình, một sự yên bình có thể nghe được rõ ràng vì trạng thái tĩnh lặng trở nên nổi bật nhờ những âm thanh từ bên ngoài”. Cái im lặng trong thơ Vương Duy không phải là im phăng phắc, lặng như tờ như một đầm nước tù đọng mà là trong tĩnh có động.

Điều đó không chỉ làm cho hình ảnh thơ thêm sinh động mà còn làm toát ra một cách nhẹ nhàng một ý nghĩa triết lí sâu sắc vì trong thực tế, giữa các sự vật đối lập vốn luôn có quan hệ nương tựa lẫn nhau mà tồn tại: không có động làm sao nổi bật được cái tĩnh lặng, không có sáng làm sao nổi bật được cái u tối?… Điều đó cũng làm cho ở thơ Vương Duy, không chỉ có đặc điểm “thi trung hữu hoạ”, mà còn cả “thi trung hữu nhạc”!

Phân tích tác phẩm Khe chim kêu mẫu 5

Thơ Vương Duy mang đậm dấu ấn cuộc đời ông. Tác phẩm còn lại là Vương hữu thừa tập (Tập văn thơ của Hữu thừa họ Vương) gồm 28 quyển với trên 400 bài thơ. Tô Thức - thi sĩ đời Bắc Tống, biệt danh Đông Pha cư sĩ đã đánh giá: “Đọc thơ Ma Cật, thấy trong thơ có họa, xem họa Ma Cật, thấy trong họa có thơ”. Bài thơ Khe chim kêu (Điểu minh giản) tiêu biểu cho tài năng của Vương Duy và của phái thơ sơn thủy.

Bài thơ tái hiện sự thanh thản bình yên của tâm hồn trong thiên nhiên tĩnh lặng, đem lại một bức tranh thiên nhiên giản dị mà kì thú với vẻ đẹp trong sáng, trang nhã bình đạm (nhã đạm) của nó. Bài thơ đặc trưng cho thi pháp thơ Đường: thể hiện bằng quan hệ, gửi tình trong cảnh, cho thấy sự giao cảm tinh tế giữa hồn thơ Vương Duy và thiên nhiên, mang lại cảm giác về sự giao hòa giữa Thiên - Địa - Nhân, và đậm chất Thiền.

Câu thứ nhất là một câu kể:

Nhân nhàn hoa quế lạc

(Người nhàn, hoa quế rụng).

Cần nắm bắt trạng thái “nhàn” của chủ thể trữ tình. “Nhàn” ở đây là đang trong trạng thái thư giãn tâm hồn một cách thoải mái nhất. Có thể tác giả đang trong trạng thái chờ trăng lên, vì trăng với thi nhân luôn là bạn, thi nhân luôn thấy ở trăng vẻ đẹp khác thường, nhất là trong đêm yên tĩnh một mình thả hồn vào trong thiên nhiên. Trạng thái thư giãn tâm hồn này xảy ra vào thời điểm ban đêm, cho nên tầm nhìn bị hạn chế mà thay vào đó là sự cảm nhận của thính giác.

Tiếng động mà nhà thơ nghe được ở đây là tiếng rơi của hoa quế, một loài cây được trồng làm cảnh ở chốn thiền viện, nhưng hoa thì lại rất bé. Vì thế tiếng rơi của hoa không phải là to, chẳng phải là vang động mà rất nhỏ, rất bé mà nếu không chú ý, không tĩnh tâm thì chẳng bao giờ nghe được. Hai trạng thái: người nhàn và hoa quế rụng tạo ra tình thế đối nghịch, để tạo ra sự tuyệt đối hóa cái “nhàn” nhờ đó mà tiếng động của hoa “rụng” trở nên rõ ràng hơn, dễ cảm nhận hơn. Đây chính là phép dùng tĩnh để tả động qua việc đặt cái tĩnh đối sánh với cái động.

Câu thứ hai cho thấy một sự cảm nhận chiều sâu:

Dạ tĩnh xuân sơn không

(Đêm yên tĩnh, non xuân vắng không).

Cảm nhận ở đây là cảm nhận cảnh đêm yên tĩnh (dạ tĩnh), sự yên tĩnh này là tuyệt đối bởi “dạ” đã “tĩnh” thì “xuân sơn” cũng “không”. Chữ “không” nhấn mạnh thêm cho chữ “tĩnh” khiến sự yên tĩnh càng có chiều sâu, càng trở nên yên tĩnh tuyệt đối. Trong sự ngập tràn của cái yên tĩnh đó, tiếng rơi của hoa quế trở thành tiếng động duy nhất, nhưng không phải là tiếng động vang xa hay to tát mà là tiếng động nhỏ nhoi, khẽ khàng. Tiếng động đó không làm cho sự yên tĩnh mất đi mà chỉ tô điểm thêm cho sự yên tĩnh. Ở đây ta gặp nguyên tắc dùng động tả tĩnh của thơ Đường.

Câu thứ ba đề cập đến một sự chuyển đổi:

Nguyệt xuất kinh sơn điểu

(Trăng lên làm chim núi giật mình).

Sự vận hành của trăng không hề gây ra tiếng động nào mà chim núi vẫn cứ giật mình. Cảnh vật giờ đây đã được chiếu sáng, nhưng cho dù chìm trong bát ngát ánh trăng thì cảnh đêm vẫn là một màn im lặng. Tuy nhiên trong cái yên lặng tuyệt đối đó, một tiếng động nữa lại vang lên, đó là tiếng chim.

Câu thơ thứ tư:

Thời minh tại giản trung

(Thỉnh thoảng cất tiếng kêu trong khe suối)

cho thấy tiếng chim mà tác giả nghe được. Tiếng chim hiển nhiên là to hơn tiếng hoa rơi, nhưng cho dù thế nó vẫn không đủ để phá tan bầu không khí tĩnh lặng đang bao trùm khắp nơi mà trái lại nó chỉ càng làm tăng thêm cảm giác của sự yên tĩnh tuyệt đối. Nguyên tắc dùng động để tả tĩnh lại xuất hiện, âm thanh tôn tạo cho vẻ đẹp của hình thể vạn vật. Khi chưa có trăng cảnh vật dường như tối hơn, nhưng khi có ánh trăng cảnh vật cũng không sáng hơn, vì thế cái yên tĩnh trở thành cái bao trùm tuyệt đối. Vạn vật đều đồng nhất trong cái yên tĩnh đó.

Sự cảm nhận cái yên tĩnh của đất trời gắn liền với một tâm hồn yên tĩnh, được cảm nhận bằng một tâm hồn yên tĩnh. Tuy thế tâm hồn yên tĩnh ấy vẫn bị xao động bởi tiếng hoa rơi, bởi tiếng chim kêu, nhưng nhà thơ không trách móc những tiếng động ấy, những âm thanh ấy mà có sự hòa cảm với những tiếng động nảy sinh trong đêm yên tĩnh ấy. Tác giả cảm thông với bông hoa rã cánh rời cành, với tiếng chim thảng thốt giật mình khi ánh trăng tỏa rạng. Cảnh và tình hòa trộn với nhau, giao cảm và đồng điệu với nhau.

Một bức tranh thiên nhiên, một cảnh đêm tĩnh lặng được khắc họa bằng bốn câu thơ với hai mươi chữ. Bức tranh được tạo ra không phải bằng màu sắc mà bằng hai loại tiếng động. Sử dụng nghệ thuật dùng động tả tĩnh, dùng tĩnh tả động, tạo ra bức tranh ở đó con người và đất trời hòa cảm với nhau, nhà thơ trải hồn mình trong tĩnh lặng của đất trời và cảm nhận được sự tĩnh lặng thiêng liêng đó để từ đó trở về với một tâm hồn thư thái, thanh thản và cũng tĩnh lặng như cái tĩnh lặng của đất trời. Đây là sự giao hòa tuyệt đối giữa thiên-địa-nhân.

Không gian tĩnh lặng của Vương Duy trong Điểu minh giản là sự tĩnh lặng tuyệt đối, nhưng là tĩnh lặng của sinh thành: “Nhân nhàn quế hoa lạc/ Dạ tĩnh xuân sơn không/ Nguyệt xuất kinh sơn điểu/ Thời minh tại giản trung”. Chủ thể trữ tình cũng nằm trong bức tranh ấy, là trung tâm của bức tranh ấy.

Chủ thể ấy nghe được tiếng rơi rất khẽ của một loài hoa thường được trồng ở nơi thiền viện, một loài hoa rất bé, nếu không có sự yên tĩnh tuyệt đối không nghe được tiếng hoa rơi; đây không phải là ngắm cảnh vì đêm đen thì làm sao mà ngắm được mà chỉ có nghe; núi rừng chìm vào cái thinh lặng của màn đêm tuyệt đối cũng là sự cảm nhận của tâm thức, của sự suy tư nội tâm;

Nhưng trong cái không gian tĩnh lặng vô bờ ấy, sự vật vẫn vận động, mọi quy luật của tự nhiên vẫn vận hành theo chu trình của nó, vì thế trăng vẫn theo chu kì hiện lên, soi sáng cho cả cái không gian tràn ngập bóng đêm ấy, ánh sáng thay thế cho bóng tối, nhưng núi vẫn chìm trong yên lặng, và hoa vẫn cứ rơi theo đúng quy luật, khi ánh sáng xuất hiện thì sự sống cũng hiện ra, ánh sáng làm cho con chim giật mình cất tiếng kêu.

Hiển nhiên, ở đây, ta có các thủ pháp nghệ thuật lấy tĩnh để tả động, lấy động để tả tĩnh, nhưng đó là biện pháp nghệ thuật đặc tả, còn cái cao hơn, lớn hơn đó là sự giao hòa tâm thức giữa con người và thế giới xung quanh, sự giao hòa giữa con người với vũ trụ, có như thế mới tạo ra sự giao cảm của thiền, bởi thiền không phải là sự ngồi im tuyệt đối, mà là sự ngồi im để giao cảm, để tạo ra và cố gắng tạo ra sự tương giao đất trời con người.

Hiểu từ góc độ phân tích như đã chỉ ra ở trên đây sẽ cho thấy tính chất Thiền của bài thơ Điểu minh giản. Đây cũng chính là cách thức tiếp cận tác phẩm văn học từ góc nhìn văn hóa, một cách thức tiếp cận có thể mang lại nhiều lí giải bổ ích mà không khiên cưỡng hay áp đặt. Đó cũng là niềm tin vào cuộc sống, vào sự vận động và chuyển hóa bất tận của vũ trụ, tạo nên sự thức nhận của chính con người, tạo ra sự đốn ngộ hay giác ngộ trong cảm quan Thiền học.

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

-----------------------------

VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc bài: Phân tích bài thơ Khe chim kêu. Để giúp các bạn học tốt hơn môn Ngữ văn 10. Cùng chủ đề này, VnDoc.com mời các bạn tham khảo đọc bài Khe chim kêu mà VnDoc.com đã sưu tầm, tổng hợp. Chúc các bạn học sinh học tập hiệu quả!

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 10

    Xem thêm