Phân tích Lẽ ghét thương trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu

Phân tích Lẽ ghét thương trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là tài liệu học tốt môn Ngữ văn dành cho các bạn học sinh lớp 11 tham khảo, hiểu thêm về tác phẩm, hoàn thiện bài viết của mình hay hơn, cũng như chuẩn bị tốt cho kì thi học kì 2 lớp 11 môn Ngữ văn. Mời các bạn tham khảo.

1. Audio Phân tích Lẽ ghét thương trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu

2. Video Phân tích Lẽ ghét thương trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu

3. Dàn ý phân tích Lẽ ghét thương trong truyện Lục Vân Tiên

1. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về Nguyễn Đình Chiểu: một người có cuộc đời đau thương, bất hạnh.

- Giới thiệu chung về đoạn trích "Lẽ ghét thương".

2. Thân bài

a. Thái độ ghét thương qua lời đối đáp giữa ông Quán với Vân Tiên

- Nhân vật ông Quán (chủ quán rượu) thuộc lực lượng chính nghĩa hỗ trợ nhân vật chính ( trên đường tìm chính nghĩa)

- Ông Quán có phong thái của một nhà nho ở ẩn, am tường kinh sử, và quặn lòng với những kẻ làm băng hoại xã hội, đau khổ dân lành.

- “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”: Biết ghét là vì biết thương. Vì thương dân nên ghét những kẻ làm hại dân. Ông Quán bày tỏ thái độ thương ghét phân minh.

=> Đây là câu nói có tính chất khái quát tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu trong cả đoạn trích. Tác giả đã lí giải căn nguyên chuyện ghét thương của mình.

b. Mối quan hệ giữa ghét – thương trong thái độ ông Quán

b.1. Ghét thế lực cầm quyền bạo tàn – thương dân lầm than

- Ghét:

+ Đời Kiệt, Trụ mê dâm >< dân sa hầm sẩy hang

+ Đời U, Lệ đa đoan >< dân lầm than

+ Đời Ngũ bá phân vân >< dân nhọc nhằn

+ Đời thúc quý phân băng >< rối dân

- Điệp từ “ghét”+ “đời” + liệt kê hàng loạt các điển cố: Kiệt, Trụ, U, Lệ, Ngũ bá, thúc quý + Nghệ thuật đối lập giữa vua quan với dân + điệp từ “dân” + động từ “sa, sẩy” + tính từ “lầm than, nhọc nhằn, rối”=> Tác giả căm ghét những tên vua dâm ác, tham tàn, bạo ngược, những kẻ đã gây ra hệ lụy chiến tranh, loạn lạc và bộc lộ lòng xót thương sâu sắc đối với người dân vô tội phải gánh chịu mọi tai ách, khổ sở trăm chiều.

=> Như vậy, tác giả đứng về phía nhân dân mà bày tỏ thái độ yêu ghét rạch ròi, đúng mực.

b.2. Ghét thế lực cầm quyền bạo tàn – thương hiền tài không được trọng dụng

- Liệt kê các danh sĩ trong sử sách:

+ Khổng Tử: lận đận

+ Gia Cát: tài đức mà mệnh yểu

+ Nhan Tử: mưu lược tài ba nhưng không gặp thời

+ Đồng Tử: tài cao học rộng nhưng không được tin dùng

+ Nguyên Lượng: thơ văn lỗi lạc, học rộng, từ quan ở ẩn

+ Hàn Dũ: ngay thẳng mà mang họa

+ Liêm, Trạc: Triết gia không được trọng dụng, lui về dạy học

- Điểm chung của các nhân vật này: họ đều là những người có tài, có chí muốn hành đạo, giúp đời, giúp dân nhưng vì thời cuộc đều không đạt được sở nguyện.

- Họ là những người đồng cảnh ngộ với Nguyễn Đình Chiểu: ông muốn giúp đời, lập nên nhiều công danh nhưng cuộc đời đầy bất hành, lại thêm thời thế đầy nhiễu nhương. Bởi thơ, đoạn thơ chính là niềm cảm thông sâu sắc tận đáy lòng của cụ Đồ Chiểu.

c. Tư tưởng và tấm lòng của tác giả

- Hai câu kết:

“Xem qua kinh mấy lần thi cử

Nửa phần lại ghét nửa phần thương.”

- Nghệ thuật tiểu đối => nỗi “thương” và “ghét” ở đây, tuy nói chuyện sử sách nhưng ít nhiều đều phù hợp với chế độ thối nát của nhà Nguyễn và tâm sự của Nguyễn Đình Chiểu lúc bấy giờ.

3. Kết bài:

- Cảm nhận chung về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.

4. Phân tích Lẽ ghét thương trong truyện Lục Vân Tiên mẫu 1

Xuân Diệu đã nhận xét rất đúng: “Nguyễn Đình Chiểu đã viết đoạn thơ thương ghét trứ danh. Thật ra từ ngàn đời trước, đó là tình cảm phổ biến của nhân dân, và nhiều thi sĩ trước kia đã có những vần thơ về tà, chính; nhưng viết ra tập trung thành mấy chục câu thơ giản dị, phân minh, rõ ràng, sắc nét, có nhạc điệu, có tâm tình, khiến ai cũng phải thuộc, thì ai đã viết một cách điển hình như vậy ngoài Nguyễn Đình Chiểu”

Đây là đoạn trích lời phát biểu của ông Quán khi chứng kiến cảnh Vân Tiên, Tử Trực, Bùi Kiệm, Trịnh Hâm thi tài xướng họa tại quán của ông. Kiệm, Hâm bất tài, làm thơ không ra, lại nghi hoặc đổ thừa cho Tiên và Trực làm thơ nhanh là do chép thơ cổ nhân, ông Quán bật cười, khuyên Tiên nên biết chọn bạn. Tiên xin ông nói cho lẽ ghét thương ở đời, nhân đó mà ông Quán có đoạn phát biểu như trong đoạn trích “Lẽ ghét thương"

Trong đoạn văn trên ông Quán đã trình bày 10 dòng về ghét, 14 dòng về thương và kết lại hai câu “nửa phần ghét, nửa phần thương” ở đời.

Ông Quán đã ghét những gì? Qua bốn điều ghét: ghét đời Kiệt, Trụ, ghét đời u, Lẽ, ghét đời Ngũ Bá, ghét đời Thúc Quý, ta thấy ông Quán ghét các chế độ xã hội thối nát, đạo đức suy đồi, dối trá, hèn hạ, dâm dục... đã làm cho nhân dân điêu đứng “sa hầm sẩy hang”. Qua bốn điều ghét ta cũng thấy Nguyễn Đình Chiếu đã có một tiêu chuẩn về cái đáng ghét rất rõ ràng: Cái gì làm khổ dân, nhũng nhiễu dân, gây hại cho dân đều đáng ghét cả.

Mức độ căm ghét của ông cũng hết sức sâu sắc. Mấy chữ sau đây nghe như dao khắc vào đá, sâu đậm, không phai mờ:

Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm.

Ông Quán đã thương những gì? Qua bảy điều thương ta thấy ông thương toàn nhà nho nổi tiếng, từ Khổng Tử, Nhan Hồi, Đổng Trọng Thư, Gia Cát Lượng, cho đến Đào Tiềm, Hàn Dũ, Chu Hi, Trình Di, Trình Hiệu đời Đường-Tống. Vì sao lại thương họ? Ông thương đời họ dở dang, gặp bước gian truân, không có điều kiện phát huy đầy đủ tài năng và đức độ của họ. Nhìn chung lại ông Quán thương người có tài, có đức gặp khó khăn bị dang dở, bị hãm hại. Qua mấy điều thương này ta thấy ông Quán hết sức thương xót những bậc có tài cao, đức trọng ở đời.

Điều đáng chú ý nhất trong đoạn văn này là trong ghét có thương, trong thương có ghét. Khi nói tới ghét các đời đa đoan lời văn đã để lộ một niềm thương yêu lớn: thương dân. Khi nói tới niềm thương, lời văn toát ra niềm ghét, ghét kẻ tiểu nhân xua đuổi kẻ hiền tài.

Tổng hợp lại ông Quán thương nhân dân, thương hiền tài, ghét xã hội thối nát, ghét kẻ tiểu nhân đê tiện, cội nguồn của mọi bất hạnh trong đời. Lẽ ghét thương của ông Quán cũng chính là lẽ ghét thương của Nguyễn Đình Chiểu, chứng tỏ nhà thơ hoàn toàn đứng về phía nhân dân, chính nghĩa. Sự lặp lại những từ “ghét đời”, “thương là”, “thương người”... có ý nghĩa như một dấu hiệu liệt kê. Sau mỗi tiếng ấy người đọc đợi chờ thêm một hiện tượng đáng ghét, điều thương ở đời. Sự lặp lại gây tác dụng biểu cảm, biểu hiện một nguồn tình cảm dào dạt, lai láng tuôn chảy không thôi trong trái tim ông Quán và trái tim nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu.

Mấy câu thơ:

Quán rằng: ghét việc tầm phào

Ghét cay, ghét đáng, ghét vào tận tâm

Là những câu rất hay. Hai câu thơ mà bốn chữ ghét, nói lên cường độ sâu đậm của tình cảm. Hơn nữa mấy chữ ghét lại được sắp xếp theo nhịp điệu tự nhiên, nhịp nhàng có tác dụng khắc sâu. Cách dùng từ diễn đạt lại là cách dùng khẩu ngữ: “ghét cay ghét đắng”, “ghét chuyện tầm phào”, hồn nhiên, bộc trực, không một chút quanh co. Vẻ đẹp của câu thơ Nguyễn Đình Chiểu là vẻ đẹp bộc trực, thẳng thắn, dứt khoát, và do đó mà mạnh mẽ.

5. Phân tích Lẽ ghét thương trong truyện Lục Vân Tiên mẫu 2

Truyện Lục Vân Tiên là tác phẩm lớn của văn học Việt Nam thời trung đại, được nhân dân, đặc biệt là nhân dân Nam Bộ yêu chuộng. Nguyễn Đình Chiểu sáng tác truyện thơ này vào khoảng sau năm 1850, khi ông đã bị mù, về mở trường dạy học và chữa bệnh cho dân ở Gia Định. Nội dung dựa trên cơ sở các mô típ của văn học dân gian và truyện trung đại kết hợp với một số tình tiết có thật trong cuộc đời tác giả.

Truyện kể về Lục Vân Tiên, một chàng trai văn võ song toàn, trên đường đi thi đã đánh tan bọn cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga, một tiểu thư con quan. Nguyệt Nga tự nguyện xin gắn bó với chàng để đáp đển ân nghĩa. Trước khi thi, được tin mẹ đã qua đời, Lục Vân Tiên phải về chịu tang. Chàng thương khóc mẹ đến mù hai mắt. Trịnh Hâm, một kẻ xấu bụng vì ghen tài nên đã lừa đẩy Lục Vân Tiên xuống sông. Chàng được vợ chồng ông Ngư cứu sống, về đến quê nhà, chàng bị cha con Võ Thể Loan (vợ chưa cưới) trở mặt bội ước, đem bỏ chàng trong hang núi nhưng chàng được Thần, Phật giúp đỡ. Cuối cùng, mắt chàng sáng ra, thi đỗ Trạng nguyên và được nhà vua cử đi đánh giặc ô Qua.

Nguyệt Nga một lòng chung thủy với Vân Tiên. Bị Thái sư bắt đi cống cho giặc, nàng đã nhảy xuống sông tự tử, nhưng được cứu sống. Sau đó, nàng bị cha con Bùi Kiệm ép duyên, phải bỏ trốn. Cuối cùng, Vân Tiên thắng trận trở về, tình cờ gặp lại Nguyệt Nga và cùng nàng kết duyên chồng vợ.

Đoạn trích Lẽ ghét thương (từ câu 473 đến 504) kể về cuộc nói chuyện giữa nhân vật ông Quán và mấy nho sĩ trẻ tuổi. Lục Vân Tiên cùng bạn là vương Tử Trực đi thi, vào quán trọ gặp Trịnh Hâm và Bùi Kiệm cũng là sĩ tử. Trịnh Hâm đề nghị bốn người làm thơ để so tài cao thấp. Trịnh Hâm, Bùi Kiệm thua tài lại còn nghi Lục Vân Tiên và vương Tử Trực gian lận. ông Quán nhân đó mới bàn về lẽ ghét thương ở đời.

6. Phân tích Lẽ ghét thương trong truyện Lục Vân Tiên mẫu 3

Đoạn trích Lẽ ghét thương chinh phục người đọc bởi tính nhân đạo, bởi tình cảm yêu ghét phân minh và tấm lòng nhiệt thành với chính nghĩa, là nét đặc trưng tính cách của con người Nam Bộ…

Là một nhà thơ mù nhưng Nguyễn Đình Chiểu luôn chủ trương sáng tác văn học để chở đạo, đâm gian. Tác phẩm của ông vì thế luôn chứa đựng tinh thần nhân văn sâu sắc. Ở đó bao giờ bạn đọc cũng bắt gặp những tình cảm rõ ràng cụ thể: yêu – ghét, cảm thông, căm giận… Những tình cảm ấy có thể được tác giả bộc lộ một cách trực tiếp trong các tác phẩm: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh…, cũng có thể gián tiếp gửi gắm qua phát ngôn của nhân vật. Và thái độ, tình cảm của ông Quán trong Lẽ ghét thương (Trích Lục Vân Tiên) là một ví dụ tiêu biểu.

Lẽ ghét thương là những lời thơ tâm huyết về nỗi ghét tình thương nhân bản của Nguyễn Đình Chiểu. Và trong tình huống này, nhân vật ông Quán trở thành cái loa phát ngôn cho chính tác giả. Những tình cảm yêu, ghét rạch ròi của ông Quán nói ra ngay sau khi chúng biến cảnh Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực, Bùi Kiệm và Trịnh Hâm cùng thi tài xướng hoạ tại quán ăn của mình.

Đoạn trích có 26 câu thơ thì có tới 16 câu thơ nói về tình thương. Như vậy số câu thơ về tình thương yêu con người đã quá nửa. Bản thân Nguyễn Đình Chiểu cũng đã từng nói. Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương. Quả thực khi suy ngẫm kĩ những câu thơ này, ta sẽ thấy gốc rễ, nguyên nhân sâu xa của nỗi ghét chính là tình thương dân sâu sắc.

Tình thương chính là điểm tựa, là động lực tinh thần để nhà thơ lên tiếng phê phán những bọn xấu xa, những kẻ độc ác. Sở dĩ ông Quán ghét cay ghét đắng những chuyện tầm phào, những cái đa đoan, những cái dối trá, những trò mê dâm là vì chúng làm rối dân, làm dân luống chịu lầm than muôn phần. Mỗi lần nhắc đến một đối tượng đáng ghét, đáng lên án ấy sẽ là một lần tác giả thêm một câu bình luận về tội ác của chúng gây cho dân lành:

Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm

Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hoang

Ghét đời U, Lệ đa đoan

Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần…

Và trong 10 câu thơ nói về lẽ ghét thì có tới bốn câu thơ nói về cung bậc, mức độ khác nhau trong nỗi khổ mà dân lành phải gánh chịu:

Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hoang.

Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần.

Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn.

Sớm đầu tối đánh lằng nhằng dối dân.

Nếu như những câu thơ nói về lẽ ghét thương thể hiện nỗi kinh bỉ, tức giận thì đến những câu thơ này giọng thơ đột ngột chậm thể hiện sự thông cảm, chia sẻ của nhà thơ đối với nhân dân.

Để giãi bày những lời tâm huyết về nỗi ghét này được sâu đậm, Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng nghệ thuật điệp từ. Chỉ có 10 câu thơ đầu tác giả đã sử dụng tới 8 từ ghét. Riêng câu thơ thứ hai đã có tới 3 từ:

Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm.

Cay, đắng là những từ dùng để chỉ mùi vị, ở đây cay, đắng không phải dùng như một sự lạ hoá ngôn từ, mà nó dùng để diễn tả độ sâu tăng dần của cái ghét. Sự kết hợp của các điệp từ ghét với sự tăng cấp về mức độ, nhà thơ đã hé mở cho độc giả biết cái ghét, đối tượng bị ông Quán ghét không chỉ thuộc phạm vi một thời đại nào mà nó có trong mọi thời đại.

Vì thế nỗi ghét ở đây là đổi gam, đổi chất, không chỉ dừng ở thái độ bên ngoài, mà nó đã ăn sâu vào máu, vào huyết quản, ghét vào tận tâm của ông. Cái gọi là ghé của ông Quán thực chất là lòng chăm thù. Ông căm thù tất cả những bọn làm ảnh hưởng, làm tổn hại đến cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Điều này thể hiện tính nhân dân sâu sắc của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.

Đối lập với nỗi ghét, lòng căm thù là tình thương. Ông Quán đã tự bạch về tình thương của mình trong mười sáu câu thơ. Chỉ mười sáu câu thơ nhưng nó làm hiển hiện cả cõi lòng của một con người, thể hiện một cách sâu sắc sự cảm thông, xót xa của ông Quán đối với những bậc hiền nhân quân tử, kiểu mẫu của đạo Nho, muốn hành đạo giúp vua, cứu dân nhưng không thành.

Người được nhắc đến đầu tiên trong đoạn thơ nói về tình thương là Khổng Tử – người đã gặp rất nhiều gian lao vất vả khi truyền đạo:

Thương là thương đức thánh nhân

Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần, lúc Khuông.

Ông thương đến cả người chết yểu mà công danh chưa đạt:

Thương thầy Nhan Tử dở dang

Ba mươi mốt tuổi tách đàng công danh

Ông lại thương cả những người không gặp vận may, những ông quan thanh liêm không gặp thời…

Thương ông Gia Cát tài lành

Gặp cơn Hán mạt đã đành phôi pha…

…Thương thầy Liêm, Lạc đã xa

Bị lời xua đuổi về nhà giáo dân.

Nếu như ở mười câu đầu Nguyễn Đình Chiểu để cho nhân vật nói lên lòng căm thù bọn người hại dân để nói lên lòng thương dân, thì ở đoạn sau tác giả lại cho nhân vật bộc lộ trực tiếp lòng thương đối với những người có tài cao chí lớn, muốn phò vua giúp đời mà gặp phải bất hạnh nên nguyện vọng cứu dân không thực hiện được. Và để thể hiện tình cảm thương yêu đầy tình nhân bản đó, nhà thơ đã điệp đi điệp lại từ thương tới chín lần. Nó không chỉ thể hiện được tình thương yêu tha thiết ông dành cho từng đối tượng cụ thể mà còn bộc lộ một tình cảm, tình thương bao la rộng lớn dành cho số phận cay đắng của con người trước những quy luật khắc nghiệp của tạo hoá và xã hội.

Trích đoạn Lẽ ghét thương tuy không dài nhưng được tác giả tổ chức sắp xếp khá chặt chẽ, mạch lạc. Sự kết hợp giữa việc sử dụng điệp từ ghét, thương với nghệ thuật bố cục chặt chẽ không chỉ tạo được sự rõ ràng trong ý thơ mà còn tạo cho đoạn thơ có giọng điệu vừa trang nghiêm vừa thống thiết – một nét đặc trưng của điệu thơ trữ tình Nguyễn Đình Chiểu.

Như vậy thông qua nhân vật ông Quán, Nguyễn Đình Chiểu đã gửi gắm những lời tâm huyết về nỗi ghét thương. Nó không chỉ thể hiện một tâm hồn giàu tình yêu thương mà còn thể hiện một tinh thần nhân bản sâu sắc.

7. Phân tích Lẽ ghét thương ngắn gọn mẫu 4

Ở Nam kì, khi nhắc tới Lục Vân Tiên thì có lẽ không ai là không biết! Đây là một tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Đình Chiểu được sáng tác vào những năm 50 của thế kỉ XIX, khi mà ông đã bị mù, về dạy học và bốc thuốc cứu người cho nhân dân vùng Gia Định. Tác phẩm là cuộc xung đột gay gắt giữa cái thiện và cái ác, đề cao nhân nghĩa, khát vọng của nhân dân về một xã hội tốt đẹp, công bằng, con người sống với nhau bằng lòng yêu thương nhân ái. Trong tác phẩm này có đoạn trích Lẽ ghét thương là một trong những đoạn trích xuất sắc nhất của tác phẩm Lục Vân Tiên.

Đoạn trích Lẽ ghét thương nằm từ câu 473 đến 504 của tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên kể về cuộc đối thoại giữa ông Quán và bốn chàng Nho sinh (Vân Tiên, Tử Trực, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm) khi họ đang cùng uống rượu, cùng so thơ tại quán của ông trước lúc vào trường thi. Tại cuộc so tài này, ông Quan đã bày tỏ quan điểm của mình về lẽ ghét thương của mình trong cuộc đời. Ông Quán là một nhân vật rất được yêu thích trong Truyện Lục Vân Tiên, bởi ông là biểu trưng cho tình cảm của nhân dân, là biểu tượng cho sự ghét thương rạch ròi của quần chúng. Ông mang dáng dấp của một nhà Nho ẩn dật, như Nguyễn Đình Chiểu, mang đậm những nét tính cách đặc trưng của người Nam bộ. Trong những lời dạy của ông Quán, một nửa trong số đó là lẽ ghét, một nửa là lẽ thương, đúng như câu kết của ông rằng: "Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương". Và cũng từ đó, ta nhận ra được rằng ghét thương luôn song hành với nhau, thương cái tốt cái đẹp, ghét cái xấu, cái ác. Ở đoạn trích này, ông Quán đã bày tỏ sự ghét bỏ với những kẻ hại dân, đẩy nhân dân vào cảnh lầm than, trái lại, ông thương những con người tài đức, nhưng lại vùi dập thảm hại.

Mở đầu đoạn trích, ông Quán đã bày tỏ lời bộc bạch của mình:

"Quán rằng: "Kinh sử đã từng

Coi rồi lại khiến lòng hằng xót xa

Hỏi thời ta phải nói ra

Vì chưng hay ghét cũng là hay thương".

Đây là những lời tự bộc của ông sau khi nghe Vân Tiên nói về lẽ ghét thương ở đời của mình. Lẽ ghét thương vốn đã được kinh sử ghi lại, những người học chữ Thánh hiền chắc hẳn đã từng đọc qua mà xót xa cho những điều đau đớn. Nhờ lời của Vân Tiên, ông Quán mới cởi tấm lòng mình mà bộc bạch "Vì chưng hay ghét cũng là hay thương".

Thấy ông Quán cởi lòng, chàng Vân Tiên cũng tiếp lời ông lão:

"Tiên rằng: 'Trong đục cho tường

Chẳng hay thương ghét, ghét thương lẽ nào?"

Đây chính là những lời khơi gợi, khiến cho lão Quán như cởi được tấm lòng mình mà tiếp lời Tiên về lẽ ghét thương ở đời. Trước tiên, ông nói về lẽ ghét:

"Quán rằng: 'Ghét việc tầm phào

Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân".

Hai câu thơ đầu tiên về lẽ ghét, Nguyễn Đình Chiểu đã cho ông Quán dùng tới bốn từ "ghét" để nhấn mạnh, để khắc sâu cái cảm giác ghét. Lời thơ thì mang sắc thái nhẹ nhàng "ghét việc tầm phào" thế nhưng ngữ điệu của nhân vật thì đã lên tới đỉnh điểm của sự ghét. Ông ghét "những việc tầm phào" đó là chỉ những việc nhỏ nhen, xằng bậy, ích kỉ, hoang đường làm hại đến người dân. Đó là những việc mà Quán ghét đến mức khắc sâu mà trong tận tâm can mình. Ở đây, người ta thoáng thấy bóng dáng của Nguyễn Đình Chiểu – một nhà Nho yêu nước, ghét bỏ cái thói ăn chơi sa đọa của vua chúa thời đó.

Sau khi nêu lên quan điểm của mình về lẽ ghét, ông mới liệt kê ra một loạt những dẫn chứng, cụ thể hóa những lẽ ghét của mình. Cấu trúc thơ được lặp lại "ghét đời… " cùng với đối tượng ghét và câu sau nêu lên những hậu quả mà chúng đã gây nên cho nhân dân. Cách nói bộc trực, thẳng thắn, không hoa mỹ như chính tính cách của những con người miền Nam. Từ sách sử Trung Quốc, ông Quán nêu ra hàng loạt những nhân vật nổi tiếng, đã gây ra tai họa cho nhân dân vì sự ích kỉ, tham lam, u mê của mình, ông lấy đó làm dẫn chứng cho lẽ ghét của mình với lời lẽ đanh thép, lên án.

Ông "ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm", đây là hai tên hôn quân mà ông dẫn ra làm chứng đầu tiên cho lẽ ghét của mình. Hai tên vua bạo ngược, vô đạo trong lịch sử Trung Quốc đã khiến cho dân chúng "sa hầm sảy hang", phải chịu bao đau thương, tang tóc của chiến tranh loạn lạc. Ông còn ghét hai tên vua "U, Lệ đa đoan", không chỉ tàn bạo mà còn hoang dâm khiến cho dân chúng muôn phần khốn khổ. Ông ghét thời "ngũ bá phân tranh", vì lòng tham, ích kỉ mà kết bè kéo cánh gây lên cảnh chiến tranh liên miên, loạn lạc khiến dân chúng phải điêu đứng. Có thể thấy rằng mỗi điều mà ông Quán "ghét cay ghét đắng" đều được dựa trên tình yêu nước thương dân nồng nàn, có yêu nước, có thương dân chúng, ông mới ghét "vào tận tâm" những kẻ vô lương tâm, sống trên sự áp bức dân nghèo. Ông cũng xót xa cho cảnh dân chúng lầm than khi phải sống dưới sự cai trị độc ác, tàn bạo của lũ vua chúa bạo ngược, vô đạo.

Lẽ ghét mà ông Quán thì là thế, vậy còn "nửa thương" thì sao? Cũng như lẽ ghét, lẽ thương được ông Quán trình bày bằng những ví dụ cụ thế, nhưng lại là mười bốn câu thơ, hơn hẳn lẽ ghét bốn câu.

"Thương là thương đức thánh nhân

Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương"

Vẫn với những lời lẽ như ở phần ghét, vẫn là cấu trúc câu như thế, thế nhưng ở phần thương này, giọng điệu ông Quán trở lại hiền từ, dịu dàng chứ không còn đanh thép như lẽ ghét. Ông Quán đã vận dụng hết những kiến thức của mình để lấy dẫn chứng, ví dụ về lẽ thương ở đời cho bốn chàng sĩ tử nghe. Những nhân vật nổi tiếng trong nền văn hóa Trung Hoa được ông nêu lên làm ví dụ cho những chàng trai trẻ như thầy Nhan Tủ, như ông Gia Cát, …

Với ông, ông thương những bậc "đức thánh nhân" hiền từ như Khổng Tử, dùng hết nhân trí của mình để sáng tạo ra nền Nho giáo – nền tảng tinh thần của xã hội Trung Hoa, thứ mà sau này người ta đã dùng để tuyển chọn những người tài cho đất nước. Khổng Tử sáng tạo ra Nho giáo, còn hết lòng hành đạo để truyền bá "khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần, lúc Khuông", ấy vậy mà chẳng thành, đành về nhà dạy học, trở thành một thầy giáo bình thường. Mãi đến tận sau này, khi Khổng Tử đã ra đi, người ta mới thấy được những giá trị cốt lõi, những tư tưởng triết lý ẩn sâu trong từng lời dạy của ông. Thế nên, ông Quán thương cho bậc "đức thánh nhân" ấy! Ông còn thương "thầy Nhan Tử" – một người học trò đức hạnh nhất của đức thánh nhân Khổng Tử, những tưởng sẽ xây dựng lên công danh lớn, chẳng ngờ lại yểu mệnh, chết oan. Ông thương cho "Gia Cát" – người quân sư tài ba cho Hán Cao Tổ Lưu Bang, tài giỏi là thế, ấy nhưng lại đành chôn vùi mộng lớn theo sự diệt vong của nhà Hán. Ông thương cho "Nguyên Lượng", cho "Đổng Tử" – những vị quan thanh liêm, tài giỏi, hết lòng phò vua, ấy vậy mà chẳng gặp thời đành bất đắc chí trở về quê nhà với ruộng vườn, ao cá, chôn vùi tài năng cả một đời. Ông thương cho "Hàn Dũ", cho "thầy Liêm, Lạc" – những bậc anh hùng tài hoa của đất nước Trung Quốc, chỉ vì can gián vua, ngăn vua không làm điều trái đạo đức mà kẻ thì bị "đày đi xa", kẻ thì bị phế chức vụ, đuổi về quê nhà.

Những lẽ thương của ông Quán là thương cho những bậc anh hùng tài hoa nhưng có số phận chông chênh, éo le, bất đắc chí, không gặp thời, từ đó, cái tài cái chí bị thời gian làm phôi pha, mai một đi. Nhìn sâu vào trong lẽ thương của ông, ta mới hiểu được tấm lòng của một người Nho sĩ yêu nước, thương những người tài hoa không được trọng dụng, cũng là ghét những kẻ nịnh thần, ghét những tên hôn quân hoang dâm, bạo ngược, không chỉ khiến dân chúng khốn khổ, lầm than mà còn khiến hiền tài chẳng thể cống hiến. Lẽ thương cũng đi liên với lẽ ghét vậy nên ông Quán mới kết luận rằng:

"Xem qua kinh sử mấy lần

Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương".

Lẽ ghét thương được xây dựng chính từ tấm lòng của người sĩ phu yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Ông bộc lộ sự yêu sự ghét của mình rõ ràng qua từng lời thơ, thẳng thắn, bộc trực như tính cách của những con người Nam Bộ - nơi ông sống vậy. Lời thơ giản dị, dễ hiểu, viết bằng thể thơ lục bát truyền thống khiến người đọc càng thêm thấm nhuần hơn những lẽ ghét lẽ thương mà ông thể hiện ở trên. Lẽ ghét thương cũng khiến người ta phải khâm phục về vốn kiến thức sâu rộng của người thầy đồ mù Nguyễn Đình Chiểu.

Đoạn trích Lẽ ghét thương được viết bằng bút pháp trữ tình, cho ta hiểu thêm về tấm lòng yêu ghét phân minh, mãnh liệt của Nguyễn Đình Chiểu, và hơn thế là tấm lòng thương dân như con, sâu sắc vô cùng của tác giả. Có lẽ chính vì điều này, sau này, khi thực dân Pháp xâm lược, ông đã là người đứng lên lãnh đạo người dân Nam bộ chống lại lũ cướp nước tàn ác ấy. Cùng với Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, truyện Lục Vân Tiên nói chung, Lẽ ghét thương nói riêng là những tác phẩm vô cùng tiêu biểu cho lòng yêu nước và tài năng của Nguyễn Đình Chiểu.

8. Phân tích Lẽ ghét thương ngắn gọn mẫu 5

Nguyễn Đình Chiểu nhà thơ lớn, ngôi sao sáng của văn học dân tộc. Các tác phẩm của ông được người dân Nam Bộ đặc biệt yêu mến và đón nhận bởi lẽ đó chính là tâm hồn, là cốt cách trong con người họ. Tác phẩm lớn nhất trong sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu chính là Lục Vân Tiên với những quan điểm, tư tưởng về con người, xã hội. Đặc biệt trong đoạn trích “Lẽ ghét thương” thông quan nhân vật ông Quán, Nguyễn Đình chiểu đã thể hiện quan điểm lẽ ghét, lẽ thương đáng ngưỡng mộ.

Đoạn trích Lẽ ghét thương được trích từ câu 473 đến câu 504, kể về cuộc nói chuyện giữa ông Quán và các nho sĩ trẻ tuổi. Trong quán trọ, bốn nhân vật Lục Vân Tiên, Tử Trực, Trịnh Hâm và Bùi Kiệm gặp nhau. Tại đây Trịnh Hâm đề nghị mọi người làm thơ để phân chia thứ bậc. Trong cuộc đua tranh đó Vân Tiên tỏ ra vượt trội hơn cả, khiến cho Trịnh Hâm vô cùng tức giận và đổ cho Vân Tiên chơi gian. Trong bối cảnh đó ông Quán đã ra nói chuyện và bàn về lẽ ghét thương ở đời.

Mở lời ông Quán tự giới thiệu về chính mình:

Quán rằng: Kinh sử đã từng

Coi rồi lại khiến lòng hằng xót xa.

Hỏi thời ta phải nói ra,

Vì chưng hay ghét cũng là hay thương

Ông Quán vốn cũng là một kẻ sĩ tử, khi xưa dùi mài kinh sử với mơ ước công danh và giúp ích cho đời. Nhưng có lẽ vì những biến cố trong cuộc đời, xã hội mà ông đã lui về ở ẩn. Nhưng cái hồn cốt của một kẻ sĩ thì mãi mãi không bao giờ mất đi. Ông Quán chính là hình ảnh tiêu biểu cho những nhà Nho tài giỏi như lui về ở ẩn, sống cuộc đời an nhàn, ung dung, tự tại, hòa mình với thiên nhiên. Có thể coi ông Quán là người phát ngôn cho những tư tưởng của tác giả.

Qua câu nói: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương” đã cho thấy mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa hai thứ tình cảm đối lập này: ghét – thương. Hai trạng thái cảm xúc tuy đối lập nhưng luôn tồn tại song song với nhau, người ta ghét những điều tầm thường, giả dối cho nên mới thương những điều nhân ái, tốt đẹp. Bởi vậy chúng luôn tồn tại và không tách rời nhau.

Trước những lời nói đó, Vân Tiên tỏ ra hết sức khiêm nhường, mong muốn nghe được lời truyền đạt, chỉ dạy của bậc tiền bối: “Tiên rằng: Trong đục chưa tường/ Chẳng hay thương ghét, ghét thương thế nào?”. Có lẽ một người tài giỏi, thông minh như Vân Tiên đã tỏ tường lẽ ghét thương ở đời. Nhưng vốn là một nho sinh khiêm tốn, Vân Tiên đã rất khiêm mình để được nghe những lời bày tỏ, chỉ bảo từ ông Quán.

Những câu thơ tiếp theo tác giả thể hiện những điều mình ghét: “Quán rằng: ghét việc tầm phào/ Ghét cay, ghét đắng ghét vào tận tâm./ Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm/ Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang… Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân”. Cái mà ông Quán ghét chính là chế độ thối nát, vua chúa bạo tàn, chiến tranh xảy ra liên miên khiến cho đời sống người dân vô cùng cực khổ. Có thể thấy mỗi cái ông ghét luôn đi kèm với hệ quả của những triều đại đó, ví như ghét đời Kiệt Trụ, vì mê dâm nên khiến nhân dân “sa hầm sẩy hang”. Những lí lẽ, dẫn chứng hết sức cụ thể và ngắn gọn như một bản tổng kết lịch sử súc tích về các triều đại thối nát của Trung Quốc. Cái ông ghét rất rõ ràng, mạch lạc, đó là những điều khiến nhân dân khổ cực, nhũng nhiễu làm hại đến người dân đều khiến ông ghét. Điều khiến ông ghét gắn bó sâu sắc với lòng thương dân, yêu dân sâu nặng.

Còn điều ông thương là gì? “Thương là thương đức thánh nhân/ Khi nơi Tống, Vệ lúc Trần, lúc Khuông/ …/ Thương thầy Liêm, Lạc đã ra/ Bị lời xua đuổi về nhà giáo dân”. Nếu như ở phần trên, khi nói về lẽ ghét giọng điệu ông Quán đầy căm tức với những Trụ, Kiệt, U, Lệ,… đã hại dân thì đến đây giọng và nhịp thơ như trùng xuống, trìu mến và thiết tha hơn. Những cái tên ông nhắc đến: Khổng Tử, Nhan Hồi, Trình Di, Đào Tiềm, Hàn Dũ,… đây đều là những nhân vật có đức, có tâm, có tài nổi tiếng trong lịch sử. Họ là người tài giỏi có tấm lòng ôm trùm thiên hạ, cả một đời cống hiến cho đời nhưng cuộc sống của họ lại vô cùng truân chuyên, vất vả. Ông thương là thương những người có đức, có tài nhưng cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Lòng thương gắn liền với tấm lòng trân trọng và yêu quý người tài. Và cũng từ chính lẽ thương ấy, ông Quán đã rút ra chiêm nghiệm cho chính mình:

Xem qua kinh sử mấy lần,

Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương.

Tác phẩm được viết bằng thứ ngôn tư giản dị, mộc mạc nhưng giàu sức biểu cảm. Sử dụng thủ pháo đối lập: sa hầm đối với sẩy hang, sớm đầu đối với tối đánh,… làm cho nhịp thơ linh hoạt, nhịp nhàng hơn. Nghệ thuật điệp ngữ: thương ông, thương ông lặp lại nhiều lần có tác dụng trong việc diễn tả lẽ ghét thương của tác giả.

Lẽ ghét thương là đoạn trích thể hiện tập trung nhất tư tưởng, quan điểm của Nguyễn Đình Chiểu qua nhân vật ông Quán. Ông có lòng yêu dân, thương dân sâu sắc, bởi vì thương dân nên ông càng ghét hơn lũ hôn quân bạo chúa, chuyên làm điều bạo ngược với dân lành. Đằng sau những vần thơ thống thiết ta thấy được tấm lòng nhân ái, nhân đạo sâu sắc của trái tim bao la – Nguyễn Đình Chiểu.

9. Phân tích Lẽ ghét thương ngắn gọn mẫu 6

Nguyễn Đình Chiểu là một trong những tác giả nổi tiếng nhất của văn học Trung đại Việt Nam. Ông để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm nổi bật như: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Chạy giặc,... và không thể không nhắc đến truyện thơ Lục Vân Tiên với trích đoạn Lẽ ghét thương đã in những dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc suốt bao thế hệ qua.

Đoạn trích Lẽ ghét thương được trích từ câu 473 đến câu 504, kể về sự kiện bốn chàng nho sinh lên kinh dự thi tình cờ gặp nhau trong quán rượu của ông Quán. Trịnh Hâm đã đưa lời thách đố làm thơ để so tài cao thấp, Vân Tiên tỏ ra vượt trội hơn hẳn khiến cho Trịnh Hâm và Bùi Kiệm tỏ ý nghi ngờ tài năng của chàng. Trước tình huống đó, ông Quán đã ra và trò chuyện về lẽ ghét thương ở đời.

Với bốn câu tự giới thiệu hết sức ngắn gọn của ông Quán, người đọc đã có đôi nét thông tin và hiểu về nhân cách đáng kính của ông:

Quán rằng: Kinh sử đã từng

Coi rồi lại khiến lòng hằng xót xa.

Hỏi thời ta phải nói ra,

Vì chưng hay ghét cũng là hay thương.

Ông Quán cũng như ông Tiều, ông Ngư sống cuộc đời mai danh, ẩn tích, tránh phường danh lợi, hướng đến cuộc sống an nhàn, thư thái trong tâm hồn. Hình ảnh của họ cũng phảng phất hình ảnh của Đồ Chiểu sau khi bị mù trở về quê hương làm nghề dạy học và sáng tác. Bởi vậy, các nhân vật này cũng chính là những người thể hiện và phát ngôn những tư tưởng, quan điểm của tác giả.

Trong câu nói của ông Quán còn thể hiện mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa ghét và thương. Thương và ghét là hai mặt tình cảm trong mỗi con người. Cái người ta thương là những điều tốt đẹp, lay động trái tim, ngược lại họ thường ghét cái xấu xa, độc ác, làm ảnh hưởng xấu đến con người. Như vậy, ghét cũng chính là xuất phát từ lòng thương, bởi vì thương người dân nên mới ghét những điều xấu xa, bạo ngược. Tình cảm này của ông Quán được thể hiện một cách tha thiết chân thành:

“Quán rằng: ghét việc tầm phào

Ghét cay ghét đắng, ghét vào tận tâm”

“Tầm phào” là những việc vu vơ, hão huyền, không có ý nghĩa. Đó chính là những điều ông Quán ghét. Cái ghét ấy càng được khắc đậm hơn qua việc lặp lại từ “ghét” ba lần theo chiều tăng tiến. Và tám câu thơ tiếp đó là những dẫn chứng cụ thể, trực tiếp để làm rõ những điều mà ông Quán ghét. Ông ghét đời Kiệt Trụ mê dâm, đời U, Lê đa đoạn, Thời Ngũ bá phân vân,… khiến cho người dân phải chịu nhiều cay đắng, khổ cực, chiến tranh khiến biết bao gia đình phải li tán. Dường như trong từng câu thơ người đọc cảm nhận được nỗi phẫn uất cuộn trào trong lòng ông Quán. Qua những lời bộc bạch hết sức chân thành của ông Quán, ta có thể thấy rằng, ông hay chính Nguyễn Đình Chiểu đứng trên lập trường nhân dân, vì dân mà nêu lên quan điểm về lẽ ghét thương. Đồng thời lẽ ghét ấy cũng là cơ sở để tác giả thể hiện lẽ thương của mình. Ông thương những nhà hiền triết, bậc chí nhân, quân tử như: Khổng Tử, Đào Tiềm, Nguyên Lượng, Hàn Dũ,… Họ đều là những con người tài giỏi, mang trong mình tâm niệm đem tài năng ra giúp ích cho đời song lại không đạt được sở nguyện. Thấp thoáng ở những nhân vật đó ta thấy hình ảnh của Nguyễn Đình Chiểu, ông cũng mang trong mình những suy nghĩ, khát vọng lớn lao nhưng đều đi vào bế tắc. Bởi vậy khi nhắc đến những nhân vật này ta cảm nhận được niềm cảm thông và đồng cảm sâu sắc của tác giả đối với họ. Tác giả kết thúc tác phẩm bằng hai câu thơ: “Xem qua kinh sử mấy lần/ Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương” như là một lời tóm lại lẽ ghét thương ở đời.

Lẽ ghét thương của ông Quán là những tình cảm đạo đức của một con người vốn là học trò của nơi của Khổng sân Trình, đã thấm những đạo lí nho gia tốt đẹp. Tuy nhiên, ta cũng cần thấy rằng lẽ ghét thương đó được xuất phát từ một con người sống gần gũi với nhân dân và có tình yêu thương tha thiết với họ. Lời lẽ trong bài vô cùng đanh thép, mạch lạc, dõng dạc cho thấy tính cách bộc trực, đầy hào khí rất đúng với cốt cách, tinh thần của con người Nam Bộ. Như đã khái quát từ đầu, ông Quán cũng là một trong rất nhiều nhân vật được dùng để thể hiện tư tưởng quan điểm của tác giả. Bởi vậy, khi khẳng định những phẩm chất tư tưởng này ta cũng không nên đồng nhất chúng chỉ là của riêng nhân vật trong tác phẩm. Đây cũng chính là quan niệm, lẽ sống của tác giả Nguyễn Đình Chiểu “một nhà nho nghĩa khí, đầy lòng yêu nước, thương dân và nhuần thấm rất sâu “chất Nam Bộ” trong cách sống, cách nhìn, cách nghĩ và cách nói”.

Để tạo nên sự thành công của đoạn trích, những đặc sắc nghệ thuật ta cũng không thể không nhắc đến. Văn bản được viết bằng thứ ngôn ngữ dung dị, đậm chất Nam Bộ nhưng cũng hết sức truyền cảm, giàu cảm xúc. Sử dụng hình thức liệt kê, phép điệp cho thấy rõ lẽ ghét thương ở đời của tác giả. Giọng thơ linh hoạt, đa dạng lúc cuồn cuộn sục sôi khi nói về lẽ ghét, lúc lại da diết, trầm buồn khi nói về lẽ thương.

Tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm nơi người đọc bởi sự kết tinh hài hòa giữa nội dung và hình thức nghệ thuật. Lẽ ghét thương đã nói lên những tình cảm yêu ghét chân thành, thẳng thắn mà cũng hết sức tha thiết của một tấm lòng vĩ đại, suốt một đời yêu nước, thương dân.

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới các bạn Phân tích Lẽ ghét thương trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, mong rằng qua bài viết này các bạn có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn 11 nhé. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán 11, tiếng Anh 11, đề thi học kì 1 lớp 11, đề thi học kì 2 lớp 11...

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 11 để có thêm tài liệu học tập nhé

Đánh giá bài viết
1 2.228
Sắp xếp theo

    Lớp 11

    Xem thêm