Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu

VnDoc xin giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu, với cách lập dàn ý và những bài văn mẫu hay đã được VnDoc tổng hợp và đăng tải sẽ là nguồn thông tin hữu ích để phục vụ các bạn học sinh học tốt Ngữ văn 11. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.

1. Dàn ý Thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu

1. Mở bài

Những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888), người làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Ông xuất thân trong một gia đinh nhà nho, cha người gốc Thừa Thiên - Huế. Năm 1843, Nguyễn Đình Chiểu đỗ tú tài tại trường thi Gia Định. Năm 1846, ông ra Huế học, chuẩn bị thi tiếp thì nhận được tin mẹ mất, ông phải bỏ thi về chịu tang mẹ. Dọc đường về, Nguyễn Đình Chiểu đau mắt nặng rồi bị mù. Về quê, không khuất phục trước số phận oan nghiệt, nhà thơ mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân rồi cùng các lãnh tụ nghĩa quân bàn mưu tính kế đánh giặc và sáng tác những vần thơ đánh giặc cháy bỏng căm hờn, sôi sục ý chí chiến đấu.

Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương giàu nghị lực, giàu lòng yêu nước và tinh thần bất khuất kiên cường trước kẻ thù xâm lược. Dù bị tàn tật, ông vẫn là một thầy giáo tận tâm, là một thầy thuốc giàu y đức và là một nhà thơ xuất sắc. Ở cương vị nào ông cũng làm việc và cống hiến hết mình.

2. Thân bài

Thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu

a) Nguvễn Đình Chiếu là một nhà nho, bởi thế mà tư tưởng đạo đức, nhân nghĩa của ông mang tinh thần của Nho giáo. Mặc dù vậy, Nguyễn Đình Chiểu còn là một trí thức nhân dân, suốt đời sống nơi thôn xóm, giữa những người "dân ấp, dân lân" tâm hồn thuần hậu, chất phác nên tư tướng đạo đức của ông có những nét mang phong cách rất dân dã của những người nông dân thuần phác. Nguyễn Đình Chiểu thấm nhuần tư tướng nhân nghĩa là tình thương yêu con người, sẵn sàng cưu mang con người trong cơn hoạn nạn; nghĩa là những quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người trong xã hội, tình cha con, nghĩa chồng vợ, tình bạn bè, xóm giềng, tinh thần hiệp nghĩa sẵn sàng cứu khốn phò nguy,...

Những nhân vật lí tưởng trong Truyện Lục Vân Tiên hầu hết là đều là những người dân thường, sinh trướng trong những nưi thôn ấp nghèo khó (những nho sinh như Vân Tiền, Tử Trực, Hớn Minh; những ông Ngư, ông Quán, ông Tiều, bà lão dệt vải,...). Tâm hồn của họ ngay thắng, không màng danh lợi, không tham phú quý, sẵn sàng ra tay cứu giúp người hoạn nạn. Trước Nguyễn Đinh Chiểu, nhân nghĩa vẫn được xem là phạm trù đạo đức lí tưởng, chỉ có ở bậc thánh nhân, những người quân tử thuộc tầng lớp trên. Đến Nguyễn Trãi, nhân nghĩa cũng đã hướng đến người dân. Ông kêu gọi nhà cầm quyền nhân nghĩa với dân, thời chiến thì lấy nhân nghĩa để thắng quân bạo ngược, thời bình thì đưa nhân nghĩa vào chính sự, khoan sức cho dân. Tuy nhiên, phải đến Nguyền Đình Chiểu thì phạm trù nhân nghĩa mới thực sự mở rộng đến nhân dân. Điều đó giải thích tại sao nhân dân, đặc biệt là cư dân vùng đất mới Nam Kì, vốn rất xem trọng mối liên hệ gắn kết giữa con người với con người trên cơ sở chữ nghĩa truyền thống, tiếp nhận tác phẩm của Nguyễn Đình Chiếu nồng nhiệt đến thế.

b) Nguyễn Đình Chiểu sáng tác thơ văn yêu nước ở thời kì đầu chống Pháp xâm lược đé bảo vệ Tổ quốc. Đây là thời kì khổ nhục nhưng vĩ đại (Phạm Văn Đồng) của dân tộc. Đất nước mất dần vào tay giặc trước mắt nhà thơ. Các phong trào chống Pháp cũng lần lượt thất bại, người yêu nước thế hệ này nối tiếp thế hệ khác đã ngã xuống chiến trường. Nhưng "Súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ". Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu đã làm sáng tỏ chân lí đó. Ông khóc than cho Tổ quốc buổi đầu gặp thương đau:

Khốc là khóc nước nhà cơn bẩn loạn, hỏm mai vắng chúa; thua buồn nhiều nỗi khúc nhôi;

Than là than bờ cõi lúc qua phân, ngày tháng trông vua, ngơ ngẩn một phường trẻ dại.

(Văn tê Trương Định)

Ông cãm uất chửi mắng vào mặt kẻ thù:

Tấc dất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta;

Bát cơm manh áo ở dời, mắc mớ chi ông cha nó.

(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)

Ông hết lòng ngợi ca những sĩ phu như Trương Định đã một lòng vì nước, vì dân:

Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền;

Theo bụng dân phái chịu tướng quân thù, gánh vác một vai khổ ngoại.

(Văn tế Trương Định)

Ông dựng bức tượng đài bất tử về những người dân ấp, dân lân: "Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh" (Văn tế nghĩa sĩ cán Giuộc). Ngay cả lúc bờ cõi đã "chia đất khác", Nguyễn Đình Chiểu vẫn nuôi giữ một niềm tin vào ngày mai: "Một trận mưa nhuần rửa núi sông" (Xúc cảnh), vẫn kiên trì một thái độ bất khuất trước kẻ thù: "Sự đời thà khuất đôi tròng thịt - Lòng đạo xin tròn một tấm gương" {Ngư Tiều y thuật vấn dáp). Với những nội dung trên, có thể nói thơ văn yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã đáp ứng xuất sắc những yêu cầu của cuộc sống và chiến đấu đương thời. Nó có tác dụng động viên, khích lệ không nhỏ tinh thần và ý chí cứu nước của nhân dân ta.

c) Sắc thái Nam Bộ độc đáo trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu thể hiện rõ ở từng nhân vật trong tác phẩm của ông. Mỗi người dân Nam Bộ có thể bắt gặp mình ở các nhân vật của ông từ lời ăn tiếng nói, ở sự mộc mạc, chất phác đến tấm lòng nặng tình, nặng nghĩa, yêu thương rất mực và căm ghét đến điều. Họ sống vô tư, phóng khoáng, ít bị ràng buộc bởi những phép tắc, lễ nghi và sẵn sàng xả thân vì nghĩa. Họ nóng nảy, bộc trực nhưng lại rất đằm thắm, ân tình. Đó là những nét rất riêng trong vẻ đẹp chung của con người Việt Nam.

3. Kết bài

Như đã nói ở trên, Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Trãi có những điểu gần gũi về tư tướng nhân nghĩa. Nguyễn Trãi cũng lấy cái nền tảng của sự nhân nghĩa là quyển lợi của nhân dân nhưng đến Nguyễn Đình Chiéu thì phạm trù nhân nghĩa mới thực sự mở rộng đến nhân dân, gần gũi thực sự với nhân dân. Đó thực sự là một bước tiến dài của tư tưởng.

2. Thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu mẫu 1

Có ai mà không mơ ước được một lần nhìn thấy thiên đường? Một lần được đặt chân vào và mục kích những kì quan tuyệt mĩ mà không nơi nào ở trần thế có được? Em đã may mắn được đến tham quan nơi mà người ta gọi là “thiên đường” - nơi chỉ dành cho những người hiền tài, nhân đức - và càng may mắn hơn nữa khi mà tại đó, em được gặp gỡ, trò chuyện với một trong những nhà thơ Nôm xuất chúng của nền văn học Việt Nam thời Pháp thuộc, người đã để lại cho đời những tác phẩm lớn có giá trị, một trong những người đặt nền tảng để phát triển ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc - cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Hôm ấy, sau khi chuẩn bị bài cho ngày mai xong, em đánh ngay một giấc ngon lành. Bỗng, có ai đó nắm chặt lấy tay em, kéo em chạy về hướng một cánh cửa lớn bằng vàng đang tỏa một thứ ánh sang chói chang, kì ảo. Sau khi qua khỏi cánh cổng, lực kéo cũng biến mất và em như không tin vào mắt mình: hiện ra trước mắt em là một khu vườn lung linh với muôn vàn loại cây xinh đẹp và kì lạ mà em chưa từng biết đến. Càng tiếng sâu vào rừng, em lại càng không khỏi ngạc nhiên và thích thú với vạn vật nơi đây: nào là loài chim với bộ lông ngũ sắc sặc sỡ, nào là chú hươu trắng muốt với cặp nhung đồ sộ vươn dài, hay những chú bướm với đôi cánh lấp lánh tỏa sáng dịu nhẹ,… Tiến sâu hơn nữa, em bỗng nghe có tiếng ai đàn hát vui vẻ. Tò mò, em bèn đi về phía tiếng hát. Và ô kìa, ở giữa khu rừng diệu kì này lại có một mái vòm nhỏ, tại đó, vài ông lão râu tóc bạc phơ đang uống rượu, làm thơ, xung quanh họ là hai cô gái xinh đẹp uyển chuyển gảy từng phím đàn. Phải chăng họ là những thần tiên sinh sống tại khu rừng này? Trong số các tiên nhân đang đối ẩm, em đặc biệt chú ý đến một ông lão với đôi mắt nhắm nghiền. Ông làm thơ rất hay, nhưng những bài thơ của ông không có ngôn từ hoa mỹ như các bạn hữu của mình mà lại mộc mạc, dễ hiểu và khiến em cảm thấy rất gần gũi. Trông ông lão rất quen, và khi nghe những tiên nhân khác gọi ông là “cụ đồ Chiểu”, em mới nhận ra, thì ra ông chính là cụ Nguyễn Đình Chiểu, tác giả của rất nhiều bài thơ Nôm nổi tiếng, trong đó có một vài bài thơ em đã từng được học. Bỗng, một trong hai tiên nữ đánh đàn phát hiện có người lạ nhìn trộm, nàng thong báo cho nhưng người còn lại và chỉ tay về phía em đang đứng. Như hiệu ứng domino, buổi tao đàn bị gián đoạn và tất cả những cặp mắt đổ dồn về một phía - phía mà ngón tay vị tiên nữ chỉ về. Không còn cách nào, em đành bước ra, xin lỗi về sự bất lịch sự của mình và giải thích vì sao em lại có mặt ở đó. Sau khi nghe em giài thích, mọi người không những không giận mà còn mời em tham gia hội tao đàn của chốn tiên cảnh. Cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng nói chuyện với em rất thân tình, hôm đó, em đã hỏi cụ:

“Cháu đã từng được đọc về những bài văn của ông, cháu rất thích và ngưỡng mộ tài văn chương cũng như tinh thần yêu nước của ông qua những bài thơ ấy. Hôm nay lại được may mắn gặp và nói chuyện với ông, ông có thể kể cho cháu về cuộc đời văn chương của mình không?

Cụ đồ Chiểu cười hiền hậu, ôn tồn kể:

- Ta chào đời vào năm 1822, tại làng Tân Thới. Cha mẹ đặt cho ta cái tên Mạnh Trạch, khi lớn, ta lấy hiệu là Trọng Phủ, Hối Trai để sáng tác thơ văn. Nhưng có lẽ mọi người đã quen gọi ta bằng cái tên dân gian: cụ Đồ Chiểu. Phụ than ta - Nguyễn Đình Huy - vốn là thơ lại Văn hàn ty ờ Gia Định, nhưng sau cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi, ông bị cách chức nên cùng ta và mẫu thân là Trương Thị Thiệt trở về quê ở Thừa Thiên. Tại đó, ta đã được một người bạn của bố nhận nuôi và được dạy dỗ, học hành. Sau này, ta lấy vợ là Lê Thị Điền, nàng là một người có tài có đức.

Không chỉ em mà các vị tiên nhân khác cũng bị cuốn vào câu chuyện của cụ Chiểu, mọi người im lặng lắng nghe cụ thuật lại, không gian yên tĩnh đến lạ. Ngừng một chút, cụ lại kể tiếp:

- Cháu và các bạn đồng trang lứa khác rất may mắn khi được sống trong cảnh đất nước độc lập, nhân dân ấm no. Còn ta, khi sinh ra gặp phải thời loạn lạc, triều đình bất lực, nông dân bị áp bức, bóc lột khắp nơi, rồi sau này, khi Thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng càng hà hiếp, vơ vét của dân, cuộc sống lại càng cực khổ trăm bề.

Kể đến đây, giọng cụ đầy phẫn nộ và căm giận. Em càng hiểu rõ thêm về cụ - một người với tấm lòng yêu nước tha thiết.

- Sau khi được ăn học đàng hoàng, năm 22 tuổi, ta về lại Gia Định ứng thí và đã đỗ Tú tài. Ba năm sau đó, ta lại ra Thừa Thiên thi tiếp nhưng chưa kịp thị lại hay tin thân mẫu ở nhà vừa qua đời, ta bỏ thi, tức tốc trở về chịu tang mẹ. Bất hạnh thay, trên đường trở về, ta mắc phải chứng đau mắt rồi bị mù từ đó.

25 tuổi mất mẹ, cùng lúc mù lòa, tai họa ập đến với cụ vô tình quá! Em cảm thấy thương thay cho số phận của một người tài nhưng cuộc đời gặp phải nhiều song gió! Tất cả mọi người đều lặng đi, cụ vẫn kể tiếp:

-Từ ngày bị mù, ta bắt đầu chuyển sang học nghề thuốc, đồng thời cũng mở trường dạy học và đôi khi lại sáng tác văn chương. Ta cứ sống yên bình như thế. Rồi ta lấy vợ. Từ khi nên duyên, nàng trở thành đôi mắt của ta, giúp ta đọc viết. Có thể nói, ta có được sự nghiệp như hôm nay một phần cũng nhờ nàng. Khoảng năm 1862, khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam bộ, ta cùng vợ lánh giặc ở Bến Tre. Mặc dù mù lòa, không thể cầm vũ khí giết giặc nhưng ta vẫn luôn bí mật liên lạc bàn mưu với những nhà lãnh đạo yêu nước như Trương Định, Đốc binh Là,… Bên cạnh đó, ta tiếp tục sáng tác văn chương và xem đó như một vũ khí đắc lực để chống giặc, ủng hộ Cách mạng. Dù phải sống trong bóng tối nhưng ta cảm thấy thật mãn nguyện với cuộc sống của mình. Rồi cái gì đến cũng đến, năm 1888, ta mất, từ đó, ta được đưa đến thiên giới, sống tại chốn tiên cảnh này, cùng bầu bạn, làm thơ với các tiên nhân.

Nghe về cuộc đời của ông khiến nhiều người không khỏi khâm phục. Một trong những tiên nhân nghe xong câu chuyện đã không cầm lòng được, tấm tắc:

- Ngài quả thật là người xuất chúng, đã có tài văn thơ lại một lòng yêu nước. Tôi từng nghe, khi Pháp ngỏ ý cấp đất, cấp tiền, hòng mua chuộc ngài - người được lòng tin và sự kính trọng của nhân dân – ngài đã kiên quyết từ chối. Câu nói “Nước chung đã mất, đất riêng còn có được sao?” đầy khảng khái, kiên định của ngài được lan truyền, vun đắp thêm tình yêu nước và tinh thần quật cường của nhân dân.

- Đúng vậy! Đúng vậy! - Một người khác tiếp lời - Những bài thơ ngài đã sáng tác dù là trước hay sau khi Pháp xâm lược đều rất hay, rất ý nghĩa. Trước khi Pháp thuộc thì có truyện thơ dài Lục Vân Tiên, sau có các loại văn tế như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định,…thơ Đường luật: Chạy Tây, Mười hai bài điếu Trương Định,. . ngoài ra còn có Thảo thử hịch, Ngư Tiều y thuật vấn đáp,…. Riêng truyện thơ Dương Từ - Hà Mậu thì không rõ là sáng tác trước hay sau thời Pháp xâm lược. Tuy nhiên một điều chắc chắn là những bài thơ của ngài đã góp phần không nhỏ trong kho tàng văn học Việt Nam.

Các tiên nhân bình luận thật sôi nổi làm em cũng hào hứng, muốn góp phần:

- Nhất là truyện thơ Lục Vân Tiên đấy ạ! Cháu vừa được học một đoạn trích của truyện vài hôm trước. Câu chuyện kể về người anh hùng hào kiệt Lục Vân Tiên với tình thần nghĩa hiệp và Kiều Nguyệt Nga - một tiểu thư liễu yếu đào tơ. Hai người yêu nhau nhưng phải chia cắt, trải qua bao nhiêu song gió, hai người gặp lại nhau và sống hạnh phúc bên nhau. Đọc tác phẩm này, khiến người đọc cảm thấy thân thuộc, gần gũi, mang chất trữ tình, có thể nói đây là một trong những tác phẩm cháu thích nhất trong các truyện thơ của văn học Việt Nam.

- Quả thật, ngài đã cống hiến cho đời những thành tựu to lớn, nhất là với văn học. Nếu là ngày xưa, những bài thơ cổ vũ Cách mạng của ngài chính là nguồn động lực to lớn cho nhân dân, là vũ khí sắc bén tấn công kẻ thù xâm lược. Có người bảo:” Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào bọn giặc ngoại xâm và tôi tớ:

Học theo ngòi bút chí công

Trong thơ cho ngụ tấm long xuân thu.”

Ngài là một trong những người đặt nền tảng để phát triển chữ Nôm dần thành chữ Quốc ngữ. Còn đối với đất nước hiện đại ngày nay, những áng văn chương của ngài trở thành di sản quý báu của văn học, những bài thơ của ngài giúp cho cuộc sống thêm xuân, đánh dấu sự ngoan cường chiến đấu chống giặc của người dân nước Việt.

Cuộc trò chuyện diễn ra thật sôi nổi khiến em quên cả thời gian. Bỗng em nghe tiếng chuông báo thức quen thuộc vang lên. Mọi thứ bỗng tối sầm lại và em choàng tỉnh. Thì ra chỉ là một giấc mơ. Nhưng qua giấc mơ này, em có lẽ đã biết được phần nào về Nguyễn Đình Chiểu: ở con người mù lòa từ tuổi thanh xuân ấy, nổi lên ba nhân cách: một nhà giáo mẫu mực, một thầy thuốc đức độ và một nhà thơ xuất chúng. Hòa với ba nhân cách đó là tấm lòng nồng nàn yêu nước của con người tài ba. Được trò chuyện với ông dù chỉ qua giấc mơ cũng khiến em vô cùng mãn nguyện. Trở về thực tại, em bỗng nhớ đến một câu nói của Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nhân ngày mất Nguyễn Đình Chiểu: “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”.

3. Thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu mẫu 2

Nguyễn Đình Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh ngày 1-7-1822 tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay thuộc phòng Cầu Kho, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Thân sinh nhà thơ là Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên là Thơ lại Văn hàn ty của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mẹ là Trương Thị Thiệt, người Gia Định.

Tuổi niên thiếu, Nguyễn Đình Chiểu từng chứng kiến cảnh loạn lạc của xã hội lúc bấy giờ. Những cuộc nổi dậy của đồng bào các dân tộc bị triều đình Huế đàn áp, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi tại Gia Định. Cuộc nổi dậy này đã gây ra những bão táp kinh hoàng trực tiếp đến gia đình Nguyễn Đình Chiểu. Nguyễn Đình Huy bỏ trốn ra Huế, bị cách chức, sau đó trở vào Nam đón Nguyễn Đình Chiểu, đem gửi cho một người bạn để ăn học. Cuộc sống 8 năm ở Huế đã giúp ông nhận rõ hơn sự thối nát và phức tạp của triều đình, đồng thời có điều kiện để tiếp thu truyền thống văn hóa dân tộc ở đất kinh đô.

Năm 1843, ông thi đỗ tú tài ở Trường thi Gia Định. Năm 25 tuổi, ông trở ra Huế học tập, chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (1849), nhưng chưa kịp thi thì có tin mẹ mất. Trên đường trở về quê chịu tang mẹ, vì quá lo buồn, khóc thương, ông lâm bệnh và mù cả hai mắt.

Về đến Gia Định, sau khi mãn tang mẹ, ông tổ chức dạy học, bốc thuốc chữa bệnh và sáng tác thơ văn. Nhờ sống gắn bó với nhân dân, ông có điều kiện hiểu đồng bào của mình sâu sắc hơn. Chính trong thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác truyện thơ đầu tiên Lục Vân Tiên. Tác phẩm đề cập đến vấn đề đạo nghĩa ở đời, mang dấu ấn tự truyện, đã được nhanh chóng phổ biến rộng rãi. Một người học trò của ông là Lê Tăng Quýnh, vừa trọng nể tài năng và nhân cách, lại vừa thương cảm hoàn cảnh của thầy, đã đem gả người em gái là Lê Thị Điền cho ông. Ngày 17-2-1858, giặc Pháp chiếm thành Gia Định. Ông cùng gia đình chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc. Cũng tại nơi đây, ông đã sáng tác áng văn bất hủ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ngợi ca chiến công anh hùng của những người "dân ấp dân lân" trong trận tấn công đồn Tây Dương, mà người bạn đồng khoa với ông là Đỗ Trình Thoại đã hy sinh cùng với 7 nghĩa quân khác. Tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu dài 3.448 câu thơ mang nội dung phê phán âm mưu lợi dụng tôn giáo của kẻ địch, lên án những người thờ ơ, vô trách nhiệm trước cảnh nước mất nhà tan cũng được sáng tác tại đây

Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tại đây, ông tiếp tục dạy học trò, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và lực lượng kháng chiến. Khi được tin Trương Định hy sinh (19-8-1864), nhà thơ xúc động, viết bài Văn tế và Mười hai bài thơ liên hoàn điếu người anh hùng. Mười bài thơ điếu Đốc binh Phan Tòng hy sinh trong trận Giồng Gạch (1868) vốn gốc là hương sư, bạn bè thân thiết với ông, lời lẽ rất thống thiết, có những câu thơ tâm huyết như lời thề tạc vào đá: "Tinh thần hai chữ pha sương tuyết, khí phách ngàn thu rỡ núi non". Khi Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử sau khi để mất 3 tỉnh miền Tây, ông làm thơ điếu họ Phan với ít nhiều ngụ ý phê phán.

Thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác nhiều thơ văn bi tráng nhất, tiếc thương những đồng bào, bạn bè, đồng chí đã ngã xuống vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc. Nổi bật là thiên hùng bút Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh. Tất cả tâm huyết của nhà thơ như dồn vào những câu đau xé lòng người: "Dân sa nước lửa bấy chầy, giặc ép mỡ dầu hết sức". Đồng bào ở đây kể lại rằng chính ông đứng ra làm lễ tế những nghĩa sĩ Lục tỉnh ngay tại chợ Ba Tri. Khi đọc xong bài điếu, nước mắt chảy ràn rụa và ông lăn kềnh ra nằm bất tỉnh.

Tác phẩm Ngư tiều y thuật vấn đáp được viết vào giai đoạn cuối đời với một bút pháp già dặn hơn và một niềm tâm sự sâu lắng, xót xa hơn trước cảnh đất nước bị "dưa chia, khăn xé", nhưng không hề tuyệt vọng.

Bến Tre không phải là nơi sinh của nhà thơ, nhưng lại là nơi vinh hạnh được ông chọn để sống, hoạt động trong suốt 26 năm đầy biến cố phức tạp vào giai đoạn cuối đời và đã vĩnh viễn gởi xương cốt tại đây. Người ta kể lại rằng ngày đưa đám ma ông, cả cánh đồng An Bình Đông, nay là An Đức, trắng xóa khăn tang của những bạn bè, học trò, con cháu xa gần, những thân chủ được ông chữa khỏi bệnh và những đồng bào quanh vùng hoặc đã chịu ơn ông, hoặc vì mến mộ, cảm phục một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn.

Hơn một phần tư thế kỷ, sống trên đất Bến Tre, Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho nhân dân ở đây một ảnh hưởng to lớn và một di sản tinh thần vô cùng quý báu, góp phần tạo nên truyền thống kiên cường, bất khuất của một vùng đất anh hùng. Thơ văn của ông đã thấm sâu vào tâm hồn của nhiều thế hệ con người Bến Tre và ngưng đọng lại ở đó, biến thành một sức mạnh vật chất giúp họ có thể chiến thắng được mọi gian nguy, thử thách gay go và khốc liệt nhất.

--------------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu, VnDoc mời các bạn tham khảo tài liệu Thi thpt Quốc gia môn Văn, Thi thpt Quốc gia môn Địa lý, bài soạn văn mẫu bài Tác giả Nguyễn Đình Chiểu mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
8
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn lớp 11

    Xem thêm