Cảm nhận khát vọng sống của Liên trong Hai đứa trẻ - Thạch Lam

Cảm nhận khát vọng sống của Liên trong Hai đứa trẻ

Cảm nhận khát vọng sống của Liên trong Hai đứa trẻ - Thạch Lam tài liệu học tập hay giúp các bạn hoàn thiện tốt bài văn của mình, học tốt môn Ngữ văn 11, luyện thi đại học môn Văn hiệu quả.

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 11 để có thêm tài liệu học tập nhé

“Văn chương nằm ngoài quy luật của sự băng hoại, chỉ mình nó không chịu thừa nhận cái chết", câu nói này thật đúng với những truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam. Không gay cấn, không nhiều tính huống éo ke, kịch tính, không chứa đựng những mâu thuẫn gay gắt, những dằng xé nội tâm đến mức đau đớn, bi kịch... Truyện của Thạch Lam cứ như "những bài thơ trữ tình đầy xót thương", nhẹ nhàng mà ám ảnh, mà lay động, để mỗi lần đến với truyện ngắn của ông, ta lại bắt gặp chính ta trong cuộc sống bộn bề hôm nay. "Hai đứa trẻ" là truyện ngắn xuất sắc nhất của Thạch Lam. Cái khung cảnh phố huyện nghèo đói, xơ xác, buồn lặng và nỗi buồn xao xuyến, ánh mắt xa xăm "nhuốm đầy bóng tối" của cô bé Liên không hiểu sao cứ ám ảnh tôi nhiều đến vậy.

Năm nào cũng đọc đi đọc lại tác phẩm, năm nào cũng dạy mà chưa năm nào thôi xúc động về thế giới của câu truyện. Một phố huyện nghèo với hình ảnh mấy đứa trẻ nhặt nhạnh rác rưởi trên bãi chợ tan, một bà cụ Thi điên với điệu cười khanh khách và dáng đi xiêu vẹo nhòe vào bóng tối, một tiếng đàn rung lên bần bật giữa đêm khuya phố huyện và... một ánh mắt trẻ thơ trong veo mà u buồn. Tất cả cứ ám ảnh, cứ day dứt về một kiếp sống mỏi mòn, buồn lặng trong nghèo đói và bế tắc. Hẳn là nhà văn Thạch Lam đã rưng rưng trên chính trang văn của mình khi viết về những kí ức tuổi thơ ấy của mình để truyền cái rưng rưng ấy đến với độc giả bao nhiêu năm qua.

Liên, cô bé ám ảnh tôi nhiều nhất. Đôi mắt ngập đầy bóng tối của cô bé mới lớn trong buổi chiêu nhá nhem nói lên rất nhiều điều. Cái mỏi mòn buồn lặng - điều này còn đáng sợ hơn cái nghèo, đang gặm nhấm một tâm hồn trẻ thơ vốn chỉ có niềm vui và hồn nhiên. Và như thế, tác phẩm của Thạch Lam không cần phải dùng đến cái chết, hay sự đổ máu mà vẫn có sức nặng tố cáo ghê gớm. Xã hội của những năm 30 của thế kỉ trước đang bót nghẹt sức sống, bóp nghẹt ước mơ và cướp đi tuổi thơ của biết bao đứa trẻ như Liên, như An và như những đứa trẻ trên bãi rác kia.

Nhưng, điều mà Thạch Lam muốn gửi gắm nhất ở truyện ngắn có lẽ là khát vọng vươn lên, dù khát vọng đó có vẻ như rất mơ hồ "chừng ấy con người mong đợi một điều gì đó tươi sáng hơn cho sự sống của họ". Khát vọng ấy được Thạch Lam gửi gắm qua tâm hồn của cô bé Liên - CÔ BÉ LUÔN KHAO KHÁT VÀ TÌM KIẾM ÁNH SÁNG.

Trong cái bóng đêm đen kịt, đậm đặc và bao phủ của phố huyện, Liên luôn khao khát và tìm kiếm những nguồn sáng. Lần thứ nhất, hai chị em cô ngước nhìn vè phía bầu trời "vòm trời hàng ngàn ngôi sao lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm... Liên ngước mắt nhìn lên các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông...". Liên chạy trốn bóng tối, chạy trốn cái buồn lặng của phố huyện, tâm hồn cô bé khao khát những miền sáng mới. Tuy nhiên vũ trụ bao la quá, thăm thẳm và bí ẩn với tâm hồn hai đứa trẻ. Liên đành trở về với mặt đất.

Lần thứ hai, cô bé lại chạy trốn bóng tối bằng những hoài niệm về quá khứ. "Liên nhớ lại khi ở Hà Nội, chị được hưởng những thức quà ngon, lạ - bấy giờ, mẹ cho Liên nhiều tiền, được đi chơi bờ hồ, uống những cốc nước lạnh xanh đỏ... Hà Nội nhiều đèn quá...". Ngay cả vùng kí ức ấy về quá khứ cũng đang mờ dần đi mỗi ngày và giờ đây Liên khônh nhớ gì rõ rệt.

Lần thứ nhất Liên chạy trốn bóng tối, chạy trốn sự buồn lặng bằng cách hướng đến bầu trời, lần thứ hai cô tìm về quá khứ, nhưng tất cả đều xa xăm, mơ hồ và không hiện hữu. Lần thứ ba, Liên tìm đến đoàn tàu - thứ ánh sáng rực rỡ, chói lòa ngay trong chính hiện tại, ngay trước mặt Liên, trên mặt đất cô đứng, để cô được sống những giây phút đẹp đẽ nhất của một ngày dài phố huyện, Liên lặng đi trong những mơ tưởng, Hà Nội xa xăm, Hà Nội vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một thế giới khác đi qua, một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn chị Tý... Đó cũng chính là lí do vì sao Liên và những con người vô danh nghèo khổ ở cái huyện con này, đêm nào cũng chờ tàu đi qua. Đó, chính là những phát hiện tinh tế, là tấm lòng yêu thương xa xót của Thạch Lam trước số phận mỗi con người. Trong tăm tối, xơ xác, nghèo đói của cuộc đời, Thạch Lam nhìn thấy Liên và những con người vô danh nơi phố huyện kia vẫn luôn hướng về ánh sáng, vẫn không nguôi hi vọng, đó chính là bản năng sống, thứ bản năng mạnh mẽ nhất cuả con người. Bao giờ, bản năng đó chưa mất đi, thì cuộc sống vẫn đang tiếp diễn....

Truyện Thạch Lam dạy cho ta nhiều điều về cuộc sống hôm nay. Thái độ trân trọng cuộc sống, trân trọng sự bình dị, biết ước mơ và luôn khao khát về những gì tươi sáng, đẹp đẽ, sự cảm thông, và sẻ chia nhiều hơn với cuộc đời... Cố nhà văn đã đi về với cát bụi, nhưng những gì ông để lại cho đời vẫn đẹp mãi với thời gian. "Hai đứa trẻ" vẫn luôn là câu truyện lay động tâm hồn của các thế hệ học trò, rất bổ ích và thiết thực cho các em trong giai đoạn hình thành nhân cách.

--------------------

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc bài Cảm nhận khát vọng sống của Liên trong Hai đứa trẻ - Thạch Lam, mong rằng đây là tài liệu hữu ích Văn mẫu lớp 11 giúp bạn đọc ôn tập. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 11.

Đánh giá bài viết
1 896
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

    Xem thêm