Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bài viết tập làm văn số 1 lớp 11: Đề 2

Bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề mà tác giả Thân Nhân Trung đã nêu trong "Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba - 1442". Bài viết số 2 lớp 11 đề 2 này sẽ là tài liệu gồm nhiều văn mẫu hay, giúp các bạn ôn tập và tham khảo, từ đó có phương pháp làm cũng như triển khai ý đa dạng và đầy đủ, mời các bạn tham khảo.

1. Dàn ý bài viết tập làm văn số 1 lớp 11 đề 2

Dàn ý Nghị luận xã hội về câu nói Hiền tài là nguyên khí quốc gia mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Hiền tài: những con người có học thức, có trí tuệ, giỏi giang hơn người khác và quan trọng là có nhân cách tốt đẹp.

Câu nói mang ý nghĩa: những người vừa có tài, vừa có đức sẽ là phần cốt lõi giúp cho đất nước ngày càng phát triển thịnh vượng và tốt đẹp hơn.

b. Phân tích

Nếu không tài giỏi, chúng ta làm việc gì cũng sẽ khó, cũng sẽ dễ đổ bể, chính vì thế tài năng vô cùng quan trọng trong cuộc sống con người. Nhưng nếu con người thông minh mà không có đạo đức tốt thì sẽ dễ mang tài năng của mình đi làm chuyện xấu hòng tư lợi, như thế sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho xã hội.

Tài và đức nên đi liền với nhau, kết hợp với nhau để con người phát triển theo chiều hướng tích cực để xây dựng xã hội đẹp đẽ.

Người có tài và đức sẽ được xã hội trọng dụng, người khác ngưỡng mộ và là tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về nhân vật, những con người vừa tài giỏi lại có đạo đức, nhân cách tốt cống hiến hết mình cho nước nhà làm minh chứng cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, nổi bật, xác thực được nhiều người biết đến.

d. Phản đề

Trong xã hội vẫn có không ít người tài giỏi nhưng đạo đức không tốt, chuyên đi làm những chuyện xấu xa để thu lợi, lại có những người tuy không tài giỏi nhưng lại có đạo đức và phẩm chất tốt đẹp, những người này cũng khó có được thành công trong cuộc sống.

Bên cạnh đó cũng có không ít người không tài giỏi lại không cố gắng học tập, rèn luyện bản thân, tu bổ đạo đức,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn phê phá, chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: ý kiến: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” và rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Dàn ý bài viết tập làm văn số 1 lớp 11 đề 2 mẫu 2

1. Kỹ năng:

  • Xác định được kiểu bài: Nghị luận xã hội.
  • Lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng, văn viết có cảm xúc.
  • Ít mắc lỗi chính tả dùng từ và diễn đạt.

2. Kiến thức:

Trên cơ sở hiểu đúng lời nhận định của Thân Nhân Trung về vai trò của hiền tài đối với đất nước. Nắm vững luận đề: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Trên cơ sở đó giải thích, chứng minh, bình luận, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống ngày nay. Học sinh có thể trình bày theo cảm nhận và sáng tạo riêng theo cách khác nhau, song cần nêu được:

  • Giới thiệu vấn đề: Trích dẫn câu nói của Thân Nhân Trung "Vai trò, tầm quan trọng của hiền tài đối với đất nước".
    • Hiền tài là người tài cao, học rộng, có đạo đức tốt được mọi người tín nhiệm suy tôn.
    • Hiền tài có vai trò quyết định sự hưng thịnh của đất nước, góp phần làm nên sự sống còn của quốc gia và xã hội.
  • Tại sao nói nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh? Nguyên khí suy thì thế nước yếu? ( giải thích, chứng minh, bình luận).
    • Mọi thời đại, quốc gia đều rất cần người tài đức vì đó là nguyên khí của quốc gia ( Người tài đức có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đất nước phồn vinh. Hiền tài mà không biết tu dưỡng tài, đức thì đất nước suy yếu, suy vong).
    • Cần có chính sách khích lệ, bồi dưỡng nhân tài (tinh thần, vật chất). Trọng dụng người tài: đúng người đúng việc, không lãng phí chất xám.
  • Khẳng định tầm quan trọng của người tài đức đối với đất nước.
  • Phương hướng phấn đấu, liên hệ bản thân: rèn luyện tài, đức góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.

2. Văn mẫu Nghị luận xã hội về câu nói Hiền tài là nguyên khí quốc gia

Bài viết số 1 lớp 11 đề 2 mẫu 1

Người xưa có câu: “Người không học như ngọc không mài” quả thực không sai. Chúng ta không chịu rèn luyện bản thân thật tốt thì sao có thể trở thành người tài giỏi, cống hiến những điều tốt đẹp cho đất nước. Đề cao tài năng và đạo đức của con người, Thân Nhân Trung đã từng nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Hiền chỉ những người có những phẩm chất đạo đức tốt đẹp; còn tài là những người thông minh, tài giỏi. Hiền tài chỉ những người tài cao, học rộng, có đạo đức tốt được mọi người tín nhiệm suy tôn. Hiền tài có vai trò quyết định sự hưng thịnh của đất nước, góp phần làm nên sự sống còn của quốc gia và xã hội. Hiền tài là một bộ phận cốt cán, quan trọng của đất nước. Đất nước nào, thời đại nào chiêu mộ được càng nhiều hiền tài thì đất nước ấy càng phát triển, vững bền. Mọi thời đại, quốc gia đều rất cần người tài đức vì họ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đất nước phồn vinh. Nhưng hiền tài không phải tự nhiên mà có. Ngoài thiên khiếu bẩm sinh, những người tài phải được phát hiện và giáo dục nghiêm túc để họ nhận thức đúng đắn về mục đích học tập là rèn luyện đạo lí làm người, để bổi dưỡng tinh thần tương thân tương ái và hiểu rõ trách nhiệm của bản thân đối với xã hội. Để làm được điều này, nhà nước cần có những chính sách khích lệ, bồi dưỡng nhân tài bằng cả tinh thần và vật chất để họ yên tâm và có động lực hơn trong việc cống hiến. Bên cạnh đó, ta cũng cần phê phán những người lười biếng, quen thói dựa dẫn, ỷ lại, không chịu nỗ lực trong cuộc sống, hoàn thiện bản thân mình để trở nên tốt đẹp hơn,… Mỗi chúng ta đều có thể trở thành nhân tài trong tương lai, cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho đất nước nếu ta nỗ lực hoàn thiện mình, rèn luyện bản thân ngay từ hôm nay, tu dưỡng cả về trí tuệ và đạo đức. Không bao giờ để ta nói lời hay, làm việc tốt, hãy trở thành một công dân có ích, cống hiến những giá trị tốt đẹp nhất cho cuộc đời.

Bài viết số 1 lớp 11 đề 2 mẫu 2

Từ xưa đến nay, con người được xem là yếu tố hạt nhân để góp phần xây dựng và đưa đất nước phát triển hùng mạnh. Lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã ghi dấu tên tuổi của biết bao những người hiền tài có công ơn đối với đất nước. Đề cao vai trò của người hiền tài, trong "Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba - 1442" Thân Nhân Trung đã khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

Trước hết, chúng ta cần hiểu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” có nghĩa là gì và vì sao Thân Nhân Trung lại nói như vậy? Hiền tài là những người không chỉ có đạo đức mà còn có học thức, biết vận dụng đức và tài của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Còn nguyên khí là thứ tạo nên sự sống của người và vạn vật, hiểu rộng ra, nguyên khi chính là cái hồn của một dân tộc, quyết định đến sự sống còn và phát triển của dân tộc ấy. Như vậy, qua câu nói, Thân Nhân Trung đã đề cao và khẳng định vai trò của người hiền tài đối với vận mệnh của quốc gia, dân tộc.

Câu nói của Thân Nhân Trung không chỉ đúng với thời đại của ông mà luôn chính xác trong mọi hoàn cảnh, mọi chế độ. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” đã khái quát lên một chân lí có giá trị muôn đời: Hiền tài là một bộ phận cốt cán, quan trọng của đất nước. Đất nước nào, thời đại nào chiêu mộ được càng nhiều hiền tài thì đất nước ấy càng phát triển, vững bền. Nhắc đến một thời đại hào hùng, chúng ta cũng không thể nào không nhắc đến những con người kiệt xuất đã làm nên lịch sử. Nguyễn Trãi là một nhà quân sự tài ba, là cánh tay đắc lực có công rất lớn trong việc giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, lập ra triều đại nhà Lê. Nguyễn Trãi luôn tâm niệm: đánh giặc không chỉ bằng vũ khí, bằng bạo lực mà còn phải đánh vào lòng người. Những bức thư gửi tướng giặc nhà Minh có sức mạnh như mười vạn quân đã minh chứng rõ nét cho tư tưởng đi trước thời đại của ông. Triều đại nhà Trần với hào khí Đông A vang bóng một thời không thể không kể đến vị tướng tài ba kiệt xuất trong lịch sử dân tộc: Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông là người đã có công lãnh đạo dân tộc ta chiến đấu và chiến thắng trong ba cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông xâm lược. Trần Hưng Đạo cũng là một bề tôi hết lòng trung thành với vua, sẵn sàng hi sinh vì lợi ích của đất nước, nhân dân. Một quốc gia có trở nên hùng mạnh hay không phụ thuộc không nhỏ vào yếu tố hiền tài. Nhật Bản trở thành một cường quốc trên thế giới như hiện nay có một phần vì họ biết chiêu mộ người hiền tài, tạo điều kiện tốt nhất để những người đó có thể học tập và dựng xây đất nước.

Hiện nay, trong thời đại hòa nhập, để nước ta có thể sánh ngang với các cường quốc năm châu trên thế giới, chúng ta cần chú ý phát hiện và bồi dưỡng người hiền tài. Đứng trước thực trạng chảy máu chất xám, nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới những người vừa có tài vừa có đức, tạo cho họ điều kiện tốt nhất để có thể phát huy được tài năng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua hàng mấy thế kỉ, câu nói của Thân Nhân Trung đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Câu nói ấy như lời nhắc nhở chúng ta phải biết quý trọng người hiền tài- những con người có thể thay đổi số mệnh của cả một quốc gia, dân tộc.

Bài viết số 1 lớp 11 đề 2 mẫu 3

Thân Nhân Trung (1418 – 1499) tên chữ là Hậu Phủ, người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng, nay thuộc tỉnh Bắc Giang, ông đỗ tiến sĩ năm 1469, từng là thành viên trong Hội Tao đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập. Là người có tài văn chương nên năm 1484, ông đã được nhà vua tin cậy giao cho soạn thảo Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba. Văn bản này giữ vai trò quan trọng như lời Tựa chung cho cả 82 tấm bia tiến sĩ ở nhà bia Văn Miếu, Hà Nội. Bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia trích từ bài kí này, trong đó có câu: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.

Vấn đề tác giả nêu ra trong đoạn trích là khẳng định vai trò, vị trí của các bậc hiền tài đối với đất nước. Đây là một nhận định sáng suốt và đúng đắn, được chiêm nghiệm và rút ra từ thực tế thăng trầm của lịch sử nước ta, chứng tỏ người viết có tầm nhìn xa trông rộng.

Vậy hiền tài là gì và tại sao hiền tài lại là nguyên khí của quốc gia?

Thế nào là hiền tài? Hiểu theo nghĩa hiển ngôn của từng từ thì hiền là ăn ở tốt với mọi người (phải đạo), hết lòng làm trọn bổn phận của mình đối với người khác; tài là khả năng đặc biệt làm một việc nào đó. Hiểu rộng ra theo nghĩa hàm ngôn thì hiền tài là người tài cao, học rộng và có đạo đức, một lòng một dạ vì lợi ích của nhân dân, Tổ quốc.

Thế nào là nguyên khí? Nguyên khí là khí ban đầu tạo ra sự sống của vạn vật. Hiểu rộng ra, nguyên khí là yếu tố quyết định sự sống còn và phát triển của xã hội, đất nước.

Vậy tại sao hiền tài là nguyên khí của quốc gia?

Hiền tài là sự kết tụ tinh hoa của đất trời, của khí thiêng sông núi, của truyền thống dân tộc. Người xưa đã nói: Địa linh sinh nhân kiệt, nên hiền tài là nguyên khí của quốc gia.

Những người được coi là hiền tài có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hưng vong của một triều đại nói riêng và của quốc gia nói chung. Có thể lấy rất nhiều ví dụ trong lịch sử nước ta để chứng minh cho điều đó như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Giang Văn Minh, Tô Hiến Thành, Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huệ... ở những thế kỉ trước và nhân vật nổi tiếng của thế kỉ XX là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – người đã lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân, phong kiến, giành lại chủ quyền độc lập, tự do cho đất nước và khẳng định tên tuổi Việt Nam trước toàn thế giới.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, có một số nhân sĩ, trí thức được đào tạo ở nước ngoài vì cảm phục đức hi sinh cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đã sẵn sàng từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý, trở về nước trực tiếp đóng góp tài trí của mình cho sự nghiệp kháng chiến. Kĩ sư Trần Đại Nghĩa, người chế tạo ra nhiều thứ vũ khí lợi hại cho kháng chiến. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Tôn Thất Tùng, bác sĩ Đặng Văn Ngữ... đã bỏ ra bao công sức nghiên cứu, tìm tòi và chế tạo ra những thứ thuốc kháng sinh quý giá để cứu chữa cho thương binh, bộ đội trên chiến trường. Nhà nông học Lương Định Của suốt đời trăn trở, nghiên cứu cải tạo ra những giống lúa mới có khả năng chống sâu rầy và cho năng suất cao để cải thiện cuộc sống nông dân, tăng nguồn lương thực tiếp tế cho chiến trường miền Nam đánh Mĩ... Đó là gương sáng của những bậc hiền tài một lòng một dạ vì quyền lợi chung của nhân dân và Tổ quốc.

Như đã nói ở trên, hiền tài có vai trò quan trọng đối với sự hưng vong của đất nước. Nhưng hiền tài không phải tự nhiên mà có. Ngoài thiên khiếu bẩm sinh, những người tài phải được phát hiện và giáo dục theo một quy củ nghiêm túc để họ nhận thức đúng đắn về mục đích học tập là rèn luyện đạo lí làm người, để bổi dưỡng lòng tương thân, tương ái và hiểu rõ trách nhiệm của bản thân đối với xã hội. Ngày xưa, theo quan niệm của Khổng giáo thì việc giáo dục con người phải lấy đức làm gốc (đức giả bản dã), còn tài là phần ngọn (tài giả mạt dã). Nguyễn Trãi cũng đặt đức lên trên tài: Tài thì kém đức một vài phân. Đại thi hào Nguyễn Du cũng khẳng định: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Quan niệm đúng đắn ấy còn giữ nguyên giá trị cho đến tận ngày nay. Bác Hồ trong một lần nói chuyện với học sinh đã nhấn mạnh: Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.

Hiền tài trước hết phải là người có đức. Trong chế độ phong kiến trước đây thì đức chính là lòng trung quân, ái quốc. Mọi suy nghĩ và hành động của các bậc hiền tài đều không ngoài bốn chữ đó. Những mưu cầu, toan tính vun vén cho lợi ích cá nhân không thể tác động và làm ảnh hưởng đến lí tưởng cao quý giúp vua, giúp nước của họ. Xét theo chuẩn mực đạo đức Nho giáo thì họ xứng đáng là những bậc chính nhân quân tử: phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất (giàu sang không làm thay đổi, nghèo khó không thể chuyển lay, bạo lực không thể khuất phục). Hiền tài là những tấm gương quả cảm, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Mạc Đĩnh Chi, trạng nguyên đời Trần được triều đình cử đi sứ phương Bắc đã tỏ rõ cho vua quan nhà Minh biết chí khí hiên ngang của người quân tử bằng tài ứng đối hùng biện của mình. Giang Văn Minh sẵn sàng hi sinh tính mạng để bảo vệ danh dự của vua Nam và quốc thể nước Nam, xứng đáng là sứ thần Đại Việt. Không thể kể hết tên tuổi các hiền tài của nước Nam, đúng như Nguyễn Trãi từng viết: Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có (Bình Ngô đại cáo).

Tuy nhiên, lịch sử mấy nghìn năm của đất nước ta có nhiều giai đoạn biến đổi thăng trầm, về đại cục, lịch sử luôn phát triển theo hướng đi lên; nhưng có lúc lịch sử gặp giai đoạn suy thoái, bi thương. Vận mệnh dân tộc, số phận đất nước đặt lên vai hiền tài, nhưng vì nhiều lí do, họ đã không đảm đương được trọng trách mà quốc gia giao phó. An Dương Vương oai hùng với thành Cổ Loa kiên cố và nỏ thần hiệu nghiệm, nhưng vì chủ quan khinh địch nên đã lâm vào cảnh nước mất nhà tan. Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống chỉ vì ham muốn lợi danh mà hèn nhát cam tâm làm tay sai cho quân xâm lược phương Bắc. Đó là lúc nguyên khí suy, thế nước yếu rồi xuống thấp.

Điều quan trọng nhất là hiền tài thì phải thực sự có tài. Có tài kinh bang tế thế thì mới nghĩ ra được những kế sách sáng suốt giúp vua và triều đình cai trị đất nước. Tài năng quân sự lỗi lạc của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã góp phần to lớn vào chiến công lừng lẫy của quân dân nhà Trần ba lần đánh thắng quân xâm lược Mông – Nguyên. Tài năng quân sự, ngoại giao xuất sắc của Nguyễn Trãi khiến ông trở thành vị quân sư số một của Lê Lợi, có vai trò quyết định chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, quét sạch mười vạn giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước ta.

Một gương sáng hiền tài đã trở thành thần tượng không chỉ trong phạm vi đất nước mà mở rộng ra phạm vi toàn cầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tên tuổi của ông gắn liền với hai cuộc kháng chiến đau thương và oanh liệt của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, ông đã làm vẻ vang cho lịch sử và truyền thống bất khuất, hào hùng của đất nước. Nhắc đến ông, nhân dân ta và bè bạn năm châu yêu mến, tự hào; còn kẻ bại trận cũng phải nghiêng mình kính phục.

Xưa nay, các triều đại phong kiến đều quan tâm đến việc mở trường học và tổ chức thi cử để tuyển chọn nhân tài giúp nước.

Sau khi quét sạch quân xâm lược nhà Minh ra khỏi bờ cõi, mở ra nền thái bình muôn thuở, vua Lê Thái Tổ đã tỏ ra đặc biệt quan tâm đến vấn đề mở rộng và nâng cao nền giáo dục của nước nhà, trong đó có việc phát hiện và đào tạo nhân tài nhằm phục vụ cho mục đích chấn hưng đất nước. Các triều đại trước, việc tuyển chọn người ra làm quan chủ yếu thông qua con đường tiến cử, nhiệm cử..., nhưng đến thời Lê thì chủ yếu là thông qua khoa cử để chọn người tài giỏi giúp vua trị nước. Vua Lê Thánh Tông viết trong chiếu dụ như sau: Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học. Phải chọn người có học thì thi cử là đầu. Nước ta, từ khi trải qua binh lửa, nhân tài ít như lá mùa thu, tuấn sĩ thưa như sao buổi sáng. Thái Tổ ta mới dựng nước đã lập ngay trường học, nhưng lúc mới mở mang chưa đặt khoa thi. Ta noi theo chỉ tiên đế, muốn cầu được hiền tài để thỏa lòng mong đợi. Trong sắc dụ của mình, vua Lê Hiển Tông cũng khẳng định: Các bậc thánh đế minh vương, chẳng ai không lấy việc gây dựng người tài, kén chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí làm việc đầu tiên.

Người có tài, có đức giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay như thế nào?

Nếu hiểu theo nghĩa hiền tài là người tốt, có khả năng đặc biệt làm một việc nào đó thì hiền tài hiện nay trong lĩnh vực nào cũng có. Đó là những người vượt khó để thành đạt; là những doanh nhân có tâm, có tài, sản xuất ra những hàng hoá chất lượng cao đem lại lợi ích to lớn cho nhân dân, đất nước; là những nhà khoa học có nhiều công trình hữu ích, thiết thực; là những vị lãnh đạo có tư tưởng đổi mới, hoạch định các chính sách phù hợp, khả thi để thúc đẩy nền kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội ngày càng phát triển. Tất cả hợp lại tạo nên nguyên khí quốc gia.

Hiền tài không phải tự nhiên mà có. Ngoài năng khiếu bẩm sinh mang tính chất truyền thống của gia đình, dòng họ, quê hương... thì người tài phải được phát hiện, giáo dục, đào tạo một cách nghiêm túc và bài bản để thực sự trở thành hiền tài của đất nước.
Nhân tài của một đất nước không nhiều nhưng cũng không quá hiếm hoi. Để có được hiền tài, Nhà nước phải có chính sách đảo tạo và sử dụng đúng đắn cùng chính sách đãi ngộ trân trọng, hợp lí. Tạo điều kiện thuận lợi để hiền tài phát triển tài năng và cống hiến có hiệu quả nhất cho sự nghiệp phát triển đất nước giàu mạnh.

Nhận định của Thân Nhân Trung đúng với mọi quốc gia và mọi thời đại. Học sinh chúng ta cần phải rèn luyện, phấn đấu không ngừng để trở thành hiền tài, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, để có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.

Bài viết số 1 lớp 11 đề 2 mẫu 4

"Hiền tài là nguyên khí quốc gia'', nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Đó là nhận định đúng đắn của Thân Nhân Trung trong Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba - 1442. Từ xưa ông cha ta đã từng quan niệm nguyên khí của quốc gia vừa là khát vọng, vừa là sức sống của dân tộc. Nhân tài đóng vai trò trong sáng tạo ra các giá trị văn hóa, các công nghệ hiện đại.

Có thể nói đó là yếu tố cốt lõi làm nên sự sống còn của mỗi quốc gia. Vậy hiền tài chính là phần cốt lõi, bản chất ban đầu để làm nên sự sống còn và phát triển của đất nước. Quốc gia có hiền tài và biết sử dụng hiền tài thì sẽ phát triển vững mạnh. Thịnh suy của mỗi triều đại, quốc gia không thể tách rời khỏi yếu tố con người. Các triều đại Trung Hoa như nhà Hán có Trương Lương, Hàn Tín, Tiêu Hà giúp sức đã đánh bại Hạng Vũ thống nhất Trung Hoa. Ở nước ta cũng có triều Trần có các danh tướng như Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, đã khắc ghi vào những trang sử vẻ vang của dân tộc qua 3 lần chống Nguyên Mông. Nhưng đến triều Hồ rồi triều Nguyễn mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không đưa đất nước thoát khỏi nạn ngoại xâm vì không có nhân tài phò trợ. Lịch sử nhân loại, việc dùng người mỗi thời khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử, thời thế và vai trò, nhiệm vụ. Người có tài thật là hiếm, cần phải biết tìm, biết trân trọng.

Người có học vấn thường có khả năng phán đoán và nhận định tốt hơn người thường. Thời phong kiến, ở nước ta đã có biết bao bài học khi biết trọng dụng trí thức thì công cuộc bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước phát triển hiệu quả hơn nhờ tầng lớp trí thức, hoà đồng với nhân dân, xả thân vì nghiệp lớn. Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi với bản hùng văn lịch sử "Bình Ngô đại cáo"là minh chứng cho sự sáng suốt của các bậc tiền nhân biết chú trọng và sử dụng tri thức trong các cuộc chiến.

Cổ nhân đã dạy: "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách'' nghĩa là 1 người dân thường ắt cũng phải chịu trách nhiệm trước sự hưng vong của đất nước. Trí thức lại càng phải hơn thế! Ngày nay, tiếp nối truyền thống của cha ông, trí thức cần được rèn luyện để trở thành nhân tài có trách nhiệm cống hiến tài năng vào cho đất nước. Tri thức thời nay là tầng lớp tinh hoa của xã hội, tạo ra các giá trị tinh thần, tôn trọng chân lý và được nâng lên tầm cao mới của xã hội và phù hợp với thời đại toàn cầu hóa của nền tri thức nước nhà. Vậy nên, các vua thời xưa đã hết sức để khuyến khích, tìm kiếm nhân tài. Ban mũ áo, tước vị, cho vinh quy bái tổ và khắc lên đá để lưu danh ngàn đời. Văn Miếu Quốc Tử Giám là một minh chứng sống động cho điều ấy. Chúng ta tin vào sức năng động tự thân của dân tộc, sự sáng tạo và bền bỉ của giới trí thức như ngọn lửa bùng lên để những người có trọng trách biết suy nghĩ, trọng dụng đội ngũ trí thức, nhất là các bậc trí thức lão thành có kinh nghiệm cho tiến trình xây dựng đất nước.

Đối với quốc gia thì càng có nhiều nhân tài thì đất nước ấy càng tỏa sáng. Nước ta tuy là một nước nhỏ nhưng cũng không ít nhân tài. Ngẫm về tình hình hiện tại của đất nước, dễ dàng nhận thấy những nhân tài hay nhận đc ưu đãi là du học, nhưng liệu bao nhiêu trong số họ sẽ trở về nước, hay sẽ ở lại cống hiến cho nước sở tại?

Nhìn xa hơn, hiền tài phải được hướng tới lớp người trẻ tuổi bởi vì họ mới là lớp người có khả năng tiếp thu cái mới, sáng tạo hơn. Cần tạo môi trường cho họ làm việc, phát huy năng lực, đãi ngộ xứng đáng cho thành quả họ mang lại. Để chiêu dụ nhân tài, các nơi thường đưa ra các tiêu chí về học hàm học vị, nhưng thực chất của các học hàm học vị đó ra sao thì không ai kiểm chứng được. Họ vấp phải một môi trường làm việc cũ kỹ, không phát huy được năng lực của bản thân. Họ không muốn bị biến thành một công chức sáng vác ô đi, tối vác về. Họ lại ra đi! Vì tiền bạc, chức vụ không phải là cái mà nhân tài bận tâm.

Nếu chúng ta hiểu một cách sâu xa chân lý "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" không cần phải đốt đuốc lên mới thấy được người có thực tài mà chỉ cần có kế sách cụ thể, thực sự trân trọng tài năng, mời gọi nhân tài để rồi khơi dậy họ. "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp". Đó không chỉ là một triết lí đúng của cố nhân mà còn chính xác đối với thời nay.

Vì vậy mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường cần có biện pháp giáo dục để thế hệ trẻ phát huy hết tiềm năng phục vụ cho đất nước. Trước kia, bây giờ và sau này hiền tài luôn là nguyên khí của quốc gia, là nguồn tài nguyên và động lực to lớn để đất nước đi lên. Ngày nay có thể hiểu hiền tài không chỉ là trí thức, mà là tất cả những ai có năng lực và khát vọng cống hiến cho đất nước, cho dân tộc!

Bài viết số 1 lớp 11 đề 2 mẫu 5

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp". Quả thật, sự trường tồn của một quốc gia nằm ở chính tài năng của mỗi người trong quốc gia đó.

"Hiền tài" ở đây là nói đến những con người vừa có tài, vừa có đức trong xã hội. Nói "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" chính là lời khẳng định: Căn nguyên cho sự lớn mạnh của một quốc gia nằm ở những người tài giỏi và nhân cách cao đẹp và chúng ta cần phải biết tìm và trân trọng họ.

Quang Trung - Nguyễn Huệ đã từng nói: "Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc". Dân tộc Việt Nam trải qua biết bao cuộc chiến tranh ngoại xâm, nhiều người đã phải hi sinh và ngã xuống. Để có được một đất nước hòa bình và phát triển như ngày hôm nay, không chỉ nhờ sức mạnh đoàn kết, ý chí kiên cường của người dân Việt Nam, mà trong đó còn có sự đóng góp không nhỏ của những con người tài giỏi, hết lòng vì dân, vì nước.

Ý kiến của Thân Nhân Trung trải qua mọi thời đại vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Vì vậy, dù trong hòan cảnh nào thì những nhân tài vẫn luôn cần được trân trọng. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có nhiều chính sách trọng dụng người tài để họ có cơ hội được phát triển bản thân, cống hiến sức lực của mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Những sinh viên xuất sắc, cán bộ có năng lực, ... đều được chính phủ trợ cấp chí phí sinh hoạt và học tập ở nước ngoài để mai này phục vụ đất nước. Bên cạnh đó, những cải cách giáo dục luôn được đưa ra để phù hợp với từng thời kì phát triển. Các trường học được xây dựng tạo điều kiện cho trẻ em mọi vùng miền đều có cơ hội học tập, các chính sách miễn giảm học phí cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đưa ra, những quỹ học bổng dành cho những em có thành tích cao trong học tập cũng được xây dựng và duy trì...

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đất nước ta đang xảy ra tình trạng "chảy máu chất xám". Đây là hiện tượng một lực lượng lớn trí thức trẻ đang tìm kiếm cơ hội cho bản thân ở những quốc gia khác có điều kiện sống và phát triển năng lực bản thân mạnh mẽ hơn. Nhiều người sau mọt thời gian học tập và làm việc tại một số quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Mĩ,... đã quyết định định cư lâu dài, không quay trở lại làm việc trong nước. Việt Nam hiện nay là một nước phát triển, và tình trạng này diễn ra đang làm lãng phí một nguồn chất xám lớn, tạo khoảng cách giàu nghèo rõ rệt giữ nước ta với các cường quốc. Không những thế, tình trạng "chảy máu chất xám" đòi hỏi chính phủ phải cấp một khoản tiền không nhỏ để trả lương cho các chuyên gia nước ngoài cũng như chi phí cho việc mua máy móc, thiết bị nước ngoài trong khi bản thân quốc gia có rất nhiều người tài giỏi hoàn toàn có thể thiết kế, tạo ra những máy móc, công nghiệp hiện đại, ... phục vụ cho kinh tế, xã hội ... Điều này chứng tỏ những chính sách đãi ngộ của ta hiện vẫn còn nhiều bất cập cần được xem xét, khắc phục. Ngoài ra, do điều kiện kinh tế khá giả, nhiều bạn trẻ quen thói dựa dẫm, ỷ lại gia đình mà không có chí tiến thủ. Thay vì học tập, các bạn lại sa đà vào thói ăn chơi hưởng thụ xa hoa. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới tương lai của các bạn mà còn tác động xấu tới sự phát triển của đất nước.

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", và thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần phải ra sức học tập, rèn luyện đạo đức để mai này phát huy tài năng, góp phần phát triển đất nước, như Mặc Tự đã từng nói: "Đất nước có nhiều người tài, đất nước càng hưng thịnh".

Bài viết số 1 lớp 11 đề 2 mẫu 6

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Quả thật, sự trường tồn của một quốc gia nằm ở chính tài năng của mỗi người trong quốc gia đó.

“Hiền tài” ở đây là nói đến những con người vừa có tài, vừa có đức trong xã hội. Nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” chính là lời khẳng định: Căn nguyên cho sự lớn mạnh của một quốc gia nằm ở những người tài giỏi và nhân cách cao đẹp và chúng ta cần phải biết tìm và trân trọng họ.

Quang Trung – Nguyễn Huệ đã từng nói: “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”. Dân tộc Việt Nam trải qua biết bao cuộc chiến tranh ngoại xâm, nhiều người đã phải hi sinh và ngã xuống. Để có được một đất nước hòa bình và phát triển như ngày hôm nay, không chỉ nhờ sức mạnh đoàn kết, ý chí kiên cường của người dân Việt Nam, mà trong đó còn có sự đóng góp không nhỏ của những con người tài giỏi, hết lòng vì dân, vì nước.

Ý kiến của Thân Nhân Trung trải qua mọi thời đại vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Vì vậy, dù trong hoàn cảnh nào thì những nhân tài vẫn luôn cần được trân trọng. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có nhiều chính sách trọng dụng người tài để họ có cơ hội được phát triển bản thân, cống hiến sức lực của mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Những sinh viên xuất sắc, cán bộ có năng lực, … đều được chính phủ trợ cấp chí phí sinh hoạt và học tập ở nước ngoài để mai này phục vụ đất nước. Bên cạnh đó, những cải cách giáo dục luôn được đưa ra để phù hợp với từng thời kì phát triển. Các trường học được xây dựng tạo điều kiện cho trẻ em mọi vùng miền đều có cơ hội học tập, các chính sách miễn giảm học phí cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đưa ra, những quỹ học bổng dành cho những em có thành tích cao trong học tập cũng được xây dựng và duy trì…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đất nước ta đang xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám”. Đây là hiện tượng một lực lượng lớn trí thức trẻ đang tìm kiếm cơ hội cho bản thân ở những quốc gia khác có điều kiện sống và phát triển năng lực bản thân mạnh mẽ hơn. Nhiều người sau mọt thời gian học tập và làm việc tại một số quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Mĩ,… đã quyết định định cư lâu dài, không quay trở lại làm việc trong nước. Việt Nam hiện nay là một nước phát triển, và tình trạng này diễn ra đang làm lãng phí một nguồn chất xám lớn, tạo khoảng cách giàu nghèo rõ rệt giữ nước ta với các cường quốc. Không những thế, tình trạng “chảy máu chất xám” đòi hỏi chính phủ phải cấp một khoản tiền không nhỏ để trả lương cho các chuyên gia nước ngoài cũng như chi phí cho việc mua máy móc, thiết bị nước ngoài trong khi bản thân quốc gia có rất nhiều người tài giỏi hoàn toàn có thể thiết kế, tạo ra những máy móc, công nghệ hiện đại, … phục vụ cho kinh té, xã hội …Điều này chứng tỏ những chính sách đãi ngộ của ta hiện vẫn còn nhiều bất cập cần được xem xét, khắc phục. Ngoài ra, do điều kiện kinh tế khá giả, nhiều bạn trẻ quen thói dựa dẫm, ỷ lại gia đình mà không có chí tiến thủ. Thay vì học tập, các bạn lại sa đà vào thói ăn chơi hưởng thụ xa hoa. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới tương lai của các bạn mà còn tác động xấu tới sự phát triển của đất nước.

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, và thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần phải ra sức học tập, rèn luyện đạo đức để mai này phát huy tài năng, góp phần phát triển đất nước, như Mặc Tự đã từng nói: “Đất nước có nhiều người tài, đất nước càng hưng thịnh”.

Bài viết số 1 lớp 11 đề 2 mẫu 7

Được khẳng định từ thế kỉ XV trong tác phẩm Bồi kí để danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bão thứ ha, tư tưởng Hiền tài là nguyên khí quốc gia của Thân Nhân Trung là một trong những tư tường lớn đã được kiểm nghiệm qua nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước. Trong sự phát triển mạnh mẽ và cũng hết sức phức-tạp hiện nay, tư tưởng này đang được tiếp tục đề cao chú trọng.

Tư tưởng của Thân Nhân Trung cho rằng: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yểu, rồi xuống thấp". Chính vì thế "bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ. vun trồng nguyên khí" là việc đầu tiên đã, đang và cần phải làm của nhà nước. Như vậy, theo Thân Nhân Trung hiền tài có vai trò quyết định" đến sự thịnh – suy của đất nước, hiền tài chính là khí chất làm nên sự sống còn sự phát triển của xã hội, của quốc gia; một nước muốn mạnh thì điều trước tiên cần quan tâm chú trọng là bổi dượng, chăm chú, đãi ngộ hiền tài.

Có thể nói tư tưởng của Thân Nhân Trung là một tư tưởng hết sức đúng đắn và tiến bộ. Hiền tài là những người tài cao, học rộng lại đức độ, đó là những người vừa có trí tuệ lại vừa có nhân cách đáng trọng. Tài năng, trí tuệ sáng suốt của họ sẽ tạo nên những giá trị, những thành quả, những sản phẩm mới cho con người, cho xã hộ, góp phần cài biến xã hội, thúc đẩy xã hội vận động, họ là những người có khả năng phán đoán, suy xét thấu đáo, có tầm nhìn xa trông rộng cho nên có thể vạch ra nhưng đường hướng quan trọng cần thiết cho sự vận động của xã hội trong tương lai… Để xây đựng một đất nước giàu mạnh về mọi mặt cần thiết phải có những con người tài giỏi, những cá nhân có năng lực, có tài, có trí tuệ thực sự. Bên cạnh tài năng thì dức độ, nhân cách của họ sẽ giúp họ biết sử dụng cái tài của mình vào những mục đích tốt đẹp, họ sẽ tạo ra những giá trị hữu ích cho cuộc sống. Trong một xã hội không thiếu những cá nhân có tài, nhưng trong số đó không phải ai cũng là hiền tài. Có nhiều người có tài nhưng lại thiếu đức. Những người này thường đem cái tài của mình phục vụ cho lợi ích cá nhân; không quan tâm, thậm chí đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng. Trái lại, người hiền tài bao giờ cũng biết suy nghĩ về lợi ích chung của cộng đồng, về những giá trị chân chính đích thực cho con người. Chính vì thế những gì mà họ tạo ra bao giờ cũng đem lại những tác động tích cực, lành mạnh cho sự phát triển, sự tiến bộ chung của cả xã hội. Xã hội, đất nước ngày càng đi lên, ngày càng cường thịnh là nhờ sự đóng góp của hiền tài. Như vậy, rõ ràng hiền tài chính là "nguyên khí" của một quốc gia, có vai trò quyết định tới sự thịnh – suy của một đất nước. Một xã hội, một đất nước càng nhiều hiền tài thì càng phát triển nhanh chóng; một xã hội, một đất nước mà thiếu vắng hiền tài thì sẽ rất khó bền vững, khó có được sự ổn định và phát triển.

Tư tưởng của Thân Nhân Trung không chỉ khẳng định vai trò quan trọng của hiền tài đối với quốc gia mà còn nêu cao sự cần thiết của việc quan tâm đến hiền tài. Đất nước nào, xã hội nào cũng có những người hiền tài, tuy nhiên những người hiền tài đó có được phát huy hết những gì mà họ có hay không còn phụ thuộc vào việc có trọng dụng hay không và trọng dụng của xã hôi, đất nước đó. Một đất nước, một xã hội muốn phát triển cần thiết phải chăm lo bồi dưỡng, trọng dụng hiền tài, cần trân trọng, tôn vinh những cống hiến, những đóng góp của họ, cần bào vệ, phát huy những giá trị quý giá mà họ đã đem lai cho xã hội, cần tạo một môi trường trong sạch, lành mạnh để người hiền tài được phát huy hết tiềm năng, Cần có sự quan tâm đãi ngộ kịp thời, đúng đắn với người hiền tại. Có như vậy thì hiền tài mới ngày càng dồi dào và đất nước mới thực sự hưng thịnh. Ngược lại, có hiền tài mà không trọng dụng, thậm chí còn tìm cách huý hoại thì hiến tài cạn kiệt, không còn những người tài đức đế kiến tạo đất nước, xã hội lâm vào suy thoái, trì trệ, quốc gia tất sẽ đi đến chỗ suy yếu. Điều này đã được minh chứng rõ ràng bằng lịch sử. Chăm lo đến hiền tài là việc cần làm đầu tiên không chỉ của riêng một nhà nước, một xã hội nào mà là của mọi nhà nước, mọi xã hội.

Hiền tài không phải tự nhiên mà có. Những người hiền tài có một phần nhỏ là tư chất bẩm sinh, phần lớn là nhờ tu dưỡng, rèn luyện không ngừng trong quá trình sống. Vì thế, bản thân những người tài đức trong xã hội phải luôn thấy rõ vai trò của mình đối với đất nước, từ đó mà liên tục trau dồi bản than, phát huy tận độ mọi tiềm năng, cống hiến hết mình cho xã hội trong mọi hoàn cảnh, xứng đáng với sự kì vọng của cộng đổng. Mọi cá nhân trong xã hội phải luôn ra sức rèn luyện, phấn đấu để thành người tài đức góp phần xây dựng đất nước. Đất nước phát triển thì cuộc sống của mỗi cá nhân cũng sẽ được đảm bảo.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, yêu cầu phát triển đất nước càng đặt ra một cách bức thiết. Để sánh vai cùng các nước mạnh trong khú vực và trên thế giới, chúng ta cần có nhiều hơn nữa những người tài đức. Chính bởi vậy tư tường của Thân Nhân Trung thêm một lần nữa cần được khẳng định tính đúng đắn và tiến bộ của nó. Đó chính là kim chi nam không chỉ của một thời đại để xây dựng một quốc gia phồn vinh, thịnh vượng thực sự.

Nghị luận Hiền tài là nguyên khí quốc gia mẫu 8

Trong "bài kí đề danh tiến sĩ khoa nhâm tuất, niên hiệu đại bảo thứ ba – 1442, tác giả Thân Nhân Trung đã nêu: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Hiểu và suy ngẫm, ta thấy rằng, từ xưa đến cho tận ngày nay, đó vẫn là một chân lí bất dịch, là điều mà nhân dân và những người lãnh đạo cần ghi tạc để góp phần tạo nên một quốc gia toàn vẹn.

Hiền tài là những người tài giỏi, có đầy đủ khả năng về trí tuệ và đạo đức, mang trong lòng mong muốn giúp ích cho nhân dân và tổ quốc. Nguyên khí là sức mạnh tinh thần tiềm tàng, ẩn dấu nơi con người, chờ cơ hội để bộc lộ và phát triển. Suy rộng ra, nguyên khí quốc gia là những sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, do nhân dân tổ quốc tạo nên, là cốt lõi cho sự vững mạnh và chiến thắng của dân tộc trên mọi mặt trận. Vì sao nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”? Trong “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, một trong những chứng cớ ông đưa ra để khẳng định chủ quyền độc lập cho dân tộc đó là nhân tài:

“Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có”

Nước ta có văn hiến, lãnh thổ, lịch sử và cũng có cả những nhân tài hào kiệt ở mọi thời đại, điều đó đủ để chứng minh nước ta là một nước độc lập. Bởi một dân tộc có nhân tài, hào kiệt chính là một quốc gia có đủ khả năng để xây dựng một quốc gia có vị thế, có khả năng đứng vững trước mọi kẻ thù lớn nhỏ. Có thể nói trong mọi yếu tố để xây dựng nên một quốc gia thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất bởi con người là chủ nhân của tất cả những điều khác, dường như mọi yếu tố đều phụ thuộc vào con người. Trong đó, hiền tài lại là nhân tố cốt lõi nhất trong chỉnh thể ấy. Nhân tài là những người luôn cần cho một quốc gia để có thể là người dẫn dắt, người giúp đỡ những thủ lĩnh mạnh nhất, đưa nhân dân đến với những điều tốt đẹp nhất. Nhưng một người tài năng thì không đủ mà cần một người “vừa có tài vừa có đức”, đó mới là hiền tài, một nguyên khí tối cao của một quốc gia.

Người hiền tài không chỉ là một người tài năng, đức độ trong danh tiếng mà còn có trách nhiệm trong hành động. Trong thời chiến, hiền tài là những vị tướng tài vì dân quên mình, là những vị văn sĩ không chịu khuất phục trước cường hào, là những con người dám đứng lên vì lợi ích cả dân tộc, những con người luôn trung thành tận tụy với minh quân, với đất nước. Đó có thể coi là những yếu tố rất quan trọng làm nên chiến thắng ngàn thu của dân tộc trước những kẻ thù dù lớn đến đâu. Có thể kể đến những hiền tài đã làm nên trang sử vàng của dân tộc như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Quang Trung, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và đặc biệt không bao giờ ta có thể quên vị cha già kính yêu của dân tộc đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu không có những hiền tài tuyệt vời như vậy, dân tộc ta hẳn khó mà đạt được những điều tốt đẹp như ngày hôm nay. Trong thời bình, đó là người đem hết tâm sức trách nhiệm của mình vào việc “phò vua giúp nước”, đưa đất nước đến những bậc thang vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Ở thời hiện đại, để làm rạng danh đất nước trên trường quốc tế, đã có rất nhiều nhân tài cố gắng trong các lĩnh vực thể thao, học tập, làm việc. Đó đều là những tấm gương đáng để tôn vinh và noi theo.

Là học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường, bản thân cần phải ý thức được trách nhiệm của bản thân vào việc rèn luyện, tu dưỡng để góp phần công sức của mình vào việc xây dựng đất nước ngày càng lớn mạnh và phát triển.

Xã hội có thể thay đổi, chế độ có thể thay đổi, thời đại có thể thay đổi, con người cũng có thể thay đổi nhưng có thể chắc chắn một điều rằng một điều đã trở thành chân lí sẽ không bao giờ thay đổi, đó là “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

Nghị luận Hiền tài là nguyên khí quốc gia mẫu 9

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm xương máu, bồi đắp và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc. Một trong số đó là truyền thống quý trọng người tài, để đất nước được phát triển phồn thịnh, bền vững thì không thể nào thiếu đi nhân tố con người. Mọi yếu tố khách quan bên ngoài có thuận lợi đến đâu nhưng nếu thiếu đi tư duy sáng tạo của người tài thì cũng không thể đưa đất nước phát triển lên những tầm cao mới. Sớm nhận ra tầm quan trọng ấy mà Thân Nhân Tông đã có câu nói rất nổi tiếng: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" để nhắc nhở thế hệ sau phải biết bồi dưỡng nhân tài, lấy đó làm cơ sở xây dựng đất nước.

Nói "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", vậy "hiền tài" là gì? Đó chính là những con người hội tụ nhiều những phẩm chất cao quý, vừa có tài lại vừa có đức, am hiểu tinh thông nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, là người nhân nghĩa có lòng yêu nước thương dân. "Nguyên khí" chính là những yếu tố, sức mạnh tiềm tàng bên trong của đất nước. Theo cách nói của Thân Nhân Tông "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" đó là khẳng định tầm quan trọng của con người, "hiền tài" như là xương sống của đất nước, đưa đất nước phát triển vững bền, thịnh vượng.

Từ những buổi đầu dựng nước, đất nước ta đã phải đối đầu với đầy rẫy những khó khăn thử thách. Thiên nhiên khắt nghiệt, kẻ thù xâm lăng, ấy vậy mà nhờ có công các vua Hùng đất nước đã được xây dựng vững bền. Trải qua thêm nghìn năm lịch sử đầy biến cố, đất nước lại xuất hiện nhiều hiền tài: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh,... Chính họ đã giữ cho đất nước được độc lập, đánh đuổi kẻ thù xâm lăng bằng mưu trí tài năng và bản lĩnh của mình. Một đất nước nhỏ như Việt Nam ta luôn bị kẻ thù coi thường, vũ khí thô sơ, sức người có yếu thế nhưng trong kháng chiến bằng sự khôn ngoan, mưu trí của người lãnh đạo cùng với tinh thần đoàn kết của nhân dân, chúng ta đã đánh đuổi mọi kẻ thù xâm lược, từ Trung Quốc người đông sức mạnh cho đến đế quốc Pháp, Mỹ tàn bạo đều phải chịu thua trước Việt Nam - một đất nước anh hùng.

Ngày nay, Đảng ta trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn lấy tư tưởng "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" làm cốt lõi, chúng ta tiếp tục kế thừa và phát huy những bài học mà ông cha để lại. Ra sức đào tạo những người "hiền tài" được xem là rường cột tương lai của đất nước, bằng cách mở nhiều trường, khuyến khích học tập, chế độ học bổng, đãi ngộ dành cho người tài, trang bị cơ sở vật chất thu hút nhân tài. Chúng ta hết lòng coi trọng nhân tài và cũng ra sức tìm kiếm, phát hiện họ để đào tạo trở thành những người tài giỏi, nhân đức để mai này đem tài năng đó phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Thân Nhân Tông cho rằng: "Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp". Quả thật vậy, nếu một đất nước không đặt yếu tố con người lên làm đầu thì "thế nước" sẽ không thể vững mạnh mà ngày càng suy yếu hoặc nếu có phát triển thì sẽ không thể ổn định, bền vững.

Để chứng minh điều trên, chúng ta thử nhìn quanh thế giới, có thể thấy rằng những quốc gia phát triển họ đều đặt yếu tố con người làm trọng. Tiêu biểu Hàn Quốc một đất nước chịu nhiều cuộc chiến tranh, giành được độc lập muộn, khí hậu khắc nghiệt,... Nhưng bằng sự quyết tâm thay đổi vận mệnh đất nước, tích cực đầu tư vào con người như thay đổi chế độ giáo dục, chế độ chăm sóc y tế, chế độ dinh dưỡng, và họ đã thành công vươn lên thành một quốc gia giàu mạnh vượt bậc, được ví là con Rồng của châu Á. Hay Nhật Bản quốc gia không được thiên nhiên ưu đãi, thiên tai, động đất, sóng thần xảy ra liên miên, tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, thế nhưng họ đã rất khôn ngoan biết lấy "hiền tài" làm động lực thúc đẩy đất nước phát triển, ra sức đào tạo và thu hút nhân tài, để vươn lên trở thành cường quốc đứng thứ ba trên toàn thế giới.

Nhưng đáng buồn thay, Việt Nam ta đang xuất hiện một tình trạng đáng báo động là hiện tượng "chảy máu chất xám". Những người tài giỏi tìm đường ra nước ngoài sinh sống, làm việc, đem tài năng cống hiến ở một đất nước khác, mà không muốn ở lại đất mẹ chỉ vì đãi ngộ không xứng đáng, không có một môi trường phát triển tài năng. Nhận thấy tình hình đó thiết nghĩ, nhà nước cần phải bình tĩnh suy xét lại thực tại, cần chú trọng hơn trong việc tạo môi trường cho người tài được phát triển bản thân, đồng thời phải có chế độ đãi ngộ đặc biệt hơn để khuyến khích họ cống hiến hết mình. Sẽ rất lãng phí nếu người tài không được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời, đó là một tổn thất rất lớn cho quốc gia, dân tộc, chẳng khác gì "nguyên khí của quốc gia" đang dần hao mòn suy kiệt, đây là một vấn đề rất cấp bách, ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc, của đất nước.

Đất nước trải qua ngàn năm lịch sử, như Nguyễn trãi từng nói: "Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có", ông cha ta đã biết dựa vào thế mạnh đó để xây dựng đất nước vững mạnh, trường tồn. Ngày nay hoà cùng sự phát triển của thế giới, đất nước ta càng cần phải giữ vững và phát huy mạnh mẽ truyền thống trọng người hiền tài để đưa đất nước tiến lên "sánh vai cùng các cường quốc năm châu" như lời Bác đã dặn dò năm xưa.

Bài viết số 1 lớp 11 đề 2 mẫu 10

Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã nhìn nhận:

“Tuấn kiệt như sao buổi sớm

Nhân tài như lá mùa thu”

để khẳng định giá trị của những trang nam tử, hảo hán cũng như những người tài trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ xưa tới nay, người ta luôn đề cao vai trò của hiền tài trong bất cứ hoàn cảnh, triều đại nào. Cũng bàn về vấn đề này, trong Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại bảo thứ ba - 1442, Thân Nhân Trung đã đề bút: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp.

Thật vậy, với mỗi quốc gia, hiền tài chính là nguyên khí. “Hiền tài” là từ Hán Việt dùng để chỉ những con người vừa tài giỏi lại vừa có tâm, có đạo đức và phẩm chất hơn người. Những người này sẽ mang đến sự hưng thịnh cho quốc gia. Còn “nguyên khí” là cốt khí, sức mạnh nội tại của mỗi quốc gia, dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước. Nói như thế có nghĩa, người vừa có tài, vừa có đức chính là sức mạnh nội tại lớn lao để đất nước có thể phát triển đi lên. Thân Nhân Trung đã nhìn nhận thật sắc vấn đề này, khi khẳng định, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp.

Có thể nói ngoài Thân Nhân Trung thì chưa có bất kì một ai có thể nói nên mối liên hệ giữa hiền tài và sự suy thịnh của một triều đại một quốc gia. Ông đã đặt ra một sự gắn kết chính xác một đường lối chiến lược về văn hóa giáo dục và nó đúng cho dù ở bất cứ một triều đại, một thế kỉ nào.

Và cũng kể từ khi Thân Nhân Trung đưa ra nhận định này nó đã được các triều đại phong kiến coi như một tư tưởng quan trọng trong quốc sách văn hóa giáo dục. Quan niệm như thế khẳng định hiền tài có vai trò ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh dân tộc, Đồng thời cũng nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo hiền tài.

Thời đại của nhà vua Lê Thánh Tông là thời đại hưng thịnh phát triển trên nhiều mặt , đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước chính vì thế nên dưới thời này đất nước có đến 502 người đỗ tiến sĩ trong đó có 10 người đỗ đẹ nhất giáp, đệ nhất danh và những vị hiền nhân này có vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc chấn hưng mạnh mẽ nước nhà.

Và tiếp thu truyền thống tốt đẹp đó Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã đề cao vai trò của việc đào tạo nhân tài. Người đã từng nói chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Chính vì thế mà ngay sau khi dân ta giành được độc lập người đã đặt cho giáo dục một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Và Người cũng nhấn mạnh “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người kêu gọi các cháu thiếu nhi phải ra sức học tập để sánh vai với các cường quốc năm châu.

Bên cạnh đó Người cũng sử dụng chính sách chiêu mộ nhân tài đưa vào chính phủ lâm thời. một số những bậc nhân sĩ có tài lại yêu nước có thể kể đến như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Hữu Thọ….Quan điểm của Bác cũng được kế thừa từ quan điểm dùng hiền tài chấn hưng nền giáo dục nước nhà đã được Thân Nhân Trung nêu lên cách đây hơn 500 năm.

Có thể nói dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất kì chế độ nào thì việc đào tạo nhân tài cũng có vai trò vô cùng quan trọng. Nó không chỉ làm cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn mà điều quan trọng nó còn khiến cho vận khí đất nước trở nên phồn vinh hơn.

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

VnDoc xin giới thiệu tới các em bài Bài viết tập làm văn số 1 lớp 11: Đề 2. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích hỗ trợ các em ôn luyện và đạt kết quả cao. Mời các em tham khảo thêm các tài liệu khác tại mục Tài liệu học tập lớp 11 do VnDoc tổng hợp và đăng tải như: Trắc nghiệm Tiếng Anh 11, Trắc nghiệm Hóa học 11, Trắc nghiệm Vật lý 11,...

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 11 để có thêm tài liệu học tập nhé

Như vậy là VnDoc đã giới thiệu với bạn dàn ý và 7 bài văn mẫu số 1 lớp 11 đề 2: BÀY TỎ Ý KIẾN CỦA MÌNH VỀ VẤN ĐỀ HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA. Để học tốt môn Ngữ văn lớp 11, mời các bạn tham khảo các chuyên mục soạn văn, soạn bài của chúng tôi:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
50
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn lớp 11

    Xem thêm