Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập. Phân tích nội dung và ý nghĩa

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập. Phân tích nội dung và ý nghĩa để bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết sẽ đi phân tích về nội dung cũng như ý nghĩa của quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây nhé.

Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập. Phân tích nội dung và ý nghĩa - Mẫu 1

Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập hay còn gọi là quy luật mâu thuẫn là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật và là quy luật quan trọng nhất của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác - Lênin, là hạt nhân của phép biện chứng. Quy luật này vạch ra nguồn gốc, động lực của sự vận động, phát triển, theo đó nguồn gốc của sự phát triển chính là mâu thuẫn và việc giải quyết mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng.

Khái niệm

Các mặt đối lập

Mặt đối lập là những mặt có những đặc điểm, những thuộc tính, những tính quy định có khuynh hướng biến đổi trái ngược nhau tồn tại một cách khách quan trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Sự tồn tại các mặt đối lập là khách quan và là phổ biến trong thế giới. Theo triết học duy vật biện chứng của Engels thì tất cả các sự vật, hiện tượng trên thế giới đều chứa đựng những mặt trái ngược nhau. Ví dụ như: Trong nguyên tử có điện tử và hạt nhân hay trong sinh vật thì có sự đồng hoá và dị hoá, trong kinh tế thị trường có cung và cầu, hàng và tiền. Những mặt trái ngược nhau đó trong phép biện chứng duy vật gọi là mặt đối lập.

Mâu thuẫn biện chứng

Các mặt đối lập nằm trong sự liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau theo hướng trái ngược nhau, xung đột lẫn nhau tạo thành mâu thuẫn biện chứng. Theo triết học duy vật biện chứng của Engels thì mâu thuẫn biện chứng tồn tại một cách khách quan và phổ biến trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Mâu thuẫn biện chứng trong tư duy là phản ánh mâu thuẫn trong hiện thực và là nguồn gốc phát triển của nhận thức. Mâu thuẫn biện chứng không phải là ngẫu nhiên, chủ quan, cũng không phải là mâu thuẫn trong lôgic hình thức. Mâu thuẫn trong lôgic hình thức là sai lầm trong tư duy.

Nếu bản thân sự di động một cách máy móc đơn giản đã chứa đựng sự mâu thuẫn, thì tất nhiên những hình thức vận động cao hơn của vật chất và đặc biệt cựu sự sống hữu cơ và sự phát triển của sự sống hữu cơ đó lại càng phải chứa đựng sự mâu thuẫn... sự sống trước hết chính là ở chỗ một sinh vật trong mỗi lúc vừa là nó nhưng lại vừa là cái khác. Như vậy sự sống cũng là một mâu thuẫn tồn tại trong bản thân các sự vật và các quá trình, mâu thuẫn thường xuyên nảy sinh và tự giải quyết, và khi mâu thuẫn chấm dứt thì sự sống cũng không còn nữa và cái chết xảy đến. Cũng như chúng ta đã nhận thấy rằng trong lĩnh vực tư duy, chúng ta không thể thoát khỏi mâu thuẫn, chăng hạn như mâu thuẫn giữa năng lực nhận thức vô tận ở bên trong của con người và sự tồn tại thực tế của năng lực ấy trong những người bị hạn chế bởi hoàn cảnh bên ngoài, và bị hạn chế trong những năng lực nhận thức, - mâu thuẫn này được giải quyết trong sự nối tiếp của các thế hệ, sự nối tiếp đó ít ra đối với chúng ta trên thực tiễn cũng là vô tận- và được giải quyết trong sự vận động đi lên vô tận."

– Ph.Ăng-ghen[1]

Sự thống nhất

Hai mặt đối lập tạo thành mâu thuẫn biện chứng tồn tại trong sự thống nhất với nhau. Sự thống nhất của các mặt đối lập là sự nương tựa lẫn nhau, tồn tại không tách rời nhau giữa các mặt đối lập, sự tồn tại của mặt này phải lấy sự tồn tại của mặt kia làm tiền đề. Các mặt đối lập tồn tại không tách rời nhau nên giữa chúng bao giờ cũng có những nhân tố giống nhau. Những nhân tố giống nhau đó gọi là sự "đồng nhất" của các mặt đối lập. Với ý nghĩa đó," sự thống nhất của các mặt đối lập" còn bao hàm cả sự " đồng nhất" của các mặt đó. Engels đã đưa ra ví dụ: “Giai cấp vô sản và sự giàu có là hai mặt đối lập, với tính cách như vậy chúng hợp thành một chỉnh thể hoàn chỉnh, thống nhất, chế độ tư hữu với tư cách là sự giàu có buộc phải duy trì vĩnh viễn ngay cả sự tồn tại của mặt đối lập của nó là giai cấp vô sản” - Engels[2]

Do có sự "đồng nhất" của các mặt đối lập mà trong sự triển khai của mâu thuẫn đến một lúc nào đó, các mặt đối lập có thể chuyển hoá lẫn nhau. Sự thống nhất của các mặt đối lập còn biểu hiện ở sự tác động ngang nhau của chúng. Song đó chỉ là trạng thái vận động của mâu thuẫn ở một giai đoạn phát triển khi diễn ra sự cân bằng của các mặt đối lập.

Sự đấu tranh

Các mặt đối lập không chỉ thống nhất, mà còn luôn "đấu tranh" với nhau. Đấu tranh của các mặt đối lập là sự tác động qua lại theo xu hướng bài trừ và phủ định lẫn nhau giữa các mặt đó. Hình thức đấu tranh của các mặt đối lập hết sức phong phú, đa dạng, tuỳ thuộc vào tính chất, vào mối liên hệ qua lại giữa các mặt đối lập và tuỳ điều kiện cụ thể diễn ra cuộc đấu tranh giữa chúng.

Nội dung quy luật

Mọi sự vật, hiện tượng đều chứa đựng những mặt, những khuynh hướng đối lập tạo thành những mâu thuẫn trong bản thân nó, sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là nguồn gốc của sự vận động và phát triển, làm cho cái cũ mất đi cái mới ra đời.

Các yếu tố

- Sự thống nhất: Sự thống nhất của các mặt đối lập: Là sự ràng buộc, phụ thuộc, quy định lẫn nhau, đòi hỏi có nhau, nương tựa vào nhau của các mặt đối lập, mặt này lấy mặt kia làm tiền đề tồn tại cho mình. Là sự đồng nhất của các mặt đối lập; là sự tác động ngang nhau của các mặt đối lập.

- Đấu tranh: Sự đấu tranh của các mặt đối lập là sự tác động lẫn nhau, bài trừ và phủ định lẫn nhau của các mặt đối lập. Sự đấu tranh của các mặt đối lập có thể được biểu hiện ở sự ảnh hưởng lẫn nhau hoặc dùng bạo lực để thủ tiêu lẫn nhau giữa các mặt đối lập,

- Mối quan hệ: Mối quan hệ giũa sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập thể hiện ở chỗ trong một mâu thuẫn, sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập không tách rời nhau, bởi vì trong sự ràng buộc, phụ thuộc quy định lẫn nhau thì hai mặt đối lập vẫn luôn có xu hướng phát triển trái ngược nhau, đấu tranh với nhau. Không có sự thống nhất sẽ không có đấu tranh, thống nhất là tiền đề của đấu tranh, còn đấu tranh của các mặt đối lập là nguồn gốc, động lực của sự vận động, phát triển.

- Sự chuyển hóa của các mặt đối lập là tất yếu, là kết quả của sự đấu tranh của các mặt đối lập. Do sự đa dạng của thế giới nên hình thức chuyển hóa cũng rất đa dạng: có thể hai mặt đối lập chuyển hóa lẫn nhau, cũng có thể cả hai chuyển thành những chất mới. Sự chuyển hóa của các mặt đối lập phải có những điều kiện nhất định.

Sự phát triển

Phát triển là sự đấu tranh của các mặt đối lập: Sự phát triển của sự vật, hiện tượng gắn liền với quá trình hình thành, phát triển và giải quyết mâu thuẫn. Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là 2 xu hướng tác động khác nhau của các mặt đối lập tạo thành mâu thuẫn. Như vậy, mâu thuẫn biện chứng cũng bao hàm cả "sự thống nhất" lẫn "đấu tranh" của các mặt đối lập. Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập không tách rời nhau, trong quá trình vận động, phát triển của sự vật, sự thống nhất gắn liền với sự đứng im, với sự ổn định tạm thời của sự vật.

Sự đấu tranh gắn liền với tính tuyệt đối của sự vận động và phát triển. Điều đó có nghĩa là sự thống nhất của các mặt đối lập là tương đối, tạm thời; sự đấu tranh của các mặt đối lập là tuyệt đối. Việc hình thành, phát triển và giải quyết mâu thuẫn là một quá trình đấu tranh rất phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có những đặc điểm riêng của nó:

- Giai đoạn hình thành mâu thuẫn, biểu hiện: đồng nhất nhưng bao hàm sự khác nhau; khác nhau bề ngoài, khác nhau bản chất, mâu thuẫn được hình thành.

- Giai đoạn phát triển của mâu thuẫn, biểu hiện: các mặt đối lập xung đột với nhau; các mặt đối lập xung đột gay gắt với nhau.

- Giai đoạn giải quyết mâu thuẫn, biểu hiện: sự chuyển hóa của các mặt đối lập, mâu thuẫn được giải quyết.

Trong sự tác động qua lại của các mặt đối lập thì đấu tranh của các mặt đối lập quy định một cách tất yếu sự thay đổi của các mặt đang tác động và làm cho mâu thuẫn phát triển. Lúc đầu mâu thuẫn mới xuất hiện mâu thuẫn chỉ là sự khác nhau căn bản, nhưng theo khuynh hướng trái ngược nhau. Sự khác nhau đó càng ngày càng phát triển đi đến đối lập. Khi hai mặt đối lập xung đột gay gắt đã đủ điều kiện, chúng sẽ chuyển hoá lẫn nhau, mâu thuẫn được giải quyết. Nhờ đó thể thống nhất cũ được thay thế bằng thể thống nhất mới; sự vật cũ mất đi sự vật mới ra đời thay thế.

Tuy nhiên, không có thống nhất của các mặt đối lập thì cũng không có đấu tranh giữa chúng. Thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là không thể tách rời nhau trong mâu thuẫn biện chứng. Sự vận động và phát triển bao giờ cũng là sự thống nhất giữa tính ổn định và tính thay đổi. Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập quy định tính ổn định và tính thay đổi của sự vật. Khi mâu thuẫn đã được giải quyết thì sự vật cũ mất đi, sự vật mới ra đời lại bao hàm mâu thuẫn mới, mâu thuẫn mới lại được triển khai, phát triển và lại được giải quyết làm cho sự vật mới luôn luôn xuất hiện thay thế sự vật cũ. Do vậy, chính sự đấu tranh của các mặt đối lập dẫn đến sự chuyển hóa của các mặt đối lập (giải quyết mâu thuẫn) là nguồn gốc, động lực của sự vận động, phát triển. Nếu mâu thuẫn không được giải quyết (các mặt đối lập không chuyển hóa) thì không có sự phát triển.

Tính chất

Mâu thuẫn là sự liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau của các mặt đối lập bên trong một sự vật, một hiện tượng. Mâu thuẫn là hiện tượng khách quan và phổ biến. Mâu thuẫn có tính chất khách quan vì nó là cái vốn có trong sự vật, hiện tượng, là bản chất chung của mọi sự vật, hiện tượng. Mâu thuẫn có tính phổ biến vì nó tồn tại trong tất cả mọi sự vật hiện tượng, mọi giai đoạn, mọi quá trình, tồn tại trong cả tự nhiên, xã hội và tư duy.

Vì mâu thuẫn là hiện tượng khách quan, phổ biến nên mâu thuẫn rất đa dạng và phức tạp. Trong các sự vật, hiện tượng khác nhau thì tồn tại những mâu thuẫn khác nhau, trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn khác nhau, trong mỗi giai đoạn, mỗi quá trình cũng có nhiều mâu thuẫn khác nhau. Mỗi mâu thuẫn có vị trí, vai trò và đặc điểm khác nhau đối với sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng.

Phân loại mâu thuẫn

Mâu thuẫn tồn tại trong tất cả các sự vật, hiện tượng, cũng như trong tất cả các giai đoạn phát triển của chúng. Mâu thuẫn hết sức phong phú, đa dạng. Tính phong phú đa dạng được quy định một cách khách quan bởi đặc điểm của các mặt đối lập, bởi điều kiện tác động qua lại của chúng, bởi trình độ tổ chức của hệ thống (sự vật) mà trong đó mâu thuẫn tồn tại.

Căn cứ vào quan hệ đối với sự vật được xem xét, có thể phân biệt thành mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài.

- Mâu thuẫn bên trong là sự tác động qua lại giữa các mặt, các khuynh hướng đối lập của cùng một sự vật.

- Mâu thuẫn bên ngoài đối với một sự vật nhất định là mâu thuẫn diễn ra trong mối quan hệ sự vật đó với các sự vật khác.

Việc phân chia mâu thuẫn thành mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài chỉ là sự tương đối, tuỳ theo phạm vi xem xét. Cùng một mâu thuẫn nhưng xét trong mối quan hệ này là mâu thuẫn bên ngoài nhưng xét trong mối quan hệ khác lại là mâu thuẫn bên trong. Để xác định một mâu thuẫn nào đó là mâu thuẫn bên trong hay mâu thuẫn bên ngoài trước hết phải xác định phạm vi sự vật được xem xét.

Mâu thuẫn bên trong có vai trò quyết định trực tiếp đối với quá trình vận động và phát triển của sự vật. Còn mâu thuẫn bên ngoài có ảnh hưởng đến sự phát triển của sự vật. Tuy nhiên mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài không ngừng có tác động qua lại lẫn nhau. Việc giải quyết mâu thuẫn bên trong không thể tách rời việc giải quyết mâu thuẫn bên ngoài; việc giải quyết mâu thuẫn bên ngoài là điều kiện để giải quyết mâu thuẫn bên trong.

Căn cứ vào ý nghĩa đối với sự tồn tại và phát triển của toàn bộ sự vật, mâu thuẫn được chia thành mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản:

- Mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn quy định bản chất của sự vật, quy định sự phát triển ở tất cả các giai đoạn của sự vật, nó tồn tại trong suốt quá trình tồn tại các sự vật. Mâu thuẫn cơ bản được giải quyết thì sự vật sẽ thay đổi cơ bản về chất.

- Mâu thuẫn không cơ bản là mâu thuẫn chỉ đặc trưng cho một phương diện nào đó của sự vật, nó không quy định bản chất của sự vật. Mâu thuẫn đó nảy sinh hay được giải quyết không làm cho sự vật thay đổi căn bản về chất.

Theo Hồ Chí Minh thì: “Khi việc gì có mâu thuẫn, khi phải tìm cách giải quyết tức là có vấn đề. Khi đã có vấn đề, ta phải nghiên cứu cho rõ cái gốc của mâu thuẫn là vấn đề gì. Phải điều tra, phải nghiên cứu các mâu thuẫn đó. Phải phân tách rõ ràng và có hệ thống, phải biết rõ cái nào là mâu thuẫn chính, cái nào là mâu thuẫn phụ. Phải đề ra cách giải quyết” - Hồ Chí Minh[3]

Căn cứ vào vai trò của mâu thuẫn đối với sự tồn tại và phát triển của sự vật trong một giai đoạn nhất định, các mâu thuẫn được chia thành mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu.

- Mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn nổi lên hàng đầu của một giai đoạn phát triển nhất định của sự vật và chi phối các mâu thuẫn khác trong giai đoạn đó. Giải quyết được mâu thuẫn chủ yếu trong từng giai đoạn là điều kiện cho sự vật chuyển sang giai đoạn phát triển mới.Mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn chủ yếu có quan hệ chặt chẽ với nhau. Mâu thuẫn chủ yếu có thể là một hình thức biển hiện nổi bật của mâu thuẫn cơ bản hay là kết quả vận động tổng hợp của các mâu thuẫn cơ bản ở một giai đoạn nhất định. Việc giải quyết mâu thuẫn chủ yếu tạo điều kiện giải quyết từng bước mâu thuẫn cơ bản.

- Mâu thuẫn thứ yếu là những mâu thuẫn ra đời và tồn tại trong một giai đoạn phát triển nào đó của sự vật nhưng nó không đóng vai trò chi phối mà bị mâu thuẫn chủ yếu chi phối. Giải quyết mâu thuẫn thứ yếu là góp phần vào việc từng bước giải quyết mâu thuẫn chủ yếu.

Căn cứ vào tính chất của các quan hệ lợi ích, có thể chia mâu thuẫn trong xã hội thành mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng.

- Mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn giữa những giai cấp những tập đoàn người, có lợi ích cơ bản đối lập nhau. Như là: Mâu thuẫn giữa nông dânvới địa chủ, giữa vô sản với tư sản....

- Mâu thuẫn không đối kháng là mâu thuẫn giữa những lực lượng xã hội có lợi ích cơ bản thống nhất với nhau, chỉ đối lập về những lợi ích không cơ bản, cục bộ, tạm thời. Việc phân biệt mâu thuẫn đối kháng và không đối kháng có ý nghĩa trong việc xác định đúng phương pháp giải quyết mâu thuẫn. Giải quyết mâu thuẫn đối kháng phải bằng phương pháp đối kháng.

Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập. Phân tích nội dung và ý nghĩa - Mẫu 2

Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, hay còn gọi là quy luật mâu thuẫn, là một trong ba quy luật cơ bản của triết học Mác – Lênin. Quy luật này làm sáng tỏ nguồn gốc sự vận động, phát triển của sự vật.

I. Nội dung quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập

Nội dung quy luật này phát biểu rằng:

Mọi sự vật, hiện tượng đều chứa đựng những mặt, những khuynh hướng đối lập tạo thành những mâu thuẫn trong bản thân mình; sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập tạo thành xung lực nội tại của sự vận động và phát triển, dẫn tới sự mất đi của cái cũ và sự ra đời của cái mới.

II. Phân tích nội dung quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập

1. Định nghĩa về các “mặt đối lập”, “mâu thuẫn biện chứng”, sự “thống nhất” và “đấu tranh” của các mặt đối lập:

– Mặt đối lập:

Mặt đối lập là những mặt có những đặc điểm, những thuộc tính, những tính quy định có khuynh hướng biến đổi trái ngược nhau, tồn tại một cách khách quan trong tự nhiên, xã hội và tư duy.

Ví dụ:

+ Trong mỗi con người, các mặt đối lập là hoạt động ăn và hoạt động bài tiết.

+ Trong một lớp học, các mặt đối lập là hoạt động đoàn kết để cả lớp cùng lớn mạnh và hoạt động cạnh tranh để trở thành sinh viên giỏi nhất lớp.

+ Trong sinh vật, các mặt đối lập là đồng hóa và dị hóa.

Sự tồn tại của các mặt đối lập là khách quan và phổ biến trong tất cả các sự vật.

– Mâu thuẫn biện chứng:

Mâu thuẫn biện chứng là trạng thái mà các mặt đối lập liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau.

Mâu thuẫn biện chứng tồn tại một cách khách quan và phổ biến trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Mâu thuẫn biện chứng trong tư duy là phản ánh mâu thuẫn trong hiện thực và nguồn gốc phát triển của nhận thức.

Ta cần phân biệt mâu thuẫn biện chứng với mâu thuẫn lô-gic hình thức. Mâu thuẫn lô-gic hình thức chỉ tồn tại trong tư duy, xuất hiện do sai lầm trong tư duy.

– Sự “thống nhất” của các mặt đối lập:

Sự thống nhất của các mặt đối lập là sự nương tựa lẫn nhau, tồn tại không tách rời nhau giữa các mặt đối lập, sự tồn tại của mặt này phải lấy sự tồn tại của mặt kia làm tiền đề.

Ví dụ: Trong mỗi con người, hoạt động ăn và hoạt động bài tiết rõ ràng là các mặt đối lập. Nhưng chúng phải nương tựa nhau, không tách rời nhau. Nếu có hoạt động ăn mà không có hoạt động bài tiết thì con người không thể sống được. Như vậy, hoạt động ăn và hoạt động bài tiết thống nhất với nhau ở khía cạnh này.

Các mặt đối lập tồn tại không tách rời nhau nên giữa chúng bao giờ cũng có những nhân tố giống nhau. Những nhân tố giống nhau đó gọi là sự “đồng nhất” của các mặt đối lập. Do có sự đồng nhất của các mặt đối lập mà trong sự triển khai của mâu thuẫn đến một lúc nào đó, các mặt đối lập có thể chuyển hóa cho nhau.

Sự thống nhất của các mặt đối lập còn biểu hiện ở sự tác động ngang nhau của chúng. Tuy nhiên, đó chỉ là trạng thái vận động của mâu thuẫn khi diễn ra sự cân bằng của các mặt đối lập.

– Sự đấu tranh của các mặt đối lập:

Đấu tranh của các mặt đối lập là sự tác động qua lại theo xu hướng bài trừ và phủ định lẫn nhau giữa các mặt đó.

Hình thức đấu tranh của các mặt đối lập hết sức phong phú, đa dạng, tùy thuộc vào tính chất, mối quan hệ qua lại giữa các mặt đối lập và điều kiện diễn ra cuộc đấu tranh.

Ví dụ: Trong một lớp học, hoạt động đoàn kết và hoạt động cạnh tranh là các mặt đối lập. Có những lúc hoạt động đoàn kết nổi trội hơn, nhưng có những lúc hoạt động cạnh tranh lại nổi trội hơn. Như thế, hoạt động đoàn kết và hoạt động cạnh tranh đang “đấu tranh” với nhau.

2. Mâu thuẫn là nguồn gốc của sự vận động và sự phát triển.

– Sự thống nhất và sự đấu tranh của các mặt đối lập là hai xu hương tác động khác nhau của các mặt đối lập.

Hai xu hướng này tạo thành một loại mâu thuẫn đặc biệt. Như vậy, mâu thuẫn biện chứng cũng bao hàm cả “sự thống nhất” lẫn “sự đấu tranh” của các mặt đối lập.

Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập không tách rời nhau trong quá trình vận động, phát triển của sự vật.

Sự thống nhất gắn liền với sự đứng im, ổn định tạm thời của sự vật. Còn sự đấu tranh gắn liền với tính tuyệt đối của sự vận động, phát triển.

– Đấu tranh của các mặt đối lập quy định một cách tất yếu sự thay đổi của các mặt đang tác động và làm cho mâu thuẫn phát triển.

Lúc đầu mới xuất hiện, mâu thuẫn chỉ là sự khác nhau căn bản, nhưng theo khuynh hướng trái ngược nhau. Sự khác nhau đó ngày càng lớn lên, rộng ra và đi đến trở thành đối lập. Khi hai mặt đối lập xung đột gay gắt và đã hội đủ điều kiện, chúng sẽ chuyển hóa lẫn nhau, mâu thuẫn được giải quyết. Nhờ sự giải quyết này mà thể thống nhất cũ được thay thế bằng thể thống nhất mới; sự vật cũ mất đi, thay thế bằng sự vật mới.

Ví dụ: Trong hoàn cảnh sống của bạn Lan đang tồn tại một mâu thuẫn. Đó là mâu thuẫn giữa việc có tiền ít và muốn đi du lịch nhiều. Khi mâu thuẫn này phát triển đến mức bạn Lan không đi du lịch nhiều thì không thể thấy hạnh phúc, nên bạn Lan đã quyết tâm học tiếng Anh để đi kiếm tiền nhiều hơn. Kiếm được tiền nhiều nghĩa là mâu thuẫn đã được giải quyết. Cuộc sống cũ ít hạnh phúc của Lan được thay bằng cuộc sống mới nhiều hạnh phúc hơn.

– Như thế, sự phát triển là cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập.

Ta thấy rõ, không có thống nhất của các mặt đối lập thì sẽ không có đấu tranh giữa chúng. Thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là không thể tách rời nhau trong mâu thuẫn biện chứng.

Sự vận động và phát triển bao giờ cũng là sự thống nhất giữa tính ổn định và tính thay đổi. Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập quy định tính ổn định và tính thay đổi của sự vật. Do đó, mâu thuẫn chính là nguồn gốc của sự vận động và phát triển.

3. Phân loại mâu thuẫn:

Mâu thuẫn hết sức phong phú, đa dạng. Tính phong phú, đa dạng đó được quy định một cách khách quan bởi đặc điểm của các mặt đối lập, bởi điều kiện tác động qua lại của chúng, bởi trình độ tổ chức của hệ thống mà trong đó mâu thuẫn tồn tại.

3.1. Căn cứ vào quan hệ đối với sự vật được xem xét, ta có thể phân loại các mâu thuẫn thành mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài.

– Mâu thuẫn bên trong là sự tác động qua lại giữa các mặt, các khuynh hướng đối lập của cùng một sự vật.

Ví dụ:

Mâu thuẫn giữa hoạt động ăn và hoạt động bài tiết là mâu thuẫn bên trong mỗi con người.

– Mâu thuẫn bên ngoài đối với một sự vật nhất định là mâu thuẫn diễn ra trong mối quan hệ giữa sự vật đó với các sự vật khác.

Ví dụ:

Phòng A và phòng B đều đang phấn đấu để trở thành đơn vị kinh doanh xuất sắc nhất của công ty X. Ở đây tồn tại mâu thuẫn giữa phòng A và phòng B. Nếu xét riêng đối với phòng A (hoặc phòng B), mâu thuẫn này là mâu thuẫn bên ngoài.

– Việc phân chia thành mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài chỉ mang tính tương đối, tùy theo phạm vi xem xét. Cùng một mâu thuẫn nếu xét trong mối quan hệ này là mâu thuẫn bên trong, nhưng xét trong mối quan hệ khác lại là mâu thuẫn bên ngoài.

Ví dụ:

Ở trên ta đã đưa ra các ví dụ về phòng A, phòng B của công ty X. Nếu xét trong nội bộ phòng A thì mâu thuẫn giữa phòng A và phòng B là mâu thuẫn bên ngoài. Nhưng nếu xét trong nội bộ công ty X thì mâu thuẫn giữa phòng A và phòng B là mâu thuẫn bên trong.

– Mâu thuẫn bên trong có vai trò quyết định trực tiếp đối với quá trình vận đông, phát triển của sự vật. Tuy nhiên, mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài không ngừng tác động qua lại lẫn nhau.

Việc giải quyết mâu thuẫn bên trong không thể tách rời việc giải quyết mâu thuẫn bên ngoài. Việc giải quyết mâu thuẫn bên ngoài là điều kiện để giải quyết mâu thuẫn bên trong.

3.2. Căn cứ vào ý nghĩa đối với sự tồn tại và phát triển của toàn bộ sự vật, mâu thuẫn được chia thành mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản.

– Mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn quy định bản chất của sự vật, quy định sự phát triển ở tất cả các giai đoạn của sự vật. Mâu thuẫn cơ bản tồn tại trong suốt quá trình tồn tại của sự vật. Mâu thuẫn này được giải quyết thì sự vật sẽ thay đổi căn bản về chất.

Ví dụ:

Trong ví dụ về bạn Lan đã nêu ở trên, mâu thuẫn giữa việc có tiền ít và muốn đi du lịch nhiều là mâu thuẫn cơ bản vì nó liên quan đến giá trị sống của bạn Lan. Khi mâu thuẫn cơ bản này được giải quyết (tức là kiếm được nhiều tiền để đi du lịch nhiều), cuộc sống mới nhiều hạnh phúc của Lan thay thế cho cuộc sống cũ ít hạnh phúc. Như tế, sự vật đã thay đổi căn bản về chất.

– Mâu thuẫn không cơ bản là mâu thuẫn chỉ đặc trưng cho một phương diện nào đó của sự vật, nó không quy định bản chất của sự vật. Mâu thuẫn đó nảy sinh hay được giải quyết không làm cho sự vật thay đổi căn bản về chất.

Ví dụ:

Mâu thuẫn giữa phòng A và phòng B trong nội bộ công ty X mà ta nêu ở trên là mâu thuẫn không cơ bản.

3.3. Căn cứ vào vai trò của mâu thuẫn đối với sự tồn tại, phát triển của sự vật trong một giai đoạn nhất định, ta có mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu.

– Mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn nổi lên hàng đầu ở một giải đoạn phát triển nhất định của sự vật, nó chi phối các mâu thuẫn khác trong giai đoạn đó. Giải quyết được mâu thuẫn chủ yếu trong từng giai đoạn là điều kiện để sự vật chuyển sang giai đoạn phát triển mới.

Mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn chủ yếu có quan hệ chặt chẽ với nhau. Mâu thuẫn chủ yếu có thể là một hình thức biểu hiện nổi bật của mâu thuẫn cơ bản, hay là kết quả vận động tổng hợp của các mâu thuẫn cơ bản ở một giai đoạn nhất định.

Việc giải quyết mâu thuẫn chủ yếu tạo điều kiện giải quyết từng bước mâu thuẫn cơ bản.

– Mâu thuẫn thứ yếu là những mâu thuẫn ra đời và tồn tại trong một giai đoạn phát triển nào đó của sự vật, nhưng nó không đóng vai trò chi phối mà bị mâu thuẫn chủ yếu chi phối. Giải quyết mâu thuẫn thứ yếu góp phần vào việc từng bước giải quyết mâu thuẫn chủ yếu.

3.4. Căn cứ vào tính chất của các quan hệ lợi ích, ta chia mâu thuẫn trong xã hội thành mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng.

– Mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn giữa những giai cấp, những tập đoàn người có lợi ích cơ bản đối lập nhau.

Ví dụ: Mâu thuẫn giữa công nhân với giới chủ, giữa nông dân với địa chủ, giữa thuộc địa với chính quốc.

– Mâu thuẫn không đối kháng là mâu thuẫn giữa những lực lượng xã hội có lợi ích cơ bản thống nhất với nhau, chỉ đối lập về những lợi ích không cơ bản, cục bộ, tạm thời.

Ví dụ: Mâu thuẫn giữa thành thị và nông thông, giữa lao động trí óc với lao động chân tay.

Việc phân biệt mâu thuẫn đối kháng và không đối kháng có ý nghĩa trong việc xác định đúng phương pháp giải quyết mâu thuẫn. Giải quyết mâu thuẫn đối kháng phải bằng mâu thuẫn đối kháng. Giải quyết mâu thuẫn không đối kháng thì phải bằng phương pháp đàm phán, hiệp thương…

III. Ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập.

Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập làm sáng tỏ nguồn gốc của sự vận động, phát triển của các sự vật và có ý nghĩa phương pháp luận trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.

1. Để nhận thức đúng bản chất của sự vật và tìm ra phương hướng, giải pháp đúng cho hoạt động thực tiễn, ta phải đi sâu nghiên cứu phát hiện ra mâu thuẫn của sự vật.

Muốn phát hiện ra mâu thuẫn phải tìm ra trong thể thống nhất những mặt, những khuynh hướng trái ngược nhau, tức là tìm ra những mặt đối lập và tìm ra những mối liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau giữa những mặt đối lập đó.

2. Phải xem xét quá trình phát sinh, phát triển của từng mâu thuẫn.

Khi phân tích mâu thuẫn, ta phải xem xét quá trình phát sinh, phát triển của từng mâu thuẫn. Ta phải xem xét vai trò, vị trí và mối quan hệ lẫn nhau của các mâu thuẫn. Phải xem xét quá trình phát sinh, phát triển và vị trí của từng mặt đối lập, mối quan hệ tác động qua lại giữa chúng.

Chỉ có như vậy ta mới có thể hiểu đúng mâu thuẫn của sự vật, hiểu đúng xu hướng vận động, phát triển và điều kiện để giải quyết mâu thuẫn.

3. Để thúc đẩy sự vật phát triển, ta phải tìm mọi cách để giải quyết mâu thuẫn, không được điều hòa mâu thuẫn.

Việc đấu tranh giải quyết mâu thuẫn phải phù hợp với trình độ phát triển của mâu thuẫn. Phải tìm ra phương thức, phương tiện và lực lượng giải quyết mâu thuẫn. Mâu thuẫn chỉ được giải quyết khi điều kiện đã chín muồi.

Một mặt, ta phải chống thái độ chủ quan, nón vội. Mặt khác, ta phải cực kỳ thúc đẩy các điều kiện khách quan để làm cho các điều kiện giải quyết mâu thuẫn đi đến chín muồi.

Mâu thuẫn khác nhau phải có phương pháp giải quyết khác nhau. Do đó, ta phải tìm ra các hình thức giải quyết mâu thuẫn một cách linh hoạt, vừa phù hợp với từng loại mâu thuẫn, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể.

Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập. Phân tích nội dung và ý nghĩa - Mẫu 3

NỘI DUNG Ý NGHĨA CỦA QUY LUẬT THỐNG NHẤT VÀ ĐẤU TRANH CỦA CÁC MẶT ĐỐI LẬP?

Đây là 1 trong 3 quy luật cơ bản của phép biện chứng, nói lên nguồn gốc động lực của sự phát triển. Lê nin gọi quy luật này là hạt nhân của phép biệt chứng. nghĩa là nắm bắt được quy luật này sẽ là cơsở để hiểu các quy luật khác và hiểu được nguồn gốc vận động, phát triển của mọi hiện tượng. Nội dung ý nghĩa của quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập như thế nào, ta cùng nhau nghiên cứu:

I/ Nội dung quy luật:

1. Mâu thuẫn là gì:

Mâu thuẫn là sự liên hệ tác động lẫn nhau của các mặt đối lập trong bản thân các sự vật hiện tượng và giữa sự vật hiện tượng này với sự vật hiện tượng khác.

2. Các mặt đối lập: là những mặt có xu hướng vận động trái ngược nhau trong 1 sự vật hoặc giữa sự vật này với sự vật khác.

Ví dụ: Trong tự nhiên, khi coi con người là 1 sự vật, thì giữa đồng hóa và dị hóa, giữa biến dị và di truyền, hấp thụ và bài tiết là các mặt đối lập.

Hai mặt đối lập thống nhất với nhau trong cùng một sự vật tạo thành mâu thuẫn.

Ví dụ Khi coi một xã hội Tư bản là một sự vật, mâu thuẫn giữa Vô sản và Tư sản, mâu thuẫn giữa Giai cấp bóc lột và bị bóc lột, Giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, sản xuất và tiêu dùng, là hai mặt đối lập.

Trong tư duy: biết và chưa biết, chân lý và sai lầm, biết sâu sắc và biết nông cạn, là các mặt đối lập.

Hai sự vật đối lập: Ngành công nghiệp và nông nghiệp: đòi hỏi giữa nhu cầu công nghiệp phải đáp ứng về máy móc và nông nghiệp mâu thuẫn về khả năng đáp ứng..

Kinh tế và quốc phòng: Kinh tế đáp ứng nhu cầu quốc phòng.

Lưu ý: 2 mặt đối lập biện chứng thống nhất với nhau tạo thành mâu thuẫn biện chứng

Ví dụ: Tay trái, tay phải trong một con người.

Mọi sự vật đều có mâu thuẫn bên trong:

Do cấu trúc sự vật. Sự vật gồm những mặt giống, khác, và đối lập nhau.

Hai mặt đối lập trong 1 sự vật tạo nên mâu thuẫn. Mâu thuẫn ở đây mang tính khách quan.

3. Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập:

a/ Sự thống nhất:

Là các mặt đối lập nương tựa nhau, làm điều kiện tồn tại cho nhau, không có mặt này thì không có mặt kia.

Ví dụ: Đồng hóa, dị hóa trong con người.

Hấp thụ, bài tiết.

Xã hội Vô sản và Tư bản. (người bán, người mua.

Xét 1 phương diện nào đó, giữa 2 mặt đối lập có những nét giống nhau, lê nin gọi là đồng nhất. Nhờ có nó mà các mặt đối lập chuyển hóa cho nhau.

Ví dụ: có nam có nữ đều là con người mới thành vợ chồng.

Cái thiện và cái ác trong 1 con người. Trong cái ác Đều có cái thiện, làm sao để lương tâm thức tỉnh.

- Phân biệt sự thống nhất là thống nhất của các mặt đối lập với quan niệm thống nhất thuần túy trong đời sống hàng ngày:

Ví dụ: thống nhất đất nước là thống nhất thuần túy.

Thống nhất Các giai cấp đều vì nhân loại.

b) Đấu tranh giữa các mặt đối lập:

- Đấu tranh của các mặt đối lập là sự tác động, bài trừ phủ định nhau,là sự triển khai của các mặt đối lập.

Ví dụ: Tư sản Vô sản, nông dân địa chủ. Nông dân tìm cách để thoát khỏi địa chủ, địa chủ tìm cách để bóc lột.

- Các hình thức của các mặt đối lập rất phong phú đa dạng, phụ thuộc vào điều kiện, tính chất, phạm vi, phạm vi của các mặt đối lập.

Ví dụ: Đấu tranh Trong tự nhiên và xã hội là khác nhauh. Ở đây Điều kiện và hình thức đấu tranh khác nhau…. Chúng ta phải phân tích các loại mâu thuẫn để tìm cách giải quyết.

- Phân biệt đấu tranh ở đây là đấu tranh của các mặt đối lập, không giống với quan niệm đấu tranh thông thường. không phải đấu tranh chống chọi trong lĩnh vực chính trị. Thực ra đấu tranh trong chính trị chỉ là một bộ phận. Ví dụ: đấu tranh giải phóng đất nước.

4. Tính chất của thống nhất và đấu tranh:

Chủ nghĩa duy vật biện chứng khảng định: thống nhất là tương đối tạm thời, đấu tranh là tuyệt đối.

Thống nhất là tương đối tạm thời vì đứng im là tương đối. Đứng im là một hình thức vận động trong thế cân bằng khi sự vật đang là nó chưa là sự vật khác. Nhờ có đứng im, nhờ có thống nhất mà ta xác định được sự vật.

Thống nhất là tương đối, thống nhất các mặt đối lập, do đó, Trong thống nhất bao hàm đấu tranh.

Đấu tranh là tuyệt đối vì vận động là tuyệt đối.

5. Vai trò của đấu tranh các mặt đối lập và mâu thuẫn:

Đấu tranh các mặt đối lập dẫn đến chuyển hóa, mâu thuẫn được giải quyết, sự vật cũ mất đi, sự vật mới ra đời vì thế đấu tranh các mặt đối lập nói riêng, mâu thuẫn nói chung là nguồn gốc, động lực của sự phát triển.

Lê nin gọi: phát triển là đấu tranh của các mặt đối lập.

6. Phân loại một số mâu thuẫn: Thông thường phân mâu thuẫn thành mâu thuẫn bên trong và bên ngoài, cơ bản và không cơ bản, chủ yếu và không chủ yếu,.

- Lưu ý: Riêng trong lĩnh vực xã hội ngoài các mâu thuẫn trên còn có thêm mâu thuẫn đối kháng và không đối kháng.

- Mâu thuẫn bên trong(giữ vai trò quyết định sự vận động, phát triển của sự vật): Là sự tác động lẫn nhau giữa các mặt đối lập bên trong một sự vật, hiện tượng).

VÍ DỤ: mâu thuẫn trong XÃ HỘI Tư bản: Tư sản mâu thuẫn với Vô sản.

- Mâu thuẫn bên ngoài (Có vai trò quan trọng trong sự vận động, phát triển của sự vật): Là sự tác động qua lại giữa các mặt, các khuynh hướng đối lập thuộc các sự vật khác nhau.

- Mâu thuẫn cơ bản: Là mâu thuẫn quy định bản chất của sự vật, quy định sự phát triển ở tất cả các giai đoạn phát triển của sự vật, nó quyết định sự nảy sinh của các mâu thuẫn khác.

VÍ DỤ: Trong khách quan quan ĐIỂM lên CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ở VIỆT NAM mâu thuẫn căn bản là mâu thuẫn về con đường đi lên CHỦ NGHĨA TƯ BẢN hay CHỦ NGHĨA XÃ HỘI.

- Mâu thuẫn không cơ bản: Là mâu thuẫn đặc trưng cho một phương diện nào đó của sự vật, nó quy định sự vận động và phát triển của một mặt nào đó của sự vật.

VÍ DỤ: Mâu thuẫn không căn bản trong khách quan quan điểm lên CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ở VIỆT NAM là mâu thuẫn về xác lập văn hóa tương lai VĂN HÓA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA hay văn hóa hiện tượng.

- Mâu thuẫn chủ yếu: Là mâu thuẫn nổi lên hàng đầu của một giai đoạn phát triển nhất định của sự vật, nó chi phối các mâu thuẫn khác trong giai đoạn đó.

VÍ DỤ: Trong giai đoạn thực hiện cuộc CÁCH MẠNG DÂN TỘC DÂN CHỦ để giải phóng Dân tộc, mâu thuẫn chủ yếu của DÂN TỘC VIỆT NAM là: Mâu thuẫn giữa DÂN TỘC VIỆT NAM với đế quốc, thực dân xâm lược.

- Mâu thuẫn thứ yếu là mâu thuẫn ra đời và tồn tại trong một giai đoạn phát triển nào đó của SỰ VẬT, nhưng không đóng vai trò chi phối SỰ VẬT. Giải quyết mâu thuẫn thứ yếu góp phần vào việc giải quyết mâu thuẫn chủ yếu.

- Mâu thuẫn đối kháng: Là >< giữa những giai cấp, những tập đoàn người có lợi ích cơ bản trái ngược nhau.

Ví dụ : XÃ HỘI TƯ BẢN CHỦ NGHĨA mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản

- Mâu thuẫn không đối kháng là > < giữa các giai cấp, tầng lớp có lợi ích cơ bản không đối lập nhau

II/ Ý nghĩa phương pháp luận:

1/ Vì sự vật là thể thống nhất của các mặt đối lập cho nên nhận thức sự vật là nhận thức mâu thuẫn của sự vật.

Ví dụ: Đánh giá một đất nước, một con người thì phải đánh giá các mặt trong đất nước, con người đó. Tức là Đánh giá 2 mặt trong một vấn đề.

2/ Thống nhất là tương đối tạm thời, đấu tranh là tuyệt đối, do đó phải đấu tranh như thế nào để có thể thống nhất mới cao hơn. Chống hai khuynh hướng tả và hữu, tả khuynh tàn phá tiêu cực, hữu khuynh là ngại đấu tranh.

3/ Các hình thức đấu tranh cũng rất đa dạng phong phú, cho nên chúng ta phải phân tích mâu thuẫn, phân tích các mặt đối lập, phân biệt các mâu thuẫn để tìm ra các giải pháp phù hợp.

4/ Con đường đấu tranh để giải quyết mâu thuẫn, đây là con đường duy nhất, đúng đắn và đây cũng là lẽ sống.

Ví dụ: ở việt nam đấu tranh phê bình, tự phê bình (Nghị quết Trung ương 4)

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới các bạn bài viết Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập. Phân tích nội dung và ý nghĩa. Chắc hẳn bạn đọc cũng đã nắm được nội dung của bài học rồi đúng không ạ. Bài viết cho ta thấy được khái niệm mặt đối lập, nội dung của quy luật thống nhất và đấu tranh và phân loại mâu thuẫn. Mong rằng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để học tập tốt hơn môn Triết học. Mời các bạn cùng tham khảo thêm một số tài liệu được VnDoc.com biên soạn và tổng hợp tại tài liệu học tập cao đẳng đại học.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm