Từ đoạn trích Trong lòng mẹ, phát biểu suy nghĩ của em về giá trị của tình mẫu Tử trong cuộc sống và giá trị nhân văn của đoạn văn
Văn mẫu lớp 8: Từ đoạn trích Trong lòng mẹ, hãy phát biểu suy nghĩ của em về giá trị của tình mẫu Tử trong cuộc sống và giá trị nhân văn của đoạn văn dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các em học sinh và phụ huynh tham khảo các bài Ngữ văn 8 nhằm củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Phát biểu cảm nghĩ về tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ
1. Giá trị của tình mẫu Tử trong cuộc sống và giá trị nhân văn trong đoạn trích Trong lòng mẹ mẫu 1
Trong mỗi chúng ta có lẽ "tình mẫu tử" vẫn là thứ tình cảm đẹp đẽ và thiêng liêng nhất. Bởi hình ảnh người mẹ đã in sâu trong tâm trí mỗi đứa con. Ta bắt gặp tình cảm thiêng liêng ấy trong đoạn trích Trong lòng mẹ của nhà văn Nguyên Hồng. Đọc đoạn trích người đọc không khỏi xúc động trước tình yêu thương của chú bé Hồng dành cho người mẹ đáng thương của mình. Hồng đã trải qua những thử thách không kém phần đau đớn để giữ trọn vẹn tình cảm yêu thương mẹ trong sự khinh bỉ, xoi mói độc địa của những người họ hàng giàu có. Cuối cùng, bao tháng ngày chờ mong, khát khao cũng được đền đáp, Hồng đã ở "trong lòng mẹ".
Chú bé Hồng - nhân vật chính của truyện lớn lên trong một gia đình sa sút. Người cha sống u uất, trầm lặng, rồi chết trong nghèo túng, nghiện ngập. Người mẹ có trái tim khao khát yêu đương đành chôn vùi tuổi thanh xuân trong cuộc hôn nhân không có hạnh phúc. Sau khi chồng chết, người phụ nữ đáng thương ấy vì quá túng quẫn phải bỏ con đi tha hương cầu thực và bị người đời gán cho cái tội "chưa đoạn tang chồng mà đã chửa đẻ với người khác". Hồng phải sống cuộc sống mồ côi cha, thiếu vắng tình thương của người mẹ, sống nhờ người họ hàng giàu có nhưng cay nghiệt. Hồng chịu cảnh cô đơn, bị hắt hủi.
Trái lại với thái độ căm thù và trách móc, Hồng thương mẹ và nhớ mẹ vô cùng. Em nuốt những giọt nước mắt đau đớn vào lòng khi luôn phải nghe những lời mỉa mai, bêu rếu xấu xa về mẹ của bà cô độc địa.
Đoạn trò truyện của Hồng với bà cô là một màn đối thoại đầy kịch tính đẩy tâm trạng em đến những diễn biến phức tạp, căng thẳng đến cao độ.
- Hồng, mày có muốn vào Thanh Hoá chơi với mẹ mày không?
Câu hỏi đầy ác ý ấy xoáy sâu vào tâm can của Hồng. Hồng hình dung vẻ mặt rầu rầu và sự hiền lành của mẹ, lại nghĩ tới những đêm thiếu thốn tình mẹ khiến Hồng phải khóc thầm thì Hồng muốn trả lời cô là: “có”. Nhưng cậu bé đã nhận ra ý nghĩ cay độc qua cách cười "rất kịch" của cô, cô chỉ cố ý gieo rắc vào đầu óc Hồng những mối hoài nghi về mẹ cậu.
Hồng đã cúi mặt không đáp, sau đó Hồng nở nụ cười thật chua xót. Hồng hiểu mẹ, hiểu được vì hoàn cảnh mà mẹ Hồng phải ra đi. Em đã khóc vì thương mẹ bị lăng nhục, bị đối xử bất công. Em khóc vì thân trẻ yếu đuối, cô đơn không sao bênh vực được mẹ. Càng thương mẹ, em càng căm ghét những hủ tục phong kiến vô lý, tàn nhẫn đã đầy đọa, trói buộc mẹ em: "Giá như những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi".
Chính tình thương mẹ đã khiến cho Hồng nhận ra đâu là lẽ phải, đâu là những con người, những tập tục đáng phê phán. Tình thương ấy còn được biểu hiện rất sinh động, rất cụ thể trong lần gặp mẹ. Thoáng thấy bóng một người trên xe rất giống mẹ, Hổng liền chạy, đuổi theo bối rối gọi: ''Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ... ơi!”.
Những tiếng gọi ấy bật ra từ lòng khát khao được gặp mẹ của chú bé bấy lâu nay bị dồn nén. Sự thổn thức của trái tim thơ trẻ bật thành tiếng gọi. Khi đuổi theo được chiếc xe đó, Hồng được lòng bàn tay dịu hiền của người mẹ xoa lên đầu. Hồng oà khóc. Trong tiếng khóc ấy có cả niềm hạnh phúc được gặp mẹ, cả nỗi tủi thân bởi lâu quá không được gặp mẹ, bởi bao niềm cay đắng bị lăng nhục tàn nhẫn cùng những uất ức dồn nén được giải toả.
Mải mê ngắm nhìn và suy nghĩ về mẹ, mải mê say sưa tận hưởng những cảm giác êm dịu khi được ngồi trong lòng mẹ để bàn tay người mẹ vuốt ve. Trong giây phút này, Hồng như sống trong "tình mẫu tử" hạnh phúc ấy Hạnh phúc trong lòng mẹ không chỉ là hạnh phúc, là niềm khao khát của riêng Hồng mà là khao khát, là mong muốn của bất kỳ đứa trẻ nào.
Từ lúc lên xe đến khi về nhà, Hồng không còn nhớ gì nữa. Cả những lời mẹ hỏi, cả những câu trả lời của cậu và những câu nói của người cô bị chìm ngay đi - Hồng không nghĩ đến nó nữa...
Sự xúc động của bé Hồng khi gặp mẹ càng chứng tỏ tình thương mẹ của Hồng là sâu đậm, là nồng thắm, là nguyên vẹn. Bất chấp tất cả sự ngăn cách của rào cản lễ giáo phong kiến hà khắc đối với người phụ nữ nói chung và đối với mẹ Hồng nói riêng.
Tình mẫu tử trong đoạn trích thật đẹp đẽ, thiêng liêng, xúc động. Nguyên Hồng đã mở ra trước mắt chúng ta một thế giới tâm hồn phong phú. Thế giới ấy luôn làm chúng ta ngạc nhiên vì ánh sáng nhân đạo lấp lánh của tình người. Trong lòng mẹ chính là lời khẳng định chân thành đầy cảm động về sự bất diệt của tình mẫu tử!
2. Giá trị của tình mẫu Tử trong cuộc sống và giá trị nhân văn trong đoạn trích Trong lòng mẹ mẫu 2
Mẹ là người mang nặng đẻ đau sinh chúng ta ra, nuôi lớn trưởng thành. Mẹ là người luôn dành cho ta những tình cảm chân thành thiết tha nhất, luôn yêu thương sát cánh bên con trong cuộc đời. Có rất nhiều nhà thơ, nhà văn đã lựa chọn đề tài tình mẫu tử này đưa vào những vần thơ, câu chữ, để thể hiện tình cảm, sự biết ơn đối với mẹ của mình. Nguyên Hồng cũng vậy. Ông đã gửi gắm vào trong những câu chữ những tình cảm của mình dành cho mẹ cũng ca ngợi công lao to lớn, sự hi sinh của người mẹ dành cho đứa con của mình.
Những ngày thơ ấu là tập hồi kí về tuổi thơ cay đắng của tác giả. Tác phẩm gồm 9 chương , đăng trên báo năm 1938, in thành sách lần đầu năm 1940. Đoạn trích “Trong lòng mẹ” là chương IV của tác phẩm. Đọc đoạn trích, ta cảm nhận được những rung động mãnh liệt của một tâm hồn trẻ thơ đối với người mẹ, biểu lộ sâu sắc lòng yêu thương mẹ của bé Hồng. Đọc đoạn trích người đọc không khỏi xúc động trước tình yêu thương của chú bé Hồng dành cho người mẹ đáng thương của mình. Hồng là cậu bé được lớn lên trong một gia đình sa sút. Người cha sống u uất, trầm lặng, rồi chết trong nghèo túng, nghiện ngập. Người mẹ có trái tim khao khát yêu đương đành chôn vùi tuổi thanh xuân trong cuộc hôn nhân không có hạnh phúc. Sau khi chồng chết, người phụ nữ đáng thương ấy vì quá túng quẫn phải bỏ con đi tha hương cầu thực và bị người đời gán cho cái tội "chưa đoạn tang chồng mà đã chửa đẻ với người khác". Hồng phải sống cuộc sống mồ côi cha, thiếu vắng tình thương của người mẹ, sống nhờ người họ hàng giàu có nhưng cay nghiệt. Hồng chịu cảnh cô đơn, bị hắt hủi. Thế nhưng trái lại với thái độ căm thù và trách móc, Hồng thương mẹ và nhớ mẹ vô cùng
Ngay mở đầu đoạn trích, tình thương mẹ của Hồng bộc lộ trong ý nghĩ và tình cảm trong lần một màn đối thoại đầy kịch tính đẩy tâm trạng em đến những diễn biến phức tạp, căng thẳng đến cao độ với bà cô: “- Hồng, mày có muốn vào Thanh Hoá chơi với mẹ mày không?”, “… Mẹ mày phát tài lắm, có như dạo trước đâu… Tháng tám là giỗ đầu cậu mày, mợ mày về dù sao cũng đỡ tủi cho cậu mày, và mày còn phải có họ, có hàng, người ta hỏi đến chứ…” . Câu hỏi đầy ác ý ấy xoáy sâu vào tâm can của Hồng. Hồng hình dung vẻ mặt rầu rầu và sự hiền lành của mẹ, lại nghĩ tới những đêm thiếu thốn tình mẹ khiến Hồng phải khóc thầm thì Hồng muốn trả lời cô là: “có”. Nhưng cậu bé đã nhận ra ý nghĩ cay độc qua cách cười "rất kịch" của bà cô, cô chỉ cố ý gieo rắc vào đầu óc Hồng những mối hoài nghi về mẹ cậu. Trong tâm hồn một đứa trẻ mới lớn, Hồng trưởng thành hơn, em đã nhận thức đức sâu sắc qua lời đanh nghiến đó. Hồng đã cúi mặt không đáp, sau đó Hồng nở nụ cười thật chua xót. Hồng hiểu mẹ, hiểu được vì hoàn cảnh mà mẹ Hồng phải ra đi. Em đã khóc vì thương mẹ bị lăng nhục, bị đối xử bất công. Em khóc vì thân trẻ yếu đuối, cô đơn không sao bênh vực được mẹ. Càng thương mẹ, em càng căm ghét những hủ tục phong kiến vô lý, tàn nhẫn đã đầy đọa, trói buộc mẹ em: "Giá như những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi".Chính tình thương mẹ đã khiến cho Hồng nhận ra đâu là lẽ phải, đâu là những con người, những tập tục đáng phê phán. Câu văn dài kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật đặc sắc: so sánh “những cổ tục… là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ”, điệp từ “Mà” cùng các động từ mạnh: "vồ, cắn, nhai, nghiến" cùng nằm trong cùng một trường nghĩa đã đặc tả tâm trạng uất ức căm giận của nhân vật về những định kiến hẹp hòi tàn nhẫn của xã hội cũ đối với người mẹ mà chú bé Hồng hết mực yêu thương.
Tình thương ấy còn được biểu hiện rất sinh động, rất cụ thể trong lần gặp mẹ.Thoáng thấy bóng một người trên xe rất giống mẹ, Hổng liền chạy, đuổi theo bối rối gọi: ''Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ... ơi!”. Tiếng gọi ấy cất lên hoảng hốt, gấp gáp như sợ bỏ lỡ điều gì. Những tiếng gọi ấy bật ra từ lòng khát khao được gặp mẹ của chú bé bấy lâu nay bị dồn nén. Sự thổn thức của trái tim thơ trẻ bật thành tiếng gọi. Khi đuổi theo được chiếc xe đó, Hồng được lòng bàn tay dịu hiền của người mẹ xoa lên đầu. Hồng oà khóc. Trong tiếng khóc ấy có cả niềm hạnh phúc được gặp mẹ, cả nỗi tủi thân bởi lâu quá không được gặp mẹ, bởi bao niềm cay đắng bị lăng nhục tàn nhẫn cùng những uất ức dồn nén được giải toả, tất cả vỡ òa ra trong những tiếng gọi mẹ. Nằm trong lòng mẹ, Hồng mải mê ngắm nhìn và suy nghĩ về mẹ, say sưa tận hưởng những cảm giác êm dịu khi được ngồi trong lòng mẹ để bàn tay người mẹ vuốt ve. Trong giây phút này, Hồng như sống trong "tình mẫu tử" hạnh phúc ấy Hạnh phúc trong lòng mẹ không chỉ là hạnh phúc, là niềm khao khát của riêng Hồng mà là khao khát, là mong muốn của bất kỳ đứa trẻ nào.
Từ lúc lên xe đến khi về nhà, Hồng không còn nhớ gì nữa. Cả những lời mẹ hỏi, cả những câu trả lời của cậu và những câu nói của người cô bị chìm ngay đi - Hồng không nghĩ đến nó nữa...Sự xúc động của bé Hồng khi gặp mẹ càng chứng tỏ tình thương mẹ của Hồng là sâu đậm, là nồng thắm, là nguyên vẹn. Bất chấp tất cả sự ngăn cách của rào cản lễ giáo phong kiến hà khắc đối với người phụ nữ nói chung và đối với mẹ Hồng nói riêng.
Với phong cách viết văn thấm đượm chất trữ tình, lời văn tự truyện chân thành, giàu sức truyền cảm, đoạn trích cho ta thấy bé Hồng là cậu bé chịu số phận cay đắng, đau khổ nhưng có lòng yêu thương, sự kính trọng và niềm tin mãnh liệt về người mẹ của mình.
Với phong cách viết văn thấm đượm chất trữ tình, lời văn tự truyện chân thành, giàu sức truyền cảm, đoạn trích cho ta thấy bé Hồng là cậu bé chịu số phận cay đắng, đau khổ nhưng có lòng yêu thương, sự kính trọng và niềm tin mãnh liệt về người mẹ của mình. Không những thế Nguyên Hồng đã vạch trần ra hiện thực xã hội phong kiến lúc bấy giờ, những người như mẹ của Hồng, họ là những người phụ nữ với số phận bất hạnh. Chính miệng đời thế gian cùng những hủ tục phong kiến đã làm cho cuộc đời của người phụ nữ trong xã hội xưa trở lên thấp bé, bất hạnh.
Tình mẫu tử trong đoạn trích thật đẹp đẽ, thiêng liêng, xúc động. Nguyên Hồng đã mở ra trước mắt chúng ta một thế giới tâm hồn phong phú. Thế giới ấy luôn làm chúng ta ngạc nhiên vì ánh sáng nhân đạo lấp lánh của tình người.Trong lòng mẹ chính là lời khẳng định chân thành đầy cảm động về sự bất diệt của tình mẫu tử!
------------------------------------
Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Từ đoạn trích Trong lòng mẹ, phát biểu suy nghĩ của em về giá trị của tình mẫu Tử trong cuộc sống và giá trị nhân văn của đoạn văn cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 8 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 8 và biết cách soạn bài lớp 8 các Tác giả - tác phẩm Ngữ văn 8 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.
Các bài liên quan đến tác phẩm: