Các công cụ phân tích và lựa chọn chiến lược
VnDoc xin giới thiệu bài Các công cụ phân tích và lựa chọn chiến lược được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Các công cụ phân tích và lựa chọn chiến lược
1. Ma trận BCG (Ma trận thị phần- tăng trưởng)
Ma trận BCG do công ty tư vấn quản trị hàng đầu của Mỹ là Boston Consulting Group phát triển. Mục tiêu của công cụ ma trận BCG là giúp các nhà chiến lược định vị được các SBU khác nhau và từ đó xác lập được các định hướng phát triển tổ hợp các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ma trận thị phần tăng trưởng BCG giúp cho các nhà quản trị nhận biết được các yêu cầu về dòng tiền cũng như sự vận động của các dòng tiền gắn với các đơn vị kinh doanh chiến lược khác nhau, giúp các doanh nghiệp đa ngành có nhiều SBU thực hiện các chiến lược của mỗi SBU với nguồn lực có hạn thông qua vòng đời của SBU.
Nguyên lý xây dựng ma trận BCG dựa trên việc xác định 2 biến số chiến lược.
Trục hoành biểu thị thị phần tương đối (RMS – Relative Market Share): là tỉ số giữa doanh số của SBU so với đối thủ cạnh tranh mạnh nhất (hoặc thứ nhì nếu mình là mạnh nhất). Khi SBU của doanh nghiệp có vị trí dẫn đầu trong một ngành thì thị phần tương đối của nó sẽ lớn hơn 1.
Cũng có thể dùng thị phần tuyệt đối để biểu diễn trên trục hoành (thị phần tuyệt đối là tỷ số giữa doanh số của SBU của doanh nghiệp so với toàn ngành). Trường hợp này doanh nghiệp có vị trí dẫn đầu ngành sẽ có thị phần tuyệt đối lớn hơn 10%.
Trục tung biểu thị tốc độ tăng trưởng của ngành trong đó có bao gồm SBU của doanh nghiệp (MGR: Market Growth Rate), trục tung phản ánh tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường tính theo %. Tăng trưởng 10% lấy làm điểm cân bằng. Tốc độ lớn hơn 10% được gọi là tăng trưởng càng nhanh, nhỏ hơn 10% được gọi là tăng trưởng chậm, thậm chí có thể tăng trưởng âm. Tốc độ tăng trưởng cũng thể hiện nhu cầu tài chính (vốn đầu tư, vốn lưu động) của SBU. Những hoạt động kinh doanh có tốc độ tăng trưởng càng cao thì càng có nhu cầu đầu tư lớn.
Ma trận BCG được chia làm 4 ô. Mỗi SBU được biểu diễn bằng 1 vòng tròn, độ lớn của mỗi vòng tròn thể hiện tỷ lệ doanh thu sinh ra bởi SBU so với tổng doanh thu của toàn doanh nghiệp. Mỗi vòng tròn SBU sẽ nằm ở 1 trong 4 ô của ma trận BCG, 4 ô này tương ứng với chu kỳ phát triển của ngành với tên gọi và đặc điểm từng ô như sau:
Ô “Dấu hỏi - nghi vấn” (Question Marks): thuộc ô dấu hỏi là các SBU mới gia nhập thị trường và còn yếu về vị thế cạnh tranh (thị phần tương đối thấp hơn đối thủ chính) nhưng có triển vọng tăng trưởng tốt (tốc độ phát triển cao). Do mới thâm nhập thị trường nên các SBU ở vị trí này thường có cầu về vốn rất cao song tổng doanh thu lại nhỏ. Để cạnh tranh thắng lợi thì cần cân nhắc nên đầu tư vào đơn vị kinh doanh chiến lược nào trong ô này. Một SBU nằm trong ô dấu hỏi có thể trở thành ngôi sao nếu được đầu tư thích hợp.
Chiến lược của doanh nghiệp ở ô này có thể là tăng thị phần, tức là di chuyển về phía “ngôi sao”, bằng cách cải tiến sản phẩm, dịch vụ hoặc tập trung đầu tư để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trong thị trường đó. Tuy nhiên, đây là những sản phẩm có tính chất đầu cơ và độ mạo hiểm lớn đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự mạnh dạn đánh liều để đầu tư.
Ô “ngôi sao” (Stars): như tên gọi những SBU nằm trong ô ngôi sao là các SBU dẫn đầu trong ngành (tốc độ phát triển cao, thị phần tương đối cũng cao). Đây là những hoạt động kinh doanh hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng và lợi nhuận lâu dài. Với vị thế này các SBU ngôi sao có khả năng tạo ra tổng doanh thu lớn nếu được đầu tư đầy đủ.
Sản phẩm ngôi sao là ngành kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng lớn và lợi nhuận cao. Vì tăng mạnh đòi hỏi phải đầu tư nhiều và liên tục nên tiền mặt tạo ra ở nhóm sản phẩm này có thể có hoặc không (vì thu hồi vốn được bao nhiêu có thể lại được tái đầu tư).
Định hướng chiến lược cho vị trí này thường là bảo vệ bằng cách tiếp tục đầu tư cải tiến sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường. Đồng thời tranh thủ lợi thế về quy mô sản xuất lớn để hạ giá thành sản xuất và duy trì lợi thế về mặt giá thành.
Ô “Bò sữa” (Cash Cows): đây là những SBU có thị phần tương đối cao nhưng đã bước vào giai đoạn bão hòa (tốc độ tăng trưởng thấp). Nhu cầu đầu tư tài chính cho các SBU này không cao và đây là những hoạt động mang lại nguồn doanh thu lớn và thặng dư tài chính cho doanh nghiệp. Đây chính là nguồn cung cấp tài chính lớn cho doanh nghiệp có thể dùng để đầu tư cho các SBU ở ô “dấu hỏi” và ô “ngôi sao”. Tuy nhiên, nếu các đơn vị kinh doanh chiến lược này không giữ vững được vị trí dẫn đầu thị trường về thị phần tương đối thì sẽ dần dần chuyển xuống ô “điểm chết”.
Định hướng chiến lược cho vị trí này thường là tranh thủ thu lợi nhuận, không đầu tư thêm, cố gắng duy trì ở mức có thể và sử dụng tiền mặt để đầu tư vào sản phẩm ngôi sao có nhiều hứa hẹn.
Ô “Điểm chết” (Dogs): Các SBU nằm trong ô điểm chết phản ánh vị thế cạnh tranh yếu và lại phải kinh doanh trong ngành không có tiềm năng tăng trưởng.
Tại vị trí này, các doanh nghiệp nên rút lui khỏi thị trường bằng cách thu hoạch nhanh, cắt giảm hay giải thể bởi vì các SBU này thường doanh thu thấp lại không có triển vọng phát triển thêm, trong khi chi phí để duy trì sản xuất kinh doanh một sản phẩm thường không nhỏ. Tuy nhiên khi có trường hợp một sản phẩm có thị phần nhỏ trong một thị trường không tiềm năng nhưng lại đóng vai trò thiết yếu đối với vị trí của một sản phẩm khác quan trọng của doanh nghiệp thì trong trường hợp này doanh nghiệp thường chấp nhận trích lợi nhuận từ sản phẩm mạnh để duy trì sản phẩm đang trong vị trí khó khăn nhưng thiết yếu này.
Về logic thì SBU sẽ chuyển lần lượt qua 4 giai đoạn: Dấu hỏi à Ngôi saoàBò sữaàĐiểm chết. Tuy nhiên thực tế SBU có thể chuyển từ Ngôi sao xuống thẳng Điểm chết nếu không duy trì được lợi nhuận tốt. Nguyên nhân do suy giảm của ngành trong khi doanh nghiệp đang có quy mô lớn ở giai đoạn Ngôi sao (chi phí lớn), việc điều chỉnh quy mô không kịp sẽ khiến cho lợi nhuận biên giảm khiến doanh nghiệp mất thị phần vào tay đối thủ vì giá cao.
Như vậy phân tích ma trận BCG sẽ giúp cho việc phân bổ các nguồn lực cho các SBU một cách hợp lý, để từ đó xác định xem cần hay bỏ một SBU nào đó, ưu tiên đầu tư cho SBU nào.
Ma trận BCG bộc lộ một số điểm yếu là quá đơn giản khi chỉ sử dụng hai chỉ tiêu là tốc độ tăng trưởng của thị trường và thị phần tương đối để xác định vị trí của SBU trên thị trường mà không đưa ra được chiến lược cụ thể cho các SBU, không xác định vị trí của SBU kinh doanh các sản phẩm mới.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Các công cụ phân tích và lựa chọn chiến lược về mục tiêu của công cụ ma trận BCG là giúp các nhà chiến lược định vị được các SBU khác nhau và từ đó xác lập được các định hướng phát triển tổ hợp các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Các công cụ phân tích và lựa chọn chiến lược. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.