Cảm nhận về tính triết lí trong bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh
Những bài văn mẫu hay lớp 8
Văn mẫu lớp 8: Cảm nhận về tính triết lí trong bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Đề bài: Cảm nhận về tính triết lí trong bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh
Hướng dẫn
Trong thơ của Bác Hồ có nhiều bài viết về đề tài Đi đường. Đặc biệt trong Nhật kí trong tù có tới gần chục bài (Giải đi sớm, Trên đường đi, Đáp thuyền tới huyện Ung Ninh, Mới đến nhà lao Thiên Bảo…). Con đường Bác đi trong Nhật kí trong tù là con đường chuyển lao. Bác bị giải đi từ nhà tù này đến nhà tù khác ở tỉnh Quảng Tây.
Trên con đường đó Bác đã xúc động, đã suy ngẫm thành thơ – trong đó có bài Đi đường.
Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
Nguyên tác:
Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan
Trùng san chi ngoại hựutrùng san
Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lí dư đồ cố miện gian.
Mở đầu bài thơ là một phán đoán: Đi đường mới biết gian lao.
Một phán đoán luận lí có nội dung và hình thức rất gần với phán đoán hiện thực (chỉ thêm một chữ “mới”). Đó là một nhận thức, một nhận thức có tính khái quát rút ra từ thực tiễn, rất phù hợp với quy luật của nhận thức: “Thực tiễn – nhận thức – thực tiễn”. Câu thơ tiếp là hình ảnh miêu tả cụ thể khách quan về đường đi gian khó, cũng là luận cứ của câu thứ nhất: Núi cao rồi lại núi cao trập trùng. Con đường ấy là con đường chuyển lao nhưng cũng là con đường cách mạng, con đường sự nghiệp, con đường đời.
Một con người đã trải qua con đường cách mạng dài lâu như Bác vẫn nghiệm lại nhận thức của mình. Một ý thức chủ động lao vào thực tế… Nhận thức và thực tiễn, thực tiễn và nhận thức đã chuyển thành ý chí và hành động…
Nếu hai câu đầu là nhận thức về gian lao của đường đi thì hai câu sau lại là kết quả của quá trình trải qua gian lao đó: Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
Đỉnh cao của đường đi cũng là đỉnh cao của gian lao chuyển hóa thành đỉnh cao của cảm xúc và nhận thức. Một hình ảnh thực (núi cao tận cùng), kết quả thực của tri giác, chuyển hóa thành một thu hoạch của tâm hồn, trí tuệ (thu vào tầm mắt…). Câu thơ là một kết luận triết học nhưng trước nhất vẫn là một cảm giác sảng khoái, cảm giác thực của con người khi lên tới đỉnh núi sau một chặng đường dài khó nhọc, được đứng lại nhìn cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp trải rộng dưới chân đến hút tầm mắt. Nhưng cảm giác đó mặc dù rất nhân bản vẫn không hẳn là đích của bài thơ. Đích của bài thơ là một bài học, một quy luật: Muốn có tầm cao về tâm hồn, trí tuệ phải chịu khó vượt qua nhiều gian lao thử thách. Gian lao càng nhiều, thử thách càng cao thì tâm hồn, trí tuệ càng được nâng cao, mở rộng. Đỉnh cao của gian khó chuyển thành đĩnh cao của tâm hồn, trí tuệ, cũng là đỉnh cao của hạnh phúc, hạnh phúc của “đại giác”. Gian khó được coi là cái giá của tầm cao tư tưởng và tâm hồn. Cao Bá Quát xưa cũng viết:
Bất kiến ba đào tráng
An tri vạn lí tâm
(Nếu không thấy ba đào hùng tráng,
Thì biết sao được tấm lòng muôn dặm).
Những tư tưởng lớn gặp nhau, nhưng Hồ Chí Minh nói giản dị hơn. Vương Chi Hoán, nhà thơ đời Đường xưa trong bài Đăng quán tước lâu, cũng có câu: “Dục cùng thiên lí mục – Cánh thượng nhất tằng lâu”. (Muôn tầm mắt nhìn thấu ngàn dặm. Hãy lên cao thêm một tầng lầu).
Nhưng kết quả thu nhận ở đây giành được có vẻ dễ dàng hơn vì đó là thu nhận, dẫu có tính triết học, cũng là của người ngoạn cảnh, còn trong bài Đi đường của Hồ Chí Minh, sự thu hoạch thuộc về người tự xác định mình là “chinh nhân” ở trên “chinh đồ” (Giải đi sớm). Người đó là chiến sĩ nhưng cũng là thi sĩ nên đã trải trái tim mình trên suốt chặng đường đi. Người ấy cũng là triết nhân nhưng không hề tư biện, không minh họa tư tưởng có sẵn bằng hình ảnh sáo mòn mà suy ngẫm trong sự sống đầy cảm xúc của chính mình. Điều đó làm cho bài thơ triết lí vẫn rung động lòng người và tư tưởng của nó đã đi sâu vào tâm trí người đọc và ở lại đó như một điều tâm đắc, một điều chiêm nghiệm và từ đó trở thành phương châm sống, thành ý chí và hành động của con người. Và đó cũng là một bí quyết thành công, một đặc điểm thi pháp thơ triết lí, thơ suy tưởng của nhà thơ Hồ Chí Minh.