Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Câu hỏi ôn thi môn Đường lối Cách Mạng ĐCSVN - Chương 4

Câu hỏi ôn thi môn Đường lối Cách Mạng ĐCSVN - Chương 4 được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Câu hỏi ôn thi môn Đường lối Cách Mạng ĐCSVN - Chương 4

Câu 1: Bạn hãy trình bày một cách khái quát đường lối công nghiệp hóa ở nước ta những năm trước đổi mới là gì?

Đáp án

Đường lối công nghiệp hóa thời kỳ trước đổi mới trải qua hai giai đoạn: từ năm 1960 đến năm 1975 triển khai ở miền Bắc và từ năm 1975-1985 trên phạm vi cả nước.

Giai đoạn 1960 – 1975: Đại hội III xác định: Mục tiêu xây dựng nền kinh tế XHCN cân đối, hiện đại, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH. Về cơ cấu kinh tế đảng ta xác định kết hợp cả công nghiệp và nông nghiệp, lấy công nghiệp nặng làm nền tảng.

Về phương hướng: (Hội nghị TW 7 – Khóa III) ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, trên cơ sở phát triển công nghiệp nhẹ và nông nghiệp. Ra sức phát triển công nghiệp trung ương, đồng thời phát triển công nghiệp địa phương.

Từ 1975 – 1985: ĐH IV xác định như nội dung của miền Bắc trước đây, nhưng trên cơ sở nhận thức ở trình độ cao hơn và đầy đủ hơn.

  • Nhấn mạnh từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN.
  • Khẳng định mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp nặng với công nghiệp nhẹ và nông nghiệp.

Đại hội V: nêu lên khái niệm chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ, nhiệm vụ của công nghiệp hóa là: lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu, thực hiện ba chương trình kinh tế lớn: sản xuất hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Việc phát triển công nghiệp nặng trong giai đoạn này cần làm có mức độ, vừa sức, thiết thực hiệu quả phục vụ cho nông nghiệp và công nghiệp nhẹ.

Câu 2: Những kết quả, ý nghĩa và hạn chế, nguyên nhân của đường lối CNH ở nước ta thời kỳ trước đổi mới là gì?

Đáp án

Về kết quả:

  • Công nghiệp hóa nước ta thời kỳ trước đổi mới diễn ra trong điều kiện kinh tế kế hoạch hóa tập trung, những tiền đề vật chất cần thiết cho công nghiệp hóa còn rất hạn chế và trong điều kiện chiến tranh phá hoại, nhưng cũng đạt được những kết quả quan trọng.
  • Xây dựng được những cơ sở công nghiệp bước đầu có ý nghĩa quan trọng để phát triển nhanh hơn giai đoạn tiếp theo.

Ví dụ: so với năm 1955, số xí nghiệp tăng lên 16,5, lần. Nhiều khu công nghiệp lớn đã hình thành: thủy điện hòa Bình, Gang thép Thái Nguyên, cơ khí Gia Lâm v.v….

  • Đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lành nghề xấp xỉ 43 vạn người, gấp 19 lần so với 1960.

Về hạn chế:

  • Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công nghiệp hóa thời kỳ trước đổi mới cũng còn nhiều hạn chế.
  • Cơ sở vật chất kỹ thuật còn lạc hậu. Những ngành công nghiệp then chốt còn nhỏ bé và chưa được xây dựng đồng bộ, chưa đủ sức làm nền tảng cho nền kinh tế quốc dân.
  • Lực lượng sản xuất trong nông nghiệp mới chỉ bước đầu mới phát triển, nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho xã hội, đất nước không những nghèo nàn mà còn rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế- xã hội.

Nguyên nhân của tình hình trên là:

  • Về mặt khách quan: Việt Nam làm công nghiệp hóa từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu và trong điều kiện chiến tranh kéo dài, không tập trung sức người, sức của cho công nghiệp hóa.
  • Về mặt chủ quan: do sai lầm nghiêm trọng trong việc xác định mục tiêu, bước đi, bố trí cơ cấu đầu tư, cơ cấu sản xuất, chủ quan duy ý chí, giáo điều trong nhận thức.

Câu 3: Những sai lầm nào trong nhận thức mà Đại hội VI của Đảng đã phê phán về đường lối công nghiệp hóa thời kỳ 1960-1985?

Đáp án

Sai lầm trong việc xác định mục đích, bước đi về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tạo XHCN và quản lý kinh tế…Do tư tưởng chủ quan, nóng vội muốn bỏ qua những bước đi cần thiết nên chúng ta đã chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa khi chưa có đủ các điều kiện cần thiết, mặt khác chậm đổi mới cơ chế quản lý kinh tế.

  • Sai lầm trong bố trí cơ cấu kinh tế thiên về công nghiệp nặng.
  • Chưa xem nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, công nghiệp nặng không kịp thời phục vụ công nghiệp nhẹ và nông nghiệp.

Câu 4: Mục tiêu, quan điểm công nghiệp hóa hóa nước ta trong những năm sắp tới là gì? Hãy phân tích quan điểm vì sao Đảng ta xác định trong sự nghiệp công nghiệp hóa ở nước ta phải lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản để phát triển nhanh và bền vững?

Đáp án

Về mục tiêu: “Xây dựng nước ta thành nước công nghiệp, có CSVCKT hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, QHSX tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của LLSX, mức sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng an ninh vững chắc, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh.

Quan điểm CNH, HĐH ở nước ta:

Một là: CNH gắn với HĐH và CNH, HĐH gắn với nền kinh tế tri thức.

Hai là: CNH, HĐH gắn với sự phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế.

Ba là: lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản để phát triển nhanh và bền vững. (trong 5 nhân tố phát triển, con người là quan trọng).

Bốn là: Khoa học công nghệ là nền tảng, động lực của CNH, HĐH.

Năm là: phát triển nhanh, bền vững hiệu quả, tăng trưởng kinh tế đi đôi với việc thực hiện tiến bộ và công bằng XH, bảo vệ môi trường thiên nhiên và bảo vệ sự đa dạng sinh học.

Sáu là: CNH, HĐH gắn với việc bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Đảng ta xác định trong sự nghiệp CNH ở nước ta phải lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản để phát triển nhanh và bền vững là vì:

  • Trong các yếu tố tham gia vào quá trình CNH, HĐH ở nước ta: vốn, khoa học công nghệ, con người, cơ cấu kinh tế, thể chế chính trị và sự quản lý của nhà nước thì con người là quan trọng nhất. Đó là nguồn lực quan trọng của mọi nguồn lực, tài nguyên quan trọng của mọi thứ tài nguyên. Muốn vậy phải tăng cường đầu tư cho y tế, giáo dục, xem giáo dục là quốc sách hàng đầu.
  • CNH là sự nghiệp của toàn dân, của mọi thành phần kinh tế, trong đó lực lượng cán bộ khoa học công nghệ, cán bộ quản lý và công nhân lành nghề có vai trò quan trọng. Sự nghiệp CNH ở nước ta đòi hỏi phải có nguồn lực con người đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu trình độ, có khả năng nắm bắt và sáng tạo công nghệ mới v.v...

Câu 5: Hãy phân tích kết quả, ý nghĩa, nguyên nhân và những hạn chế của đường lối CNH ở nước ta trong những năm đổi mới?

Đáp án

Kết quả thực hiện đường lối và ý nghĩa.

  • Sau hơn 20 năm đổi mới, đất nước ta đã thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, trong đó có thành tựu CNH, HĐH.
  • Một là, cơ sở vật chất, kỹ thuật của đất nước được tăng cường đáng kể, khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế được nâng cao.
  • Hai là, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
  • Ba là, góp phần quan trọng đưa nền kinh tế nước ta tăng trưởng cao liên tục nhiều năm.
  • Những thành tựu trên có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để phấn đấu để sớm đưa nước ta thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển và trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Hạn chế và nguyên nhân.

Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, sự nghiệp CNH, HĐH nước ta cũng còn nhiều hạn chế:

  • Tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn thấp so với khả năng và thấp hơn nhiều các nước trong khu vực thời kỳ đầu CNH.
  • Các nguồn lực của đất nước chưa được sử dụng có hiệu quả cao.
  • Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm.
  • Các vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy được lợi thế để đi nhanh vào cơ cấu công-nông nghiệp-dịch vụ hiện đại.
  • Cơ cấu các thành phần kinh tế chưa xứng với tiềm năng.
  • Cơ cấu đầu tư chưa hợp lý.

Nguyên nhân:

  • Nhiều chủ trương, chính sách chưa đủ mạnh để huy động và sử dụng tốt nhất các nguồn lực (cả nội và ngoại lực) vào phát triển kinh tế- xã hội.
  • Cải cách hành chính còn chậm và kém hiệu quả, công tác tổ chức cán bộ chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu.
  • Chỉ đạo, tổ chức và thực hiện yếu kém v.v…
  • Ngoài các nguyên nhân chung nói trên, còn có các nguyên nhân cụ thể như: công tác quy hoạch chất lượng kém, nhiều bất hợp lý dẫn đến quy hoạch “treo” khá phổ biến, gây lãng phí nghiêm trọng, cơ cấu đầu tư kém hiệu quả, công tác quản lý yếu kém…

---------------------------------------

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Câu hỏi ôn thi môn Đường lối Cách Mạng ĐCSVN - Chương 4. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 412
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm