Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 20: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

Giải bài tập Ngữ văn bài 20: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 20: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 7 chuẩn bị cho bài giảng của học kỳ 2 sắp tới đây của mình. Mời các bạn tải và tham khảo

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

Hồ Chí Minh

I. Kiến thức cơ bản

- Bằng những dẫn chứng cụ thể, phong phú, giàu sức thuyết phục trong lịch sử dân tộc và cuộc kháng chiến chống Pháp, bài văn đã làm sáng tỏ một chân lí: “Dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn. Đó là truyền thống quý báu của ta”.

- Bài văn là một mẫu mực về lập luận, bố cục và cách dẫn chứng của thể văn nghị luận.

II. Hướng dẫn đọc – hiểu văn bản

Câu 1. Bài văn nghị luận về vấn đề gì? Em hãy tìm (ở phần mở đầu) câu chốt thâu tóm nội dung vấn đề nghị luận trong bài.

+ Bài văn nói về lòng yêu nước.

+ Câu chốt thâu tóm nội dung vấn đề nghị luận: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta”.

Câu 2. Tìm bố cục của bài văn và lập dàn ý theo trình tự lập luận trong bài.

+ Bố cục bài văn: Gồm 3 phần

- Mở bài (Từ đầu đến lũ cướp nước): Tinh thần và sức mạnh của lòng yêu nước.

- Thân bài (tiếp đến nồng nàn yêu nước): Chứng minh lòng yêu nước trong lịch sử chống ngoại xâm (đoạn 1) và trong cuộc kháng chiến hiện tại (đoạn 2).

- Kết bài (đoạn còn lại): Nêu lên nhiệm vụ phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân.

+ Dàn ý theo trình tự lập luận.

+ Khẳng định sức mạnh của lòng yêu nước.

+ Chứng minh sức mạnh của lòng yêu nước qua thực tế lịch sử.

+ Chứng minh sức mạnh của lòng yêu nước bằng cuộc kháng chiến hiện tại.

+ Sự quý giá của lòng yêu nước và nhiệm vụ phát huy tinh thần yêu nước ấy.

Câu 3. Để chứng minh cho nhận định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”, tác giả đã đưa ra những dẫn chứng nào và sắp xếp theo trình tự như thế nào?

+ Để chứng minh cho nhận định, tác giả đã đưa ra những dẫn chứng tiêu biểu lấy từ thực tế cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc trong lịch sử và hiện tại.

+ Các dẫn chứng đó được sắp xếp theo trình tự:

- Trình tự về thời gian: Quá khứ - hiện tại.

- Trình tự về không gian: Miền xuôi, miền ngược, nước ngoài - trong nước.

- Trình tự về lứa tuổi: Già - trẻ, gái – trai.

- Trình tự về lĩnh vực: Mặt trận, hậu phương.

Câu 4. Trong bài văn, tác giả đã sử dụng những hình ảnh so sánh nào? Nhận xét về tác dụng của biện pháp so sánh ấy. Trong bài tác giả đã hai lần sử dụng biện pháp so sánh.

+ So sánh thứ nhất dưới hình thức ẩn dụ:

“Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó biến thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”.

Bác Hồ đã dùng hình ảnh cụ thể, sinh động để diễn tả cái trừu tượng, dùng hình ảnh những con sóng lớn cuồn cuộn dâng trào giữa đại dương bao la nhằm làm nổi bật sức mạnh lớn lao của lòng yêu nước, làm cho nội dung biểu đạt trở nên sinh động, dễ hiểu, gây ấn tượng sâu sắc.

+ So sánh thứ hai ở đoạn văn cuối bài:

“Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm”.

Cách so sánh rất đặc sắc, lấy cái cụ thể gần gũi để so sánh với cái trừu tượng vô hình làm cho người đọc hình dung được một cách rõ ràng về hai biểu hiện, hai hoàn cảnh của lòng yêu nước: Biểu hiện sôi nổi cuồng nhiệt, và biểu hiện kín đáo tiềm tàng ẩn chứa bên trong, trong hoàn cảnh bình thường và hoàn cảnh khi Tổ quốc bị xâm lăng.

Câu 5. Đọc lại đoạn văn từ: “Đồng bào ta ngày nay” đến “nơi lòng nồng nàn yêu nước” và hãy cho biết: Câu mở đầu và câu kết của đoạn? Các dẫn chứng được sắp xếp theo cách nào? Mối liên hệ giữa chúng?

a) Câu mở và câu kết của đoạn

+ Câu mở đoạn: “Đồng bào ta ngày nay rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước”.

+ Câu hết đoạn: “Những cử chỉ cao quý đó tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước”.

b) Cách sắp xếp dẫn chứng Theo nhiều bình diện có tính bao quát.

+ Lứa tuổi: già - trẻ.

+ Không gian địa lí: Trong nước - ngoài nước, miền xuôi – miền ngược.

+ Nhiệm vụ đảm trách: Tiền tuyến – hậu phương.

+ Thành phần giai cấp: Công nhân, nông dân – điền chủ.

c) Mối liên hệ

Các sự việc và con người được liên kết theo mô hình: “từ... đến...” thể hiện các dẫn chứng cùng ở trên một bình diện và làm cho sự việc và con người thống nhất với nhau. Chính vì vậy, cùng một lúc có thể đưa được nhiều dẫn chứng phong phú, sinh động.

Câu 6. Theo em, nghệ thuật nghị luận ở bài này có những đặc điểm gì nổi bật?

Đây là một bài văn nghị luận mẫu mực, điều đó được thể hiện ở:

+ Bố cục: Đầy đủ ba phần rõ ràng, mạch lạc, cân đối.

+ Dẫn chứng: Toàn diện, tiêu biểu, sinh động, cụ thể.

+ Trình tự đưa dẫn chứng: Rất tự nhiên, có lớp lang, có thứ tự hợp lí chặt chẽ.

+ Lời văn: Chặt chẽ, lôgíc, giàu hình ảnh, mang tính biểu cảm cao.

III. Hướng dẫn luyện tập.

Câu 1. Yêu cầu chúng ta học thuộc hai đoạn đầu, nhưng nếu có điều kiện các em học thuộc hết cả bài thì càng tốt hơn.

Câu 2. Viết một đoạn văn theo lối liệt kê khoảng 4 – 5 câu có sử dụng mô hình liên kết “từ... đến”.

Yêu cầu của câu hỏi không bị giới hạn về chủ đề, mà chỉ giới hạn về số câu, các em có thể viết theo chủ đề mình yêu thích.

Sau khi hai cuốn nhật kí của Đặng Thuỳ Trâm và Nguyễn Văn Thạc được công bố đã tạo nên sự tác động sâu sắc đối với mọi người từ già đến trẻ, từ gái đến trai không ai lại không tìm đọc hai cuốn nhật kí ấy. Từ những người đã sống trong chiến tranh đến những người sinh ra lớn lên trong thời bình, từ những người lính đã cầm súng chiến đấu ở phía bên này đến những người đối lập ở phía bên kia ai ai cũng đều trăn trở, nghĩ suy. Đó quả là sự kì diệu của những linh hồn đã hi sinh cao đẹp cho Tổ quốc.

IV. Tư liệu tham khảo

Mô hình câu “từ.. đến...” và phép liệt kê vốn là cách hành văn, cách dẫn chứng không dễ. Người non tay dễ phạm khuyết điểm viết câu rườm rà, dẫn chứng đơn điệu, trùng lặp, lan man. Vậy mà, qua tài năng của Hồ Chí Minh, kiểu câu ấy, cách liệt kê ấy vẫn tự nhiên, rất sinh động, vừa bảo đảm tính toàn diện của dẫn chứng, vừa giữ được mạch văn trôi chảy thông thoáng, cuốn hút người đọc, người nghe. Qua đoạn văn này của Bác, chúng ta học tập được nhiều điều về kiểu văn nghị luận chứng minh.

(Theo Vũ Dương Quỹ - Bình giảng văn 7)

Tóm lại, bằng một hệ thống lập luận chặt chẽ, đanh thép, lí lẽ sắc bén cùng với các thủ pháp so sánh, liệt kê,... được sử dụng sáng tạo và hiệu quả, Hồ Chủ tịch đã khẳng định và chứng minh một cách thuyết phục về tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

(Theo Tư liệu ngữ văn 7 – do Đỗ Ngọc Thống chủ biên)

Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan

Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 20: Câu đặc biệt

Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 20: Luyện tập về phương pháp lập luận trong văn nghị luận

Chia sẻ, đánh giá bài viết
4
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Học tốt Ngữ Văn 7

    Xem thêm